Buy Now

Tìm kiếm

Truy thu thuế là gì? Chủ kinh doanh F&B cần biết điều gì về việc truy thu thuế?

  • Chia sẻ cái này:
Truy thu thuế là gì? Chủ kinh doanh F&B cần biết điều gì về việc truy thu thuế?

Tin tức mới

Truy thu thuế là gì? Chủ kinh doanh F&B cần biết điều gì về việc truy thu thuế?

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Thuế được coi là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện các mục tiêu, chính sách và định hướng của của Nhà nước. Vì thế, nộp thuế được coi là một nghĩa vụ bắt buộc mà các cá nhân, tổ chức phải thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Đặc biệt, đối với các chủ kinh doanh F&B thì sẽ phải chịu một số loại thuế đặc thù, cần chú ý nộp đúng, nộp đủ để tránh những rắc rối phát sinh.

Trong quá trình tìm hiểu về các vấn đề liên quan tới việc nộp thuế, không ít hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online hay doanh nghiệp F&B còn khá “mù mờ” việc truy thu thuế. Vậy truy thu thuế là gì và có ảnh hưởng thế nào đến những người kinh doanh F&B, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Truy thu thuế là gì?

Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Thuế được sử dụng như là nguồn ngân sách hoạt động chính của Nhà nước, cũng như là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc của mọi công dân và các doanh nghiệp, được pháp luật quy định rõ ràng và yêu cầu công dân phải nghiêm túc thực hiện. 

Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp F&B cần chú ý tới việc nộp thuế đúng thời hạn

Thuế bị truy thu trong tiếng Anh gọi là “Back taxes”, có nghĩa là “khoản thuế chưa nộp trong các năm tài chính trước”. Hiểu một cách cặn kẽ, thuế bị truy thu sẽ là những loại thuế chưa được thanh toán toàn bộ hoặc một phần trong năm khi chúng đáo hạn. Từ đó ta có thể hiểu việc truy thu thuế sẽ được cơ quan thuế ra quyết định hành chính, yêu cầu đối tượng nộp thuế cần phải nộp bổ sung ngay phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Có nhiều lý do dẫn tới việc công dân có nghĩa vụ phải nộp thuế nhưng lại không nộp thuế, cả lý do cố ý hoặc do sơ ý như:

  • Cố tình không kê khai thu nhập để trốn thuế 
  • Không báo cáo tất cả thu nhập kiếm được trong năm tính thuế
  • Quên hạn nộp thuế

Về bản chất, truy thu thuế là quyết định hành chính, không cần phải xử phạt vi phạm. Tuy nhiên trong trường hợp phát hiện cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cố ý vi phạm quy định nộp thuế thì sẽ có cơ quan thẩm quyền đứng ra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm: 5 “tử huyệt” trong việc quản lý dòng tiền trong kinh doanh của chủ quán

2. Khi nào sẽ bị truy thu thuế?

Thuế bị truy thu thường được áp dụng cho kỳ thuế của năm trước mà đến năm nay doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Khi đáo hạn 1 năm, doanh nghiệp buộc phải thực hiện báo cáo tài chính. Nếu trong báo cáo tài chính kê khai thuế không đầy đủ, có biểu hiện gian lận, hoặc kê khai đúng nhưng vẫn không chịu nộp thuế đúng thời gian quy định thì các đơn vị cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định truy thu với doanh nghiệp.

Truy thu thuế là việc yêu cầu đối tượng nộp thiếu phải nộp bổ sung thuế vào ngân sách nhà nước

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá nhân hoặc doanh nghiệp phải nộp thuế gặp các vấn đề tài chính, những rủi ro từ thị trường,… không lường trước và không đủ điều kiện tài chính để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đúng thời hạn. Lúc này tùy vào tình hình thực tế và mỗi trường hợp cụ thể mà cơ quan thuế cũng sẽ linh động hỗ trợ, có những chế tài nhất định để cá nhân, doanh nghiệp phải nộp thuế có thể gia hạn thêm thời gian. 

3. Chủ kinh doanh F&B cần lưu ý những điều gì về việc truy thu thuế?

3.1. Các loại truy thu thuế hiện nay

Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra quy định riêng về vấn đề truy thu hay xử lý chậm thuế. Hiện nay các loại truy thu thuế gồm: 

  • Truy thu thuế thu nhập cá nhân
  • Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 
  • Truy thu thuế hộ kinh doanh

3.2. Thẩm quyền truy thu thuế thuộc về ai?

Theo quy định, việc truy thu thuế thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế, các cơ quan hải quan như là: Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Chi cục Hải quan. Tuy nhiên, mỗi một đối tượng khác nhau như cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh,… lại chia ra chịu thẩm quyền truy thu thuế của những cơ quan khác nhau.

3.3. Truy thu thuế có lâu không?

Thời hạn của việc truy thu thuế đã được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cần nắm rõ nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thời hạn như sau:

  • Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. 
  • Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày lập biên bản vi phạm hành chính về thuế.
  • Thời hạn truy thu thuế là 10 năm trở về trước chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, tuy nhiên thời hạn đó không được ít hơn thời hạn truy thu theo quy định trên.
Việc nộp thuế muộn hoặc cố tình không nộp thuế đều sẽ dẫn tới những rắc rối về mặt pháp luật với doanh nghiệp F&B

4. Các trường hợp chậm nộp tiền thuế sẽ bị xử lý như thế nào?

Các trường hợp vi phạm về vấn đề nộp thuế vào ngân sách nhà nước đều sẽ bị xử phạt theo đúng quy định. Các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực F&B có thể nghiên cứu kỹ Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trong đó đã đề cập đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuế, hóa đơn. Cụ thể:

  • Các tổ chức, cá nhân nếu chậm nộp tiền vi phạm thì sẽ bị tính tiền chậm theo mức 0,05%/ngày (dựa theo số tiền phạt chậm nộp). 
  • Việc tính số ngày chậm nộp tiền phạt sẽ bao gồm tất cả các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ theo chế độ của nhà nước. Số ngày này sẽ được tính bắt đầu từ ngày hết hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề mà tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước theo quy định. (Ví dụ: Ngày hết hạn nộp tiền phạt là 1/6/2023 nhưng đến tận 1/8/2023 hộ kinh doanh A mới nộp, tức là số ngày chậm nộp tiền phạt sẽ được tính từ 1/6 đến 31/7/2023).
  • Riêng với các trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp không tự giác thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và nộp tiền phạt, tiền chậm nộp phạt thì cơ quan thuế quản lý sẽ cần phải thông báo, đốc thúc.

Xem thêm: Chứng từ kế toán là gì? Doanh nghiệp F&B cần chú ý điều gì về chứng từ kế toán?

5. Kết luận

Để đảm bảo cho hộ kinh doanh hay doanh nghiệp của mình hoạt động lâu bền, hiệu quả; ngoài chú ý tới tình hình kinh doanh thì những người đang làm trong lĩnh vực F&B cũng cần phải để tâm tới những quy định của pháp luật liên quan tới đăng ký kinh doanh, bảo hộ thương hiệu, kiểm tra vệ sinh an toàn – thực phẩm và đóng thuế đầy đủ. Hãy đảm bảo doanh nghiệp đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ về thuế, tránh những điều không hay có thể phát sinh nhé!

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất