Khi bắt đầu kinh doanh quán cafe, việc đồng hành cùng đối tác khác giúp chủ quán có thể san sẻ công việc và giảm bớt gánh nặng về tài chính. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp xảy ra bất đồng khi quán cafe đang hoạt động, gây ra tình trạng xung đột, cãi vã và khiến tình hình kinh doanh thua lỗ trầm trọng. Vậy, đâu là những bất đồng thường gặp khi hợp tác kinh doanh quán cafe? Làm thế nào để kết hợp với nhau ăn ý để tránh “đứt gánh giữa đường”? Hãy cùng iPOS.vn theo dõi trong bài viết dưới đây!
Nội dung [hiển thị]
1. Vì sao nhiều người hợp tác kinh doanh quán cafe thất bại?
Thông thường, chủ quán thường hợp tác với người thân, bạn bè đã quen biết từ trước, người góp vốn,… để cùng mở quán cafe. Tuy nhiên, kinh doanh cùng người quen cũng tiềm ẩn những mối nguy hại ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như mối quan hệ của cả hai. Trong đó, sau đây là những mâu thuẫn phổ biến thường xuất hiện trong quá trình hợp tác kinh doanh quán cafe:
Bất đồng về lợi ích
Khi kinh doanh quán cafe, các chủ đầu tư có thể xảy ra rất nhiều bất đồng về lợi ích. Trong đó, mâu thuẫn phổ biến nhất là lợi ích trong việc “ăn chia” lợi nhuận: chia lợi nhuận không đồng đều, người muốn trích lợi nhuận để tái đầu tư, người thì muốn lợi nhuận bao nhiêu thì chia đều chứ không muốn bỏ thêm vào. Tiếp theo là lợi ích về quyền lực, ai cũng muốn nắm quyền, ai cũng muốn giữ vai trò quan trọng nhất trong tổ chức để được nhân viên “nể sợ” và tung hô, được giữ quyền quyết định, không ai nhường ai. Những lợi ích này làm con người “mờ mắt” và thay đổi mục đích ban đầu khi quyết định làm cùng nhau.
Bất đồng về tư duy kinh doanh
Trong một nhóm kết hợp làm ăn thông thường sẽ có một người đứng đầu với vai trò là người khởi xướng. Đây là người có ý tưởng đầu tiên, thường kêu gọi mọi người ngồi lại với nhau để lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng mục tiêu cho tương lai. Nhóm kết hợp này có thể là những người bạn đã học và chơi cùng nhau nhiều năm, hoặc những đồng nghiệp đã từng làm chung một công ty muốn xây dựng “cơ đồ” riêng.
Khi lên kế hoạch xây dựng và phát triển, mọi người thường sẽ “đồng lòng trên giấy” nhưng những ý kiến trái chiều có thể bắt đầu xuất hiện khi câu chuyện va chạm với thực tế. Không ít người nóng tính sẽ đưa ra những câu nói bất mãn như “Tôi đã dự đoán trước rồi mà mọi người không nghe, giờ mới như vậy”, “Chán quá, không muốn làm nữa, làm không ra cái gì mà cứ hô hào”,… Cái khó nhất trong việc làm ăn chung là làm sao kiểm soát được những “cái đầu nóng” và tinh thần mau nản chí để tiếp tục hướng đến mục tiêu chung.
Bất đồng về sự đóng góp trong công việc
Tình trạng người làm ít, người làm nhiều, người chẳng làm gì,… không phải là hiếm khi một nhóm hợp tác kinh doanh quán cafe. Nhận thấy tình trạng đó, chắc chắn sẽ có người phẫn nộ và chán nản: “Tôi thấy anh A chẳng làm gì cả, ngày nào cũng đến quán lượn 1 vòng rồi về. Việc gì giao cho anh ấy cũng trễ tiến độ, kết quả chẳng ra gì mà lợi nhuận thì cuối tháng chia đều. Tôi không làm nữa, tôi muốn rút vốn.” Và tệ nhất là xuất hiện những cá nhân ăn chặn lợi ích của quán như kê giá nguyên vật liệu để ăn chênh lệch, khai khống chi phí để bòn rút từ ngân sách chung,… Rơi vào tình huống này, công việc làm ăn chung rất dễ “đi đến hồi kết” khi mọi người tị nạnh, dè chừng và nghi ngờ lẫn nhau.
Sự khác nhau về hoàn cảnh cá nhân
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, người mở quán cafe chỉ về đam mê sở thích, người thì gom hết tiền bạc “mồ hôi nước mắt” để làm ăn và phải gồng gánh nuôi cả gia đình. Những áp lực của mỗi cá nhân vô tình làm cho sự gắn kết giữa các mối quan hệ hợp tác khó mà bền vững do nhiều yếu tố tác động. Người thì bị vợ kêu: “Em thấy cái nhóm anh làm chung chẳng có gì khởi sắc, lỗ cả năm nay, làm như vậy có nước bán nhà mà trả nợ”, người thì bố mẹ than thở: “Làm ăn toàn mất tiền chứ có kiếm được cái gì đâu”. Những tác động này có thể khiến mỗi người thay đổi suy nghĩ và hành động.
2. Bí quyết hợp tác kinh doanh quán cafe thuận lợi
2.1. Có một người lãnh đạo chủ chốt
Trong một nhóm hợp tác kinh doanh quán cafe cần có một người đứng đầu để đảm nhận những vai trò quan trọng. Đầu tiên, đó sẽ là người có khả năng lắng nghe ý kiến của từng thành viên với tâm thế xây dựng và phát triển, cuối cùng có thể chốt lại vấn đề sau những cuộc họp, đưa ra những định hướng phát triển cụ thể, không mơ hồ. Người lãnh đạo chủ chốt cũng là người làm tinh thần cho nhóm, hiểu rõ được hoàn cảnh của từng thành viên và có tính cách minh bạch trong việc phân bổ lợi ích của các thành viên.
Người chịu trách nhiệm đứng đầu không được “lộng hành” mà phải hiểu rõ thế mạnh của từng thành viên và trao quyền cụ thể để mọi người cùng tham gia vào công việc. Đồng thời, đây là người có thể lường trước mọi khó khăn có thể xảy ra và đưa ra phương án khắc phục. Nói chung, vai trò lãnh đạo của nhóm hợp tác kinh doanh quán cafe thực sự là một thách thức khi người đảm nhận vừa phải làm việc với công suất nhiều hơn những thành viên còn lại, vừa phải xây dựng khối gắn kết tổ chức cùng nhìn về một hướng.
2.2. Có sự thống nhất ý kiến trong một tổ chức
Để giảm bớt những xung đột và bất đồng quan điểm thì ngay từ ban đầu bạn phải xây dựng những nguyên tắc cụ thể để hoạt động nhóm hợp tác kinh doanh quán cafe:
Thứ nhất, mỗi bộ phận đều có một người chịu trách nhiệm cụ thể. Đây là người trực tiếp đảm nhận một vị trí công việc nào đó, ý kiến của họ mang tính quyết định cao hay được hiểu là tỷ trọng đóng góp trong biểu quyết cao. Ví dụ, khi nhóm hợp tác có 5 thành viên biểu quyết một vấn đề nào đó thì người đang chịu trách nhiệm sẽ giữ vai trò của 2 hoặc 3 lá phiếu biểu quyết.
Thứ hai, mọi người cần đưa ra ý kiến góp ý thẳng thắn và minh bạch trong mọi cuộc họp. Mọi vấn đề đều được đưa ra phân tích “mổ xẻ” một cách công khai để tìm ra nguyên nhân cụ thể và đưa ra hướng khắc phục giải quyết. Anh này thấy anh kia làm việc ít hơn mình, chị này thấy chị kia quyền lợi nhiều hơn mình,… cần được bày tỏ để mọi người không cảm thấy uất ức, ghen tức với nhau ở trong lòng.
Thứ ba, mọi người trong một nhóm hợp tác cần hiểu rõ về năng lực của nhau. Thay vì chê bai người này làm việc kém, người kia năng lực yếu gây ra xung đột nội bộ không đáng có, hãy cùng nhìn nhận vấn đề và tìm ra hướng khắc phục mới là mấu chốt mang lại thành công. Hãy để từng người chủ động nhận công việc phù hợp với ưu điểm của mình, ai giỏi tài chính thì quản lý dòng tiền, ai có hiểu biết về pha chế thì chịu trách nhiệm về nguyên vật liệu,… để tất cả cùng hướng tới kết quả tổng thể kinh doanh tốt hơn.
2.3. Thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của từng người
Với hình thức kinh doanh hợp tác mở quán cafe, sẽ không thể tránh có thời điểm quán cafe rơi vào tình trạng ế ẩm dễ kéo theo tình trạng cãi vã, bất đồng ý kiến. Đặc biệt là những lúc gặp khó khăn khi yêu cầu các nhà đầu tư ban đầu rót thêm tiền để duy trì hoạt động của quán. Những lúc như vậy, nếu không tìm cách giải quyết triệt để, nhanh chóng thì thất bại là kết quả hiển nhiên.
Việc thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ ngay từ đầu sẽ hạn chế tình trạng mâu thuẫn lợi ích, đùn đẩy công việc cho nhau. Do đó, các bên khi hợp tác hãy cùng soạn thảo một cách chi tiết các điều khoản thành văn bản, rõ ràng trên giấy trắng mực đen bao gồm: Quyền lợi của từng người, tỷ lệ chia lợi nhuận ra sao và trách nhiệm của các bên khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra? Tuyệt đối không nên trao đổi, thống nhất qua lời nói bởi nó sẽ bị quên một cách nhanh chóng. Hơn nữa, nếu xảy ra trường hợp khó khăn khiến nhiều người thoái thác trách nhiệm, những người còn lại cũng hoàn toàn không có một căn cứ pháp lý nào để đối chiếu, giải quyết.
2.4. Xác định tầm nhìn và định hướng chung
Nếu không cùng hướng đến một mục đích, việc hợp tác kinh doanh quán cafe có thể rơi vào bế tắc khi gặp khó khăn. Một tầm nhìn xa và thực tế sẽ giúp cho sự gắn kết của tổ chức bền vững hơn, đi cùng nhau xa hơn. Ngược lại, tầm nhìn và định hướng viển vông hoặc khác nhau giữa mỗi cá nhân sẽ khiến mọi người không có động lực, làm việc rời rạc và khó có kết quả tốt. Chính người lãnh đạo chủ chốt phải quyết định được mục tiêu chung này. Giả sử bạn muốn mở quán cafe và sẽ phát triển thành chuỗi nhượng quyền trong 5 năm tiếp theo, đó sẽ là một mục tiêu cần được phân chia về trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng của từng người để cùng nhau đi đến cái đích cuối.
Trong kinh doanh, quan trọng nhất là phải có tư duy thực tế. Nhiều người cứ nói chuyện tầm vĩ mô vũ trụ như “trên mây trên gió” rồi “ảo tưởng sức mạnh” thì việc kết hợp làm ăn rất có nguy cơ thất bại khi va chạm phải thực tế khắc nghiệt. Chẳng hạn như, ban đầu mọi người kỳ vọng quán cafe sẽ tấp nập đông khách do có đồ uống ngon, không gian đẹp và có thể thu hồi vốn khoảng 1 tỷ đồng sau vài tháng kinh doanh. Đến khi không đạt được mục tiêu, sẽ có người nản chí và muốn từ bỏ.
Hợp tác kinh doanh quán cafe có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều quán cafe phải ngừng hoạt động không phải do kinh doanh thua lỗ mà xuất phát từ những rạn nứt từ bên trong nội bộ những người làm ăn chung với nhau. Vì vậy, các chủ quán hãy lưu ý những vấn đề quan trọng trên để việc kết hợp mở quán cafe thuận lợi hơn.
Hãy tham khảo thử một số phần mềm sau để vận hành quán cafe trơn tru hơn nhé!