Phúc Long được biết đến là một trong những chuỗi cà phê và trà được ưa chuộng tại Việt Nam. Nếu như trước kia, Phúc Long chỉ đơn thuần là thương hiệu cung cấp trà và cà phê chất lượng tuyệt hảo thì hiện nay, Phúc Long đã và đang mở rộng phạm vi kinh doanh, không những buôn bán trà khô và bột cà phê, mà còn dùng 2 loại tinh hoa này tạo nên những thức uống vô cùng ngon miệng, chinh phục khẩu vị của cộng đồng người Việt. Vậy rốt cuộc Phúc Long có gì mà lại được định giá vài trăm triệu USD? Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Phúc Long – Từ Tây Nguyên cho tới Big4 ngành trà, cà phê ở Việt Nam
Phúc Long được thành lập năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh tại cao nguyên chè danh tiếng Bảo Lộc và cửa hàng bán lẻ sản phẩm đầu tiên được thành lập tại số 134 đường Tổng Đốc Phương (ngày nay là đường Châu Văn Liêm, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Đầu thập niên 80, Phúc Long tiên phong mở mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực kinh doanh trà và cà phê (mô hình tự phục vụ) với cửa hàng đầu tiên tại số 63 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp sau đó, Phúc Long đã mở thêm cửa hàng thứ 2 trên đường Đồng Khởi nơi Time Square ở hiện nay với lượng khách hàng vô cùng tấp nập, được nhiều người sành trà và cà phê biết đến. Sau thành công của mô hình kinh doanh mới, năm 2012, Phúc Long đã khai trương cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở Quận 7, qua đó chính thức gia nhập ngành bán lẻ và dịch vụ đồ ăn và thức uống.
Tại thời điểm đó, thức uống đầy sáng tạo của Phúc Long đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam. Tiếp nối thành công, chuỗi cửa hàng Phúc Long hiện đã đạt cột mốc 82 cửa hàng trên toàn quốc, tạo thành một điểm đến không thể thiếu đối với các bạn trẻ Việt Nam.
Ngày 24-5-2021, Masan xác nhận The Sherpa, một công ty thành viên của Masan, đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage – doanh nghiệp sở hữu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam, với mức giá 15 triệu USD.
Đại diện Masan cho biết trong khuôn khổ thỏa thuận, hai bên sẽ cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hàằng ngày.
Đầu năm nay 2022, tập đoàn Masan đã chi thêm 110 triệu USD mua 31% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long, qua đó nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu Phúc Long lên 51%. Giữa năm ngoái, Phúc Long được định giá 75 triệu USD thì nay định giá vốn cổ phần của Phúc Long đã tăng gần 5 lần, lên 355 triệu USD.
2. Chiến lược 3P đưa Phúc Long tiến đến đỉnh cao
2.1. Price – Giá cả
Với bất kỳ chuỗi F&B nào nói chung, địa điểm, dịch vụ, phong cách,… có thể là nét khác biệt để thu hút khách hàng đến quán. Nhưng muốn họ tiếp tục gắn bó và quay lại nhiều lần, cốt lõi thành công vẫn nằm ở sản phẩm.
Mặc dù mở rộng thương hiệu khoảng 3 năm trước, thời điểm các chuỗi trà sữa bùng nổ tại Việt Nam, Phúc Long đã xây dựng được chỗ đứng của riêng mình. Nhiều người thừa nhận, điểm nổi bật trong sản phẩm của Phúc Long là vị trà đậm, đánh mạnh vào gu “sành” của khách hàng và khiến những ai khó tính cũng phải gật gù. Ngay cả với dòng trà sữa, sản phẩm của Phúc Long dù béo ngậy thì vị trà cũng rất rõ nét. Nguyên nhân tạo nên nét đặc trưng này do Phúc Long là một trong số ít chuỗi F&B tự sở hữu vùng nguyên liệu ngay tại Thái Nguyên, vùng đất nổi tiếng về trà của phía Bắc. DNA mạnh về trà của Phúc Long sẽ phù hợp với thị trường Việt Nam, vốn có truyền thống thưởng thức trà từ xa xưa.
Ngoài hương vị, sản phẩm đa dạng cũng là một điểm cộng tại đây. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, quán trà sữa sẽ chỉ bán trà sữa, nhưng Phúc Long không làm như vậy. Trong menu của thương hiệu này, khách hàng sẽ bắt gặp đa dạng các loại trà, trà sữa, nước trái cây, cà phê và cả bánh ngọt ăn kèm.
Thực đơn của Phúc Long rất phong phú với 63 hương vị trà sữa khác nhau. Các món trà được giới trẻ ưa thích như trà đào cam sả, trà đào sữa, hồng trà sữa, trà thiết quan âm… Với đồ uống vị cà phê, các thức uống nổi bật có thể kể đến như caramel coffee, rich milk, cappuccino, cà phê vanilla, cà phê bạc hà đá xay…
2.2. Product – Sản phẩm
Thực đơn và chính sách giá bán của Phúc Long cũng được xây dựng hợp lý dựa trên thế mạnh sẵn có là trà và cà phê. Phúc Long hướng đến đối tượng khách hàng đa dạng, từ người đi làm, khách du lịch đến học sinh, sinh viên nên giá bán của hãng ở mức tầm trung, phù hợp túi tiền của đại đa số người dân.
Như trà sữa, cùng là loại sản phẩm có độ hot trên thị trường nhưng Phúc Long lại bán giá khá “mềm”. Một ly trà chỉ dao động trong khoảng từ 30.000 – 45.000 đồng, bằng 50 -70% so với giá bán của Trung Nguyên và 30 – 50% của Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf. Giá bán hợp lý chính là một trong những điểm cộng giúp Phúc Long đưa thương hiệu của mình đến mọi đối tượng khách hàng một cách nhanh nhất.
2.3. Place – Địa điểm
Sẵn lợi thế sân nhà so với các thương hiệu ngoại, Phúc Long không ngại tuyên chiến với đối thủ bằng cách chọn những điểm bán nằm ở vị trí bán đắc địa. Tại các thành phố như Hà Nội hay TP. HCM, cửa hàng Phúc Long thường đặt ở khu phố lớn, trong các trung tâm thương mại, thậm chí rất gần đối thủ. Ví dụ trong năm 2018, lần đầu tiến quân ra Hà Nội, hãng đã chọn khai trương tại trung tâm thương mại IPH Cầu Giấy, nơi đã có sẵn sự hiện diện của hai thương hiệu khác là Starbucks và Highlands Coffee.
Ngoài mặt bằng thuận lợi, Phúc Long cũng hướng đến tính hiện đại trong cách bài trí quán. Không gian Phúc Long rộng rãi nhưng vẫn đậm chất ấm cúng, bàn ghế xếp theo nhóm, phù hợp với nhiều nhu cầu của khách hàng như tụ tập gia đình, gặp gỡ bạn bè, hẹn hò,… Thời gian mở cửa sớm, đóng cửa muộn (thường từ 7h sáng đến 11h đêm) giúp khách hàng dễ thưởng thức vào các khung giờ thuận tiện.
3. Cú lột xác âm thầm của Phúc Long
Từ khi “nên duyên” với Masan vào giữa năm 2021, chuỗi Phúc Long đã âm thầm mở rộng ồ ạt. Đến nay, Phúc Long sở hữu tổng cộng hơn 700 điểm bán, thuộc top đầu về số lượng các cửa hàng trong mảng F&B (nhà hàng, đồ uống) tại Việt Nam.
Con số hơn 700 điểm bán của Phúc Long khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi thực tế, số lượng cửa hàng Phúc Long mới mọc lên gần đây không phải quá nhiều. Sự mở rộng ồ ạt này đang tập trung ở những ki-ốt Phúc Long đặt trong các cửa hàng WinMart+.
Nếu tính riêng các cửa hàng Phúc Long lớn đặt bên ngoài hệ thống WinMart+ thì số lượng các cửa hàng này cũng chỉ chưa đến 100 cửa hàng. Mô hình ki-ốt của Phúc Long lần đầu tiên ra mắt cũng vào giữa năm ngoái, khi hệ thống này bắt tay với Masan. Bán hàng với một ki-ốt nhỏ, Phúc Long chủ yếu phục vụ mang đi.
Lãnh đạo Masan đặt kỳ vọng WinMart+ đang có độ phủ lớn nhất thị trường, cùng với mô hình ki-ốt tiện lợi, thì mục tiêu 1.000 ki-ốt bán trà sữa, cà phê sẽ sớm đạt được khi bước chân vào thị trường này. Đại diện Masan cũng đánh giá mô hình ki-ốt Phúc Long tích hợp trong các cửa hàng WinMart+ mang lại kết quả khả quan. Tập đoàn tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận. “Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược Point of Life (POL). Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan”, đại diện Masan cho biết.
4. Doanh thu của Phúc Long sẽ đạt 2.500-3.000 tỷ năm 2022
Kể từ khi “gây sốt” với cảnh rồng rắn xếp hàng chờ mua trà sữa, cà phê… tại cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, tốc độ mở rộng “tự thân” của chuỗi của Phúc Long khá nhanh. Tính đến tháng 3/2021, tức trước thời điểm bắt tay với Masan, Phúc Long có hơn 70 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Nha Trang…
Các cửa hàng của Phúc Long thường đông nghịt khách, nhất là người trẻ và giới nhân viên văn phòng. Sau khi có sự hậu thuẫn của Masan và một mô hình ki-ốt mới, Phúc Long đã phát triển ồ ạt.
Theo Masan, trong năm tài chính 2022, doanh thu chuỗi Phúc Long sẽ đạt 2.500 – 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và ki-ốt trong WinMart+ cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Việc chuyển đổi siêu thị và cửa hàng WinMart và WinMart+ thành các điểm bán trong chiến lược Point of Life được cho là sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Hiện chuỗi bán lẻ này cũng bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền nhằm gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại.
Như vậy, thị trường cà phê vẫn sẽ còn chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt và căng thẳng hơn trong tương lai. Ngay tại thời điểm này, nếu loại trừ thương hiệu mà chỉ tính đến lượt khách và doanh thu thì sẽ rất khó để tranh ngôi thứ cao thấp. Phúc Long ra đời sau nhưng đang thể hiện tốt sự năng động của mình trước các “lão làng” cả nội lẫn ngoại. Vậy Phúc Long sẽ còn có những thành tựu gì tới trong tương lai, chúng ta hãy đón chờ nhé!
Hãy tham khảo một số phần mềm sau để quán cafe được vận hành trơn tru hơn nhé!