Không thể phủ nhận mức độ phủ sóng và số lượng người dùng “khủng” của các nền tảng Facebook, TikTok, Youtube,… đối với thị trường F&B. Nhưng với lợi thế là một mạng xã hội hình ảnh lớn nhất thế giới được giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z ưa chuộng, Instagram được kỳ vọng là công cụ tương lai, thậm chí vượt mặt cả Facebook. Vậy làm thế nào để có thể tận dụng tối đa hoạt động tiếp thị trên Instagram cho doanh nghiệp? Hãy cùng iPOS.vn theo dõi trong bài viết dưới đây!
Nội dung [hiển thị]
- 1. Tầm ảnh hưởng của Instagram với giới trẻ hiện nay
- 2. Bí quyết marketing đúng chuẩn trên Instagram
- 2.1. Kể chuyện bằng hình ảnh – Sức mạnh “chạm” đến khách hàng
- 2.2. Chú trọng vào chất lượng nội dung
- 2.3. Kết nối với khách hàng – Chìa khóa dẫn đến thành công
- 2.4. Đăng tải lại nội dung do người dùng tạo
- 2.5. Tận dụng sức mạnh của hashtag
- 2.6. Bắt tay với các Food Bloggers
- 2.7. Tổ chức các sự kiện/cuộc thi trên Instagram
- 2.8. Quảng cáo trên Instagram
1. Tầm ảnh hưởng của Instagram với giới trẻ hiện nay
Bất cứ ai sử dụng mạng xã hội sẽ biết những bức ảnh về đồ ăn thịnh hành như thế nào trên Instagram. Với 450 triệu bức ảnh được gắn thẻ #food trên Instagram (tính đến năm 2021) và nghiên cứu cho thấy rằng 1/3 thế hệ trẻ thường xuyên đăng ảnh đồ ăn của họ trên mạng xã hội. Phải chăng đã đến lúc các thương hiệu cần đầu tư thẩm mỹ hơn cho các bức ảnh đăng social?
Instagram là mạng xã hội tập trung vào hình ảnh và video, được thế hệ Z tại Việt Nam và thế giới ưa chuộng. Với tính trực quan về nội dung và hình ảnh, Instagram đã phát triển đạt mốc 1 tỷ người dùng hàng tháng. Hơn nữa, có hơn 4 tỷ lượt thích mỗi ngày trên Instagram và mỗi hình ảnh được đăng trên nền tảng này có mức độ tương tác trung bình cao hơn 23% so Facebook.
Instagram là mạng xã hội tập trung vào hình ảnh và video, được thế hệ Z ưa chuộng.
Instagram được ưu ái và đầu tư đáng kể trong Marketing ngành nhà hàng/cafe với nhóm người dùng trong độ tuổi vị thành niên từ 16-35 tuổi. Họ có xu hướng tiêu dùng thoải mái và dành thời gian nghiên cứu các món ăn hấp dẫn trên Instagram trước khi đến nhà hàng. Khoảng 30% khách hàng tránh xa nhà hàng nếu Instagram không thật sự ấn tượng và nổi bật. Bởi vậy nhiều nhà hàng cũng đã định hướng được xu hướng làm thương hiệu trên Instagram, đặc biệt đối tượng khách hàng là giới trẻ.
Hơn nữa các chính sách của Instagram đang dần hoàn thiện, cho phép chủ doanh nghiệp/nhà quảng cáo tận dụng nguồn traffic vô cùng lớn này. Các công cụ của Facebook và Instagram hiện nay đã được liên kết linh hoạt và rất dễ sử dụng để tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng. Bởi vậy, thị trường khách hàng trên Instagram là được đánh giá là rất tiềm năng để nhà hàng/cafe khởi động marketing.
2. Bí quyết marketing đúng chuẩn trên Instagram
2.1. Kể chuyện bằng hình ảnh – Sức mạnh “chạm” đến khách hàng
Thay vì phương pháp kể lể tràng giang đại hải bằng chữ thì kể chuyện bằng hình ảnh là phương pháp hữu hình, kiệm ngôn, nhìn vào hình ảnh người dùng sẽ lập tức hiểu và nhớ được thông điệp mà thương hiệu thể hiện.
Hãy tận dụng sức mạnh của mạng xã hội hình ảnh lớn nhất này để đánh vào thị giác của người dùng về nhà hàng/quán cafe của bạn. Từ không gian quán, cho đến thực đơn, nhân viên,… hãy cập nhật đầy đủ trên Instagram để khách hàng có cái nhìn tổng quan nhất. Bên cạnh những yếu tố ngoài lề, đừng quên tập trung vào hình ảnh sản phẩm cốt lõi là món chính, quyết định khách hàng có đến với quán của bạn hay không.
Bên cạnh đó, cũng có thể đổi mới cách tiếp thị hình ảnh bằng các video quay lại quá trình chuẩn bị nguyên liệu, chế biến món ăn và thành phẩm cuối cùng. Thời lượng phù hợp cho những video này không nên dài quá một phút.
Nội dung càng hấp dẫn, hình ảnh càng đẹp thì nhà hàng càng có cơ hội thu hút nhiều khách hàng hơn.
2.2. Chú trọng vào chất lượng nội dung
Nội dung càng hấp dẫn, hình ảnh càng đẹp thì nhà hàng càng có cơ hội thu hút nhiều khách hàng hơn. Nếu bạn đang bí ý tưởng không biết xây dựng nội dung như thế nào thì hãy trả lời các câu hỏi: Hành vi, sở thích, mối quan tâm,… của khách hàng là gì? Đâu là khoảng thời gian phù hợp để tung ra các chương trình truyền thông, khuyến mãi để tăng doanh thu? Sau khi trả lời các câu hỏi này, bạn có thể yên tâm cho ra đời những nội dung chất lượng, thu hút khách hàng.
Thực ra bạn không nhất định phải đăng những nội dung mang tính chất “bán hàng” liên tục, đừng cố gắng “thương mại hoá” và khiến Instagram trở thành công cụ để bán hàng. Người tiêu dùng ngày càng khắt khe và có quyền lực mạnh mẽ hơn trên môi trường mạng xã hội, nơi họ dễ dàng “hạ sát” những thương hiệu không mang lại giá trị, hay thậm chí đi ngược lại mong đợi của họ.
Khách hàng sẽ cảm thấy thoải mái khi tiếp cận những nội dung gần gũi và có tính tương tác cao. Đơn giản chỉ là những thông tin hữu ích, khéo léo lồng ghép hình ảnh, câu chuyện hấp dẫn về thương hiệu. Sau một thời gian, thương hiệu sẽ ghi dấu trong lòng khách hàng. Có thể họ không lựa chọn bạn ngay lập tức, nhưng đến một ngày khi họ cảm nhận được giá trị và cảm xúc bạn đem lại, họ sẽ chủ động tìm kiếm và sử dụng dịch vụ của bạn.
Chìa khóa để thành công khi làm marketing trên các kênh Social Media là sự tương tác.
2.3. Kết nối với khách hàng – Chìa khóa dẫn đến thành công
Chìa khóa để thành công khi làm marketing trên các kênh Social Media là sự tương tác. Tâm lý của khách hàng sẽ thích thú, quan tâm tới những thương hiệu có sự tương tác thường xuyên, có cá tính và quan tâm tới họ. Vì vậy, hãy khiến khách hàng cảm thấy bạn thấu hiểu họ, chăm chỉ tương tác với khách hàng và bạn cũng sẽ hiểu được họ thích gì, nghĩ gì và muốn gì từ bạn. Từ đó bạn có thể thay đổi, hoàn thiện sản phẩm dịch vụ của mình để thỏa mãn khách hàng hơn.
Sẽ thật vô nghĩa nếu dành toàn bộ thời gian và công sức để sáng tạo nội dung nhưng khách hàng lại không thể nhìn thấy nó, khách hàng sẽ “lãng quên” bạn nếu bạn không chịu khó đăng bài thường xuyên. Bởi vậy, tần suất 1-2 bài viết/ngày là số lượng vừa đủ để khách hàng luôn nhớ đến thương hiệu và không cảm thấy “bội thực”. Cùng với đó, hãy tìm hiểu thời gian mà khách hàng hoạt động tích cực nhất và đăng tải nội dung phù hợp nhất.
Đọc thêm: TikTok – Nam châm F&B Marketing các nhà hàng không thể bỏ qua
2.4. Đăng tải lại nội dung do người dùng tạo
Người dùng Instagram đa phần là giới trẻ và họ thường có xu hướng chụp ảnh, đăng tải hình ảnh các buổi đi chơi, đi ăn và chia sẻ lên mạng xã hội. Bởi vậy, hãy bật tính năng gắn thẻ vị trí cho nhà hàng để thực khách có thể thêm bài đăng và gắn thẻ trên các bài đăng của họ. Bằng cách này bạn có thể tổng hợp toàn bộ nội dung, hình ảnh được khách hàng chụp tại nhà hàng và đăng lại chúng lên Instagram của bạn.
“Một đồn mười, mười đồn một trăm”, các thông tin được “truyền tai nhau” một cách nhanh chóng trong cộng đồng. Nếu như trước đây, marketing truyền miệng bị giới hạn bởi khoảng cách vật lý và thời gian thì giờ đây với phương tiện truyền thông xã hội, những gì bạn chia sẻ có thể tiếp cận hàng triệu người dùng chỉ trong vài giây. Với mỗi lượt chia sẻ, đăng lại, marketing truyền miệng mang tiềm năng phát triển theo cấp số nhân.
Theo báo cáo của Nielsen, 92% người tiêu dùng coi lời khuyên từ bạn bè, người thân là một nguồn thông tin đáng tin cậy trước khi họ rút ví cho một sản phẩm/dịch vụ nào đó. Đây cũng là cách hiệu quả để mỗi khách hàng tự nguyện rỉ tai nhau về mặt hàng bạn kinh doanh. Trước khi đăng tải, hãy xin phép trước khi chia sẻ lại nội dung của khách hàng và gửi đến họ lời cảm ơn.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức marketing truyền miệng là khó kiểm soát về mặt thời gian và cách thức xảy ra. Khách hàng có thể tự lựa chọn liệu họ có chia sẻ với bạn bè về trải nghiệm của họ hay không. Và không phải lúc nào truyền miệng cũng mang đến hiệu quả tích cực. Những khách hàng có trải nghiệm không tốt có thể lan truyền cảm xúc tiêu cực về thương hiệu. Chính điều này có thể ngăn cản khách hàng tiềm năng tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ của bạn.
Hashtag là công cụ hiệu quả để lan truyền nội dung trên Instagram
2.5. Tận dụng sức mạnh của hashtag
Hashtag là công cụ hiệu quả để lan truyền nội dung trên Instagram và bạn có thể thêm tối đa 30 thẻ hashtag trên mỗi bài post. Bạn có thể dễ dàng tự tạo một hashtag độc quyền cho thương hiệu của mình và khuyến khích khách hàng sử dụng mỗi lần check-in tại nhà hàng, kết hợp với các chương trình khuyến mãi như mua 1 tặng 1, tặng voucher giảm giá,…
Tuy nhiên, không nên sử dụng các hashtag quá cơ bản và rộng như #food, #tasty, #foodporn,… vì điều này sẽ khiến bài đăng của bạn “chìm nghỉm” trong vô số các nội dung tương tự trên Instagram.
2.6. Bắt tay với các Food Bloggers
Đối tượng khách hàng trẻ tuổi đang nắm giữ trong tay thị phần tiêu thụ lớn và họ có tâm lý đưa quyết định thông qua sự đánh giá từ các cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Một lời khen, một sự ủng hộ hay một lời kêu gọi từ đối tượng này có thể tác động vào hành vi người tiêu dùng gấp nhiều lần so với việc quảng cáo đơn thuần.
Bởi vậy, Food Bloggers có sức ảnh hưởng lớn đến bộ phận giới trẻ. Họ dành thời gian ăn uống, trải nghiệm dịch vụ, đồ ăn từ vỉa hè cho tới nhà hàng sang trọng và chia sẻ với cộng đồng. Thực tế rằng, không ít thương hiệu phải chao đảo khi nhận được ý kiến trái chiều về chất lượng dịch vụ từ các Food Bloggers và ngược lại. Họ sở hữu quyền lực khá lớn, thậm chí ảnh hưởng đến sự thành bại của thương hiệu. Do đó, việc mời các Food Bloggers trải nghiệm và giới thiệu nhà hàng/quán cafe của bạn trên Instagram của họ cũng là hình thức khá phổ biến.
Food Bloggers có sức ảnh hưởng lớn đến bộ phận giới trẻ.
Ngoài ra, mỗi Food Bloggers sẽ tác động đến một phân khúc khách hàng cụ thể, hãy cân nhắc để lựa chọn người phù hợp nhất đối với nhà hàng của bạn. Nếu nhà hàng của bạn là một thương hiệu cao cấp, sang trọng thì việc mời một Food Blogger chuyên review các nhà hàng, quán ăn vỉa hè có thể làm ảnh hưởng đến thương hiệu và gây nhầm lẫn cho thực khách.
Một số Food Bloggers nổi tiếng mà bạn có thể tham khảo như: Ninh Tito (Vũ Trung Ninh), Eatenbylong (Trần Duy Long), Ăn Sập Hà Nội, Ăn Sập Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Long), Woossi,…
2.7. Tổ chức các sự kiện/cuộc thi trên Instagram
Một trong những hình thức khá phổ biến và hiệu quả là tổ chức các sự kiện/cuộc thi trên Instagram để lôi kéo mọi người tương tác và tăng Followers. Phần thưởng cho người thắng cuộc có thể là voucher giảm giá hoặc một bữa ăn miễn phí tại nhà hàng/quán cafe của bạn. Một số cuộc thi mà bạn có thể tham khảo như chụp ảnh đồ ăn tại nhà hàng và post trên trang cá nhân ở chế độ công khai, ai có nhiều like nhất thì người đó chiến thắng. Hoặc comment bức ảnh của mình trong post và tag 3 người bạn, bức ảnh nào có nhiều like nhất sẽ là người chiến thắng.
Đọc thêm: Video marketing – Công cụ đầy triển vọng giúp nhà hàng tăng doanh số
2.8. Quảng cáo trên Instagram
Chạy quảng cáo Instagram là cách nhanh chóng và hiệu quả để tiếp thị tới đối tượng khách hàng mà bạn muốn hướng đến. Bạn có thể lựa chọn đối tượng dựa vào các đặc điểm nhân khẩu học, hành vi người dùng, sở thích, thói quen,… phù hợp với sản phẩm/dịch vụ. Sau đó, cần xác định mục tiêu của mối chiến dịch quảng cáo, bạn cần tăng nhận diện thương hiệu, hay muốn thu hút khách hàng trải nghiệm sản phẩm mới hoặc tham gia một chương trình ưu đãi đặc biệt? Hãy xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu để tối ưu ngân sách quảng cáo.
Video Ads – Video Marketing IGTV
Nếu như bạn đang sử dụng Facebook, chắc hẳn bạn đã biết được sức mạnh của video. Nếu bạn muốn tạo dựng sự chuyên nghiệp thì Video Ads là điều không nên bỏ qua.
IGTV là nền tảng video dành cho người dùng Instagram trên thiết bị di động. Khác với Youtube và các nền tảng video khác, IGTV dành riêng cho việc phát video theo chiều dọc và hướng tới các đối tượng sử dụng các thiết bị di động. Bởi vậy, nền tảng video này thích hợp cho các nhà hàng/quán cafe nhắm tới các đối tượng sử dụng di động.
Kênh IGTV cho phép xây dựng nội dung với video trong thời gian dài và giúp người dùng thoải mái hơn trong việc sáng tạo nội dung. Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, năm 2021 video sẽ chiếm 81% lượng truy cập trên Internet và xu hướng dễ thấy nhất trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là quảng cáo trên Instagram. Video Ads là hình thức quảng cáo thường được sử dụng để tăng nhận diện thương hiệu.
Chạy quảng cáo Instagram là cách hiệu quả để tiếp thị tới đối tượng khách hàng mà bạn muốn hướng đến.
Story Ads
Một trong những phần quan trọng nhất của nền tảng phải kể đến Instagram Stories. Ứng dụng rất phù hợp để truyền đạt các thông điệp trực tiếp, kể những câu chuyện sáng tạo đến khách hàng thông qua quảng cáo Canvas. Nhà quảng cáo có thể thoải mái sử dụng các hiệu ứng, chuyển động nhanh – chậm, âm thanh lồng ghép để câu chuyện thêm hấp dẫn. Bạn hoàn toàn có thể chọn những khoảnh khắc quan trọng đối với thương hiệu, chẳng hạn như buổi khai trương, ra mắt món ăn mới,… để thúc đẩy hành động và tăng mức độ nhận biết.
Mỗi ngày có hơn 400 triệu tài khoản truy cập Instagram, bởi vậy đây là một kênh quảng cáo hiệu quả mà bạn không thể bỏ qua. Hãy tận dụng những hình ảnh món ăn, đồ uống đẹp mắt để thu hút và kích thích khách hàng đến trải nghiệm. Story Ads là hình thức quảng cáo phù hợp để chạy chuyển đổi và gia tăng doanh thu cho thương hiệu.
Photo Ads
Với hình thức Photo Ads, thông thường khi bắt đầu chạy quảng cáo khách hàng khi đang lướt tin trên Newfeed sẽ dễ dàng bắt gặp thông tin và hình ảnh quảng cáo. Đây là một hình thức khá thông dụng trên Instagram mà bạn có thể tận dụng để giới thiệu sản phẩm/dịch vụ thông qua các hình ảnh đẹp mắt.
Thông thường, kèm theo hình ảnh sẽ có nút Call to Action “tìm hiểu thêm”, bạn có thể gắn link website để khách hàng truy cập trực tiếp về thương hiệu hoặc có thể thể đặt hàng thông qua website. Ngoài nút tìm hiểu thêm, bạn có thể đặt các nút Call-to-Action khác như Book Now (đặt ngay), Download Now (tải về ngay), Shop Now (Mua Ngay), and Sign Up (Đăng ký)… Tùy vào từng mục đích thì nhà quảng cáo có thể sử dụng các nút sao cho phù hợp.
Instagram đang trở thành “đại dương xanh” và là nền tảng mạng xã hội có tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn so với Facebook. Trong tương lai thì đây vẫn sẽ là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp F&B có thể khai thác và tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm để vận hành nhà hàng trở nên trơn tru hơn nhé!
Top 6 Phần mềm quản lý bán hàng tốt nhất hiện nay
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay