Những loại bánh ngọt ít ngọt nói riêng và đồ ăn, thức uống gắn mác không đường hoặc ít đường nói chung ngày càng chiếm được cái nhìn thiện cảm của người tiêu dùng hơn. Thậm chí, sự lên ngôi của bánh ngọt ít ngọt, ít calo, bánh ăn kiêng,… đã trở thành xu hướng lan tỏa toàn cầu.
Vậy tại sao lại có sự thay đổi này trong thói quen ăn uống? Các chủ nhà hàng/quán cafe có nên điều chỉnh lượng đường trong các loại bánh ngọt của quán? Cùng iPOS.vn giải mã xu hướng “Bánh ngọt ít ngọt” đang chi phối thị trường đồ ăn healthy trong bài viết sau.
Nội dung [hiển thị]
1. Sự lên ngôi của món bánh ngọt ít ngọt, ít calo
Bánh ngọt ít ngọt bản chất vẫn là một loại bánh ngọt được dùng như món tráng miệng hoặc quà vặt ăn xen giữa các bữa chính, nhưng được giảm lượng đường hoặc sử dụng chất tạo ngọt thay thế để cho ra hương vị bánh ít ngọt hơn, ít calo hơn.
Một chiếc bánh ngọt trung bình sẽ chứa lượng đường gấp ba lần lượng đường cần thiết nạp vào một ngày. Trong khi lượng đường được khuyến cáo sử dụng với nam giới là khoảng 37,5g (tương đương 9 muỗng cà phê đường/ngày), và với phụ nữ là khoảng 25g (tương đương 6 muỗng cà phê đường/ngày). Giảm đường trong các loại bánh ngọt sẽ đồng nghĩa với việc giảm calo và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng hơn.
Dẫn đầu trào lưu bánh ngọt ít ngọt phải kể đến một số tiệm bánh homemade hoặc nhà hàng healthy food với đối tượng khách hàng chủ yếu là chị em phụ nữ muốn giảm cân hoặc ăn tập theo chế độ giữ dáng.
Về sau, xu hướng bánh ngọt ít ngọt ngày càng được nhân rộng ra, làm thay đổi cả thói quen ăn uống của nhiều người. Không chỉ các tiệm bánh ít ngọt online, các thương hiệu bánh cũng đang dần điều chỉnh độ ngọt trong sản phẩm của mình để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Tiêu biểu có thể kể đến một số cái tên như Nguyễn Sơn Bakery, Anh Hòa Bakery, The 350F Dessert & More, Origato, Savor Cakes,… cũng đang đẩy mạnh việc giảm đường, giảm ngọt cho sản phẩm.
2. Giải mã xu hướng “Bánh ngọt ít ngọt” đang chi phối thị trường đồ ăn healthy
Không thể phủ nhận công dụng của đồ ngọt với sức khỏe tinh thần con người. Các loại bánh ngọt luôn có sức hút khó cưỡng đối với cả trẻ em và người lớn. Bởi chúng ngon miệng, dễ ăn, giúp cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giảm stress hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều đường lại không tốt cho sức khỏe thể chất. Vì vậy, bánh ngọt ít ngọt ra đời như một giải pháp cứu cánh cho những ai muốn “nuông chiều” bản thân một chút nhưng vẫn lo lắng vấn đề về cân nặng, sức khỏe.
Lý giải về xu hướng bánh ngọt ít ngọt ngày càng được ưa chuộng sẽ có một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sự chuyển dịch thói quen ăn uống của thực khách xuất phát từ ý thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19. Người tiêu dùng dần nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa việc ăn quá nhiều đường với nguy cơ gây các bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường,… nên muốn ăn uống lành mạnh hơn.
Thứ hai, bánh ngọt ít ngọt, ít calo là một phần trong xu hướng đồ ăn healthy đang bùng nổ gần đây. Bánh ngọt ít ngọt sẽ giải tỏa cơn thèm đồ ngọt đồng thời vẫn đảm bảo không phá vỡ chế độ ăn uống healthy của bạn.
Thứ ba, đường kính trắng (đường cát trắng) thường dùng trong chế biến bánh ngọt là loại gia vị nằm trong danh sách có thể thay thế được. Vì vậy, việc giảm đường trong bánh ngọt không quá khó. Các tiệm bánh ít ngọt thường dùng đường ăn kiêng hoặc đường dừa, đường thốt nốt, mật ong, siro cây phong, quả chà là, trái cây xay nhuyễn cô đặc, chất làm ngọt nhân tạo,… để thay thế đường kính thông thường. Cùng với đó, để đạt tiêu chuẩn một chiếc bánh ngọt ít ngọt, ít calo, một số tiệm còn thay thế bột mì bằng bột mì nguyên cám, bột hạnh nhân hoặc yến mạch, thay sữa có đường bằng sữa hạt, sữa không đường, sữa tách béo, sữa chua,…
Cuối cùng, kinh doanh bánh ngọt ít ngọt đang là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam khi mọi sản phẩm tốt cho sức khỏe đều đang nhận được cái nhìn thiện cảm của đại bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ Gen Y & Gen Z.
Xem thêm: Bánh keto, bánh giảm cân, bánh ngọt không đường,… có thật sự hiệu quả không?
3. Cẩn trọng với nguy cơ bánh ngọt ít ngọt bị đánh tráo khái niệm
Theo nguyên tắc, tất cả các loại bánh ngọt đều cần một lượng đường đủ để đảm bảo tính cân bằng của công thức. Việc cắt bỏ khá nhiều đường sẽ khiến bánh mất kết cấu, dễ tan chảy hoặc mất đi hương vị thơm ngon vốn có. Vì vậy, không dễ để làm bánh ngọt ít ngọt.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, tràn lan những mẫu bánh được giới thiệu là ít đường, ít calo hoặc thậm chí không đường. Các loại bánh này thường là bánh homemade, bán online nên chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng. Đôi khi được quảng cáo là bánh healthy nhưng thực chất chỉ là vỏ bọc để nâng giá bán. Người tiêu dùng cần cẩn trọng lựa chọn thương hiệu bánh uy tín, phù hợp để sử dụng.
Như vậy, xu hướng thưởng thức bánh ngọt ít ngọt đang ngày càng phổ biến và trở thành hiện tượng ăn uống lành mạnh đáng khích lệ. Bánh ngọt ít ngọt, ít calo không chỉ là xu hướng kinh doanh F&B hiện tại, mà còn là thị trường ngách thật sự tiềm năng trong tương lai gần. Để không bỏ lỡ cơ hội, chủ quán kinh doanh tiệm bánh ngọt & cafe nên chú trọng đến việc điều chỉnh lượng đường phù hợp với khẩu vị khách hàng, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý để đạt được thành công.