Đặt tên quán cà phê cũng tựa như đặt tên cho con cái của mình vậy, bởi mỗi quán được mở ra đều là những đứa con tinh thần được các chủ quán ấp ủ yêu thương và tâm huyết tạo thành. Chính vì thế, việc đặt tên quán cà phê cũng được nhiều chủ quán dày công suy nghĩ để chọn ra được cái tên hay và ý nghĩa nhất. Bên cạnh đó, tên quán cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, làm thế nào để tạo được ấn tượng và ghi nhớ trong tâm trí khách hàng ngay từ lần đầu tiếp xúc. Hãy theo dõi bài viết này để cùng F&B Việt Nam tìm thêm ý tưởng để đặt tên quán cà phê của mình nhé.
Nội dung chính
Toggle1. Đặt tên quán cà phê theo phong thủy
Xưa nay, phong thủy luôn là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong ý niệm, vận mệnh, và kỳ vọng của con người theo văn hóa Á Đông. Phong thủy không phải là một yếu tố đơn lẻ mà là sự hòa hợp của mọi yếu tố bao xung quanh con người như địa thế, hình dạng, bố cục mặt bằng không gian dùng trong xây dựng, hướng gió,… Bên cạnh đó, phong thủy còn liên quan chặt chẽ đến sự hưng vượng hoặc suy vong trong việc kinh doanh, làm ăn “cát hung”. Chính vì thế, mọi người thường dựa theo phong thủy để đưa ra những quyết định quan trọng như chọn ngày khai trương, chọn hướng xây nhà, đặt tên con, và cả đặt tên quán cũng thế.
Nguyên tắc đặt tên quán cà phê theo phong thủy:
Đặt tên quán thuận theo Âm Dương: Trong ngôn ngữ tiếng Việt có sử dụng rất nhiều từ Hán Việt và hầu hết đều có thể phiên âm theo chữ tiếng Hán, từ đó dựa vào số nét bút để đặt tên phù hợp với phong thủy. Con số theo phong thủy Âm – Dương thì nét chữ lẻ là âm và chẵn là dương, ví dụ: chữ Nhất (一) là âm, chữ Nhị (二) là dương.
Theo phong thủy thì tên cửa hàng nên dùng đơn số (Âm hoặc Dương) và song số có âm có dương là tốt nhất.
Nên sắp xếp các chữ theo thứ tự: Dương – Âm; Âm – Âm -Dương, Âm – Dương – Dương.
Tránh sắp xếp theo thứ tự: Âm – Dương – Âm hoặc Dương – Âm – Dương.
Ví dụ: bạn tên là Anh Minh bao gồm chữ Anh (英 – 9 nét) và chữ Minh (明 – 8 nét) như vậy là Âm – Dương, bạn không nên đặt mà có thể đặt tên quán thành Minh Anh cho phù hợp với phong thủy.
Đặt tên quán theo ngũ hành: Khi 5 loại nguyên tố Ngũ hành sẽ phối hợp với nhau, khi tạo thành tên cửa hàng, tố hợp của 5 loại nguyên tố Ngũ hành sẽ tạo ra kết quả xấu và kết quả tốt. Có một số tổ hợp tên gọi là cát lợi như: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ. Ngược lại, nguyên tắc tương khắc có: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
2. Đặt tên quán cà phê theo lối chơi chữ
Nếu như đặt tên theo lối thông thường, khuôn mẫu đã trở nên nhàm chán thì chủ quán có thể thử sử dụng lối chơi chữ để tìm ra cái tên độc đáo hơn. Trong văn học, chơi chữ là một trong những biện pháp tu từ xuất hiện từ lâu và bắt nguồn từ đời sống xã hội để phát triển dần lên nên thường gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Biện pháp tu từ chơi chữ giúp câu văn thêm phần ấn tượng, thú vị hơn nên gây được nhiều hứng thú, khắc ghi lâu dài với người đọc, người nghe. Đồng thời, chơi chữ cũng sẽ thể hiện được sự khéo léo, tinh tế của người sử dụng để gửi gắm ý nghĩa mà không bị lộ liễu.
Một số lối chơi chữ thường gặp như dùng từ đồng âm, dùng lối nói trại âm, dùng cách điệp từ, dùng lối nói lái, và dùng từ trái nghĩa, đồng nghĩa, hoặc gần nghĩa. Ví dụ, Tiệm Kiết Cafe được lấy ý tưởng theo cách đọc ngược của từ “tiết kiệm”, hàm ý mang đến cho khách hàng chất lượng cà phê ngon và chuẩn vị nhất, lại thưởng thức trong không gian thoáng mát, dễ chịu, nhưng được bán với giá thành vô cùng hợp lý với sinh viên, dân văn phòng.
Xem thêm: Bài Toán Thực Tế Về Chi Phí Mở Quán Cà Phê Cho Người Mới Bắt Đầu |
3. Đặt tên quán cà phê theo tiếng nước ngoài
Dùng từ ngữ theo tiếng nước ngoài để đặt tên quán cà phê ngày càng phổ biến bởi sự đa dạng trong kho từ vựng, đáp ứng được nhiều tầng nghĩa, và có tính độc nhất. Cách đặt tên quán cà phê theo tiếng nước ngoài được sử dụng phổ biến nhất là tiếng Anh vì đây là một trong những ngôn ngữ được nhiều người dùng nhất thế giới, dễ dịch, dễ nhận dạng, và dễ viết. Ngoài ra, tùy vào phong cách quán cà phê, mà một số ngôn ngữ khác cũng được thông dụng không kém như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Ý,…
Một số tham khảo đặt tên quán cà phê theo từng quốc gia như The Coffee House – có nghĩa là Nhà Cà phê; Kokoro Cafe – “Kokoro” trong tiếng Nhật có nghĩa là “Trái tim”; Megustas Cafe – “Megustas” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Tôi yêu bạn”, Le Flaneur Cafe – “Flaneur” trong tiếng Pháp có nghĩa là “Một người đang lang thang dạo chơi đầy tự do tự tại”; ANnyeong Coffee & Tea – “Annyeong” trong tiếng Hàn có nghĩa là “Xin Chào”…
4. Đặt tên quán cà phê theo địa điểm kinh doanh
Đặt tên quán theo địa điểm kinh doanh như tên tỉnh thành, tên đường, hoặc khu phố cũng là một cách khiến khách hàng dễ nhớ hơn. Cách đặt tên này sẽ tạo ấn tượng trong tâm trí khách hàng khi chỉ cần nhắc đến địa điểm là có thể nhớ đến ngay quán cà phê tọa lạc tại địa điểm đó. Chẳng hạn như Sữa chua Trân châu Hạ Long, Cố đô Cà phê, Cà phê Cô Ba Sài Gòn, Trốn Sài Gòn Cafe, Hanoi Time Cafe,… Nhiều chủ quán cũng đặt tên theo tên họ để dễ dàng tạo thương hiệu, càng được nhiều người biết đến càng dễ dàng trong việc tạo thương hiệu.
Tuy nhiên, hạn chế của cách đặt tên này là trong tên có chứa địa danh cụ thể sẽ không được đăng ký bảo hộ. Điều này có thể gây nhiều trở ngại cho quán nếu muốn mở rộng quy mô kinh doanh hoặc đảm bảo tính độc quyền cho thương hiệu.
Xem thêm: Khởi Nghiệp F&B: Nên Tự Mở Quán Hay Hợp Tác Nhượng Quyền Thương Hiệu? |
5. Đặt tên quán cà phê chỉ với một từ duy nhất
Đôi khi đặt tên quán cà phê cũng không cần phải quá dài dòng, phức tạp hay mang ý nghĩa sâu xa, mà đó có thể chỉ là một từ duy nhất cũng đã đủ để thu hút khách hàng. Chưa kể, tên quán chỉ với một từ duy nhất còn vô cùng dễ nhớ, phù hợp với nhiều phong cách quán khác nhau. Một số tên quán cà phê một từ nổi bật như Cộng Cà Phê, Nắng Cafe, Mộc Cafe & Beer, Lạc Concept, Khóm Coffee & Tea,…
Tuy nhiên, khi đặt tên quán cà phê chỉ sử dụng một từ duy nhất thì chủ quán cần nghiên cứu thật kỹ, tìm hiểu những quán cà phê đang hoạt động trên thị trường để tránh trường hợp bị “đụng hàng”, trùng tên sẽ làm giảm độ nhận biết của quán.
6. Đặt tên quán cà phê theo phong cách
Mỗi quán cà phê đều có phong cách riêng, không chỉ ở khía cạnh ý tưởng chủ đề, thiết kế không gian, mà phong cách còn được thể hiện trong cả cách hoạt động và trải nghiệm mang đến cho khách hàng. Cũng vì thế, một số chủ quán sẽ dùng chính phong cách để đặt tên cho quán của mình, vừa sáng tạo, độc đáo, mà còn vừa để khách hàng có thể lập tức hình dung được tính cách của quán ngay khi chỉ đọc tên. Qua đó quán cũng đồng thời “lọc” được tệp khách hàng, vì chỉ những khách hàng phù hợp với phong cách quán mới thật sự tìm đến trải nghiệm.
Ví dụ, nhắc đến Cà phê Trịnh Ca là có thể nghĩ ngay đến việc nhâm nhi tách cà phê cùng những bản nhạc để đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, khách hàng của quán này đều là những người yêu thích dòng nhạc Trịnh. Hoặc như Thập Niên 2000 dành cho những khách hàng yêu thích phong cách vintage, muốn hoài niệm về những năm tháng đã qua đậm chất Sài Gòn xưa.
7. Đặt tên quán cà phê theo chủ quán
Đây là cách đặt tên quán cà phê được nhiều người lựa chọn, vừa nhanh gọn, đơn giản, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, còn còn vừa thể hiện quyền sở hữu của mình. Dù vậy, cách đặt tên này có khả năng trùng tên rất cao bởi đôi khi khách có thể nhầm lẫn quán có nhiều chi nhánh hoặc với quán khác cùng tên gọi. Nếu chủ quán là người nổi tiếng hoặc xây dựng được thương hiệu cá nhân của mình tốt trong một lĩnh vực nào đó, thì cách đặt tên này vô cùng hiệu quả.
Một số tên quán cà phê được đặt theo chủ quán như Cà phê Giảng do cụ Nguyễn Văn Giảng sáng tạo; Cà phê muối chú Long do chú Long xây dựng từ những ngày còn là xe đẩy bán vỉa hè cho đến khi thành chuỗi cửa hàng; Hay Cà phê Ông Bầu – một trong những thương hiệu cà phê nhượng quyền nổi tiếng hiện nay được thành lập bởi 3 ông bầu bao gồm bầu Hải, bầu Đức và bầu Thắng.
Nguyên tắc cơ bản nhất khi đặt tên quán cà phê là phải đảm bảo dễ đọc, dễ nhớ, và nhanh chóng tạo được ấn tượng ngay từ lần đầu tiên khách hàng tiếp xúc. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp các chủ quán tìm được một cái tên ưng ý, chứa đựng cả những may mắn cho quán cà phê của mình “lấy vía” kinh doanh thành công.
Xem thêm: Những Địa Điểm Mua Nguyên Liệu Pha Chế Tốt Nhất Hiện Nay |