Buy Now

Tìm kiếm

Tỷ suất lợi nhuận là gì? Cách tăng tỷ suất lợi nhuận ngành dịch vụ ăn uống

  • Chia sẻ cái này:
Tỷ suất lợi nhuận là gì? Cách tăng tỷ suất lợi nhuận ngành dịch vụ ăn uống

Tin tức mới

Tỷ suất lợi nhuận là gì? Cách tăng tỷ suất lợi nhuận ngành dịch vụ ăn uống

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Tỷ suất lợi nhuận là một khái niệm vẫn còn tương đối xa lạ với nhiều chủ quán cà phê, chủ nhà hàng. Trên thực tế, tỷ suất lợi nhuận là một trong những yếu tố hàng đầu để đánh giá thành công của doanh nghiệp, thông qua tỷ suất lợi nhuận ròng sẽ mang lại cho bạn một bức tranh tài chính rõ ràng và đánh giá được hiệu quả kinh doanh chính xác nhất. 

Với tầm quan trọng như vậy, các chủ nhà hàng cần nắm được những lưu ý để tính tỷ suất lợi nhuận. Hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu thêm về chỉ số này thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tỷ suất lợi nhuận là gì và cách tính tỷ suất lợi nhuận

1.1. Tỷ suất lợi nhuận là gì?

Trong kinh doanh nói chung, tỷ suất lợi nhuận là một chỉ số quan trọng được các doanh nghiệp sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Tỷ suất này có thể được tính dựa trên doanh thu, vốn chủ sở hữu hoặc tổng tài sản, tùy thuộc vào các loại tỷ suất khác nhau. Thường đối với các nhà hàng hay quán cà phê, khi nói tới tỷ suất lợi nhuận thì người ta thường mặc định đó là tỷ suất lợi nhuận ròng.

Ý nghĩa của tỷ suất lợi nhuận là cho biết một đơn vị vốn, tài sản hoặc doanh thu có thể cho ra bao nhiêu lợi nhuận. Ví dụ nếu một nhà hàng A có tỷ suất lợi nhuận là 30%, có nghĩa là cứ 1000 đồng mà nhà hàng A bỏ ra thì họ sẽ thu về lại được 30% trong đó, tức là 300 đồng. 

Tỷ suất lợi nhuận sẽ cho biết nhà hàng hoạt động có hiệu quả hay không

1.2. Cách tính tỷ suất lợi nhuận ròng

Công thức tính tỷ suất lợi nhuận ròng của quán cà phê sẽ là

Tỷ suất lợi nhuận ròng = Thu nhập ròng / Doanh thu gộp x 100%

Trong đó: Thu nhập ròng = Doanh thu gộp – Chi phí hoạt động

Cần lưu ý rằng doanh thu gộp là doanh thu bán hàng từ bán đồ ăn, thức uống và hàng hóa cộng với thu nhập khác (Riêng các thu nhập không thường xuyên như thanh lý dụng cụ, thanh lý trang thiết bị,… sẽ không được tính). Còn chi phí hoạt động là chi phí quán phải trả để vận hành quy trình hoạt động của mình, chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu, chi phí thuê mặt bằng, chi phí trả lương cho nhân viên, khấu hao thiết bị, thuế, bảo hiểm, tiền điện nước,…

Bây giờ, tỷ suất lợi nhuận nhà hàng bị ảnh hưởng bởi một thay đổi nhỏ hoặc một sự kiện bất ngờ. Ví dụ, giá nguyên liệu hoặc tiền thuê có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận. Cách duy nhất có thể tăng lợi nhuận nhà hàng là tăng doanh thu mà không tăng chi phí hoạt động. Điều đầu tiên cần làm là theo dõi tất cả các chi phí hoạt động nhà hàng. Sau đó, có thể thực hiện các bước để giảm chi phí và tăng tỷ suất lợi nhuận nhà hàng.

Xem thêm: Tất tần tật về “biến cố” Mixue giảm giá: Để kích thích nhu cầu tiêu dùng hay “dằn mặt” đối thủ cùng phân khúc?

2. Các cách để nâng cao tỷ suất lợi nhuận của nhà hàng, quán cà phê

2.1. Giảm chi phí nguyên vật liệu 

Chi phí nguyên vật liệu chiếm một phần lớn trong tổng ngân sách dự kiến của mỗi nhà hàng, quán cà phê. Theo thống kê, trong ngành dịch vụ ăn uống, chi phí nguyên vật liệu trung bình sẽ tương đương từ 28% – 35% doanh thu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà phần đông các nhà hàng, quán cà phê gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý chi phí nguyên vật liệu, có những quán còn bị lạm chi, bội chi, chi phí tăng quá cao nên doanh thu không bù đủ để tạo ra lợi nhuận,…

Chi phí nguyên liệu quá cao khiến quán không có đủ doanh thu để bù lại, cuối cùng không tạo ra lợi nhuận

Nếu có thể kiểm soát ổn định chi phí nguyên vật liệu hoặc hạ mức chi phí này xuống thì các quán có thể định hướng hoạt động tốt hơn, đem về lợi nhuận cao hơn. Có một số cách để nhà hàng, quán cà phê tối ưu hóa lợi nhuận từ việc điều chỉnh chi phí nguyên vật liệu như sau:

  • Thay thế các nguyên liệu có giá thấp hơn: Để làm được điều này, các quán phải trao đổi kỹ với bộ phận chế biến, pha chế để tìm cách điều chỉnh công thức làm đồ ăn, đồ uống mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Sau đó, quán cần thương lượng với các nhà cung cấp nguyên liệu để tìm các thành phần rẻ hơn cho mỗi món nhằm giảm chi phí khi chế biến.
  • Quản lý khẩu phần: Đảm bảo rằng mọi món ăn, đồ uống đều sử dụng cùng một lượng nguyên liệu khi chế biến và nhân viên nhà bếp hay quầy bar không chia khẩu phần quá nhiều hoặc quá ít cho một suất. Để kiểm soát chính xác hơn, các quán nên sử dụng cân tiểu ly, thìa đong,… và yêu cầu nhân viên tuân thủ nghiêm ngặt mức định lượng đã quy định cho mỗi sản phẩm.
  • Quản lý đồ ăn, đồ uống bị bỏ đi: Đồ ăn bị bỏ đi trong các quán đều xuất phát từ các lý do như: bị khách trả lại vì làm không đúng cách dẫn đến chất lượng kém, bị rơi vãi trong bếp hoặc trên sàn nhà, bị hỏng trong quá trình chế biến,…  gây tình trạng lãng phí và tốn kém. Vì thế, các quán cần theo dõi chặt chẽ tình hình bán hàng để tìm nguyên nhân và giải pháp cho việc đồ ăn thường xuyên bị bỏ đi.
  • Thay đổi menu thường xuyên: Nhà hàng, quán cà phê phải có hệ thống dữ liệu bán hàng để biết tình hình của các món trong thực đơn: món nào được yêu thích nhất, món nào bán chạy nhất, món nào không hay được gọi, món nào khách phản hồi không tốt,… và đưa ra quyết định loại bỏ những món ít được gọi nhất để tiết kiệm chi phí. 

2.2. Cắt giảm chi phí vận hành

Trong bối cảnh giá cả lạm phát thì những chi phí như điện, nước, gas, xăng dầu,… đều tăng lên đáng kể, khiến lợi nhuận của nhà hàng, quán cà phê lại bị hạ xuống thấp hơn. Tuy nhiên, các quán vẫn có thể giảm thiểu khoản tiền dành để chi cho những việc này bằng các cách rất đơn giản: 

  • Nhắc nhở nhân viên tiết kiệm điện trong những giờ vắng khách, tắt thiết bị khi không sử dụng
  • Lựa chọn sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện
  • Không bật đèn cả ngày trong những khu vực như WC mà chuyển sang bóng đèn LED có cảm biến chuyển động chỉ bật/tắt khi có người ra vào
  • Tuân thủ lịch trình vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị thường xuyên

Bên cạnh đó, nhà hàng, quán cà phê cũng cần xem xét lại về chi phí marketing – quảng cáo. Nếu việc marketing của quán hiện tại không hiệu quả, tốn tiền mà không đem về được nhiều khách hàng hoặc tăng danh tiếng thương hiệu lên thì nên tính tới việc dừng chạy quảng cáo hoặc thay đổi kế hoạch marketing. 

Cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết giúp quán tiết kiệm tiền bạc và không bị lãng phí một cách vô ích

Trong các khoản chi phí thì khoản tiền trả lương nhân viên luôn là một trong những khoản lớn nhất. Tuy nhiên, khi cắt giảm chi phí vận hành thì quán cũng không thể vô cớ cắt giảm lương của nhân viên bởi như vậy sẽ khiến nhân viên hoang mang, cảm thấy không được tôn trọng, dễ nghỉ việc hàng loạt,… Thay vì vậy, quán nên tìm cách nâng cao trình độ nhân viên bằng việc thường xuyên training hoặc thuê những người đã dày dặn kinh nghiệm; như thế đội ngũ nhân sự sẽ làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn. Hoặc thuê những nhân viên có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí, cắt giảm số lượng nhân viên trong giờ ít khách,… cũng là một lựa chọn giúp quán giảm bớt chi phí nhân sự phải trả. 

Xem thêm: Chiến lược marketing của Highlands Coffee: Ăn nên làm ra nhờ “Kiềng Ba Chân”

2.3. Tăng doanh thu bán hàng

Khi giảm chi phí mà doanh thu bán hàng lại tăng lên thì lợi nhuận mang về sẽ cao hơn rất nhiều. Do vậy, các nhà hàng, quán cà phê nên đặt mục tiêu tăng trưởng về mặt doanh thu theo từng khoảng thời gian nhất định: tuần, tháng, quý,… Có một số cách giúp tăng doanh thu bán hàng mà các quán có thể thử như:

  • Tạo ra các combo có những món bán chạy nhất để có thể bán kèm thêm cùng nhiều món khác, từ đó giúp giải quyết những nguyên liệu sản phẩm đang tồn kho có nguy cơ bị lãng phí
  • Đa dạng hóa các kênh bán hàng, không chỉ bán hàng tại chỗ mà còn bán hàng online qua các app đặt đồ ăn, website, hotline nhà hàng,… Nếu quán đang phát triển tốt có thể suy nghĩ tới việc đặt thêm kiosk hoặc bán nhượng quyền thương hiệu
  • Thường xuyên đưa ra ưu đãi, khuyến mãi cho khách để thúc đẩy nhu cầu đi ăn uống của họ; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để khách hài lòng hơn
  • Xây dựng chương trình tích điểm, tặng quà, tặng thưởng cho những vị khách thường xuyên đến nhà hàng; tăng cường kết nối và giữ mối quan hệ bền chặt với tệp khách hàng trung thành của quán
Có nhiều cách giúp nhà hàng, quán cà phê tăng tỷ suất lợi nhuận nhờ việc tăng doanh thu bán hàng

3. Kết luận

Tỷ suất lợi nhuận là một chỉ số rất quan trọng giúp các quán đánh giá được việc kinh doanh của mình có đang hiệu quả hay không. Để tỷ suất lợi nhuận tăng lên, quán thu được nhiều lãi hơn thì chủ quán cần phải xem xét và áp dụng những cách thức hợp lý nhất, có thể kết hợp nhiều cách cùng một lúc nếu mang lại cho quán hiệu quả tốt hơn. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất