Buy Now

Tìm kiếm

Nhờ đâu thị trường F&B Việt Nam 2023 vẫn một màu khởi sắc bất chấp suy thoái kinh tế?

  • Chia sẻ cái này:
Nhờ đâu thị trường F&B Việt Nam 2023 vẫn một màu khởi sắc bất chấp suy thoái kinh tế?

Tin tức mới

Nhờ đâu thị trường F&B Việt Nam 2023 vẫn một màu khởi sắc bất chấp suy thoái kinh tế?

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Từ quý 4 năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn. Điều này đe dọa đến túi tiền và khả năng tiêu dùng của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Những tháng đầu năm 2023, thị trường F&B Việt Nam cũng có những diễn biến trầm lắng hơn cùng kỳ các năm trước, mức chi tiêu của người tiêu dùng giảm đáng kể. 

Tuy nhiên, bức tranh tổng quan về ngành F&B Việt Nam không chỉ toàn sắc xám. Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam vẫn đang có sự mở rộng nhanh chóng của các chuỗi hàng đầu. Nhờ đâu mà thị trường F&B Việt Nam 2023 vẫn một màu khởi sắc như vậy? Hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé! 

1. Đánh giá tổng quan thị trường F&B Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 

Trong bối cảnh cả nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt hầu bao, song doanh thu ngành F&B tại Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 610 nghìn tỷ, dự báo tăng trưởng 18% trong năm 2023 và đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026 (Theo báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 của iPOS.vn). Đồng thời trong báo cáo này cũng chỉ ra rằng Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng vào năm 2022, tăng 39% so với năm 2021.

Thị trường F&B đã trải qua 6 tháng đầu năm với tâm lý thận trọng nhưng vẫn không thiếu những bước phát triển mới. Trong khi các chủ đầu tư nhỏ lẻ có xu hướng dè chừng và phòng thủ, những ông lớn như Highlands Coffee, The Coffee House, Golden Gate vẫn trong hành trình mở rộng chuỗi. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn duy trì được sức khỏe tài chính ở mức an toàn khi 51,1% đủ vốn để duy trì, 29,2% đủ vốn để phát triển trong tương lai gần.

Song song với đó là sự cạnh tranh ngày một quyết liệt từ các thương hiệu mới đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat, Cheese Coffee… Đáng chú ý nhất chắc chắn phải kể đến màn Bắc Tiến “rầm rộ” của Katinat Saigon Cafe với hai cửa hàng “to bự” trên con phố sầm uất nhất Hà Thành. Bên cạnh đó, Phê La cũng chứng tỏ độ chịu chơi khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hội An và cho ra mắt liên tiếp hai bộ sưu tập độ uống mới “cực hot”. 

Nhìn chung, bất chấp nhiều khó khăn khiến người dân thắt chặt hầu bao, thị trường F&B Việt vẫn đang một màu khởi sắc.

Bất chấp suy thoái kinh tế, nhiều chuỗi cà phê Việt vẫn tăng trưởng quy mô không ngừng

Đọc thêm: Nhìn lại 5 điểm nhấn đặc biệt ngành F&B Việt Nam nửa đầu năm 2023

2. Lý do đằng sau sự khởi sắc của ngành F&B Việt Nam năm 2023? 

Dân số trẻ, mức thu nhập tăng đang là nguyên nhân chính khiến thị trường F&B Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn giữ được đà phát triển bất chấp kinh tế suy thoái. 

Theo báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2022, Việt Nam sẽ có 26% dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2026. Dân số tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng GDP kép hàng năm của đất nước là 5% trong 20 năm qua, nhanh hơn 1,7 lần so với mức trung bình toàn cầu. 

Khi tầng lớp trung lưu phát triển cũng là lúc thu nhập khả dụng của tất cả các các thành phần dân cư tăng lên. Do đó, bất chấp sự thụt lùi của đại dịch, Fitch Solutions, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu vẫn kỳ vọng thu nhập khả dụng của Việt Nam tiếp tục trên quỹ đạo tăng trưởng này trong trung hạn (2020-2024).

Như một lẽ dĩ nhiên, khi thu nhập khả dụng tăng lên, ngân sách dành cho thực phẩm, chỗ ở và các tiện ích mở rộng cũng tăng lên. Vì vậy, việc đi ăn ngoài đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam và ở một mức độ nào đó là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại. 

Dân số trẻ và mức thu nhập tăng giúp thị trường F&B Việt khởi sắc

Bên cạnh đó, lối sống của người Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Facebook rất đông, lên đến gần 77 triệu người. Tại đây, F&B luôn là lĩnh vực được quan tâm, cùng sự xuất hiện của nhiều nhà hàng, quán ăn mới luôn tìm cách Marketing thu hút người tiêu dùng. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành F&B để tiếp cận và thu hút người tiêu dùng.

Theo một báo cáo của công ty tư vấn đầu tư toàn cầu Dezan Shira & Associates cho biết, người Việt Nam đã chi một phần lớn thu nhập của họ cho đồ ăn thức uống. Từ các con số ước tính cho thấy rằng, có khoảng từ 20% đến 48% thu nhập hộ gia đình Việt Nam được chi cho tiêu dùng thực phẩm và đồ uống. 

Ngoài ra, nguồn doanh thu đến từ du lịch cũng là một đóng góp đáng kể khác cho ngành F&B của Việt Nam. Theo ước tính, trung bình một khách du lịch sẽ chi tiêu khoảng 23,7% ngân sách của họ cho đồ ăn thức uống khi ở Việt Nam.

Tất cả những điều này đang cho thấy sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng ăn uống tại Việt Nam và cũng đang tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành, bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

3. Điều gì sẽ chờ đợi các doanh nghiệp ngành F&B Việt Nam vào nửa cuối năm nay? 

Theo kết quả khảo sát thị trường F&B mới nhất của iPOS.vn chỉ ra, 40,1% doanh nghiệp tin rằng sẽ có sự khởi sắc trong 6 tháng cuối năm; 39,4% cho rằng sẽ khó khăn hơn và 20,4% dự đoán tình hình sẽ không có nhiều thay đổi.

Trong khi đó, ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS.vn đánh giá: “Giai đoạn cuối năm 2023 sẽ là đáy của thị trường F&B. Theo tôi, năm nay chúng ta sẽ đón một kỳ nghỉ lễ cuối năm với sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng”. 

Nhiều chuyên gia đầu ngành cũng nhận định, giai đoạn 2022 – đầu 2023 là thời điểm bùng nổ sức ăn, sức mua khi bị kìm kẹp bởi một thời gian dài dãn cách. Sau đó mọi việc sẽ trở về dần quỹ đạo, suy thoái kinh tế mới bộc lộ, sức chi tiêu mua sắm của người dân cũng ảnh hưởng rõ rệt nhất là trong khoảng quý 4 năm 2023. Chính điều này sẽ gây sức ép trực tiếp tới sự phát triển và tạo nhiều khó khăn cho các chủ kinh doanh F&B vào nửa cuối năm nay. 

Nửa cuối 2023 được dự đoán sẽ là giai đoạn đầy thử thách với ngành F&B Việt

Nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp F&B Việt Nam cần tập trung vào nắm bắt nhu cầu thị trường và tối ưu hóa trải nghiệm của thực khách. Nhiều chuyên gia kiến nghị, các thương hiệu F&B có thể đưa ra những sản phẩm mới, tái cấu trúc menu với mức giá hợp lý hơn, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Hạn chế chi phí vận hành cũng là một giải pháp hiệu quả để duy trì dòng doanh thu và tránh rủi ro trong thời điểm 6 tháng cuối năm này. Dù phải chấp nhận biên lãi mỏng hoặc không có lãi trong giai đoạn này, việc duy trì hoạt động ổn định sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại và chờ đợi thời điểm kinh tế sáng sủa hơn để phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp F&B cũng cần chú trọng vào các dịp nghỉ lễ hoặc những ngày đặc biệt để thu hút và giữ chân khách hàng. Xây dựng các gói combo lễ, giảm giá khi đặt bàn trước, tặng quà vào ngày sinh nhật,… sẽ tạo sự độc đáo và đặc biệt cho doanh nghiệp F&B, từ đó giúp khách hàng nhớ đến bạn trong những dịp quan trọng.

4. Tạm kết 

Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về tình hình thị trường F&B Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 và những dự đoán xu hướng phát triển của ngành F&B trong tương lai. Hy vọng những thông tin trên sẽ là một tài liệu hữu ích cho chủ đầu tư trong quá trình xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian tới. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất