Trong môi trường làm việc năng động nhưng đầy khắc nghiệt như nhà hàng, mâu thuẫn nội bộ là điều không thể tránh khỏi. Đứng ở vị trí quản lý, phải xử lý sao cho khéo và để nhân viên tâm phục khẩu phục là điều không phải ai cũng làm được. Hãy cùng iPOS.vn đi tìm hướng giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên trong nhà hàng qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Những tình huống mâu thuẫn giữa nhân viên nhà hàng
Khó có thể chỉ mặt điểm tên được hết các tình huống mâu thuẫn nội bộ xảy ra trong nhà hàng. Bởi trong một ngày, có rất nhiều câu chuyện xảy ra phía trong căn bếp mà đôi khi quản lý không thể nắm bắt kịp thời. Tuy nhiên, có thể kể tên được một vài tình huống điển hình, dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa các nhân viên trong nhà hàng là:
- Phục vụ tranh giành khách của nhau
- Nhân viên đổ lỗi cho nhau khi khách hàng không hài lòng
- Nhân viên không hỗ trợ công việc cho nhau khi nhà hàng đông khách
- Mâu thuẫn nội bộ khi phân chia tiền tip
- Bất đồng khi thấy đồng nghiệp được khen, thưởng không công bằng
- v.v…
2. Cách giải quyết mâu thuẫn nhà hàng cục bộ
Tùy vào từng tình huống cố định, người quản lý nhà hàng có thể đưa ra các phương pháp giải quyết mâu thuẫn khác nhau. Các bước cơ bản mà chủ quán có thể tham khảo là:
2.1. Xác định nguyên nhân và mức độ mâu thuẫn
Để có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa các nhân viên nhà hàng, chủ quán cần xác định được nguyên nhân xảy ra bất đồng này là do đâu. Từ đó, người quản lý nhà hàng mới có thể xác định và đánh giá mâu thuẫn này đang ở mức độ nào, và cần phương án xử lý ra sao? Nếu có thể, hãy gặp gỡ riêng với từng nhân viên để nắm bắt đầu đuôi câu chuyện theo nhiều khía cạnh khác nhau. Bạn có thể hỏi những người không liên quan để thêm những thông tin trước đưa ra phương hướng xử lý mâu thuẫn.
2.2. Linh động đưa ra hướng giải quyết
Sau khi xác định được chính xác nguyên do mâu thuẫn là từ đâu, chủ quán nên linh hoạt và chủ động đưa ra hướng giải quyết nhanh chóng. Thường thì trong nhà hàng sẽ xảy ra hai kiểu mâu thuẫn sau đây:
– Mâu thuẫn về tình cảm: quản lý có thể chủ động đứng ở vị trí trung lập để sắp xếp một buổi nói chuyện giữa đôi bên và những người có liên quan. Trong cuộc gặp gỡ này, hãy để mọi người có thể nói lên suy nghĩ và cảm xúc thật của bản thân. Đây là cách xử trí ổn thỏa nhất để mọi người cùng nhau giải quyết vấn đề và hóa giải hiểu lầm. Hãy bình tĩnh lắng nghe và đưa ra lời khuyên chân thành nhất để chinh phục nhân viên, khiến họ vừa thỏa lòng lại tâm phục khẩu phục.
– Mâu thuẫn về công việc: trong mỗi nhà hàng đều có những nguyên tắc và quy chuẩn hoạt động riêng biệt. Nếu hiểu lầm và mâu thuẫn xuất hiện liên quan đến công việc, hãy dựa vào nguyên tắc để đánh giá sự việc. Từ đó, người quản lý có thể xác định được ai đúng ai sai, hoặc lỗi thuộc về cả hai. Chủ quán nên cố gắng trao đổi, góp ý nhẹ nhàng và bao dung cho nhân viên nếu đây là sai phạm lần đầu. Nếu nhân viên xin lỗi và cố gắng sửa sai, sự việc xem như đã tháo gỡ được. Trong trường hợp nhân viên không nhận lỗi, vẫn duy trì thái độ hằn học và không phục, hãy kết hợp cùng bộ phận nhân sự để giảng hòa, xử lý vấn đề. Trường hợp tệ nhất, hãy mạnh tay đưa nhân viên đó vào dạng cá biệt, luân chuyển vị trí hoặc đổi ca làm.
Xem thêm: 101 “chiêu trò” gian lận của nhân viên quán cafe và cách xử lý
2.3. Đảm bảo mâu thuẫn đã giải quyết ổn thỏa
Tất nhiên, sẽ có nhiều trường hợp khi quản lý đã phân bua đúng sai, nhân viên vẫn có thể “bằng mặt không bằng lòng”. Điều này hết sức đáng quan ngại. Bởi, một sự việc không được giải quyết tận gốc một cách thấu tình đạt lý, rất có thể sẽ tái diễn trong tương lai gần. Khi đó, toàn bộ hoạt động nhà hàng lại bị ảnh hưởng và người quản lý lại phải đứng ra giải quyết thêm nhiều lần nữa.
Nhiều nhân viên trước mặt có vẻ đã chấp nhận phương án xử lý của chủ quán, nhưng sau đó lại không nghiêm túc thể hiện đúng vai trò của mình. Điều chủ quán cần làm lúc này là lưu tâm đến các nhân viên liên quan đến mâu thuẫn này. Thời gian sau đó, hãy giám sát đến quá trình làm việc và hiệu suất công việc họ làm. Đặc biệt, cần để mắt tới thái độ của những nhân viên xảy ra mâu thuẫn khi tương tác với nhau sau đó. Nếu cảm thấy có điều gì đó bất thường, hãy tìm phương án xử nhanh chóng.
3. Cách giải quyết mâu thuẫn nhà hàng toàn diện
Phòng còn hơn tránh, chủ quán trước nhất cần có kế hoạch gắn kết đội ngũ trong nhà hàng. Từ đó, mọi người có thể hiểu nhau và làm việc ăn ý với nhau hơn. Một số lưu ý mà quản lý cần chú ý là:
- Xây dựng văn hóa nhà hàng nơi mọi người có thể cởi mở, thẳng thắn, thành thật và khoan dung với nhau.
- Tổ chức những cuộc gặp mặt, đối thoại mở để lắng nghe ý kiến và nắm bắt kịp thời những vấn đề còn tồn đọng trong bộ máy vận hành.
- Thường xuyên tổ chức các buổi liên hoan và team building để gắn kết các nhân viên trong tập thể nhà hàng.
- Lập ra các group chat để nhân viên tự do ngôn luận, tự do nêu lên ý kiến và tự do chia sẻ với nhau những vấn đề ngoài lề, từ đó có thể thấu hiểu những khó khăn của nhau.
- Và đặc biệt, hãy kịp thời ngăn chặn và kiểm soát các thông tin tiêu cực, tránh để nó lan truyền trên mạng xã hội. Điều này có ảnh hưởng xấu tới hình ảnh nhà hàng và tâm lý toàn bộ nhân viên tại nhà hàng.
Xem thêm: 4 nguyên tắc xử lý bóc phốt nhà hàng – chủ doanh nghiệp cần ghi nhớ
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi khi kinh doanh nhà hàng. Đôi khi, mâu thuẫn còn là liều doping tạo ra sự cạnh tranh và thúc đẩy nhân viên phát triển hơn. Thế nhưng, là một người quản lý chuyên nghiệp, hãy khéo léo xử trí tình huống để sự việc không bị đẩy đi xa hơn. Hi vọng với những thông tin trên, chủ quán để biết cách giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn trong nhà hàng và từ đó duy trì hoạt động kinh doanh trơn tru nhất!
Bạn cũng thử tham khảo thêm các phần mềm sau đây để vận hàng nhà hàng trở nên trơn tru hơn!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay