Vào giai đoạn cuối năm, các nhà quản lý thường đối mặt với vô vàn các công việc, chính vì thế, đôi khi sẽ bỏ qua những nhiệm vụ được cho là không cần thiết. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, thời gian làm việc của nhân sự cũng không được đảm bảo và bị rút ngắn không ít. Dù vậy, với các chủ quán, một công việc mà bạn cần đảm bảo thực hiện chính là đánh giá nhân sự cuối năm.
[crp]
Trong năm vừa qua, việc giãn cách do tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến cho thời gian làm việc không được nhiều. Điều này sẽ khiến cho nhiều chủ quán nghĩ rằng việc đánh giá nhân sự là không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn cũng có dự định sẽ bỏ qua công đoạn này, bạn nên cân nhắc lại quyết định của mình. Bởi việc đánh giá cuối năm sẽ là tiền đề cho những quyết định công việc quan trọng, cũng như kế hoạch kinh doanh trong năm tiếp theo.
Nội dung chính
Toggle1. Cơ sở cho việc tăng lương, thưởng, thăng tiến
Dù năm nay không phải là một năm lý tưởng cho hoạt động kinh doanh khi phải tạm ngừng quá lâu vì dịch bệnh, nhưng không vì thế mà sự đóng góp của các nhân sự lại không được ghi nhận. Lúc này, việc đánh giá cuối năm sẽ trở thành cơ sở để dựa vào đó, bạn sẽ xem xét được những cống hiến của nhân viên, và quyết định mức lương, thưởng cho nhân sự. Trong giai đoạn nguồn nhân lực đang thiếu hụt, việc bạn đưa ra những đãi ngộ với đội ngũ nhân sự hiện tại sẽ là cách giúp bạn giữ chân được nhân viên giỏi. Điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình hồi phục kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”.
Tuy nhiên, để có thể đưa ra những phúc lợi xứng đáng với công sức của nhân viên, các chủ quán sẽ cần dựa trên kết quả của việc đánh giá cuối năm. Vì việc đánh giá này sẽ có sự tham gia của các đồng nghiệp khác, do đó, kết quả sẽ mang tính khách quan hơn. Bởi sẽ có những vấn đề chỉ những đồng nghiệp làm việc chung mới nhận thấy được. Khi đã có được những đánh giá cụ thể, bạn sẽ dựa trên kết quả này để đưa ra các mức lương, thưởng phù hợp. Nhờ đó, giúp bạn vừa tạo động lực cho nhân viên vừa đảm bảo được sự hiệu quả cho chi phí. Vì nếu không tổ chức đánh giá, bạn sẽ dễ đưa ra những quyết định không chính xác khiến cho nội bộ nhân sự mâu thuẫn hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Không chỉ dừng lại ở việc là cơ sở cho việc nâng mức đãi ngộ, mà đánh giá cuối năm cũng là căn cứ để quyết định việc thăng tiến của một nhân viên. Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ nhân sự nào cũng mong muốn có những sự phát triển trong công việc, mà cụ thể là được thăng tiến lên một vị trí cao hơn. Lúc này, để xem xét việc thăng chức của nhân viên, bản đánh giá cuối năm sẽ là cơ sở đáng tin cậy. Bởi chỉ những nhân viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng như có các đóng góp trực tiếp mới xứng đáng được thăng tiến. Đồng thời, bản đánh giá sẽ là minh chứng để thuyết phục các nhân viên khác về quyết định thăng chức. Vì nếu không có kết quả đánh giá rõ ràng, việc thăng tiến có thể gây ra sự bất mãn đối với các nhân sự khác.
2. Cơ sở để xác định mục tiêu cho năm sau
Việc đánh giá cuối năm còn góp phần quan trọng cho việc xác định các mục tiêu cho mỗi nhân viên trong năm tiếp theo. Bởi chỉ khi thông qua bản đánh giá, bạn mới có thể biết được đâu là công việc mà nhân sự đó có thể hoàn thành tốt nhất. Vì có những vị trí ban đầu sẽ yêu cầu nhân viên hoàn thành nhiều nhiệm vụ cùng lúc, tuy nhiên, khi thực hiện đánh giá, bạn phát hiện được lĩnh vực giỏi nhất của nhân viên. Dựa trên đó, bạn có thể giao cho nhân sự một lĩnh vực chuyên môn nhằm đạt được năng suất tốt nhất. Hoặc trong trường hợp nhân viên ban đầu chưa xác định rõ vị trí công việc mong muốn, nhưng sau một thời gian làm việc, bản đánh giá cuối năm sẽ là cơ sở cho thấy được đâu là thế mạnh của họ. Nhờ đó, họ sẽ biết được vị trí phù hợp với mình.
Ngoài ra, đánh giá cuối năm cũng là cơ sở để các chủ quán và nhân viên đưa ra những KPI phù hợp cho công việc trong năm sau. Vì chỉ khi thông qua kết quả của bản đánh giá, bạn và nhân viên mới có thể dự đoán được KPI thích hợp. Bởi nếu đưa ra mức KPI cảm tính, thì khi đưa ra những con số quá cao, điều này sẽ thành áp lực cho nhân viên. Trong lâu dài, việc không đáp ứng được KPI quá cao sẽ dễ khiến nhân sự cảm thấy bất mãn và lựa chọn rời bỏ công việc. Nhưng nếu đưa ra con số quá thấp, nhân viên sẽ có ít động lực hơn, khi đó, năng suất không được đảm bảo và có thể ảnh hưởng đến kết quả sau cùng của quán.
3. Cơ sở đánh giá tính hiệu quả của hoạt động
Một lý do nữa mà các chủ quán không nên bỏ qua việc đánh giá cuối năm chính là bởi đây sẽ là cơ sở để bạn đánh giá được tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Việc đánh giá cuối năm sẽ thể hiện cho bạn thấy rằng liệu chi phí mà bạn dành cho các nhân viên có đạt được sự tối ưu hay không. Bởi thông qua kết quả đánh giá, bạn sẽ xác định được năng suất của nhân viên, từ đó, biết được chính xác rằng mức lương mình trả cho nhân sự có tương xứng hay không. Nếu không có việc đánh giá này, rất có thể bạn đã chi trả một mức lương quá cao cho nhân viên trong khi hiệu quả công việc lại không như mong đợi. Khi tình trạng này kéo dài trong một thời gian nhất định, sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho bạn.
Đồng thời, thông qua việc đánh giá, bạn mới có thể phát hiện những vấn đề trong năng suất của nhân viên, từ đó, kịp thời đưa ra những phương án để cải thiện. Vì có không ít nhân viên sẽ dễ dàng mắc những lỗi sai gây ảnh hưởng đến kết quả chung của đội ngũ, chỉ khi có cơ hội tham gia đánh giá, các đồng nghiệp khác mới thể đưa ra các ý kiến đóng góp. Hoặc đôi khi, thông qua những số liệu đánh giá, bạn và các nhân viên sẽ nhận thấy yếu điểm để dần dần cải thiện bản thân. Việc kịp thời khắc phục và cải thiện các khuyết điểm sẽ giúp nhân viên có thể phát triển kỹ năng tốt hơn, nâng cao năng suất, nhờ đó, giúp cho kết quả chung được cải thiện đáng kể.
Việc đánh giá cuối năm là vô cùng cần thiết đối với quá trình quản lý, bởi nó là cơ sở giúp bạn đưa ra những quyết định và chiến lược quan trọng. Nhất là khi việc đánh giá không chỉ giúp cho hiệu suất hoạt động của thương hiệu được cải thiện mà còn hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc giữ chân nhân sự. Chính vì thế, bạn hãy nên dành thời gian để có thể hoàn thành quy trình đánh giá cuối năm này.