Buy Now

Tìm kiếm

Thuê mặt bằng kinh doanh F&B – Cẩn thận kẻo mất tiền oan!

  • Chia sẻ cái này:
Thuê mặt bằng kinh doanh F&B – Cẩn thận kẻo mất tiền oan!

Tin tức mới

Thuê mặt bằng kinh doanh F&B – Cẩn thận kẻo mất tiền oan!

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Thuê mặt bằng là một trong những việc quan trọng khi tiến hành mở nhà hàng hay quán cà phê. Tuy nhiên, trong thị trường bất động sản biến động đầy rẫy những cạm bẫy như hiện nay, không ít người đã mất tiền oan khi đi thuê mặt bằng kinh doanh F&B do nóng vội hoặc thiếu hiểu biết. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng iPOS.vn lật tẩy “muôn hình vạn trạng” chiêu trò lừa đảo mà chủ quán có thể gặp phải khi đi thuê mặt bằng kinh doanh. 

1. Giả danh chủ sở hữu để trục lợi tiền thuê nhà 

Một trong những rủi ro hàng đầu có thể gặp phải khi đi thuê mặt bằng kinh doanh để mở nhà hàng, quán cà phê là làm việc với người không phải chính chủ của mặt bằng. Tiêu biểu nhất là trường hợp người đi thuê ký kết hợp đồng, đặt cọc, đóng tiền thuê cho người đứng tên trong hợp đồng – nhân vật tự xưng là chủ nhà. Tuy nhiên, người đó lại không công khai sổ đỏ, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu. Do đó, khi chủ nhà thực sự trở về thì người thuê mới “ngớ người” ra. Khi đó, bên thuê sẽ rơi vào một trong hai tình cảnh: Một là “khăn gói quả mướp” ra đường do chủ nhà không chấp nhận cho thuê. Hai là lại phải tiến hành ký kết, nộp tiền một lần nữa.

Chỉ làm việc với đúng chủ sở hữu khi đi thuê mặt bằng kinh doanh 

Một trường hợp khác thường xảy ra là khách thuê mặt bằng trước đến thời hạn thanh lý hợp đồng hay không muốn thuê nữa liền tiến hành đăng tin cho thuê lại để trục lợi. Nếu trong quá trình làm hợp đồng, người đi thuê không kiểm tra giấy tờ chính chủ hay giấy ủy quyền được phép cho thuê thì việc bị những đối tượng này lợi dụng, mất tiền oan là rất lớn.

Xem thêm: 6 “điểm chết” khi lựa chọn sai mặt bằng kinh doanh F&B

2. Tăng giá thuê mặt bằng, tăng tiền điện, nước một cách đột ngột

Nhiều người trong vai trò đi thuê mặt bằng kinh doanh cả tin đã không ký kết hợp đồng thuê một cách chi tiết. Thay vào đó, những vấn đề về giá thuê, tiền điện, nước, internet,… chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc ghi sơ sài trong bản hợp đồng. Không hề có một điều khoản nào về sự điều chỉnh, quy định tăng giá khi nào, khi tăng phải làm sao,… Chính sự mất cẩn trọng điều khoản hợp đồng này đã tạo điều kiện cho những chủ mặt bằng tăng giá thuê hay các chi phí liên quan một cách bất hợp lý, thậm chí là đột ngột khiến người thuê không có sự chuẩn bị.

Trong khi đó, bên thuê lại không hề có được cơ sở pháp lý nào để đảm bảo quyền lợi của mình. Một là người thuê phải chấp nhận sự tăng giá vô lý đó. Hai là phải chuyển đi. Mà việc chuyển đi, tìm một địa chỉ mới không hề dễ dàng và có được trong ngày một, ngày hai. Hơn nữa quán có thể mất những khách quen ở khu vực đó.  Do đó, không ít người đã phải ngậm đắng nuốt cay chịu chi trả trong một vài tháng.

3. Tự ý đơn phương đuổi khách

Trường hợp tiếp theo thường gặp khi thuê mặt bằng kinh doanh F&B đó chính là việc chủ nhà tự ý đuổi khách. Bỗng một ngày đẹp trời, chủ nhà thông báo không cho quán thuê nữa với đủ các loại lý do, từ chủ quan lẫn khách quan. Nhiều người đi thuê không tỉnh táo, hợp đồng ký kết không thống nhất rõ ràng trước vấn đề chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng hay chỉ thỏa thuận bằng miệng mà không đả động gì tới trong văn bản pháp lý. 

Một số chủ nhà tự ý chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh

Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để chủ nhà dễ dàng tự ý đuổi khách mà không cần đền bù bất cứ thiệt hại gì. Việc bất chợt bị “đuổi đi” khiến chủ quán rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải gấp rút tìm một mặt bằng mới, mất đi lợi thế cũng như những thành công mà mình đã xây dựng tại khu vực này.

4. Các trung tâm nhà đất, môi giới bất động sản lừa đảo

Hiện nay, việc sử dụng dịch vụ của các trung tâm nhà đất hay môi giới bất động sản trong việc tìm mặt bằng đã chẳng còn xa lạ. Những đơn vị này “mọc lên như nấm” với những tên tuổi từ lớn đến nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những môi giới uy tín, chất lượng, làm việc có tâm thì cũng không ít trung tâm chuyên kiếm tiền bằng cách lừa đảo.

Những môi giới thuê nhà này có thể lợi dụng sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của chủ quán bằng cách thu phí cho mỗi lần đi xem nhà cần cho thuê. Họ sẽ cố tình dẫn bạn đi càng nhiều nơi càng tốt, tuy nhiên mỗi địa điểm này đều sẽ có nhược điểm không thích hợp với việc kinh doanh hoặc yêu cầu của bạn. Khi đã mất quá nhiều thời gian mà không xong việc, chính người cần thuê sẽ từ bỏ khoản cọc ban đầu để tự tìm hoặc nhờ bên khác.

5. Chiếm dụng tiền cọc khi thuê mặt bằng

Khi đi thuê mặt bằng kinh doanh, chủ quán không những phải chi trả khoản tiền thuê hàng tháng mà còn phải đặt cọc một khoản tiền trong lúc ký hợp đồng cho thuê. Tiền cọc được coi là một khoản phí đảm bảo với chủ cho thuê trong quá trình thuê mặt bằng. Tuy cho thuê giá rẻ nhưng chủ nhà hoặc môi giới lại yêu cầu những khoản tiền cọc lớn từ 3 đến 6 tháng mới đồng ý cho chủ quán bắt đầu kinh doanh. 

Người đi thuê mặt bằng kinh doanh F&B nên cẩn trọng để không bị chiếm đoạt tiền cọc 

Một số đối tượng tận dụng những mặt bằng đẹp đăng tin rao cho thuê giá rẻ rồi dẫn khách đi xem, nhưng lấy lý do khách đang thuê đi vắng không vào xem được. Sau đó, yêu cầu khách đặt cọc một khoản tiền nhỏ, thường dưới 500.000 đồng giữ chỗ. Khách hàng thấy tiền đặt cọc không cao, vị trí mặt bằng đẹp nên thường đồng ý, đến thời gian hẹn đàm phán thuê nhà khách liên hệ lại thì số điện thoại không liên hệ được. 

Sau khi nhận được tiền cọc, chủ nhà lại “giở bài” tăng giá hoặc đòi bổ sung thêm một loạt phí khiến khách hàng không dám thuê tiếp và từ đó mất luôn tiền cọc. Những điều khoản mập mờ trong “hợp đồng cho thuê” cũng là cách để các chủ nhà lừa đảo chiếm dụng tiền cọc của người thuê.

6. Thuê mặt bằng thuộc diện quy hoạch

Lỗi này thuộc hoàn toàn về phía người đi thuê, đó là khi thuê mặt bằng mà không tìm hiểu kỹ thông tin. Để từ đó, những kẻ lừa đảo mới có cơ hội làm ăn bất chính. Có rất nhiều trường hợp, người thuê theo địa chỉ quảng cáo để tìm đến những nơi có mặt bằng cho thuê đáp ứng được nhu cầu. Sau khi trao đổi, thống nhất giá cả, thời gian thuê thì 2 bên tiến hành làm hợp đồng. 

Vì trong quá trình thương lượng người thuê không cảm thấy có điều gì bất thường nên đã vội vàng ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh mà không mảy may suy nghĩ. Nhưng rồi một thời gian sau mới tá hỏa nhận ra, mặt bằng mình thuê thuộc diện quy hoạch, hoặc sắp giải tỏa, hoặc đang tranh chấp,… Nói chung là không thể tiến hành kinh doanh. Thậm chí người thuê còn vướng phải những rắc rối về thủ tục pháp lý do thuê phải mảnh đất không hợp pháp. Do vậy, trước khi ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh, phải tìm hiểu kỹ thông tin xem khu vực định thuê có thuộc khu vực giải tỏa hay xảy ra tranh chấp gì không. Nếu có, tuyệt đối không “rước họa vào thân”.

7. Thuê mặt bằng ở những khu vực có nhiều hạn chế 

Ở mỗi khu vực sẽ có những quy định khác nhau về cách thức kinh doanh và thời gian hoạt động. Hoặc có những nơi cấm lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, trong khi mục đích chính của người kinh doanh khi thuê mặt bằng này là để mở quán cà phê có chỗ ngồi vỉa hè. 

Hay có những nơi quy định thời gian kinh doanh, không được kinh doanh quá khuya, trong khi bạn muốn mở quán cà phê tiếp khách đến 12 giờ đêm. Nhưng khi bạn hỏi chủ nhà, họ lại giấu giếm. Mặc dù họ biết những điều này ảnh hưởng đến chuyện kinh doanh của bạn, nhưng vì nóng lòng muốn có người thuê, họ đã che giấu thông tin để bạn quyết định thuê. Suy cho cùng, lỗi này không chỉ thuộc về chủ nhà, mà còn là lỗi của người đi thuê không chịu tìm hiểu thật sự kỹ lưỡng. 

Có thể nói, hiện nay việc đi thuê mặt bằng kinh doanh F&B tồn tại những rủi ro tiềm ẩn khó lường trước. Hãy nắm rõ những chiêu lừa đảo thường gặp để có được kinh nghiệm “vàng” trong việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh đảm bảo an toàn và phù hợp. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất