Buy Now

Tìm kiếm

Vì sao nhân viên nhà hàng có hiệu suất làm việc không cao? Tìm hiểu ngay 7 lý do dưới đây!

  • Chia sẻ cái này:
Vì sao nhân viên nhà hàng có hiệu suất làm việc không cao? Tìm hiểu ngay 7 lý do dưới đây!

Tin tức mới

Vì sao nhân viên nhà hàng có hiệu suất làm việc không cao? Tìm hiểu ngay 7 lý do dưới đây!

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Hiệu suất của nhân viên kém là một trong những nguyên nhân khiến nhà hàng không thể phát triển tốt được, bị hao hụt về lợi nhuận và ảnh hưởng tới trải nghiệm khách hàng. Chủ nhà hàng và quản lý nên nắm được lý do vì sao nhân viên trong nhà hàng mình lại có hiệu suất làm việc không cao để tìm ra phương pháp khắc phục phù hợp. Hãy theo dõi thêm trong bài viết dưới đây của iPOS.vn nhé!

1. Hiệu suất của nhân viên kém ảnh hưởng thế nào đến nhà hàng?

Việc có vài nhân viên có hiệu suất làm việc kém trong đội ngũ nhân viên của toàn nhà hàng không khác gì “con sâu làm rầu nồi canh”. Không chỉ không hoàn thành công việc cá nhân kịp thời và đảm bảo 100% chất lượng, họ còn có thể ảnh hưởng đến cả hình ảnh và quy trình làm việc chung của toàn nhà hàng. Quản lý hoặc chủ nhà hàng phải mất thời gian kiểm tra lại phần việc của họ, những người làm chung phải “gánh” cả phần của nhân viên kém dẫn đến quá sức, vừa lãng phí thời gian lại lãng phí công sức. 

Hiệu suất làm việc của nhân viên ảnh hưởng rất lớn tới quy trình chung của nhà hàng

Hơn nữa, khoản lương nhà hàng trả cho những nhân viên hiệu suất kém cũng không thực sự đúng với chất lượng làm việc của họ, đây là khoản lãng phí tiền bạc không đáng. Càng để lâu dài, chi phí nhân sự của nhà hàng càng bị hao hụt, trả nhiều nhưng công việc không hoàn thành được bao nhiêu, ảnh hưởng tới cả doanh thu và lợi nhuận.

Ngoài ra, nhân viên có hiệu suất làm việc kém còn có thể làm xấu hình ảnh nhà hàng, khiến phát sinh nhiều tình huống để lại ấn tượng không tốt với khách như: chậm trễ trong việc order món, chế biến món; phục vụ không nhiệt tình; nhân viên trả treo với khách,…  

2. Vì sao hiệu suất làm việc của nhân viên không cao?

2.1. Năng lực của nhân viên bị hạn chế

Một nhân viên dù xuất sắc đến mấy cũng không thể hoàn thành công việc nếu năng lực bị hạn chế vì những lý do như phải làm công việc không đúng sở trường, không đủ nhân lực hỗ trợ, không đủ thời gian hoàn thành công việc,… Càng kéo dài, nhân viên sẽ càng cảm thấy khó khăn và mệt mỏi với công việc, dần dần nản và làm việc theo kiểu “cho có”, đối phó. Cuối cùng tuy công việc cũng được hoàn thành nhưng không phải đạt 100% về mặt chất lượng, hoặc nhân viên còn không hoàn thành xong công việc. 

Người chủ hoặc quản lý cần tận tâm và sát sao với nhân viên để phát hiện xem họ có gặp vấn đề gì trong công việc hay không, có cần hỗ trợ gì không. Nếu công việc quá bận rộn và không có thời gian để tâm đến những việc tỉ mỉ nhỏ nhặt như thế thì chủ nhà hàng cũng phải nhắc nhở nhân viên chủ động báo cáo cho người quản lý về công việc thường ngày và tình trạng hiện tại. Nhân viên không nên âm thầm chịu đựng những vấn đề phát sinh, không giải quyết được dẫn đến ảnh hưởng công việc, ảnh hưởng chung đến cả nhà hàng.  

Xem thêm: KOC gây ảnh hưởng cho thương hiệu: Xử lý thế nào mới hiệu quả?

2.2. Phát sinh các khó khăn khách quan trong quá trình làm việc

Không phải lúc nào hiệu suất làm việc kém cũng là do bản thân nhân viên mà điều đó còn phụ thuộc vào những điều kiện khách quan xung quanh. Khả năng teamwork kém của các đồng nghiệp, nhà hàng không có quy trình phục vụ chuyên nghiệp, tệp khách hàng đặc thù có nhiều yêu cầu lạ lùng,… cũng sẽ “kéo chân” năng suất làm việc của nhân viên, khiến họ làm mãi mà không tốt lên được. 

Quản lý nên chủ động hỏi han để hỗ trợ nhân viên giải quyết các khó khăn trong quá trình làm việc

Vì những vấn đề này đều là yếu tố khách quan, nhân viên không thể kiểm soát được nên chỉ có thể thay đổi từ phía nhà hàng. Bằng cách xây dựng lại quy trình làm việc, training lại team, tăng cường sự đoàn kết nội bộ,… nhà hàng mới khắc phục được hoàn toàn, tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, lý tưởng hơn cho các nhân viên.

2.3. Nhân viên thiếu kỹ năng chuyên môn

Đôi khi vấn đề hiệu suất làm việc của nhân viên chưa cao còn là vì họ bị thiếu nhiều kỹ năng cần thiết so với vị trí công việc hiện tại. Ví dụ như một nhân viên phục vụ mới vào làm được khoảng 6 tháng, còn chưa nắm bắt được hết về tình hình nhà hàng và tệp khách, nhưng do có một trưởng ca khác đột ngột nghỉ nên nhân viên này bị “đôn” lên làm trưởng ca. Vì các kỹ năng quản lý đội nhóm, xử lý tình huống,… chưa tốt, dẫn tới công việc cũng không hoàn thành suôn sẻ. 

Vì thế, muốn nhân viên có hiệu suất làm việc tốt thì nhà hàng phải thường xuyên training cho họ những kỹ năng cần thiết phục vụ công việc. Chỉ khi đã thành thạo về mặt chuyên môn, có đủ kiến thức thì nhân viên mới tự tin làm việc, từ đó giúp hoàn thành tốt các công việc được giao.

2.4. Nhân viên không có mục tiêu cụ thể khi làm việc

Nhân sự ngành F&B “nổi tiếng” là những người có tần suất nhảy việc – bỏ việc rất cao. Hầu hết mọi người đều không coi những vị trí làm việc trong nhà hàng như nhân viên phục vụ, phụ bếp, thu ngân, order,… là những công việc lâu dài, có thể gắn bó mà chỉ là những việc làm trong thời gian ngắn, làm part-time hoặc đi là cho vui. 

Bởi vì không xác định gắn bó lâu dài nên nhân viên cũng không bỏ quá nhiều công sức khi làm việc hay đặt ra mục tiêu cụ thể. Phần lớn họ đi làm chỉ để giải quyết vấn đề tiền bạc, thế nên mục tiêu lớn nhất của họ là kiếm ra tiền chứ hoàn toàn không phải là nâng cao kỹ năng hay có thêm kinh nghiệm.

Nếu không có chính sách tốt thì nhân viên khó lòng muốn gắn bó lâu dài với nhà hàng

Khi nhân viên làm việc mà không đặt ra mục tiêu cụ thể về mặt chuyên môn, họ sẽ khó có sự tiến bộ và cố gắng, chỉ hoàn thành mọi việc trong mức được giao để nhận đúng số lương đã thỏa thuận với nhà hàng. Càng làm thì những nhân viên như vậy càng “chây ì”, họ có tâm lý sẵn sàng nghỉ và nhảy việc bất cứ lúc nào nên không chú tâm hoàn toàn vào công việc hiện tại, dẫn tới hiệu suất làm việc bị giảm đi đáng kể.

2.5. Nhân viên không được khen thưởng đúng mức

Đối với những nhân viên có nỗ lực và cố gắng, họ mong muốn những gì mình bỏ ra cho công việc sẽ được chủ nhà hàng đánh giá tốt và công nhận xứng đáng. Tuy nhiên, nếu nhà hàng không để ý đến tâm lý này của nhân viên, cứ mặc định việc hoàn thành công việc xuất sắc là trách nhiệm của họ thì sau một thời gian nhân viên sẽ chán nản, mất đi động lực làm việc.

Không một ai muốn tiếp tục cống hiến nhiệt huyết và nỗ lực của mình cho một nơi không ghi nhận thành tích của nhân viên, đồng thời họ bắt đầu làm việc kiểu “đối phó”, qua loa, miễn sao hoàn thành trong trách nhiệm của mình là được mà không có suy nghĩ phải phấn đấu như trước. Vì thế, hiệu suất làm việc ngày càng giảm, chất lượng cũng không được đảm bảo. 

Nhân viên có hiệu suất làm việc tốt cần được khen thưởng đúng lúc

Việc được chủ nhà hàng, quản lý và mọi người công nhận kết quả làm việc của mình có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với mỗi nhân viên, tạo ra thêm động lực cho họ cố gắng cống hiến vì nhà hàng hơn. Hãy đặt ra những khoản thưởng nho nhỏ nếu nhân viên trong nhà hàng đạt thành tích tốt, hoặc nhận được nhiều feedback tích cực từ khách, điều này sẽ giúp nhân viên hoàn thành công việc vượt cả 100% hiệu suất thông thường.

2.6. Nhà hàng không có quy định kỷ luật nghiêm khắc

Không khen thưởng làm nhân viên mất đi động lực làm việc, nhưng không có kỷ luật, quá thoải mái cũng làm nhân viên không hoàn thành tốt công việc. Nếu không có kỷ luật, một số nhân viên cẩu thả, không làm xong việc, vi phạm nội quy,… vẫn sẽ nhận lương như bình thường mà không phải chịu phạt gì cả, dần dần sẽ sinh ra cảm giác “thoải mái” và càng bỏ bê công việc hơn. 

Trong khi đó, những nhân viên chăm chỉ, hoàn thành công việc được giao lại thấy bất công vì nhà hàng không có sự phân biệt giữa nhân viên làm được việc và nhân viên không làm được việc. TÌnh hình này càng kéo dài lâu càng làm họ sinh ra tâm lý bất mãn, không muốn hoàn thành tốt công việc nữa và khiến hiệu suất giảm hẳn.

Nhà hàng nên có nội quy và chế độ thưởng – phạt hợp lý

Tuy nhiên, nếu muốn thắt chặt kỷ luật thì nhà hàng không nên vội vã áp dụng các biện pháp phạt quá nặng, hãy bắt đầu bằng việc thông báo tới nhân viên và nhắc nhở với những ai vi phạm lần đầu. Sau đó mới dần dần tăng lên, từ cảnh cáo, kiểm điểm, phạt tiền và cuối cùng là cho nghỉ việc. 

2.7. Lượng công việc được phân chia không phù hợp

Trong nhà hàng, bao giờ cũng có những nhân viên nhanh nhẹn, chăm chỉ, chịu khó gánh vác phần lớn nhiệm vụ và những nhân viên khác chậm chạp hoặc lười biếng, hoàn thành ít việc hơn. Trong khi đó, lương mà nhà hàng trả cho hai bên lại ngang bằng nhau, tức là nếu chia theo công việc thì bên lười biếng chỉ cần làm ít mà vẫn được nhiều tiền, còn bên chăm chỉ thì phải làm nhiều mà lại được ít tiền. 

Sự bất công này diễn ra càng lâu sẽ càng làm sự đoàn kết trong nội bộ nhà hàng bị rạn nứt thêm. Những nhân viên chăm chỉ phải gánh vác quá nhiều công việc có thể thấy kiệt sức, không hài lòng với cách phân chia công việc trong nhà hàng, cuối cùng họ sẽ lựa chọn nghỉ việc hoặc cũng không làm việc chăm chỉ như trước nữa. Chính vì vậy mà hiệu suất công việc giảm xuống, chất lượng công việc không còn được đảm bảo và nhà hàng bị ảnh hưởng rất nhiều. 

Xem thêm: Quản lý nhân viên thu ngân như thế nào để chống thất thoát cho nhà hàng?

Trên đây là 7 lý do phổ biến nhất lý giải cho tình trạng nhân viên nhà hàng có hiệu suất làm việc không cao. Các chủ nhà hàng hãy nghiên cứu thật kỹ và tìm ra phương án khắc phục hiệu quả nhé!

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất