Nền ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng với hàng trăm, hàng nghìn món ăn luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, khi nhắc tới một món ăn xứng tầm “quốc dân”, luôn có nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh chủ đề: phở hay cơm tấm mới xứng đáng với danh hiệu này.
Ẩm thực vốn là chủ đề khó để phân định đúng sai bởi vì mỗi người có một khẩu vị và sở thích ăn uống khác nhau. Đặc biệt, khi được sinh ra và lớn lên ở một đất nước với nền ẩm thực phong phú như Việt Nam thì chúng ta lại càng có nhiều cơ hội thưởng thức vô vàn những món ăn ngon đến từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước.
Vì lẽ đó, khi nhắc tới chủ đề “món ăn đại diện cho Việt Nam”, trên MXH đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nên chọn phở hay cơm tấm cho danh xưng này. Vậy hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu xem hai món ăn được mệnh danh là “quốc hồn quốc tuý” này của đất nước ta có sức hấp dẫn như thế nào nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Phở – món ăn Việt đầu tiên được thêm vào từ điển Oxford quốc tế
Phở có lẽ đã là một món ăn bình dân quá đỗi quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, xuất hiện ở khắp mọi ngõ ngách và hầu như ai cũng đều đã từng ăn phở ít nhất một lần trong đời. Phở có nguồn gốc từ Hà Nội và Nam Định, cho đến nay vẫn được xem là một trong những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực Việt Nam.
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Theo đó, để có một bát phở ngon và đậm vị, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào kĩ năng của người nấu, mà quan trọng nhất chính là phải chế biến được một nồi nước dùng thơm ngon, tròn vị. Nước dùng cho nồi phở thường là nước dùng trong được ninh từ xương bò (hoặc xương lợn), kèm theo nhiều loại gia vị bao gồm quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, sá sùng, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng…
Thịt dùng cho món phở là thịt bò (với đủ loại thịt bắp, nạm, gầu được làm tái hay chín hẳn) hoặc thịt gà (gà ta già luộc, xé thịt cho thịt ngọt đậm đà). Thịt bò thích hợp nhất để nấu phở là thịt, xương từ các giống bò ta (bò nội, bò vàng).
Còn bánh phở theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Ngày nay, khi xu hướng ăn uống healthy và eat clean ngày càng được ưa chuộng, người ta thậm chí còn biến tấu món phở đi để giảm bớt lượng tinh bột bằng cách thay sợi phở từ bột gạo bằng sợi phở từ những thành phần khác như bột gạo lứt, bột yến mạch và bột mì nguyên cám,…
Ngoài ra, để hương vị của bát phở đậm đà hơn, đầu bếp sẽ cho kèm thêm vào các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt… hoặc được cho theo ý thích của người dùng để gia giảm độ mặn, ngọt, chua, cay khác nhau. Phở thường được ăn cùng với một đĩa rau sống gồm rau thơm, rau húng quế, rau mùi tau, rau húng lủi hoặc lá tía tô,… giúp cho người dùng cân bằng được đủ dinh dưỡng trong bát phở hơn.
Phở ngon nhất khi thưởng thức lúc còn nóng hổi, vì vậy phở hay được dùng để làm món điểm tâm buổi sáng hoặc lót dạ buổi đêm. Tuy nhiên, ngày nay các hàng quán bán phở thường vẫn mở xuyên suốt cả ngày. Theo thời gian, phở bắt đầu có thêm những hương vị mới như phở sốt vang, phở khô, phở xào, phở chua, phở trộn, phở trâu, phở chiên phồng, phở cuốn,…
Xem thêm: Menu giới hạn – Chiêu thức thu hút khách hàng hiệu quả trong kinh doanh F&B
2. Cơm tấm – món ăn bình dân đậm đà hương vị phương Nam
Xuất xứ của cơm tấm vốn là một món ăn phổ biến của những người nông dân, công nhân nghèo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào các năm mùa màng đói kém, nhiều người nghèo khó không có đủ gạo ngon để ăn cơm vì vậy họ đã dùng gạo tấm (gạo bể) để nấu ăn vì nó luôn có sẵn trong nhà của nhiều hộ gia đình cũng như có tác dụng làm no lâu.
Theo thời gian, cơm tấm dần dần phổ biến hơn ở các tỉnh thành phía Nam và trở thành một món ăn không thể thiếu trong những quán cơm bình dân ở đây. Các vị khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc và nước ngoài đến miền Nam đều rất háo hức mong chờ được thưởng thức một đĩa cơm tấm nóng hổi, có thêm nhiều thịt hoặc các món ăn kèm,…
Dù cơm tấm có thể có nhiều cách chế biến, gia giảm khác nhau, tuy nhiên một đĩa cơm tấm truyền thống phải đảm bảo có nguyên liệu chính cơ bản nhất tạo nên nó là gạo tấm. Đây là những mảnh vụn của gạo bị bể trên đồng lúa khi phơi khô, khi vận chuyển hoặc khi xay sàng gạo hạt gạo tấm, “tấm” tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa thường được coi là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu.
Để đĩa cơm thêm đậm vị và thơm hơn, nước mắm sẽ là gia vị ăn kèm cần phải có. Nước mắm của cơm tấm không phải là nước mắm đóng chai như bình thường mà được chế biến bằng cách pha nước mắm với nước lọc và thêm đường. Tùy theo công thức riêng của từng quán ăn hoặc khẩu vị gia giảm của thực khách mà nước mắm có thể thiên về vị ngọt, mặn hoặc chua,…
Nếu gạo tấm là “linh hồn” của đĩa cơm tấm thì các món mặn ăn kèm theo của cơm tấm lại đóng vai trò chủ đạo để “giữ chân” khách hàng đến ăn. Thông thường, đĩa cơm tấm sẽ có thêm các món mặn như:
- Sườn: chủ yếu là sườn heo được tẩm ướp gia vị chua ngọt và sau đó đem nướng.
- Chả: còn gọi là Chả trứng, được làm từ trứng, thịt băm, mộc nhĩ và miến xay nhuyễn trộn lẫn với nhau, sau đó đem hấp cách thuỷ
- Trứng: thường là trứng ốp la, chín một mặt còn nước, lòng đào hoặc chín hết tuỳ theo yêu cầu của khách
- Bì: bao gồm hỗn hợp nhiều thứ như thịt heo cắt sợi, da heo cắt sợi trộn với thính và gia vị.
Ngoài ra, đĩa cơm tấm sẽ có thêm một nguyên liệu nữa là mỡ hành. Mỡ hoặc dầu được đun sôi lên và cho thêm hành, tỏi vào phi thơm, đôi khi còn được trộn với tóp mỡ. Tuy nhiên, vì mỡ hành cho vào rất dễ ngấy nên không phải ai cũng thích ăn thứ này. Để đĩa cơm tấm với nhiều cơm và thịt như vậy không bị ngán, quán sẽ cho thêm món ăn kèm là đồ chua với cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối và cũng có thể là đu đủ.
Ngày nay, cơm tấm đã được biến tấu đi rất nhiều khi có thêm nhiều món ăn kèm nữa là thịt kho tàu, đậu nhồi thịt, cá chiên, gà, rau, đồ xào,… giống như cơm thường. Kiểu ăn này có thể thấy ở các quán cơm tấm có nhiều khách là giới văn phòng. Với tính nhanh gọn lại no lâu, cơm tấm được rất nhiều học sinh, sinh viên, người đi làm lựa chọn làm món ăn trưa, không chỉ đến quán dùng mà còn mua mang về hoặc đặt ship online nữa.
3. Phở và cơm tấm: Cuộc chiến “vô cực” không có hồi kết cho danh hiệu “món ăn đại diện Việt Nam”
Là hai món ăn rất hấp dẫn với du khách nước ngoài, từ lâu phở và cơm tấm thường được đặt lên bàn cân xem xem đâu mới là món ăn “quốc dân” của nước ta. Theo phe “cơm tấm”, lý do lớn nhất mà họ không chấp nhận phở là món ăn đại diện cho nền ẩm thực của Việt Nam là vì phở không hoàn toàn thuần Việt.
Thứ nhất, họ cho rằng phở không phải món nguyên bản ở Việt Nam, mà phở chỉ bắt đầu có mặt ở nước ta vào thời Pháp thuộc. Phở xuất phát từ một món ăn Pháp mang tên Pot au feu, hương vị khá giống, cách nấu tương đồng, chỉ cần cho thêm bánh phở và thịt bò là thành phở Việt. Trong khi đó, cơm tấm lại hoàn toàn không phải là món “vay mượn” từ món nước ngoài mà do tự người dân miền Nam sáng tạo ra.
Thứ hai, phở cũng không quá độc đáo vì trên thế giới đã có rất nhiều món được làm theo công thức đồ sợi làm từ tinh bột nấu với nước hầm xương, thịt và rau củ. Còn cơm tấm thì độc đáo ngay từ việc sử dụng hạt gạo tấm, các món ăn kèm như sườn cốt lết, bì lợn thính, chả trứng, nước mắm… đều là những món ăn đặc trưng của Việt Nam.
Hơn nữa, cơm tấm giàu hương vị hơn so với phở, đủ chua cay mặn ngọt béo. Kết cấu món ăn cũng đủ phần cứng, mềm, giòn, dai. Với 3 yếu tố nguyên bản – độc đáo – giàu hương vị này, phe cơm tấm nhận định cơm tấm là món ăn đại diện Việt Nam hơn so với phở.
Ngược lại với phe cơm tấm, phe phở cũng có những luận điểm rất thú vị và chặt chẽ. Thứ nhất, họ cho rằng phở và món Pot au feu có cách làm không giống nhau: Phở cần hầm xương nhiều giờ, chọn phần bắp, gầu để làm thịt. Trong khi đó, Pot au feu lại là súp nên hay dùng phần thịt nhiều gân (phở lại tránh những phần này vì cứng). Về gia vị, cả hai món đều có hoa hồi và hành tây nhưng món của Pháp lại có thêm cà rốt, cần tây…
Hơn nữa, có khá nhiều quốc gia đều có những món ăn được nấu theo công thức đồ sợi làm từ tinh bột cùng với nước hầm xương, nhưng chúng đều được chế biến với hương vị, phong cách, nguyên liệu, gia vị khác nhau hoàn toàn và mang đậm tính dân tộc của từng quốc gia. Một số món thậm chí còn trở thành biểu tượng ẩm thực như mì lạnh của Hàn Quốc, ramen hay udon của Nhật Bản, mì vằn thắn của Trung Quốc,… Phở Việt Nam tuy cũng đi theo công thức chung này nhưng hoàn toàn khác biệt hẳn, từ hình thức đến hương vị đều có thể dễ dàng phân biệt.
Trong một bát phở cũng có đủ các vị chua cay mặn ngọt béo, hoà quyện hương vị với nhau từ nước hầm xương thanh thanh, thịt bò mọng nước mềm dẻo, bánh phở dai mềm cùng rau thơm và gia vị khác. Có thể nói, dù được sáng tạo từ món ăn Pháp nhưng phở lại mang đậm hồn Việt bởi từ cách nấu, cách nêm nếm gia vị cho đến cách thưởng thức đều thuần bản sắc Việt.
Xem thêm: Kinh doanh thực phẩm thuần chay và eat clean: khó nhưng vẫn “hốt bạc”
4. Kết luận
Phở và cơm tấm đều là món ăn bình dân nổi tiếng của Việt Nam, được thực khách trong và ngoài nước yêu thích, được bán rộng rãi và có mặt trên toàn thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu tích cực hội nhập ngày này thì thì những món ăn có tính đặc trưng của đất nước và thể hiện bản sắc Việt như phở và cơm tấm đều có chỗ đứng riêng và xứng đáng được giữ gìn, quảng bá.
Bạn có thể tham khảo thêm:
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay