Hình thức collab – sự kết hợp giữa 2 thương hiệu – vốn không quá mới mẻ nhưng lại chưa thực sự phổ biến trong ngành F&B. Nhưng thời gian gần đây, các thương hiệu F&B đã bắt đầu bắt tay nhau, cả trong lẫn ngoài ngành, và những chiến lược này đều thành công rực rỡ. Các chủ quán nếu chưa nghĩ đến về việc hợp tác, thì những lợi ích đến từ chiến lược kết hợp này sẽ khiến bạn phải cân nhắc.
[crp]
Việc hợp tác với các thương hiệu khác đang dần được các thương hiệu mới, có tư duy trẻ thực hiện, bởi họ nhận thấy được những hiệu ứng mà chiến lược kinh doanh mang lại. Cách làm này còn khá mới lạ với các chủ quán ngành ăn uống, tuy nhiên, nếu bạn có thể nghiên cứu và lên kế hoạch hợp tác sớm, bạn sẽ được hưởng lợi từ chiến lược này. Dưới đây sẽ là những lợi ích có được từ sự hợp tác thương hiệu, khiến bạn không nên bỏ qua việc collab mỗi khi có cơ hội.
Nội dung chính
Toggle1. Tăng thêm lượng khách từ thương hiệu đối tác
Lợi ích đầu tiên mà cả bạn lẫn thương hiệu đối tác nhận được từ việc hợp tác là tăng thêm số lượng khách hàng. Khi chưa có sự kết hợp, bạn có một lượng khách hàng trung thành riêng và phía đối tác cũng đã có một số lượng khách quen nhất định. Nhưng khi cả 2 cùng hợp tác với nhau, số lượng khách hàng của mỗi thương hiệu sẽ đến trải nghiệm thử sản phẩm và dịch vụ của bên còn lại. Vì với những khách hàng quen, họ có sự yêu thích thương hiệu – brand love – mãnh liệt, đồng thời, họ tin tưởng rằng với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng mà bạn mang lại, chắc hẳn thương hiệu bạn cũng sẽ lựa chọn các đối tác có uy tín và chất lượng tốt tương đương.
Tuy nhiên, để có thể thu hút được khách hàng từ phía đối tác, các chủ quán cũng cần chú ý đến một số yếu tố sau. Điểm thứ nhất là hãy lựa chọn các thương hiệu hợp tác có cùng phân khúc khách hàng, bởi nếu đối tượng khách hàng tiềm năng của cả 2 bên quá khác nhau, sẽ rất khó để khách hàng sẵn sàng trải nghiệm thử dịch vụ, sản phẩm của bên còn lại. Khi đó, việc hợp tác này xem như thất bại vì không đạt được hiệu quả như mong đợi. Vì thế, nếu bạn mở quán cà phê và hướng đến những người “sành” về loại thức uống này, thương hiệu bạn nên hợp tác là các sản phẩm dành cho nam giới. Bởi nam giới vốn là những người đam mê cà phê, do đó, họ sẽ sẵn sàng ghé đến quán của bạn để thưởng thức.
Yếu tố quan trọng tiếp theo mà bạn nên cân nhắc khi lựa chọn các thương hiệu để hợp tác chính là sự liên quan và tương đồng giữa cả 2 thương hiệu. Điều này sẽ giúp đảm bảo quán của bạn có thể lọt vào “mắt xanh” của khách hàng bên phía đối tác và ngược lại. Vì nếu 2 thương hiệu lệch “tông” nhau, sẽ rất khó để biến khách hàng của đối phương trở thành khách hàng của bạn. Chẳng hạn như nhà hàng bạn phục vụ chủ yếu là các món ăn hữu cơ hoặc thuần chay, lúc này, bạn nên hợp tác với các thương hiệu về sức khỏe hoặc bảo vệ môi trường. Bởi những nhóm khách quan tâm đến sức khỏe, phần lớn học cũng sẽ quan tâm đến chế độ ăn tốt cho sức khỏe là hữu cơ, hay với thực khách chú ý đến vấn đề môi trường, họ thường lựa chọn ăn chay để hạn chế gây ra ô nhiễm.
2. Mở rộng độ nhận diện thương hiệu
Nếu có chiến lược hợp tác, gia tăng độ nhận diện thương hiệu là kết quả mà cả 2 bên sẽ được hưởng lợi. Đầu tiên, đó là khi hợp tác, khi khách hàng tìm kiếm về thương hiệu của 1 trong 2, lẽ dĩ nhiên, tên tuổi của bên còn lại cũng sẽ được xuất hiện theo. Đây chính là điểm giúp cho thương hiệu của cả 2 tăng độ nhận diện và sẽ tiếp cận được với những khách hàng vốn chưa biết gì về thương hiệu của bạn. Hoặc đơn giản hơn, khi có những bài đăng về các sản phẩm collab, hay các bài đăng giới thiệu về quán của bạn được xuất hiện trên trang web cũng như mạng xã hội của thương hiệu đối tác, cũng sẽ giúp thương hiệu của bạn tạo ấn tượng và xuất hiện trong tâm trí những khách hàng mới.
Việc mở rộng mức độ nhận diện là một trong các lợi ích mà bất kỳ thương hiệu nào khi hợp tác đều mong muốn đạt được. Dù vậy, để đạt được hiệu quả, bạn hãy đảm bảo những yếu tố sau khi hợp tác. Thứ nhất là bạn và đối tác hãy đưa ra một mẫu bài đăng chung, để chắc chắn cả 2 thương hiệu cùng được xuất hiện. Đồng thời, các nội dung liên quan để giới thiệu về thương hiệu của nhau cũng sẽ được thống nhất để đảm bảo tính chính xác trong thông tin đưa đến khách hàng. Tránh việc để đối tác tự lên nội dung một mình, bởi điều này có thể dẫn đến thiếu sót khiến cho hiệu quả không đạt được như mong muốn.
Điểm thứ hai bạn cần chú ý là cùng đạt thỏa thuận về số lượng bài đăng và bạn nên thường xuyên kiểm tra việc lên bài tiếp thị của đối phương. Bởi nếu sơ suất, có không ít trường hợp các chủ quán phải khó chịu, mất đi niềm tin hoặc thậm chí “bóc phốt” nhau vì đối phương đăng bài một cách thờ ơ, làm cho có hoặc đôi khi không đúng số lượng đã trao đổi. Do đó, để tránh tình huống không mấy tốt đẹp này, hãy thỏa thuận rõ ràng với đối phương về trách nhiệm tiếp thị và số lượng bài truyền thông cho đối phương mà mỗi bên cần triển khai. Điều này sẽ giúp cho bạn bảo vệ quyền lợi của thương hiệu nếu chẳng may phía đối tác không làm tròn nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thỉnh thoảng kiểm tra về hoạt động của đối tác, nếu có bất kỳ vấn đề gì, hãy trao đổi kịp thời. Tránh việc để qua thời gian hợp tác mới phát hiện, bởi khi này bạn không thể khiếu nại được gì.
3. Tăng doanh thu nhờ sản phẩm bán kèm
Một trong những mục tiêu khiến các thương hiệu đồng ý hợp tác với nhau chính là họ sẽ tăng doanh thu nhờ vào những sản phẩm bán kèm. Bởi thông thường, cả 2 sẽ có những sản phẩm collab chung với nhau, có số lượng giới hạn để thu hút khách hàng. Bởi khi khách hàng chấp nhận ghé đến, bạn sẽ có những cách up-sale khác nhau để rút thêm hầu bao của khách hàng.
Điển hình như nếu quán cà phê, nhà hàng kết hợp với hãng áo thun, họ sẽ ra mắt những mẫu áo thun dành riêng cho sự kiện hợp tác này, và bày bán ở cửa hàng của cả 2 thương hiệu. Đây sẽ là cách thu hút khách đến trải nghiệm, và sẽ trở thành cơ hội để mỗi bên tăng doanh thu. Hoặc nếu bạn kết hợp với một thương hiệu F&B khác, có thể là tiệm bánh ngọt, lúc này có những khách hàng yêu mến hiệu bánh ngọt sẽ tìm đến quán cà phê của bạn để mua những chiếc bánh này. Lúc này, nếu dịch vụ của bạn đủ ấn tượng và sản phẩm đạt chất lượng, khách hàng sẽ chẳng ngần ngại chi thêm tiền để thưởng thức thêm một tách đồ uống thơm ngon dùng kèm với những chiếc bánh.
Có thể thấy một chiến lược hợp tác được xem là kế hoạch kinh doanh lý tưởng cho các thương hiệu. Bởi nó không chỉ giúp tăng về mặt doanh thu trực tiếp và có thêm số lượng khách hàng tiềm năng mới, mà còn hỗ trợ thương hiệu bạn tăng mức độ nhận diện thương hiệu và tiếp cận rộng rãi với những khách hàng còn chưa biết đến thương hiệu. Do đó, các chủ quán nên cân nhắc việc triển khai hợp tác vào thời điểm phù hợp để mở rộng thương hiệu.