Buy Now

Tìm kiếm

Tẩy chay “bún mắng, cháo chửi”: Khi yếu tố dịch vụ trong ngành F&B được đặt lên cao

  • Chia sẻ cái này:
Tẩy chay “bún mắng, cháo chửi”: Khi yếu tố dịch vụ trong ngành F&B được đặt lên cao

Tin tức mới

Tẩy chay “bún mắng, cháo chửi”: Khi yếu tố dịch vụ trong ngành F&B được đặt lên cao

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Cách đây hơn chục năm về trước, “bún mắng cháo chửi” dường như là một thứ gì đó rất… hot đối với những người muốn thử trải nghiệm ẩm thực đường phố Hà Nội. Người ta ùn ùn kéo nhau đến những quán ăn này, phần vì tò mò xem đồ ăn có ngon không, phần vì muốn xem chủ quán chửi… khủng khiếp thế nào. Không ít người còn thắc mắc, tại sao những hàng bán ngon và lịch sự khác thì khách không đông, nhưng những hàng “bún mắng cháo chửi” này thì có vẻ chẳng bao giờ ngớt khách, thậm chí có những lúc còn phải xếp hàng chờ bàn để vào ăn.

Tuy nhiên, khi khách hàng ngày một khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn ở các hàng quán bán đồ ăn thì chính những quán “bún mắng cháo chửi” này lại trở thành tâm điểm chỉ trích bởi cung cách bán hàng không thân thiện, không lịch sự. Mỗi bài viết phản ánh về thái độ phục vụ trịch thượng, hay mắng mỏ tại các quán “bún mắng, cháo chửi” trên MXH thu về hàng ngàn lượt tương tác, đa phần các bình luận đều đồng ý rằng: Không bao giờ muốn đặt chân đến đây ăn thử!

1. “Bún mắng cháo chửi” – những món ăn từng ám ảnh một thời ở Hà Nội

Nói về văn hóa ẩm thực đường phố thì chắc chắn Hà Nội xứng đáng là một trong những địa điểm có số lượng các món ăn đa dạng và hấp dẫn bậc nhất nước ta. Kể sơ sơ thôi chúng ta đã thấy phở gà, phở bò, bún riêu, bún ốc, miến ngan,… rồi cả những hàng quán ăn vặt như bánh đúc, bánh mì, bánh tôm Hồ Tây, bánh chưng rán,…

Sự phong phú về chủng loại, hương vị, phong cách, quy mô, thời gian tồn tại đã giúp ẩm thực Hà Nội ngày càng phát triển, không chỉ khách du lịch trong nước tò mò muốn thử trải nghiệm mà những khách du lịch nước ngoài khi tới thủ đô cũng sẵn sàng bỏ qua những nhà hàng sang trọng để đi ăn trong những quán vỉa hè rất bình dân, giản dị.

Tuy nhiên, bên cạnh những hàng quán thân thiện, có phong cách phục vụ dễ gần dễ mến thì ở Hà Nội lại tồn tại một số quán ăn khác được người dân vẫn gọi bằng cái tên “bún mắng”, “cháo chửi”, “phở quát”,… Có những khách ban đầu vẫn cho rằng đây chỉ là cái tên đặt vui, sau đó mới phát hiện hóa ra các quán này bán hàng theo kiểu… chửi mắng thật!

Tiêu biểu cho những cái tên trên là bún ngan Nhàn ở ngõ Trung Yên, bún chửi ở Ngô Sỹ Liên,… đều “vang danh” xa gần, thậm chí khách hàng ở nơi khác đến cũng biết chứ không riêng gì khách ở Hà Nội.

Một quán “bún chửi” nổi tiếng của Hà Nội từng được đưa lên chương trình ẩm thực trên kênh tin tức quốc tế CNN

Ngồi ăn trong tiếng quát mắng, tiếng la lối dường như đã trở thành “đặc sản” và cũng là phong cách phục vụ đặc trưng của những quán như vậy. Người mới đến ăn lần đầu còn lạ lẫm, bất ngờ, sợ hãi hay tức giận rồi bỏ về; nhưng với những khách lâu năm thì quen thuộc tựa như gia vị thêm vào bát bún bát phở, hôm nào ăn mà không có tiếng mắng tiếng chửi thì cứ… thiêu thiếu. Thậm chí, quán bún ở Ngô Sỹ Liên còn từng bị đưa lên CNN vì cách phục vụ không đúng chuẩn, nhưng sau đó khách tới ăn ùn ùn còn đông hơn cả trước! 

Sự tồn tại lâu dài của các quán “bún mắng cháo chửi” này khiến không ít thực khách cũng băn khoăn là: Phải chăng chỉ vì một bữa ăn vài chục nghìn ngon miệng mà người ta sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng để nhịn nhục nghe chửi chăng?

Xem thêm: Xu hướng ăn Healthy đang bị “đánh tráo khái niệm” và hủy hoại thói quen ăn uống lành mạnh như thế nào?

2. Khi yếu tố “dịch vụ” lên ngôi và khách hàng dần thay đổi suy nghĩ: Cần tẩy chay bún mắng cháo chửi!

Tuy còn tồn tại và thậm chí còn được coi là một nét “đặc sắc” trong văn hóa ẩm thực Hà Nội, nhưng nhìn chung những khách hàng hiện nay không mấy ủng hộ lối bán hàng quát tháo, mắng chửi ghê gớm của các hàng “bún mắng, cháo chửi, phở quát”. Tất nhiên, vẫn có một lượng khách “ruột” trung thành đã ăn quen và thích hương vị món ăn tiếp tục tới các quán này, hay một số khách khác để ăn thử vì… tò mò xem chủ quán mắng chửi thế nào.

Song, khi ngành F&B ngày càng đặt nặng vai trò của yếu tố “dịch vụ” trong việc giữ chân khách thì càng có nhiều khách hàng lên tiếng muốn tẩy chay, nói “không” với việc vừa ăn vừa nghe chửi.

Ngay sau khi hàng bún “chửi” ở Ngô Sỹ Liên bị đưa tin tức trên chương trình ẩm thực của CNN vì cách bán hàng có phần… không lịch sự lắm, rất nhiều khách hàng không chỉ bày tỏ sự bức xúc mà còn muốn các ban ngành liên quan đưa ra những quy chế, xử phạt cho những cửa hàng không tôn trọng khách như vậy. Đa phần đều cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng khi một cửa hàng “bún mắng cháo chửi” như vậy xuất hiện trên sóng truyền hình quốc tế, dễ gây hiểu lầm cho người xem rằng đây là một phần trong văn hóa ẩm thực của Hà Nội.

Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra xung quanh vấn đề các hàng quán “bún mắng, cháo chửi”

Gay gắt hơn, rất nhiều độc giả bình luận:

“Mất tiền đi ăn lại còn phải nghe chửi nghe mắng, ai vẫn nhịn nhục ăn được thì tôi cũng phục thật. Miếng ăn là miếng nhục hay gì!”

“Mình đi ăn không làm gì sai mà cũng bị chửi thì miếng ăn cũng chả còn ngon. Ngon hay không là khẩu vị mỗi người thôi, chứ cung cách và thái độ phục vụ thì có quy chuẩn chung là phải lịch sự rồi.”

“Chẳng thiếu gì chỗ ăn mà phải nghe chửi, đầy chỗ ngon và phục vụ thân thiện hơn nhiều. Cho nên quy cách phục vụ chiếm 70% thành công rồi.” 

Vẫn có một số ý kiến bênh vực sở dĩ những người bán hàng này lúc nào cũng khó chịu, cáu bẳn là vì hàng ngày họ phải chịu áp lực quá lớn từ việc bán hàng ăn như “làm dâu trăm họ”. Những lúc đông khách, họ phải tập trung rất cao để phục vụ hết cho lượng khách, thoăn thoắt thái thịt, thái rau, chan bún,… nên rất căng thẳng, chưa kể nhiều vị khách còn có những yêu cầu kỳ lạ, khó chiều.

Người bán có mắng, có chửi nhưng chỉ là với những khách đòi hỏi quá đáng hoặc họ chỉ chửi cho… sướng miệng, cho bớt căng thẳng theo thói quen; chứ không mục đích hướng vào những khách tới ăn lịch sự, đúng mực.  

Các thực khách đi ăn tại quán “bún chửi” luôn được thưởng thức bát bún mới chan còn nóng hổi kèm topping là… tiếng quát tháo, chửi bới, hằn học

Tuy nhiên, lời giải thích này có vẻ không làm dịu được nỗi bức xúc của những khách hàng khác. Đa số đều cho rằng nghề bán hàng ăn đúng là “làm dâu trăm họ” thật đấy, nhưng điều đó không có nghĩa chủ quán được phép coi khách hàng là nơi để trút bực dọc, rủa xả mắng nhiếc dù khách không làm gì sai và đi ăn trả tiền đàng hoàng. Thái độ cáu bẳn, đay nghiến khách của chủ quán không khác gì một “cái tát” vào mặt những thực khách chân chính, khiến cho món bún dù ngon đến mấy cũng trở nên rất khó nuốt.

Vào thời điểm hiện nay, khi những hội nhóm review đồ ăn và các food blogger đang hoạt động mạnh mẽ và chi phối tới quyết định đi ăn của khách hàng, thì việc tẩy chay và tránh xa các quán ăn có văn hóa phục vụ không lịch sự như thế càng dễ dàng hơn. Khách hàng, đặc biệt là thế hệ giới trẻ ngày nay rất coi trọng yếu tố dịch vụ khi đi ăn, bởi số tiền họ bỏ ra phải được đổi lại bằng chất lượng đồ ăn và chất lượng phục vụ tương xứng. 

Theo đó, chỉ cần một hoặc một vài KOLs có tiếng nói trên mạng review một quán ăn mà nhân viên có thái độ phục vụ hách dịch, không thân thiện là ngay lập tức cư dân mạng cũng đồng loạt “ném đá” và yêu cầu quán ăn đó phải thay đổi, thậm chí nhiều người còn quyết định không bao giờ đi ăn ở quán nữa dù chưa thật sự đến quán bao giờ. 

3. Những bài học cho người làm trong ngành F&B thời nay

Những năm gần đây, bất chấp sự biến động của thị trường, ngành F&B vẫn xuất hiện rất nhiều hàng quán, thương hiệu mới với tốc độ “như nấm sau mưa”. Với sức cạnh tranh như thế thì sẽ rất khó cho các quán ăn nếu muốn giữ chân khách hàng trung thành, duy trì việc kinh doanh ổn định. Vậy giữa nhan nhản một “rừng” hàng quán tương tự như nhau, làm thế nào để khách vẫn luôn nhớ tới mình?

Không chỉ cần chăm chút cho chất lượng sản phẩm, cho việc quảng bá trên các kênh mà chủ quán còn nên để ý tới cả chất lượng dịch vụ. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa chúng ta đã có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ” – nghĩa là thái độ phục vụ, cung cách chăm sóc khách hàng hoàn toàn có thể trở thành yếu tố thu hút giúp khách tiếp tục tới quán bên cạnh những yếu tố khác như đồ ăn ngon, giá rẻ,…

Dù không thể sánh ngang với các nhà hàng 5 sao nhưng các hàng quán bình dân vẫn nên duy trì thái độ phục vụ lịch sự, thân thiện, tôn trọng khách

Muốn làm được như vậy, các chủ quán cần lưu ý một số điều:

Luôn giữ thái độ lịch sự, tôn trọng khách: Đây là yêu cầu tối thiểu về mặt dịch vụ đối với các quán ăn, nhà hàng; kể cả những quán bình dân, vỉa hè. Chủ quán có thể không phải là người quá vồn vã, nhiệt tình nhưng cần phải giữ thái độ đúng mực, lịch sự và tôn trọng khách tới ăn, không được bán hàng kiểu “ban ân phát huệ” hay hạch sách, cáu bẳn với khách hàng.

Nếu khách hàng cảm nhận được sự tôn trọng từ chủ quán và nhân viên thì họ mới quay lại quán trong những lần kế tiếp; ngược lại nếu phải nhận về thái độ coi thường thì khách hàng sẵn sàng từ bỏ để tìm đến những quán có giá cả, chất lượng tương đương nhưng phục vụ tốt hơn. 

Bình tĩnh giải quyết khi có mâu thuẫn, hiểu lầm: Trong lúc mua bán không thể tránh khỏi những tình huống va chạm, giữa chủ và khách có thể có mâu thuẫn, tranh cãi. Tuy nhiên, nếu chủ quán cư xử hợp lý, giải quyết mâu thuẫn một cách thông minh và khéo léo thì sẽ tránh được những vụ cãi cọ to tiếng và khiến khách không có ác cảm với quán. 

Xem thêm: Hướng đi nào cho các hàng quán truyền thống lâu đời: Nên hay không mở nhượng quyền?

4. Kết luận

Dù vẫn còn những hàng quán “bún mắng cháo chửi” tồn tại cho tới hôm nay, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là khách hàng cũng đang dần trở nên khó tính hơn, không còn chấp nhận việc đi ăn bỏ tiền mà như đi xin không của người khác, vừa ăn vừa nghe chửi nữa. Hơn nữa, về lâu về dài, kiểu buôn bán mắng mỏ khách, bất lịch sự như thế còn gây ra tiếng xấu cho thương hiệu “ẩm thực đường phố Hà Nội”, khiến hình ảnh của thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế bị ảnh hưởng rất nhiều. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất