Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc ứng dụng hệ thống tự động vào vận hành kinh doanh F&B để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng ngày càng phổ biến. Thậm chí, nhiều nhà hàng tại Trung Quốc đã vận hành theo hình thức khách hàng tự phục vụ và chỉ có nhân viên bộ phận bếp chế biến món ăn. Tuy nhiên, liệu vận hành kinh doanh F&B phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ hiện đại có thực sự tốt? Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Sự phát triển “thần tốc” của yếu tố công nghệ trong ngành F&B tại Việt Nam
Công nghệ đã mang lại nhiều giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là menu điện tử – hình thức dùng smartphone quét mã QR Code để đặt món. Với giải pháp thông minh này, yếu tố tự động không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự, góp phần tăng trưởng doanh thu mà còn đem đến cho thực khách những trải nghiệm thú vị, hiện đại và văn minh hơn.
Tại các nhà hàng buffet lẩu thường đông khách vào giờ cao điểm, khách hàng sẽ cảm thấy khó khăn và bất tiện trong việc gọi thêm món do không gian ồn ào, nhân viên quá tải,… dễ dẫn đến việc nhầm lẫn thông tin, phục vụ sai món. Khi áp dụng giải pháp menu điện tử, khách hàng hoàn toàn có thể tự chủ động trong việc gọi món, không phải í ới gọi nhân viên mà thông tin order vẫn đảm bảo chính xác. Mọi trải nghiệm đều được tối ưu để mang đến sự hài lòng cho khách hàng và hình ảnh chuyên nghiệp cho nhà hàng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các hình thức thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại như thanh toán qua ví điện tử (MoMo, VNPay, ShopeePay,…) hay quẹt thẻ ngân hàng (Napas, Visa, Mastercard,…) cũng bùng nổ hơn bao giờ hết tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Áp dụng đa dạng hình thức thanh toán giúp nhà hàng gia tăng tốc độ phục vụ, hạn chế nhân viên gian lận, đồng thời mang đến sự tiện lợi cho khách hàng khi không phải quan tâm đến tiền mặt khi sử dụng dịch vụ.
2. Yếu tố về mặt cảm xúc trong kinh doanh F&B – Liệu công nghệ có thể thay thế?
Ngày nay, khách hàng đến với các nhà hàng, quán cafe không đơn giản chỉ vì món ăn hay đồ uống ngon. Chất lượng dịch vụ ngày càng trở thành vấn đề mang tính “sống còn” để một thương hiệu F&B có thể thu hút và giữ chân khách hàng.
Theo tạp chí Psychology Today, chỉ số cảm xúc (EQ) là khả năng nhận thức, kiểm soát cảm xúc của chính bạn và cả của những người khác. Có thể bạn sẽ gặp rất nhiều nhóm khách hàng nhưng tất cả đều chỉ có hai loại cảm xúc: tích cực và tiêu cực. Cảm xúc tích cực đến từ việc ngạc nhiên, hạnh phúc và biết ơn; ngược lại cảm xúc tiêu cực đến từ sự tức giận và thất vọng. Và tất nhiên, thương hiệu nào cũng muốn đem lại cho khách hàng những cảm xúc tích cực nhất.
Ví dụ, có một khách hàng vì thời tiết mưa bão không thể ra ngoài đi mua đồ ăn. Anh ta gọi điện tới rất nhiều quán ăn để hỏi về việc giao hàng, nhưng không bên nào đồng ý vì quá tải giao vận. Cuối cùng anh ta gọi điện đến nhà hàng X – quán ăn nhỏ và không có dịch vụ giao hàng.
Khi đó sẽ có hai trường hợp xảy ra. Nếu nhà hàng X từ chối giao hàng vì quán có rất ít nhân viên, anh khách hàng trên sẽ vô cùng thất vọng. Ngược lại, nếu chính chủ nhà hàng X có thể đồng cảm, nhận giao đồ ăn và không thu thêm phí vận chuyển, khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng và vui vẻ từ sự nhiệt đình, ân cần và chu đáo từ thương hiệu.
Bản chất của dịch vụ khách hàng là sự thấu hiểu, giao tiếp và kết nối. Chỉ con người mới có thể tạo ra những yếu tố cảm xúc tích cực cho khách hàng một cách linh hoạt, khéo léo. Nếu không có cảm xúc, không thấu hiểu tâm lý khách hàng, các nhà hàng ăn uống làm sao có thể chinh phục những “thượng đế” ấy thành công?
3. Tầm quan trọng của yếu tố cảm xúc đến sự thành công của ngành F&B tại Việt Nam
Yếu tố cảm xúc là một trong những khía cạnh chủ chốt trong việc quyết định sự thành bại của các thương hiệu F&B. Khách hàng ngày nay rất dễ “cảm nắng” bởi những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn như bảo vệ dắt xe, nhân viên nhiệt tình hỗ trợ hay đơn giản là một nụ cười chào đón,… Đương nhiên, tất cả những hành động ấy đều được thực hiện bởi con người. Công nghệ khó có thể đem lại những trải nghiệm giàu cảm xúc như vậy cho khách hàng.
Không ai muốn được phục vụ bởi những nhân viên cứng nhắc như “robot” được lập trình sẵn tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống. Nhiều nhân viên phục vụ thường lặp đi lặp lại những câu hỏi như: “Anh/chị ngồi bàn nào ạ?”, “Anh/chị chọn món gì ạ”, “Anh/chị thanh toán bằng hình thức nào ạ?”,… cùng với gương mặt “lạnh như băng”. Khi thiếu yếu tố cảm xúc, khách hàng sẽ không có đủ ấn tượng sâu sắc với thương hiệu để quay lại vào lần sau.
Các yếu tố cảm xúc luôn được khách hàng đề cao khi sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài. Khách hàng hiện nay là một thế hệ quan tâm đến giá trị trải nghiệm. Họ kỳ vọng một dịch vụ đề cao tính cá nhân hóa và tạo cảm giác đặc biệt. Thương hiệu nào mang đến sự thỏa mãn về mặt cảm xúc trên cả mong đợi của nhiều khách hàng nhất thì thương hiệu đó sở hữu vũ khí giữ chân khách hàng mạnh nhất.
Suy cho cùng, đúng là các giải pháp công nghệ vô cùng quan trọng nhưng chỉ giúp cho các nhà hàng, quán cafe nâng cao trải nghiệm cho khách hàng chứ không thể thay thế hoàn toàn yếu tố cảm xúc từ con người. Chủ quán cần kết hợp hai yếu tố này cân bằng, hợp lý để kinh doanh F&B thuận lợi và thành công.
Bạn hãy thử tham khảo một số phần mềm sau nếu như đang vận hành quán cafe của bản thân nhé!