Gần đây, câu chuyện “ông lớn” chuỗi cà phê Highlands tăng giá menu đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Cộng đồng mạng cũng bàn tán không ngớt – người thì thông cảm vì bão giá leo thang, kẻ lại không mấy vui và thẳng thừng tuyên bố sẽ “chia tay” với thương hiệu này. Vốn biết làm ngành F&B là “dâu trăm họ”, khó mà làm lòng tất thảy mọi người. Tuy nhiên, hãy cùng tham khảo 5 cách khéo léo để tăng giá nhưng vẫn làm khách hàng hài lòng và chấp nhận dưới đây nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Lạm phát ghé đến cốc cà phê Highlands và làn sóng ý kiến trái chiều
Vào ngày 27/06/2022 vừa qua, chuỗi cà phê lớn nhất nhì Highlands Coffee đột ngột ra thông báo tăng giá trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Theo đó, giá bán các sản phẩm của thương hiệu này tại TP. HCM và Hà Nội sẽ được điều chỉnh ngay trong ngày và các khu vực còn lại trong cả nước là từ ngày 01/07/2022.
Phía Highlands Coffee cũng đưa ra lý do giải thích rằng: giá cả hàng hóa leo thang buộc hãng này phải điều chỉnh giá bán để giữ vững chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Highlands mong sẽ tiếp tục nhận được sự cảm thông và ủng hộ từ phía người tiêu dùng. Đại diện Highlands cũng cho biết thêm, giá cà phê truyền thống size S vẫn giữ nguyên và size M, L có tăng lên một chút. Hãng vẫn luôn có những chương trình khuyến mãi, tặng quà, voucher,… nhằm hỗ trợ và “bù đắp” cho khách hàng.
Highlands Coffee là thương hiệu “cổ thụ” trong ngành, luôn xếp đầu trong cuộc đua về đồ uống và nhân chuỗi cà phê tại Việt Nam. Vậy nên, không khó hiểu khi “ông lớn” này vừa ra thông báo tăng giá lại thu hút được nhiều sự quan tâm đến vậy.
Có người cho rằng, cứ mỗi thứ tăng một ít thì cộng lại cũng thành một khoản lớn. Trong khi đó, lương thưởng lại chẳng tăng. Người dân ngày càng phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát len lỏi vào cả từng cốc cà phê, bánh mì vỉa hè,… Những lúc thế này, thương hiệu lớn như Highlands cần phải đi đầu, đồng hành chịu khó khăn cùng khách hàng mới phải lẽ.
Trong khi đó, nhiều người cũng cảm thông cho “ông lớn” cà phê này khi vừa vực dậy sau đại dịch, lại tiếp tục đối mặt với bão giá hàng hóa. Mặt khác, việc hãng tăng giá để duy trì chất lượng sản phẩm và dịch vụ là điều hợp lý, và đang bảo vệ sức khỏe của chính người tiêu dùng. Tuy không thể so kè được bên đúng bên sai, tuy nhiên sớm muộn gì nhiều thương hiệu cũng phải học đối mặt với bài toán tăng giá trong bối cảnh hiện tại.
Xem thêm: Từ câu chuyện tăng giá menu Highlands Coffee để nhìn lại chiến lược của The Coffee House
2. Tăng giá sản phẩm – con dao hai lưỡi đối với thương hiệu
Ghi nhận tới thời điểm hiện tại, chỉ có Highlands Coffee là thương hiệu đầu tiên công bố việc tăng giá sản phẩm. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như The Coffee House, Phúc Long, Starbucks,… chưa có bất kỳ kế hoạch tăng giá nào trong thời gian sắp tới. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu nên hay không nên tăng giá sản phẩm ở thời điểm hiện tại?
Trên thực tế, việc tăng giá sản phẩm theo xu hướng tăng giá chung của thị trường là con dao hai lưỡi đối với nhiều doanh nghiệp. Nếu tăng giá đúng cách, doanh nghiệp có thể đỡ được phần nào “gánh nặng” chi phí vận hành. Từ đó, thương hiệu cũng sẽ giữ vững và tiếp đà gia tăng cả về chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Trong trường hợp ngược lại, nó có thể khiến thương hiệu mất đi một lượng lớn khách hàng trung thành. Với mức giá cao như vậy, họ hoàn toàn có thể tìm đến một thương hiệu khác có chất lượng đồ uống tượng tự và mức giá “mềm” hơn.
Có thể nói, việc tăng giá sản phẩm giữa bão giá leo thang hiện nay là điều hợp lý. Tuy nhiên, tăng giá để được lòng người thì không phải thương hiệu nào cũng làm được. Đặc biệt, các thương hiệu F&B vừa và nhỏ chưa có lượng khách hàng ổn định và trung thành, tăng giá sản phẩm lại càng bất khả thi hơn. Việc cần thiết mà chủ quán cần làm hiện tại là quan sát thị trường và đối thủ cạnh tranh, từ đó định ra các chiến lược tăng giá mà khách hàng vẫn vui vẻ chấp nhận.
3. Cách tăng giá menu nhưng khách vẫn hài lòng
Để có thể tăng giá menu một cách khéo léo mà không làm mất lòng khách hàng, chủ quán có thể tham khảo 5 chiến lược tăng giá cực hiệu quả sau đây:
3.1. Giữ nguyên giá và giảm size đồ uống
Giữ nguyên giá bán, đồng thời giảm size đồ uống là cách thức khôn khéo nhất trong các chiến lược tăng giá sản phẩm. Chủ quán vừa có thể cắt giảm đáng kể nguồn nguyên liệu cho một đơn order, tiết kiệm chi phí vận hành mà khách hàng thì vẫn vui vẻ chấp nhận.
Phương pháp này có thể hiểu một cách đơn giản là: Khi muốn tăng giá một đồ uống nào đó trong menu, bạn có thể giữ nguyên giá bán và giảm size đồ uống xuống. Việc giảm dung tích đồ uống có thể coi là một cách gián tiếp tăng giá đồ uống để chống chọi với cơn bão giá nguyên liệu hiện nay. Trong trường hợp này, có thể một vài khách hàng sẽ phản hồi rằng tại sao đồ uống hôm nay bỗng dưng vơi bớt, hoặc ly cà phê có vẻ nhỏ hơn bình thường. Chủ quán hãy đừng ngần ngại xin lỗi họ và chân thành giải thích rằng: giá nguyên liệu đang tăng cao và quán đang làm mọi cách để không làm ảnh hưởng đến ví tiền của khách hàng.
3.2. Áp dụng nguyên tắc Pareto (nguyên tắc 80 – 20)
Nguyên tắc Pareto 80 – 20 rất thường xuyên được sử dụng trong các chiến dịch Marketing tại cửa hàng. Chủ quán có thể giữ nguyên hoặc giảm nhẹ giá thành đối với 20% món bán chạy trong menu, đồng thời tăng giá 80% món còn lại. Cách làm này “neo” vào trong tâm trí người tiêu dùng rằng, giá đồ uống của quán không hề tăng, ngược lại còn giảm đi một chút so với giá thị trường. Với cách làm này, khách hàng khó lòng phát hiện ra quán thực chất đã tăng giá đồ uống, ngược lại còn ủng hộ quán nhiều hơn trước.
3.3. Sử dụng giảm giá “giả”
Dù là mảng nào trong ngành dịch vụ ăn uống thì khuyến mãi, giảm giá vẫn luôn là một tuyệt chiêu hút khách. Thoảng qua thì có vẻ không hợp lý, vì đã muốn tăng giá rồi lại còn khuyến mãi thì “bằng hòa”. Tuy nhiên, đây là một trong những chiêu thức mà các siêu thị áp dụng thường xuyên nhưng vẫn mang lại hiệu quả cực kỳ lớn. Chủ quán hoàn toàn có thể “mang vác” chiến lược bày áp dụng vào ngành hàng F&B.
Thông thường với tuyệt chiêu này, các thương hiệu sẽ triển khai những chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10 – 20 – 50% các loại đồ uống (tùy thuộc vào sản phẩm và những thời điểm khác nhau). Khi đó, khách hàng hầu hết sẽ đặc biệt bị hút sự chú ý vào các sản phẩm đang khuyến mãi.
Vậy nếu chủ quán đang muốn tăng giá một thức uống nào đó, hãy thay mức giá mới bằng mức giá đã tăng và chạy các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10% – 20%. Chiêu thức này được gọi là “giảm giá giả”. Nghĩa là giá sản phẩm đang giảm thực chất là giá chưa tăng, còn giá gốc sản phẩm chính là giá đã tăng rồi. Sau khi đợt khuyến mãi kết thúc, khách hàng sẽ không cảm thấy lạ lẫm khi giá đồ uống trong menu lại cao hơn so với trước đây.
3.4. Thông báo mức tăng giá rõ ràng
Dù có sử dụng chiến lược tăng giá nào đi chăng nữa, thương hiệu cũng cần một lời thông báo rõ ràng đến khách hàng. Thực tế lạm phát hiện nay đang là vấn đề nóng hổi trên toàn cầu. Giá lương thực, nhiên liệu chưa có một dấu hiệu nào sẽ hạ nhiệt. Tại Nhật Bản – một nền kinh tế đang phải “gồng mình” chống chọi với cú trượt dài của đồng Yên Nhật, các thương hiệu đồng loạt phải điều chỉnh giá đồ uống. Thế nhưng, họ đã vận dụng thành công nghệ thuật “Omotenashi” trong kinh doanh để tăng giá nhưng vẫn khách vẫn hài lòng. Đây là một bài học đắt giá mà các thương hiệu F&B lớn ở Việt Nam nên tham khảo. Cụ thể, khi một hãng F&B Nhật Bản muốn tăng giá bán sản phẩm, họ sẽ phải tổ chức các cuộc họp báo và cúi gập người nhằm “xin lỗi khách hàng” vì sự bất tiện này.
Trở về với câu chuyện menu Highlands tăng giá, thay vì vừa ra thông báo vừa tăng giá trong ngày, thương hiệu này nên cho khách hàng biết sớm hơn trước ít nhất một tuần. Việc thông báo mức giá tăng rõ ràng, kèm theo thời gian dự định tăng giá sẽ giúp khách hàng chuẩn bị tâm lý, không quá bất ngờ và dễ dàng chấp nhận hơn.
3.5. Tăng giá kèm khuyến mãi đặc biệt
Cách cuối cùng giúp một thương hiệu F&B tăng giá nhưng không làm phật ý khách hàng, đó là hãy tăng giá kèm các chương trình khuyến mãi. Một vài chương trình tiêu biểu mà chủ quán có thể lựa chọn là: tích điểm đổi quà, miễn phí ship, áp voucher giảm giá,… Hãy cố gắng đẩy mạnh các khuyến mãi này trong thời gian đủ lâu (khoảng 1 tháng) để khách hàng dần quen với giá mới của sản phẩm. Có như vậy, sau khi khuyến mãi kết thúc khách hàng mới có thể vui vẻ chấp nhận việc tăng giá của thương hiệu.
Xem thêm: Nguyên liệu tăng giá hoặc hết hàng – Xử lý sao cho hiệu quả?
4. Kết luận
Doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng, giữ vững uy tín thì điều đầu tiên cần làm là sẵn sàng chịu thua thiệt trong thời gian ngắn ban đầu để kích cầu người tiêu dùng. Câu chuyện Highlands tăng giá chỉ là “phát súng nổ” gây tiếng vang đầu tiên trong ngành F&B. Nếu tình trạng bão giá leo thang kéo dài và không có điểm dừng, tăng giá sản phẩm là điều tất yếu. Hy vọng rằng với 5 chiến lược tăng giá đề xuất phía trên, thương hiệu sẽ có công cuộc đổi mới menu toàn diện, vừa tiết kiệm được chi phí vận hành lại vừa là khách hàng hài lòng.
Bạn có thể tham khảo thêm: