Khi nhắc đến nhà hàng, chúng ta vẫn thường mặc định cho rằng đó phải là nơi sang trọng, có không gian rộng rãi và nằm ở những vị trí trung tâm. Tuy nhiên, với sự du nhập cũng như những thay đổi trong nhu cầu của thực khách, hiện nay, các nhà hàng nhỏ đang nổi lên như một xu hướng bậc nhất trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống.
Là mô hình nhận được sự quan tâm và có tiềm năng phát triển nhờ nhu cầu không ngừng gia tăng, nhưng để kinh doanh nhà hàng nhỏ không hề dễ dàng. Bởi lúc này, bạn sẽ cần phải chăm chút đến từng chi tiết trong quá trình phục vụ để gây ấn tượng với thực khách, chỉ cần có một sai sót nhỏ, khách hàng sẽ khó mà bỏ qua cho nhà hàng. Để có thể bắt kịp xu hướng và thành công với mô hình nhà hàng nhỏ, dưới đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích dành cho các chủ sở hữu:
Nội dung chính
Toggle1. Xác định phong cách nhà hàng
Yếu tố đầu tiên góp phần vào thành công trong việc kinh doanh nhà hàng nhỏ đó chính là phong cách ẩm thực. Đa phần, các nhà hàng nhỏ tạo lợi thế cạnh tranh bằng việc áp dụng các phong cách hiện đại và mới lạ như fine-dining là một kiểu ẩm thực chú trọng vào trải nghiệm với các món ăn được chế biến công phu và trang trí tinh tế, hay fusion – một phong cách ẩm thực có sự kết hợp và giao thoa giữa các nền ẩm thực khác nhau, các đầu bếp có thể dùng cách nấu nướng của một nền ẩm thực khác để chế biến các món ăn đến từ địa phương khác.
Vì thế, muốn nhà hàng nhỏ của bạn ghi dấu ấn, bạn nên xác định được phong cách ẩm thực chủ đạo. Muốn chọn được ẩm thực chủ đạo cho quán, những lời khuyên dành cho các chủ đầu tư là hãy dựa vào thế mạnh và sự hiểu biết của bạn. Bởi nếu bạn có nhiều kiến thức và am hiểu về nền ẩm thực của một quốc gia hay khu vực, bạn mới biết được đâu là nét đặc trưng. Để từ đó có thể biến tấu mà không làm mất đi điểm đặc biệt của văn hóa ẩm thực, khiến khách hàng khi thưởng thức lập tức nhận ra được xuất xứ của món ăn. Một yếu tố khác bạn cần chú ý khi lựa chọn phong cách ẩm thực là xem xét khẩu vị và sở thích của thị trường lẫn khách hàng. Vì có những món ăn rất ngon nhưng cách chế biến lại “kén” thực khách, lúc này việc nắm bắt được khẩu vị của khách hàng giúp bạn điều chỉnh cho phù hợp.
2. Nên mở nhà hàng ở khu vực nào?
Vị trí kinh doanh vẫn luôn là yếu tố then chốt, đóng góp phần lớn vào thành công của nhà hàng. Do đó, hãy đảm bảo bạn lựa chọn mặt bằng mở nhà hàng nhỏ phù hợp về mọi yếu tố từ chi phí, đường đi, không gian xung quanh, an ninh và nơi đỗ xe. Khác với các nhà hàng thông thường, với quy mô nhỏ, bạn sẽ có được nhiều lựa chọn về vị trí hơn. Bởi bạn hoàn toàn có thể mở nhà hàng của mình ở mặt tiền đường, chung cư hoặc các con hẻm nhỏ nhưng không quá nhiều hẻm cắt ngang.
Một địa điểm lý tưởng để bạn bắt đầu kinh doanh nhà hàng nhỏ là những nơi có sự yên tĩnh vừa đủ, hãy tránh những con đường lớn đông đúc xe cộ qua lại, vì điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm tổng thể của thực khách. Do không gian hạn chế, bạn khó mà bố trí được bãi đỗ xe ngay tại quán, nên hãy chú ý chọn những vị trí có các khu vực giữ xe gần nhà hàng cho thực khách. Hạn chế để khách hàng phải đi gửi xe quá xa. Nhưng tốt nhất, một bí quyết mà các chủ nhà hàng nhỏ hay áp dụng là họ sẽ biến tầng trệt thành nơi giữ xe, điều này giúp khách hàng an tâm hơn khi đến quán và bạn cũng không phải lo lắng tìm kiếm nơi đỗ xe cho thực khách. Bên cạnh đó, hãy ưu tiên chọn những vị trí dễ dàng tiếp cận được khách hàng tiềm năng của nhà hàng, chẳng hạn nếu hướng đến dân công sở, hãy chọn những vị trí nằm gần công ty, cao ốc hay các tòa nhà văn phòng, có thể là ở mặt tiền hoặc trong hẻm. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng thu hút và giữ chân được khách hàng mục tiêu để biến họ trở thành thực khách quen – những người là nguồn thu nhập chính cho nhà hàng.
3. Những kiểu thiết kế thu hút khách hàng
Với nhà hàng nhỏ, thiết kế của không gian quán sẽ là yếu tố giúp bạn ghi dấu ấn cũng như tạo ấn tượng với khách hàng. Hiện nay, có rất nhiều kiểu trang trí cho những không gian nhỏ mà bạn có thể tham khảo, tuy nhiên, hãy nhớ rằng dù bạn có sự sáng tạo đến thế nào, cần đảm bảo những nét đặc trưng của phong cách cho nhà hàng. Và những điểm riêng biệt phải có sự đồng nhất với phong cách ẩm thực mà bạn lựa chọn. Điển hình, khi chọn chế biến kiểu châu Âu, hãy chắc chắn nhà hàng của bạn sử dụng gạch nung để trang trí tường, cũng như vận dụng những chiếc đèn chụp hay rèm vải nhung để tạo điểm nhấn. Hay nếu bạn chọn phong cách ẩm thực của Việt Nam, đừng quên những chiếc rổ, rá bằng tre mây hoặc những chiếc lồng đèn đến từ Hội An mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Một lưu ý mà các chủ nhà hàng nhỏ cần chú ý là hãy thiết kế sao cho diện tích quán nhỏ nhưng không gian luôn thoải mái và thông thoáng. Tránh tình trạng trang trí quá nhiều vật dụng rườm rà khiến cho tổng thể nhà hàng trở nên rối mắt, đồng thời, không gian quán trở nên chật chội khiến việc di chuyển của khách lẫn nhân viên gặp nhiều khó khăn. Để tạo được cảm giác rộng rãi cho không gian, bạn nên lắp thêm các gương trên tường, đây là cách “ăn gian” cực kỳ hiệu quả mà nhiều nhà hàng nhỏ đã áp dụng thành công.
Bạn cũng nên ưu tiên sử dụng các vật dụng có tính đa dụng như ghế có thể dễ dàng di chuyển hoặc có thể điều chỉnh chiều cao để có thể đặt cạnh quầy pha chế hay bàn ăn tùy theo yêu cầu. Điều mà bạn cần tránh là dù muốn tiết kiệm không gian nhưng tuyệt đối đừng xếp bàn, ghế quá sát nhau. Bởi việc thực khách đang thưởng thức bữa ăn nhưng có khách khác đi ra hay đi vào và đụng vào người sẽ khiến họ không thoải mái, thậm chí là bực mình, khi đó nhà hàng của bạn sẽ mất kha khá điểm trong mắt khách hàng. Do đó, hãy nhớ duy trì khoảng cách vừa đủ để đảm bảo trải nghiệm của thực khách không bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
4. Đừng quên thực hiện các chiến dịch tiếp thị
Yếu tố quan trọng và được xem là chìa khóa giúp bạn thành công khi mở nhà hàng nhỏ chính là thực hiện quảng bá. Có không ít nhà hàng nhỏ tạo được dấu ấn và tên tuổi chỉ nhờ chiến dịch tiếp thị ấn tượng và hút mắt. Với những nhà hàng có quy mô nhỏ, những trang mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực để bạn tiếp cận gần hơn với các khách hàng tiềm năng. Hiện nay, khi “sống ảo” đang là xu hướng nổi bật, bạn hãy tận dụng điều này bằng cách xây dựng cho mình những trang fanpage trên Facebook, đặc biệt là Instagram có giao diện đầy chất nghệ thuật. Bằng cách chụp và đăng tải những bức ảnh đẹp và chỉn chu về các món ăn, quy trình nấu nướng hay không gian quán. Chắc rằng, rất nhiều khách hàng sẽ bị thu hút và sẵn sàng dành thời gian đến nhà hàng của bạn để trải nghiệm.
Bên cạnh đó, bạn nên thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi và thu hút thực khách bằng các hình thức bắt kịp xu hướng. Cụ thể như với trào lưu review – đánh giá ẩm thực – bạn nên có những chiến dịch để khuyến khích người dùng chia sẻ các trải nghiệm, sau đó, tận dụng chính những phản hồi đó nhằm tăng niềm tin và uy tín với các khách hàng mới. Hay bạn có thể tổ chức các sự kiện check-in nhận quà cũng như các trò chơi tặng quà miễn phí – giveaway – để tăng tương tác cũng như độ nhận diện của nhà hàng. Hãy linh hoạt áp dụng các chiến lược tiếp thị độc đáo, thú vị và theo xu hướng để thu hút thêm thực khách cho nhà hàng nhỏ của mình.
Mở nhà hàng nhỏ đang là xu hướng bậc nhất hiện nay khi bạn có thể tập trung toàn bộ sức lực và nhân sự để có thể chăm chút trong từng công đoạn nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Nếu áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp, nhà hàng nhỏ của bạn sẽ ghi dấu ấn đáng kể với khách hàng và sớm đạt được thành công.