Với sự bùng nổ của các ứng dụng đặt đồ ăn online trong thời gian vừa qua đã khiến không ít đơn vị kinh doanh ăn uống phải lăn tăn “Nên hay không nên bán trên app?”.
Với đặc điểm dễ sử dụng, giao hàng nhanh, chi phí vận chuyển thấp, tiếp cận khách hàng mới dễ dàng, nhiều chủ quán đã sử dụng ứng dụng đặt hàng online như một kênh chủ lực mang lại doanh thu ổn định, không tốn nhiều công sức nhưng vẫn hoạt động hiệu quả. Vậy hình thức kinh doanh này có những ưu và nhược điểm như thế nào? Hãy cùng iPOS.vn tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Nội dung [hiển thị]
1. Các ứng dụng đặt đồ ăn online phổ biến nhất hiện nay
1.1. ShopeeFood
ShopeeFood hay tên gọi trước đây là Now là một ứng dụng đặt đồ ăn online đầu tiên tại Việt Nam. ShopeeFood vẫn giữ vững vị thế bởi không ngừng cải tiến các tính năng giúp khách hàng đặt đồ, đặt theo nhóm, chương trình khuyến mãi hấp dẫn,… Hiện ShopeeFood đang liên kết với hơn 3.000 quán ăn trên khắp cả nước và là một app đặt đồ ăn giá rẻ được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Đặc biệt, ShopeeFood còn được người dùng đánh giá cao bởi các shipper bảo quản đồ ăn tốt, giao hàng nhanh nên chất lượng món luôn được đảm bảo khi đến tay người tiêu dùng. Bạn có thể đặt hàng trên app hoặc đặt đồ trực tiếp tại website shopeefood.vn. Việc thanh toán trên ứng dụng này cũng đa dạng và tiện lợi với nhiều phương thức như thanh toán tiền mặt, thanh toán qua ví ShoppeePay, AirPay,…
1.2. GrabFood
GrabFood là ứng dụng đặt đồ ăn online 24/7, cho phép người dùng đặt đồ ăn trong bất cứ khung giờ nào, kể cả nửa đêm. GrabFood được nhiều khách hàng đánh giá cao bởi tốc độ giao hàng nhanh, món ăn đa dạng, hàng ngàn mã giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn.
Nhờ có ưu thế phát triển mạnh tại thị trường nước ngoài, Grab có nhiều kinh nghiệm thích nghi với thị trường Việt Nam. Bởi vậy, sau khi ra mắt Grab là một trong những thương hiệu uy tín trên thị trường nên khả năng tiếp cận khách hàng mới cao hơn.
Sau khi đăng ký GrabFood, bạn có thể nắm rõ các thông tin về doanh thu trong ngày, những đơn hàng thành công, mặt hàng bán chạy. Do đó, áp lực lớn nhất của các chủ nhà hàng là làm thế nào để nâng cao chất lượng đồ ăn, đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để lọt Top yêu thích.
Xem thêm: 6 xu hướng kinh doanh nhà hàng bùng nổ trong thời đại 4.0
1.3. Baemin
Baemin là một ứng dụng đặt đồ ăn tại Hàn Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam từ giữa năm 2019. Dù mới lấn sân vào thị trường, Baemin đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của người dùng bởi giao diện đẹp, dễ sử dụng, hình ảnh gần gũi và nhiều ưu đãi “khủng” cho khách hàng cũng như chủ quán.
Baemin cũng là thương hiệu có tần suất quảng cáo dày đặc trên các phương tiện truyền thông, theo đó số lượng người dùng cũng có sự tăng trưởng nhanh. Chính vì thế, nếu đăng ký gian hàng trên nền tảng này bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn, đa phần là giới trẻ ở độ tuổi 16-30 tuổi.
1.4. Gojeck
Gojeck là một thương hiệu đã hợp nhất cùng Go Việt để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bởi vậy, Gojeck hiểu rất rõ đặc điểm, sở thích của người tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, đánh mạnh vào mảng giao đồ ăn.
Tuy ra đời chưa lâu nhưng Gojeck cũng chiếm được cảm tình của đông đảo người dùng bởi số lượng quán ăn nhiều và tốc độ giao hàng nhanh. Ứng dụng được thiết kế thân thiện, dễ sử dụng nên phù hợp với nhiều người. Ngoài ra ứng dụng cũng có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Trên ứng dụng Gojeck chủ nhà hàng sẽ có được cái nhìn tổng thể về hoạt động giao đồ ăn của quán trong từng thời điểm, khoảng thời gian nhất định. Từ đó, dễ dàng đưa ra quyết định điều chỉnh chính sách, tối ưu giá bán, thực đơn sao cho phù hợp.
1.5. Loship
Loship là ứng dụng đặt đồ ăn tiện lợi và nhanh chóng, được phát triển dựa trên tiền thân là Lozi và cũng rất phổ biến hiện nay. Loship cho phép người dùng sử dụng trên cả nền tảng website và app. Ứng dụng tập trung vào các món chính là trà sữa và đồ ăn khuya, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dùng mọi lúc, mọi nơi.
Với mức giá hợp lý cùng nhiều mã giảm giá, Loship được đánh giá là một ứng dụng đặt đồ ăn giá rẻ cho giới trẻ.
Xem thêm: Các tiêu chí cơ bản đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà hàng
2. Nên hay không nên bán trên app? Các ứng dụng đặt đồ ăn có “ngon” như lời đồn?
2.1. Kênh bán hàng chủ lực trong thời dịch
Các ứng dụng đặt đồ ăn online giúp nhà hàng, quán ăn duy trì kinh doanh, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh, giãn cách xã hội. Nếu như trước đây, các chuỗi nhà hàng xuất hiện trên ứng dụng đặt đồ ăn để bắt kịp xu hướng, quảng bá thương hiệu và tiếp cận khách hàng tiềm năng thì “bài học lớn” từ dịch Covid-19 tác động khá lớn đến ngành ẩm thực.
Nhiều nhà hàng, quán cafe chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khiến kênh bán hàng chủ lực – bán hàng trực tiếp bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhờ việc “lên app”, bán hàng trên các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến mà lượng đơn hàng được duy trì. Đây cũng là “cứu cánh” của nhiều thương hiệu nhỏ lẻ để có thể trụ vững và tiếp tục phát triển sau giãn cách xã hội. Thậm chí, nhiều cửa hàng do đặc thù mô hình và món ăn, mà doanh thu đến từ kênh offline là chủ yếu thì Covid-19 tạo ra bức tranh toàn cảnh rất khác. Khách hàng có xu hướng đặt đồ ăn online nhiều hơn là chọn đến nhà hàng sử dụng dịch vụ trực tiếp, điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhà hàng buộc phải dịch chuyển bán hàng từ kênh offline sang online để bù lấp đi khoảng trống doanh thu do lượng khách hàng đến giảm sút. Từ đó, mô hình đặt giao đồ ăn tận nơi bỗng chốc trở thành dịch vụ được ưa chuộng và đạt được con số tăng trưởng đáng ngạc nhiên.
2.2. Các ứng dụng đặt đồ ăn online tăng trưởng ấn tượng
Bán hàng online như một giải pháp “sống chung với lũ” được nhiều nhà hàng, quán cafe lựa chọn để duy trì hoạt động. Song song với đó, không thể phủ nhận kinh doanh online trên các ứng dụng là cơ hội cho nhiều thương hiệu khi họ không chỉ tiếp cận được nguồn khách hàng gia tăng mà còn tiếp cận được nguồn khách mới, cải thiện chất lượng đồ ăn, tạo niềm tin với khách hàng.
Hình thức đặt đồ ăn online không còn xa lạ với người dùng nhưng trong mùa dịch, hình thức này được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Thực tế, so sánh về việc đi ăn ở ngoài và gọi ship tận nơi cũng không chênh lệch nhau quá nhiều về chi phí. Thậm chí, các ứng dụng còn tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến dịch vụ này càng “được lòng khách hàng”.
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 để lại. Tuy nhiên, vô hình chung biến động này lại tạo nên một sự thay đổi lớn thói quen đi ăn của người tiêu dùng dịch chuyển sang hình thức đặt đồ ăn online ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Theo một số chủ nhà hàng nhận định, sau thời gian giãn cách xã hội, mặc dù lượng khách quay trở lại ăn tại quán dần nhiều lên nhưng trên các ứng dụng đặt đồ vẫn duy trì tỷ lệ tốt. Trạng thái “bình thường mới” mà Covid-19 thiết lập góp phần hình thành thói quen ăn uống mới của một số người dùng.
Nếu như trong giai đoạn giãn cách xã hội, khách hàng đặt đồ ăn online vì không còn lựa chọn nào khác thì nay họ bắt đầu nhận thấy tiện ích của kênh này. Bởi vậy, nhiều thương hiệu cũng thay đổi chiến lược, dồn lực đẩy mạnh kênh này hơn. Họ bắt đầu nhận ra những lợi ích khác từ ứng dụng đặt món như duy trì bán hàng với lượng nhân viên giảm đáng kể, không ngại những địa điểm bán hẹp không có khách,… cho đến những điều quan trọng hơn trong kinh doanh như tập trung tối ưu hóa nội dung, chiến lược tiếp thị số, các chương trình khuyến mãi,…
Ở thời điểm các nền tảng online chuyên về giao nhận thực ăn phát triển mạnh mẽ, việc các nhà hàng, quán ăn “lên app” giờ đây không đơn thuần là “cộng sinh” thời dịch mà còn có thể mang đến cho thương hiệu “bội thu” với hàng loạt lợi ích không tưởng.
Lợi ích đầu tiên phải kể đến là việc tiếp cận được với lượng lớn khách hàng tiềm năng từ nhiều khu vực, điều vốn bị giới hạn khi kinh doanh truyền thống. Không cần tốn kém quá nhiều chi phí truyền thông, chỉ cần hợp tác với các ứng dụng đặt món là có thể kết nối với hàng triệu thực khách.
Ngoài ra, thương hiệu còn giảm thiểu chi phí mặt bằng “đắc địa” và tiết kiệm ngân sách và thời gian cho khâu giao hàng. Từ phía khách hàng, khi đặt hàng qua các ứng dụng họ cũng tiết kiệm được thời gian di chuyển, chen chúc, xếp hàng,… khi mua đồ tại các hàng quán.
Không thể phủ nhận sự bùng nổ của thị trường F&B Việt Nam trên các nền tảng trực tuyến. Các thương hiệu nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ mà các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Thuận nước đẩy thuyền”, kênh bán hàng qua ứng dụng đặt món trực tuyến dự kiến tiếp tục được chú trọng, đầu tư để đảm bảo sự cân bằng trong doanh thu từ các kênh.