Buy Now

Tìm kiếm

Vì sao nhà hàng, quán cà phê không nên thường xuyên giảm giá? Nên xây dựng kế hoạch giảm giá như thế nào?

  • Chia sẻ cái này:
Vì sao nhà hàng, quán cà phê không nên thường xuyên giảm giá? Nên xây dựng kế hoạch giảm giá như thế nào?

Tin tức mới

Vì sao nhà hàng, quán cà phê không nên thường xuyên giảm giá? Nên xây dựng kế hoạch giảm giá như thế nào?

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Giảm giá thường là lựa chọn của các nhà hàng, quán cà phê khi muốn kích thích nhu cầu mua hàng của khách; đồng thời cũng giúp nâng cao doanh số cho những món bán không chạy lắm. Tuy nhiên, liệu có phải cứ thường xuyên giảm giá là sẽ khiến cho nhà hàng bán được nhiều sản phẩm hơn hay không? Nên có chiến lược giảm giá như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của iPOS.vn nhé!

1. Những vấn đề sẽ xảy ra nên nhà hàng, quán cà phê thường xuyên giảm giá

1.1. Giảm lợi nhuận của nhà hàng, quán cà phê

Đối với mỗi sản phẩm được bán ra thì chủ quán đã phải tính toán giá cả cẩn thận, sao cho giá bán ấy đủ để chi trả toàn bộ chi phí sản xuất ra sản phẩm, chi phí điện nước, chi phí nhân công,… ngoài ra còn dư thêm một phần lãi cho quán. Chính nhờ phần lãi này mà quán mới có lợi nhuận thu về.

Việc cứ liên tục giảm giá, liên tục khuyến mại cũng đồng nghĩa là quán phải bán sản phẩm với mức giá thấp hơn giá dự kiến ban đầu trong một thời gian dài; mỗi sản phẩm bán ra là một lần bị cắt một ít hoặc cắt toàn bộ lợi nhuận trên sản phẩm đó. Thế nên giảm giá càng kéo dài lâu thì lợi nhuận của quán càng bị bào mòn, đến cuối cùng dù bán được nhiều nhưng lợi nhuận thu về chẳng được bao nhiêu, thậm chí chỉ đủ hòa vốn, có quán còn bị lỗ do giảm giá quá nhiều nên bị “lấn” vào chi phí sản xuất. 

Giảm giá nhiều dẫn tới lợi nhuận của các nhà hàng, quán ăn bị ảnh hưởng

Vậy nên trước khi quyết định giảm giá, các nhà hàng, quán cà phê nên cân nhắc để chương trình khuyến mại không ảnh hưởng quá lớn tới doanh thu tổng và lợi nhuận cuối cùng của nhà hàng. Chương trình không nên giảm quá sâu, cũng không nên kéo dài quá lâu, chỉ nên diễn trong thời gian vừa phải với mức giảm phù hợp ở tầm 20% là đủ để thu hút sự chú ý của khách hàng và kích thích nhu cầu gọi món tăng cao.

Xem thêm: Học hỏi được gì từ các chiến dịch tôn vinh cộng đồng LGBTQ+ của các thương hiệu F&B trong Tháng Tự Hào (LGBT Pride Month)?

1.2. Tạo ra sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm

Hầu hết các khách hàng đều có chung suy nghĩ rằng những món giảm giá thường xuyên đều là những món có nguyên liệu cận date, những món ít được gọi hoặc là những món mới cần thúc đẩy doanh số bán hàng. Dù có không ít khách thích thú với mức giá rẻ, nhưng phần lớn mọi người đều khá nghi ngờ về chất lượng của món ăn hoặc đồ uống được giảm giá. Có thể nói đây là tâm lý chung của các khách mua hàng.

Hơn nữa, nếu quán ăn hoặc quán cà phê đó thực hiện chương trình giảm giá quá thường xuyên, bán đồ với giá quá rẻ thì khách hàng cũng sẽ phải đặt ra câu hỏi: “Bán giá rẻ, giảm giá kéo dài như vậy thì kiếm lãi như thế nào? Hay nguyên liệu đầu vào cũng là loại không đảm bảo chất lượng, giá cực rẻ nên mới có thể tạo thành sản phẩm giá rẻ, bán giảm giá cũng vẫn có lãi được?” Khi đó, chương trình giảm giá tưởng chừng có thể hút khách lại bị phản tác dụng, khách không muốn ghé qua quán nữa vì không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. 

Khách hàng thường có định kiến với những sản phẩm được giảm giá, sale off

1.3. Nhàm chán, thiếu sự đột phá

Nếu chương trình giảm giá chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn như một vài ngày hoặc duy nhất một vài khung giờ nhất định thì sẽ có tác dụng thúc đẩy nhu cầu mua hàng của khách, khiến họ nảy sinh cảm giác phải đến quán ăn uống thử để không bỏ lỡ dịp giảm giá này.

Nhưng nếu chương trình giảm giá kéo dài quá lâu, hoặc thường xuyên có giảm giá thì khách hàng lại nghĩ là: “À, mình bỏ lỡ dịp này thì còn dịp khác mà, không có gì phải vội!” khiến quán không thể kéo khách tới. Hơn nữa, cứ suốt ngày giảm giá còn gây nhàm chán, cần đổi sang một hình thức giảm giá khác biệt, thu hút và đột phá hơn.

2. Nên triển khai chiến lược giảm giá như thế nào để đem về hiệu quả nhất?

2.1. Đa dạng các hình thức giảm giá

Thường xuyên giảm giá sẽ khiến khách hàng cảm thấy nhàm chán, vậy các quán hãy suy nghĩ tới việc đổi mới hình thức giảm giá để mang lại hiệu quả tốt hơn. Bình thường, các quán sẽ giảm giá trực tiếp bằng cách chiết khấu số tiền hoặc phần trăm trên tổng hóa đơn. Thay vì tiếp tục dùng chương trình giảm trực tiếp này lê thê ngày này qua tháng khác, hãy thử thay bằng nhiều cách mới như: 

  • Mua 1 tặng 1: Giúp quán bán được ít nhất 2 sản phẩm trong một đơn hàng, nên tặng kèm những sản phẩm có giá trị không quá lớn hoặc không vượt quá sản phẩm phải trả tiền. Ví dụ: Khách gọi món mà nhà hàng mới đưa vào menu sẽ được tặng thêm 1 đĩa salad.
  • Bán combo: Combo một món bán chạy + một món ít được gọi sẽ giúp quán giải quyết tình trạng đang thừa nguyên liệu cho món ít được gọi kia, đồng thời cũng tăng doanh số bán món. Với giá combo rẻ hơn giá mua lẻ, khách hàng sẽ sẵn sàng chi ngay. Ví dụ: Quán trà sữa, cà phê có thể bán combo đồ uống + hướng dương.
Bán combo là một hình thức giảm giá, tăng doanh số phù hợp
  • Quay số, bốc thăm trúng thưởng: Quán có thể để luật chơi là với hóa đơn từ một khoảng giá nào đó trở lên thì sẽ được tham gia. Phần thưởng sẽ là những món quà nhỏ như tặng đồ uống, tặng món ăn kèm, tặng voucher cho lần sau hoặc có thể cho duy nhất 1 phần quà có giá trị lớn hẳn (Giảm 50% tiền ăn).
  • Chiết khấu phần trăm dựa trên hạng khách hàng: Tích điểm thành viên hoặc phát hành thẻ thành viên dạng cứng là cách CSKH mà nhiều quán đang sử dụng. Dựa trên mức độ chi tiêu của khách, họ sẽ được phân ra thành nhiều cấp, mỗi cấp lại có một mức chiết khấu khác nhau. Như vậy không chỉ giúp quán có được thông tin của khách (xin khi tích điểm/làm thẻ) mà còn như một cách thúc đẩy khách phải tăng cường chi tiêu tại quán, đến ăn nhiều hơn để nâng hạng thành viên và được giảm giá cao hơn.

2.2. Lựa chọn thời điểm giảm giá phù hợp

Thay vì thực hiện các chương trình khuyến mãi tràn lan, dàn trải và cứ kéo dài suốt, các quán cà phê, nhà hàng nên lựa chọn thời điểm thực hiện khuyến mãi cho phù hợp và có kế hoạch đặt ra từ trước.

Một dịp khuyến mại phổ biến mà hầu hết các ngành, không riêng gì ngành F&B cũng áp dụng là các ngày lễ, Tết như Noel – Tết dương lịch (thường sẽ kéo dài từ 24,25/12 đến hết 1/1), Tết Âm lịch, Tết thiếu nhi, Valentine, 6/6, 7/7,… Trong những dịp lễ, Tết này thì nhu cầu đi chơi, ăn uống của mọi người đều tăng cao, cũng như có nhiều thời gian du lịch hơn bình thường.

Việc các quán tung ra khuyến mại giảm sâu sẽ hấp dẫn khách hàng, kéo được họ và gia đình vào quán thưởng thức. Ngoài lễ Tết thì ngày kỉ niệm thành lập quán, các sự kiện đặc biệt (Việt Nam thắng bóng đá, đăng quang hoa hậu quốc tế,…) cũng là những dịp các quán hay giảm giá.

Giảm giá trong những dịp lễ, Tết sẽ giúp quán có đông khách hơn

Việc chủ động lựa chọn thời điểm giảm giá sẽ giúp các quán có kế hoạch tỉ mỉ, ước lượng được doanh thu và lên phương án xử lý nếu có những trường hợp bất ngờ xảy ra (lượng khách tăng vọt, hết món sớm,…). Trước khi giảm giá, quán nên có thông báo trước từ 3-5 ngày trên các tài khoản MXH và website, giúp nhiều khách hàng và cả những người chưa phải là khách của quán biết tới chương trình khuyến mại này hơn. 

2.3. Chú trọng vào chất lượng sản phẩm giảm giá

Định kiến “của rẻ là của ôi”, “hàng giảm giá là hàng thải phải bán tống bán tháo”,… đã ảnh hưởng rất nhiều đến cái nhìn của khách hàng với những món đồ ăn, đồ uống trong các chương trình giảm giá. Vậy nên một trong những việc cần làm của các nhà hàng, quán cà phê để đập tan định kiến này là nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tốt cả về phần dịch vụ trong tất cả các dịp giảm giá. Chỉ có như vậy mới tạo được lòng tin đối với khách hàng, họ sẽ sẵn sàng quay lại quán trong những lần khuyến mại tiếp theo.

Giảm giá trong 1 khung thời gian nhất định mới kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng

2.4. Có thông báo cho các khách hàng về chương trình giảm giá

Để có thêm nhiều khách hàng tới quán trong dịp giảm giá thì các nhà hàng, quán cà phê cần phải thông báo rộng rãi về chương trình khuyến mại sắp triển khai. Cách thức truyền thống, phổ biến nhất từ trước tới nay vẫn luôn là in tờ rơi hoặc để các poster, standee khuyến mại cỡ lớn ngay trước cửa quán.

Những năm gần đây thì việc truyền thông cho chương trình giảm giá qua các kênh MXH, website, email,… đã thịnh hành hơn; cũng giúp quán tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Ngoài ra, hiện tại nhiều quán đang sử dụng những phần mềm CSKH hiện đại như phần mềm iPOS CRM của công ty iPOS.vn. Thông qua iPOS CRM, nhà hàng có thể gửi thông báo đến từng khách hàng khi có dịp khuyến mại, hoặc gửi ưu đãi dành riêng cho họ vào những ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật của khách,…

Xem thêm: Cơn sốt trà mãng cầu và những ảnh hưởng từ việc “bắt trend”

3. Kết luận

Giảm giá là một hình thức kích cầu mua sắm hiệu quả, tuy nhiên nó phải diễn ra với tần suất hợp lý mới mang lại tác dụng lớn nhất. Các quán ăn, nhà hàng hãy cân nhắc xem đâu mới là thời điểm tốt để khuyến mại, gây ấn tượng với khách hàng nhé!

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất