Hợp tác nhượng quyền hay tự mở quán là một trong những vấn đề cũng khiến nhiều người cân nhắc khi muốn khởi nghiệp F&B. Bởi lẽ, cả hai hình thức kinh doanh này đều có những ưu – nhược điểm của riêng mình mà chủ quán sẽ phải cân nhắc thật cẩn thận để lựa chọn được hướng đi phù hợp với nhu cầu, mục tiêu, cũng như tiềm lực của bản thân. Hãy cùng F&B Việt Nam so sánh các điểm nổi trội và hạn chế của cả hai mô hình này để có quyết định đúng đắn nhất nhé.
Nội dung chính
Toggle1. Tự mở quán: Tự tay làm hết, “lời ăn lỗ chịu”
Nếu bạn có một số vốn kha khá và chọn khởi nghiệp F&B bằng cách tự mở quán thì đây là một ý tưởng không tồi. Nhiều người vẫn thường nói kinh doanh F&B là “một vốn bốn lời”, tức cơ hội kiếm lời từ việc kinh doanh ăn uống vô cùng cao. Có vốn ít thì mở quán nhỏ, ăn lời ít, có vốn nhiều thì mở quán lớn, ăn lời nhiều. Đấy là chưa kể một số mô hình kinh doanh không đòi hỏi phải “đập vốn” ban đầu quá nhiều như bán mang đi, bán online,… có thể giúp tiết kiệm đáng kể một khoản ngân sách cho mặt bằng, cơ sở vật chất, nhân viên,… nên càng dễ kiếm lớn hơn.
Tuy nhiên, trước khi có thể ăn lời từ hoạt động kinh doanh của mình thì chủ quán sẽ trải qua một khoảng thời gian đau đầu, căng thẳng vì phải tự quán xuyến trong ngoài “từ A đến Z”, mà nếu không đủ bản lĩnh thì rất có thể sẽ bị “gãy” ngay từ giai đoạn này.
Đầu tiên phải kể đến khoảng thời gian lên ý tưởng và xây dựng hệ thống vận hành một cách chỉn chu. Quá trình này đòi hỏi chủ quán phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, và cả tiền bạc để nghiên cứu thị trường, xác định khách hàng mục tiêu, lên kế hoạch kinh doanh, trau dồi kỹ năng quản lý, kỹ năng pha chế, tìm kiếm công thức pha chế độc quyền, cũng như các vấn đề về xây dựng hình ảnh cho quán như tên gọi, logo, slogan, tông màu chủ đạo,… Có vô số các đầu mục cần phải làm mà người chủ quán một khi đã quyết định tự kinh doanh cũng đồng nghĩa sẽ phải tự tay làm hết tất cả.
Ngoài các công việc để định vị thương hiệu, nhân sự cũng là một những yếu tố đáng bận tâm cho các chủ quán. Nếu ngay từ chủ quán không có quy chuẩn đào tạo bài bản, các chế độ lương thưởng, đãi ngộ không rõ ràng, thì việc gặp bất đồng giữa đội ngũ nhân viên và chủ quán có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế mà nhiều người cũng thường hay nói kinh doanh F&B là “miếng bánh” ngon, ai cũng có phần nhưng không phải ai cũng thưởng thức được. Bởi mở ra được chưa chắc đã quản được, mà đã là chủ quán thì lĩnh vực nào cũng cần có kiến thức, dù là kế toán, kinh doanh, marketing hay quản trị nhân sự,… Việc quá tải là điều rất dễ gặp phải, và chỉ cần một quyết định sai lầm cũng có thể đưa quán đi vào “chỗ chết”.
Xem thêm: Khách Vãng Lai: Chìa Khóa Thu Hút Ngay Từ Lần Đầu Tiên, Biến Khách Vãng Lai Thành Khách Hàng Trung Thành |
2. Hợp tác nhượng quyền: An toàn nhưng không có quyền tự quyết
Những năm gần đây, mô hình hợp tác nhượng quyền thương hiệu ngày càng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Mô hình hợp tác nhượng quyền được xem là hình thức giúp những người có vốn, muốn khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm có thể dễ dàng hơn trong việc tổ chức quản lý, vận hành một cửa hàng.
Vì lẽ đó, nhượng quyền thương hiệu đang ngày càng phổ biến hơn trong ngành F&B, là một trong những “cánh tay” đắc lực đưa ngành kinh doanh ăn uống và ẩm thực Việt Nam phát triển không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Có thể nói, nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, được đánh giá cao về khả năng phát triển cho thương hiệu nhượng quyền lẫn các đối tác nhận nhượng quyền.
Là một tay ngang chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh F&B, việc hợp tác nhượng quyền sẽ giúp các chủ quán mới có thể giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra khi vận hành thương hiệu mới. Tất cả những vấn đề quan trọng như xây dựng nhận diện thương hiệu, thiết kế logo, lên ý tưởng sản phẩm, chuẩn hóa quy trình vận hành, đào tạo nhân viên,… tất tần tật đều sẽ được thương hiệu nhượng quyền hỗ trợ một cách toàn diện để đảm bảo đồng nhất chất lượng với chuỗi hệ thống mẹ.
Không chỉ vậy, khi hợp tác nhượng quyền, chủ quán cũng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí cho các hoạt động marketing nhờ vào độ nhận diện trên thị trường và tệp khách hàng trung thành đều sẵn có từ thương hiệu đã xây dựng từ trước, cũng như được hưởng đồng thời các chương trình tiếp thị, ưu đãi, khuyến mãi,… để lôi kéo khách hàng đến quán. Tất cả những điều này cho phép chủ quán dù tay ngang vẫn có thể tự tin vào tiềm năng kinh doanh của mình, không cần phải lo lắng quá nhiều về tỷ lệ thất bại khi con số này có thể được giảm xuống mức gần như không có.
Tuy nhiên, có lợi thế thì cũng sẽ đi kèm hạn chế. Từ mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, hợp tác nhượng quyền thương hiệu cũng tồn tại nhiều rủi ro khiến các chủ đầu tư sẽ phải lo lắng cho hoạt động kinh doanh của mình. Rõ rệt nhất chính là làn sóng nhượng quyền ồ ạt đã khiến ngành F&B Việt Nam đang dần bị “lờn” khi có quá nhiều thương hiệu cùng tham gia vào mô hình này, khiến thị trường dần trở nên chật chội, thoái trào, thậm chí là tự triệt hạ cơ hội kinh doanh của đối thủ lẫn chính mình, điều này đã đem đến khó khăn không nhỏ cho những ai mua nhượng quyền.
Xem thêm: Kinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng Trong Năm 2024 Không? |
3. Khởi nghiệp F&B: Mô hình nào phù hợp hơn cho các “tay chơi” mới?
3.1. Trách nhiệm ban đầu
Cho dù là kinh doanh quy mô lớn theo chuỗi hay quy mô nhỏ chỉ với một xe đẩy take away, kiosk, nếu như người chủ không xác định được mình cần phải làm gì, có trách nhiệm như thế nào ngay từ đầu thì việc kinh doanh thất bại cũng chỉ là chuyện sớm muộn. Bản thân người chủ sẽ phải làm vạch ra tất tần tật “đường đi nước bước” trong mọi khía cạnh vận hành như xây dựng thương hiệu, marketing, sáng tạo menu, quản lý tài chính, đào tạo nhân sự,…để đảm bảo quán hoạt động hiệu quả nhất.
Ngược lại, khi hợp tác nhượng quyền, cũng đồng nghĩa chủ đầu tư sẽ được chuyển giao hết tất cả tinh hoa từ bí quyết kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu, tên tuổi thương hiệu, menu sản phẩm, quy trình vận hành chuẩn hóa,… Nhờ đó, chủ quán sẽ giảm bớt gánh nặng trong trách nhiệm ban đầu, có thể bắt tay vào kinh doanh ngay mà không cần phải lo lắng nên bắt đầu từ đâu, và nâng cao tỷ lệ kinh doanh thành công dựa trên thành công được kiểm chứng trước đó của thương hiệu nhượng quyền.
Tuy nhiên, cả hai mô hình này cũng tồn tại hạn chế nhất định. Nếu như tự kinh doanh, chủ quán sẽ được quyền tự quyết tất cả, thì hợp tác nhượng quyền, chủ quán sẽ phải tuân theo dây chuyền, quy định và điều khoản đã thỏa thuận, không được phép tự do phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
3.2. Quyền sáng tạo trong kinh doanh
Khi đã bắt tay vào kinh doanh thì quán có thể được xem như “đứa con tinh thần” của chủ đầu tư, mà đã là “đứa con” thì bất kỳ ai cũng đều mong muốn có thể chăm chút, sắm sửa và đem đến cho nó mọi điều tốt nhất theo định hướng của mình. Tự kinh doanh, các chủ quán sẽ có thể tự do phát triển những sáng tạo cá nhân, từ thiết kế không gian, concept, sản phẩm, đến cả tính cách thương hiệu, và có thể linh hoạt thay đổi theo xu hướng thị trường, hoàn toàn không chịu sự ràng buộc của một bên nào khác.
Trong khi đó với kinh doanh nhượng quyền, dù được hưởng lợi từ thành công sẵn có của thương hiệu, nhưng chủ quán sẽ không được phép sáng tạo, mọi ý tưởng đều bị kìm kẹp bởi các điều khoản, thỏa thuận hợp đồng khi hợp tác. Theo đó, mọi hoạt động của quán đều phải tuân theo mô hình kinh doanh và quy trình hoạt động đã được thiết lập của bên nhượng quyền, cũng vì thế mà chủ quán có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với những điều kiện thị trường đang thay đổi hoặc thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với thị trường địa phương của mình.
3.3. Chi phí đầu tư, vận hành, và lợi nhuận thu về
Nếu quyết định tự kinh doanh, chủ quán sẽ phải “tự thân vận động” tất cả các khoản chi phí đầu tư và vận hành, cân chỉnh ngân sách sao cho phù hợp với quy mô của mình nhất. Điều này cho phép các chủ quán có thể chủ động hơn trong việc “sử dụng tiền”, không cần phải phụ thuộc quá nhiều hoặc đầu tư theo các đầu mục do một bên khác đề ra. Đồng thời, khi tự mở quán, các chủ quán sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình mà không phải chia sẻ với ai. Thế nhưng chủ quán cũng phải lường trước tình huống kinh doanh lỗ và một mình “gánh” lấy tất cả áp lực về tài chính.
Mặt khác khi hợp tác nhượng quyền, các chủ quán sẽ nhận được sự tư vấn tài chính từ phía thương hiệu nhượng quyền, sau đó tự tin đầu tư vào mô hình đã được kiểm nghiệm và kinh doanh thành công từ trước, đảm bảo an toàn về nguồn vốn cao hơn. Cũng chính vì điều này mà kinh doanh nhượng quyền được xem là lựa chọn thích hợp với những tay ngang. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác nhượng quyền, chủ quán sẽ không được hưởng trọn vẹn lợi nhuận thu được mà phải chia sẻ với thương hiệu mẹ, ngoài ra còn phải chi trả nhiều khoản phí khác như phí nhượng quyền (thường tính theo năm), phí quản lý (thường tính theo tháng),…
Nhìn chung, cả hai mô hình tự kinh doanh và hợp tác nhượng quyền đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Các chủ quán tương lai sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình trước khi đưa ra quyết định để có được thành quả tốt đẹp nhất.
Xem thêm: Những Địa Điểm Mua Nguyên Liệu Pha Chế Tốt Nhất Hiện Nay |