Trong những năm trở lại đây, chuỗi cà phê nhượng quyền Ông Bầu đang được xem là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Được thành lập vào cuối năm 2019, từ một quán cà phê vỉa hè, đến thời điểm hiện tại Cà phê Ông Bầu đã chuyển mình trở thành một thương hiệu lớn và lan rộng ra 35 tỉnh thành. Sức hút của chuỗi cà phê nhượng quyền này biểu hiện rõ nhất là chỉ trong vòng 5 tháng kinh doanh, Ông Bầu đã sở hữu khoảng 200 chuỗi cửa hàng.
Dù sinh sau đẻ muộn nhưng “sức nóng” của thương hiệu này cũng khiến nhiều thương hiệu cà phê lớn phải dè chừng. Trong bài viết này, hãy cùng iPOS.vn giải mã sức hút khó cưỡng từ chuỗi cà phê nhượng quyền này nhé.
Nội dung [hiển thị]
1. Cà phê Ông Bầu – Nâng tầm giá trị của hạt cà phê Việt
Khoảng đầu năm 2020, thương hiệu cà phê Ông Bầu đã bắt đầu xuất hiện trên một vài con đường. Khi mới xuất hiện, thương hiệu đã nhanh chóng thu hút và gây sự tò mò bởi hình ảnh nhận diện với màu vàng bắt mắt.
Tên gọi độc đáo “Cà Phê Ông Bầu” xuất phát từ sự chung tay của bộ 3 doanh nhân quyền lực: ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood. Bên cạnh niềm đam mê với bóng đá, cả 3 vị doanh nhân này đều trăn trở một mỗi niềm là làm thế nào để người Việt Nam phải được uống cà phê sạch và cà phê “thật”. Giá trị ở đây không chỉ là giá trị kinh tế mà còn là giá trị chất lượng và thương hiệu từ lúc trồng, thu hoạch cho đến chế biến tới tay người tiêu dùng. Có lẽ mà vì thế thương hiệu cà phê này “chào sân” với slogan như một lời khẳng định đanh thép “Sống thật, cà phê thật”.
Trung bình mỗi tháng thương hiệu có 17 điểm bán mới, tính ra chưa tới 2 ngày có một điểm bán Cà phê Ông Bầu ra đời. “Chỉ cần bạn có đủ đam mê, nhiệt huyết, tận tâm và muốn cùng đồng hành với ông Bầu thì những khó khăn của bạn sẽ được hỗ trợ và giấc mơ kinh doanh cafe sẽ trở thành sự thật”. Với triết lý kinh doanh này, Ông Bầu muốn lan tỏa nhiều cơ hội kinh doanh cho các bạn trẻ hiện nay.
Sở hữu hơn 1000 hecta đất ở nông trường CADA trên cao nguyên Đắk Lắk, có độ cao khoảng 400-500m nên chất lượng từng cà phê Ông Bầu đảm bảo có hương vị đậm đà, thơm ngon và để lại dấu ấn riêng biệt.
Xem thêm: Nhượng quyền Mr Good Tea – Trà sữa bình dân nhưng lợi nhuận hấp dẫn
2. Giải mã sức hút của cà phê Ông Bầu
Không tọa lạc tại vị trí đất vàng, không có diện tích lớn, không đầu tư chi phí lớn nhưng lý do nào làm nên sức hút của thương hiệu này?
Thương hiệu “cà phê bóng đá” đầu tiên ở Việt Nam
Có lẽ một phần làm nên danh tiếng của chuỗi cà phê nhượng quyền Ông Bầu là nhờ sự nổi tiếng của các cổ đông sáng lập ra thương hiệu này. Ba ông bầu bóng đá được rất nhiều fans hâm mộ Việt Nam yêu mến. Họ không chỉ là doanh nhân có tiếng mà còn hết lòng với nền bóng đá Việt Nam. Không chỉ vậy, Ông Bầu còn là thương hiệu cà phê duy nhất gắn với các cầu thủ bóng đá, hầu hết các sự kiện ra mắt cửa hàng đều có sự xuất hiện của các cầu thủ.
Theo đuổi triết lý “Thật và Sạch”
Chất lượng sản phẩm là một điểm mạnh thu hút người tiêu dùng đến với thương hiệu này. Bầu Đức chính là người sở hữu một vùng nguyên liệu cà phê sạch. Ông Bầu Hải với thương hiệu NutiFood là một thương hiệu có tiếng trong ngành thực phẩm. Với hệ sinh thái nguyên liệu đó, các ông bầu đã sáng tạo ra những cà phê với chất lượng vượt trội.
Với chiến lược dùng hình ảnh của ba Ông Bầu và trích 1.000 VNĐ cho mỗi ly cà phê bán ra góp vào Quỹ phát triển tài năng Việt để phục vụ mục đích cộng đồng như hỗ trợ trẻ em nghèo, tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ thiên tai, lũ lụt,… tạo nên tiếng vang rất lớn trên thị trường về mặt truyền thông.
Mô hình kinh doanh đa dạng
Hiện tại Ông Bầu đang có 3 loại hình kinh doanh
- Phục vụ tại bàn: Nhân viên order tại bàn, có trà đá đi kèm – phục vụ ly thủy tinh là chủ yếu.
- Tự phục vụ: Nhân viên order tại quầy, khách hàng sử dụng thẻ rung để nhận đồ, nước lọc uống kèm tự lấy – phục vụ 100% ly nhựa.
- Take away/cửa hàng nhỏ/ xe đẩy: Phục vụ 100% ly nhựa.
Với 3 mô hình kinh doanh này, có thể thấy Ông Bầu khảo sát khách hàng mục tiêu trong khu vực rất kỹ. Tùy vào đặc điểm của từng nhóm khách hàng trong khu vực mà phát triển mô hình kinh doanh phù hợp.
Chẳng hạn như, tại các khu vực chung cư, khu cư dân, Ông Bầu triển khai mô hình phục vụ tại bàn (Khu vực sinh viên: Sử dụng bàn dài, phù hợp với các hoạt động nhóm, học tập, làm việc). Các điểm take away lại nổi bật với tông màu vàng, nhân viên mặc đồng phục vàng, standee trưng bày sản phẩm to để đảm bảo nhận diện. Mô hình này có tính di động, không cố định một chỗ, khi không có khách sẽ di chuyển sang điểm khác. Bởi thế nên bạn dễ dàng thấy hôm nay có, mai quay lại mất tiêu.
Mức giá cạnh tranh
Kinh doanh cà phê sạch, cà phê thật nhưng Ông Bầu lại gây bất ngờ bởi mức giá vô cùng hợp lý trong thời buổi bão giá hiện nay. Từ vỉa hè cho đến các những mặt bằng “5 sao”, chất lượng và giá cả của thương hiệu Cà Phê Ông Bầu vẫn luôn đồng nhất với giá chỉ 16.000 – 28.000đồng/ly, trong đó các những món phù hợp với xu hướng giới trẻ như trà sữa, trà vải, latte, các loại sữa chua, nước thanh lọc cơ thể,… Các thức uống đều rẻ hơn từ 30-50% so với mặt bằng chung. Đây là mức giá cạnh tranh mà khó có thương hiệu nào có được và kéo người dùng đến đông đảo hơn.
Phân khúc khách hàng đa dạng
Từ công nhân, nhân viên văn phòng, tài xế công nghệ, học sinh, sinh viên cho tới doanh nhân, bác sĩ, kiến trúc sư,… đều có thể uống cà phê Ông Bầu. Cách đi của Ông Bầu là tập trung vào phân khúc bình dân, chú trọng phát triển các quán nhỏ ở góc đường hoặc xe đẩy trước nhà để có thể xuất hiện bất cứ ngóc ngách nào.
Bên cạnh đó, chiến lược dựa vào fans bóng đá đông đảo và đối tượng này chủ yếu thích ngồi la cà các quán cà phê ven đường, nay lại có cà phê ngon, chất lượng sạch, giá rẻ và hình thức kinh doanh nhượng quyền nên sức lan tỏa của Ông Bầu theo đó cũng tăng nhanh.
Xem thêm: Te Amo – Bí mật đằng sau công cuộc nhân chuỗi ‘thần tốc’
3. Chi phí nhượng quyền và chính sách cà phê Ông Bầu
3.1. Chi phí nhượng quyền cà phê Ông Bầu
Với mong muốn đưa thương hiệu cà phê Ông bầu phủ sóng trên toàn quốc và trực tiếp cạnh tranh với các thương hiệu lâu năm như Trung Nguyên Coffee, Milano,… thì cà phê Ông Bầu đã thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu với giá 0 đồng trong năm đầu tiên.
Sau một quá trình thử nghiệm, cà phê Ông Bầu đang cung cấp cho đối tác của mình 2 mô hình cửa hàng cà phê (mô hình cố định và mô hình quầy bar di động) với số vốn linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Mỗi mô hình sẽ có mức chi phí khác nhau, khi quyết định kinh doanh nhượng quyền cà phê Ông Bầu thì cần có 74 triệu trong tay, đã bao gồm luôn 60 triệu tiền nhượng quyền, đây chỉ là chi phí nhượng quyền cơ bản.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều khách hàng khi quan tâm đến mô hình nhượng quyền, nên Ông Bầu có những gói nhượng quyền khác nhau từ thấp đến cao. Cụ thể:
- Gói nhượng quyền E – Xe khởi nghiệp cà phê: 74 triệu đồng
- Gói nhượng quyền D – Kiot cố định: 200 triệu đồng
- Gói nhượng quyền C – Quán kinh doanh cố định dưới 40m2: 210-250 triệu đồng
- Gói nhượng quyền B – Quán kinh doanh cố định: 750-800 triệu đồng
- Gói nhượng quyền A – Kinh doanh quán lớn cố định, là gói nhượng quyền cao cấp nhất tại Ông Bầu: Chi phí là 1 tỷ trở lên
Tất cả chi phí của các gói nhượng quyền đã bao gồm luôn chi phí nhượng quyền thương hiệu Ông Bầu.
3.2. Quy trình nhượng quyền cà phê Ông Bầu
Quy trình để nhượng quyền cà phê Ông Bầu không quá khó khăn, chỉ cần thực hiện 7 bước sau đây là có thể trở thành đối tác kinh doanh của cà phê Ông Bầu:
Bước 1: Thẩm định vị trí cửa hàng
Chủ đầu tư liên hệ với cà phê Ông bầu để được tư vấn về các gói nhượng quyền. Sau khi nhà đầu tư đồng ý thì sẽ tiến hành theo quy định hợp đồng, bên Ông Bầu sẽ cử nhân viên thẩm định vị trí cửa hàng trước khi mở quán.
Bước 2: Thỏa thuận và ký hợp đồng nhượng quyền
Nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng hợp đồng trước khi ký kết cùng Ông Bầu để 2 bên cùng nhau hợp tác có lợi và vui vẻ.
Bước 3: Khảo sát, thẩm định mặt bằng chung
Khi đã ký kết hợp đồng, bên Ông Bầu sẽ đưa nhân viên tới mặt bằng cửa hàng của chủ đầu tư để khảo sát, thẩm định cũng như thiết kế mô hình kinh doanh sắp tới.
Bước 4: Thống nhất thiết kế mặt bằng chung
Sau khi khảo sát xong, bên Ông Bầu sẽ tiến hành thiết kế cửa hàng, thời gian khoảng 3-7 ngày.
Bước 5: Triển khai thi công, lắp đặt các thiết bị và trang trí
Bước này sẽ làm song song với bước 4 để đẩy nhanh tiến độ khai trương cho quán mà không tốn quá nhiều thời gian.
Bước 6: Đào tạo các nghiệp vụ, vận hành và thử nghiệm
Sau khi lắp đặt xong các thiết bị máy móc, trang trí cửa hàng thì phía Ông bầu sẽ cử người xuống đào tạo nghiệp vụ cho chủ đầu tư và nhân viên tại quán.
Bước 7: Tiến hành khai trương và hoạt động quán
Ông Bầu sẽ quảng cáo địa điểm cửa hàng của nhà đầu tư trên website, fanpage của họ. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút được nhiều khách hàng đến quán hơn.
Ông Bầu là một thương hiệu cà phê nhượng quyền không mới nhưng vẫn có nhiều “đất dụng võ” bởi hương vị và dấu ấn trải nghiệm rất riêng. Với sự phát triển vượt bậc này, Ông Bầu là một trong những thương hiệu đáng đầu tư trong tương lai. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích về thương hiệu cà phê nhượng quyền Ông Bầu. Chúc các bạn thành công!
Tham khảo ngay một số phần mềm sau để vận hành công việc trơn tru hơn nhé!