Buy Now

Tìm kiếm

Từ câu chuyện bánh Trung thu healthy: Hiện đại hóa món ăn truyền thống hay Đánh mất văn hóa cổ truyền?

  • Chia sẻ cái này:
Từ câu chuyện bánh Trung thu healthy: Hiện đại hóa món ăn truyền thống hay Đánh mất văn hóa cổ truyền?

Tin tức mới

Từ câu chuyện bánh Trung thu healthy: Hiện đại hóa món ăn truyền thống hay Đánh mất văn hóa cổ truyền?

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

“Bánh Trung thu healthy” đang là từ khóa hot nhất trên các MXH khi mùa Trung thu cận kề. Cũng giống như “làn sóng” bánh Trung thu hiện đại với các kiểu nhân mới mẻ ngày trước, bánh Trung thu healthy nhận về cả những lời khen và chê. Người ta tranh cãi khi đã thay đổi các thành phần cốt lõi thì đây có còn được coi là một chiếc bánh Trung thu đúng nghĩa? Từ câu chuyện tranh cãi này, cộng đồng mạng đã thảo luận gay gắt về việc: Liệu khi hiện đại hóa những món ăn truyền thống, ta có đang tự đánh mất bản sắc, giá trị lâu đời hay không?

1. So sánh bánh Trung thu healthy và bánh Trung thu truyền thống – một kiểu “truyền thông bẩn” từ những người bán hàng không có tâm

Những năm gần đây, khi xu hướng ăn uống healthy để bảo vệ sức khỏe ngày càng lan rộng thì thị trường bánh Trung thu cũng không “đứng ngoài cuộc chơi” này. Trước Trung thu chỉ tầm hơn 2 tháng, khắp các trang MXH từ Facebook, TikTok, Instagram,… đều “rần rần” bởi những bài viết quảng cáo, giới thiệu bánh Trung thu handmade, healthy với những thành phần nguyên liệu tốt cho sức khỏe như: bột mì nguyên cám, mật ong, nhân hạt dinh dưỡng, lên màu bằng nước ép rau củ,… 

Tuy có mức giá khá đắt đỏ nhưng bánh Trung thu healthy đã nhanh chóng được hội các chị em – những người cực kỳ sợ béo nhưng vẫn thèm ăn – săn lùng, thậm chí có shop còn thông báo “cháy hàng”, phải tạm ngưng nhận order. Có thể nói, bánh Trung thu healthy vừa thỏa mãn nhu cầu ăn đồ ngọt nhưng không lên cân của phái đẹp, vừa giúp người bán có một mùa thu nhập “bội thu”.

Các shop bán bánh Trung thu healthy còn tỉ mỉ làm cả một bảng so sánh về ưu điểm vượt trội của bánh Trung thu healthy so với bánh Trung thu truyền thống, càng khiến khách hàng thêm tin tưởng vào việc sử dụng những chiếc bánh Trung thu healthy là đang bảo vệ sức khỏe của mình.

Các bài viết hạ bệ bánh Trung thu truyền thống, tâng bốc bánh Trung thu healthy bị nhiều đầu bếp có tâm đáp trả

Tuy nhiên, ngay khi “cơn sốt” bánh Trung thu healthy đang lên đến đỉnh điểm thì hàng loạt bài viết “bóc phốt” về tính healthy thật sự của dòng sản phẩm này đã xuất hiện. Bài viết chỉ ra rõ: bánh Trung thu healthy vốn không hề… healthy! Thứ nhất, chúng ta không thể thay thế đường bằng mật ong để làm bánh vì không có đường thì không thể sên nhân. Hơn nữa, mật ong khi chế biến ở nhiệt độ cao sẽ mất đi gần hết những chất dinh dưỡng, thậm chí còn sản sinh ra nhiều độc tố có hại cho sức khỏe hơn cả đường bình thường. Đường còn là chất bảo quản tự nhiên của bánh, nếu giảm đi hoặc dùng đường ăn kiêng thì bánh chỉ có HSD trong 2 ngày. “Hay lúc ấy lại cho chất bảo quản, vậy healthy dữ dội chưa?”

Thứ hai, kể cả bánh Trung thu healthy có lượng calories thấp hơn bánh Trung thu kiểu cũ thì dù chúng ta ăn hết cả một cái bánh Trung thu healthy vẫn… sẽ béo. Đơn giản là quá trình giữ cân hay giảm cân phải tuân thủ nguyên tắc lượng calories nạp vào thấp hơn lượng calories cơ thể tiêu thụ, còn lượng calories trong một chiếc bánh Trung thu thì lại quá mức cần thiết. Nếu muốn ăn bánh mà không béo thì chỉ có một cách là ăn xong và đi tập thể dục!

Bánh Trung thu healthy bị nghi ngờ liệu có thật sự healthy?

Nói cách khác, việc viết những bài so sánh, hạ bệ bánh Trung thu truyền thống “ngọt gắt”, “béo”, “nhiều đường”, “hại sức khỏe” và tâng bốc bánh Trung thu healthy lên chính là một hình thức “truyền thông bẩn” của những người bán bánh Trung thu healthy không có tâm, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi và làm giàu cho mình.

Xem thêm: Những thương hiệu ẩm thực và đồ uống Việt “ăn nên làm ra” khi đi sang thị trường nước ngoài

2. Chúng ta có đang quay lưng lại với những tinh hoa văn hóa ông cha dày công vun đắp hay không?

Không chỉ riêng vụ việc của bánh Trung thu healthy mà nhiều năm trước đây, tranh cãi cũng từng nổ ra khi chúng ta đang dần “khoác áo mới” cho những món ăn truyền thống. Nếu bánh Trung thu ngày xưa chỉ có những loại nhân truyền thống như đậu xanh, thập cẩm,… thì giờ đây người ta có thể thấy bánh Trung thu muôn hình muôn vẻ: nhân trà xanh, nhân chocolate, nhân phô mai, nhân lava trứng chảy, nhân trà sữa trân châu đường đen,… 

Màu sắc của bánh Trung thu không chỉ đơn giản là màu vàng của bánh nướng và màu trắng của bánh dẻo nữa mà cũng đã biến hóa với nhiều hình dạng, màu sắc vô cùng bắt mắt. Thay vì vị ngọt đậm đà, thậm chí có phần “khé cổ” của bánh truyền thống thì hầu hết bánh ngày nay đều được giảm đường đi cho bớt ngọt hơn, phù hợp với sự thay đổi về khẩu vị của khách hàng. Những chiếc bánh Trung thu đơn giản, đúng chuẩn truyền thống có lẽ sẽ được tìm thấy nhiều hơn ở các tiệm bánh lâu đời và có nhiều khách đã lớn tuổi, quen với hương vị của bánh Trung thu kiểu cũ. 

Việc làm mới các món ăn truyền thống vấp phải sự phản đối của không ít người

Tuy nhiên, trước khi được đón nhận rộng rãi như hiện tại, bánh Trung thu hiện đại cũng đã trải qua hàng loạt “cơn bão gạch đá” bởi sự biến tấu quá khác biệt về thành phần, nguyên liệu, hình dạng và hương vị. Những loại nhân mới du nhập vào dường như đã biến bánh Trung thu trở thành một loại bánh mới hoàn toàn, chỉ có sót lại một chút tương đồng với những chiếc bánh Trung thu truyền thống, gắn bó với kỷ niệm tuổi thơ trong ký ức của nhiều người. Tương tự như vậy, những món như bánh Trung thu healthy, rồi cả bánh chưng bánh dày healthy (thay gạo nếp bằng gạo lứt đen), bún phở healthy,… đều làm dấy lên tranh cãi và chia làm 2 luồng ý kiến rằng: Chúng ta đang làm mới những món truyền thống hay làm hỏng những giá trị ẩm thực lâu đời của cha ông?

Theo những người yêu thích sự nguyên bản của các món ăn thuần Việt; việc thay đổi từ hương vị, thành phần, kết cấu hay cách làm dù chỉ một chút thôi cũng khiến cho món ăn không còn đúng chuẩn truyền thống nữa. Như bánh chưng thì nhất định phải nấu bằng gạo nếp, bánh Trung thu phải làm bằng bột mì, nếu thay bằng gạo lứt đen hay bột mì nguyên cám thì sẽ đánh mất hương vị từ lâu đời của các món ăn này. 

Nhiều người lại yêu thích và ủng hộ việc thay đổi thành phần nguyên liệu trong các món ăn truyền thống

Gay gắt hơn, một số người có cho rằng đó là sự “lai căng”, “pha tạp”, đánh mất tinh hoa ẩm thực lâu đời của dân tộc khi pha trộn những nguyên liệu mới hoặc dùng công thức mới để chế biến. Hầu hết những người theo phe này đều là những người đã lớn tuổi, trưởng thành, ký ức tuổi thơ và cuộc sống của họ gắn liền với những món ăn truyền thống nên khá dễ hiểu khi họ không có cái nhìn cởi mở với những thứ cách tân mới mẻ.

Ngược lại, một số đông khác lại hào hứng, vui vẻ tiếp nhận những sự thay đổi, làm mới các món ăn truyền thống của dân tộc. Đại diện cho lối suy nghĩ này là thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z – các “công dân toàn cầu” – được lớn lên trong thời đại giao lưu tiếp xúc văn hóa cởi mở hơn nhờ sự phát triển của Internet. 

Ngoài bánh chưng, bánh Trung thu,… thì nhiều người còn lựa chọn phở, bún, miến healthy,…

Tệp khách hàng này lý giải rằng khi nhu cầu và khẩu vị của mọi người thay đổi thì người làm nghề F&B, các sản phẩm trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống cũng nên thay đổi để bắt kịp với xu hướng. Hơn nữa, sức sống của một món ăn hay bất kỳ giá trị nào mà ông cha để lại không nằm ở chỗ nó có “nguyên bản” hay không, mà là ý nghĩa và tính lưu truyền lâu dài của nó trong cộng đồng. 

3. Kết luận

Không chỉ mới gần đây mà khoảng vài năm trở lại, mỗi khi đến mùa Trung thu hay mùa Tết là những tranh cãi về việc “giữ” hay “không giữ” vị nguyên bản của các món ăn truyền thống lại rầm rộ hơn. Có người hào hứng, có người lại chê “sính ngoại”,… nhưng chung quy dù là sản phẩm truyền thống hay sản phẩm cách tân mới mẻ thì đều có một tệp khách hàng riêng rất ủng hộ. 

Chúng ta vẫn yêu quý và tìm cách lưu giữ lại những giá trị truyền thống, tuy nhiên cũng nên mở lòng và tiếp nhận những cải tiến mới mẻ, phù hợp với quy luật phát triển và xu hướng của xã hội; không nên quá bảo thủ hay nghiêng về một phía. Dạo một vòng MXH, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ thời nay háo hức tìm đến những tiệm bánh Trung thu lâu đời để mua chiếc bánh chuẩn vị của thời ba, bốn mươi năm trước; hay thế hệ người lớn cũng đang dần quen với những hương vị bánh mới lạ hơn. Đó không phải là sự bài xích hay lãng quên mà là chúng ta đang cố gắng dung hòa giữa tính truyền thống và hiện đại để làm mới cuộc sống của mình.

Xem thêm: Mở nhà hàng trong trung tâm thương mại: Tiền lãi có “đủ gồng” tiền thuê mặt bằng?

Với những chủ kinh doanh F&B, cần phải đứng ở góc độ người cung cấp dịch vụ và sản phẩm để xác định xem tệp khách hàng của mình là ai, làm thế nào đưa ra những sản phẩm làm hài lòng khách nhất có thể nhé!

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất