Buy Now

Tìm kiếm

“Cuộc Chiến Vỉa Hè”: Các Ông Lớn Ngành Cà Phê… Cũng Xuống Đường Bán Cà Phê Take Away

  • Chia sẻ cái này:
“Cuộc Chiến Vỉa Hè”: Các Ông Lớn Ngành Cà Phê… Cũng Xuống Đường Bán Cà Phê Take Away

Mô hình cà phê take away đã có mặt từ lâu với nhiều ưu điểm nổi bật như tính linh hoạt, tiết kiệm chi phí vận hành, vốn đầu tư ban đầu thấp,… vì thế cũng trở thành cơ hội đầy tiềm năng cho những ai muốn khởi nghiệp bằng kinh doanh cà phê. Đặc biệt, mô hình này càng trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn đại dịch, bao gồm cả những thương hiệu cà phê lớn khi phải tạm đóng cửa hàng cũng không ngần ngại “xuống đường bán rong”. 

1. Xu hướng kinh doanh theo mô hình cà phê take away bùng nổ

1.1. Mô hình cà phê take away được hiểu như thế nào?

Trong tiếng Anh, “take away” có nghĩa là mang đi, thường được dùng nhiều trong ngành F&B, đặc biệt là kinh doanh cà phê. Đúng như nghĩa trên mặt chữ, mô hình cà phê take away hiểu đơn giản là cà phê theo hình thức mua mang đi, khách hàng của mô hình này ít khi ngồi tại quán, chỉ dừng lại mua cà phê, thanh toán ngay khi order, rồi chờ lấy thức uống và mang đi sau khi pha chế xong. Chính vì thế các địa điểm cà phê take away cũng không thường đầu tư quá nhiều về nội thất, chủ yếu chỉ có một vài chiếc ghế nhỏ cho khách hàng ngồi chờ. 

Ở phương diện khách hàng, mô hình cà phê take away vô cùng phù hợp với nhịp sống hiện đại bởi sự nhanh gọn, linh hoạt và thuận tiện. Mọi người có thể dễ dàng mua cà phê kể cả khi vẫn ngồi trên xe mà không cần phải bước hẳn vào trong quán để gọi món, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và thao tác. Thêm nữa, cà phê take away thường tích hợp mọi hoạt động trong một không gian mở duy nhất, cho phép khách hàng có thể vừa quan sát quá trình pha chế, vừa cảm nhận mùi cà phê thơm nồng, phần nào tăng hoạt động não và kích thích năng lượng tích cực. Do vậy mà mô hình cà phê take away được rất nhiều người ưa chuộng, nhất là học sinh, sinh viên và dân văn phòng. 

Ở phương diện của người kinh doanh, mô hình cà phê take away lại là cơ hội đầy tiềm năng cho những ai muốn khởi nghiệp trong ngành kinh doanh cà phê nhưng không có quá nhiều vốn. Lợi thế lớn nhất khi kinh doanh cà phê take away chính là khả năng tối ưu các khoản chi phí vận hành như chi phí thuê mặt bằng, chi phí thiết kế xây dựng, cùng các chi phí về cơ sở vật chất, điện nước,… Đồng thời, mô hình cà phê take away cũng không đòi hỏi quá nhiều về nhân lực, gần như chỉ cần một người là đủ, hoặc tối đa 2-3 người nếu vào những thời điểm đông khách là đã có thể vận hành trôi chảy. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ được tối ưu nhất có thể. 

"Cuộc Chiến Vỉa Hè": Các Ông Lớn Ngành Cà Phê... Cũng Xuống Đường Bán Cà Phê Take Away
Cà phê take away là cơ hội đầy tiềm năng cho những ai muốn khởi nghiệp trong ngành F&B

1.2. Cà phê take away trở thành trào lưu mới

Mô hình cà phê take away có nguồn gốc từ nước Ý, sau đó phổ biến trên toàn thế giới, rồi du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2004. Đặc biệt, mô hình cà phê take away vốn dĩ chỉ có một xe đẩy, quầy bán hoặc kiosk, không có bàn ghế xung quanh, thì khi du nhập vào Việt Nam đã có sự biến đổi nhất định để phù hợp hơn với văn hóa thưởng thức cà phê của khách hàng Việt.

Theo đó, các địa điểm kinh doanh cà phê take away được “Việt hóa” thêm với một ít bàn ghế cỡ nhỏ cho khách hàng có thể ngồi lại chờ thức uống, hoặc nhâm nhi vào buổi sáng, hay tán gẫu vào buổi tối. Hình ảnh này đâu đó khá giống với mô hình cà phê cóc đã có từ lâu tại Việt Nam, nhưng vẫn mang “phong cách Tây Tây” nhằm mục đích thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, mô hình cà phê take away cũng được điều chỉnh với mức giá “mềm” hơn để phù hợp với đại đa số khách hàng thuộc nhiều phân khúc khác nhau. 

Giờ đây, những chiếc xe đẩy nhỏ bán cà phê take away đã không còn xa lạ với người Việt, có thể dễ dàng nhìn thấy trên bất cứ cung đường nào, nhất là tại những khu vực gần trường học hoặc công ty, văn phòng. Hơn hết, không chỉ có những chiếc xe đẩy nhỏ lẻ của các đơn vị cá nhân, mà ngay cả những “ông lớn” trong ngành cà phê cũng không bỏ lỡ “cuộc chiến vỉa hè” này, tận dụng mọi mô hình kinh doanh để tiếp cận gần nhất đến tệp khách hàng của mình.  

"Cuộc Chiến Vỉa Hè": Các Ông Lớn Ngành Cà Phê... Cũng Xuống Đường Bán Cà Phê Take Away
Cà phê take away có nguồn gốc từ nước Ý sau đó du nhập vào Việt Nam và trở nên rầm rộ
Xem thêm: Chìa Khóa Để Xây Dựng Thương Hiệu Phúc Long Thành Công Từ Founder Lâm Bội Minh

2. Các thương hiệu cà phê lớn cũng “xuống đường bán rong”

Năm 2020, đường phố Hà Nội bất ngờ xuất hiện những chiếc xe bán cà phê theo mô hình take away với màu đỏ đặc trưng của Highlands Coffee. Theo ghi nhận tại thời điểm đó, menu trên chiếc xe này tương đối tinh gọn hơn so với trong cửa hàng nhưng vẫn có những món signature của thương hiệu. Đặc biệt, điểm khiến Highlands Coffee xe take away gây chú ý chính là giá menu đồ uống rẻ hơn rất nhiều so với mua tại quán mà chất lượng gần như tương tự.

Cụ thể, trên xe take away của Highlands Coffee, khách hàng có thể mua các món thức uống signature như cà phê phin truyền thống, Phidi hay Trà sen vàng với mức giá thấp hơn từ 10.000 – 16.000 đồng so với giá menu thông thường. Điều này đi đúng mục tiêu của Highlands Coffee khi “tràn xuống đường” là mở rộng phạm vi phủ sóng, len lỏi khắp các trung tâm thương mại và tòa nhà lớn, đồng thời tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, bao gồm cả những đối tượng có thu nhập chưa cao. 

Tương tự như vậy, xe đẩy bán cà phê take away của Trung Nguyên Legend đặt trước chuỗi E-Coffee cũng có giá chỉ hơn nửa so với việc ngồi lại nhâm nhi một ly cà phê trong cửa hàng. Những chiếc xe đẩy này được ra đời trong năm 2020 được cho là giải pháp cộng lực dành cho các cửa hàng và mang đến giải pháp kinh doanh tối đa lợi ích. Trung Nguyên Legend chia sẻ, cùng với cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee được thiết kế chuyên nghiệp, xe đẩy take away sẽ góp phần thu hút những người yêu và đam mê cà phê.

Cùng chiến lược với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng tung ra mô hình nhượng quyền WEHome Café. Điều đặc biệt, chuỗi cà phê King Coffee đã chọn cách bắt tay cùng các cửa hàng FPT Shop để mở thêm điểm bán mới, dưới mô hình quầy WEHome Café. Đây có thể nói là một chiến lược hợp lý giúp WEHome Café có một chỗ bán chính thống cố định, vị thế của thương hiệu nhờ đó cũng được nâng cao hơn.

Không chỉ vậy, ngoài dạng xe đẩy nhỏ, mô hình cà phê take away còn được các thương hiệu nâng cấp dưới dạng kiosk, có phần chuyên nghiệp hơn, không thua kém gì một cửa hàng hoàn chỉnh nhưng vẫn tinh gọn và tiết kiệm chi phí. Điển hình có thể kể đến kiosk take away của The Coffee House được ra đời trong giai đoạn đại dịch nhằm tái cấu trúc và đa dạng hóa mô hình kinh doanh để thích ứng với những thay đổi của thị trường. Hay với kiosk take away Phúc Long cũng từng được tích hợp cùng siêu thị mini WinMart+ để đa dạng hệ sinh thái cho tập đoàn Masan. 

Cuối cùng, nhắc đến mô hình cà phê take away chắc chắn không thể không nhắc đến hai cái tên vô cùng nổi bật là Ông Bầu Coffee và Guta Cafe. Có thể dễ dàng nhận thấy “đôi bạn” xanh dương – vàng này xuất hiện trên rất nhiều con phố, thậm chí là đồng hành ngay cạnh nhau, nhìn thấy Guta sẽ nhìn thấy Ông Bầu và ngược lại. Đến hiện tại, có thể nói đây vẫn là hai cái tên vững vàng nhất trong mô hình cà phê take away. 

"Cuộc Chiến Vỉa Hè": Các Ông Lớn Ngành Cà Phê... Cũng Xuống Đường Bán Cà Phê Take Away
Các “ông lớn” ngành cà phê đều từng có thời gian thử nghiệm đưa thương hiệu “xuống đường”
Xem thêm: Highlands Bưu Điện Thành Phố – Tọa Độ Check-In Mới Vừa Cổ Kính Vừa Hiện Đại

3. Vì đâu các “ông lớn” khó “mọc như nấm” với mô hình cà phê take away này?

Nhìn chung, các mô hình cà phê take away của các “ông lớn” sở hữu nhiều lợi thế mà các xe đẩy cá nhân riêng lẻ không có được như thiết kế giao diện bắt mắt, nhận diện thương hiệu tốt, công thức pha chế đã được chuẩn hóa, có sẵn menu thức uống signature để lôi kéo khách hàng, nguồn nhập nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng,…

Dù vậy, tuy được đánh giá như mô hình kinh doanh tiềm năng là thế, nhưng quan sát trên thị trường hiện nay cũng có thể thấy rất ít thương hiệu vẫn tích hợp kinh doanh cùng mô hình xe đẩy bán cà phê take away này. Gần như chỉ còn lại Ông Bầu Coffee và Guta Coffee là nổi bật nhất, đồng thời còn có kiosk take away của Phúc Long do được tích hợp cùng với hệ sinh thái của Winmart+. Các thương hiệu tiên phong ban đầu như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend hay King Coffee đến nay đều đã đem xe đẩy đi “cất kho.

Để giải thích cho kết quả này có thể đến từ thách thức về chất lượng sản phẩm. Theo đó, mô hình xe đẩy bán cà phê take away thường được dựng trên đường, chịu điều kiện thời tiết ngoài trời nên sẽ gặp nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, môi trường bảo quản, lẫn thiết bị máy móc làm sao bảo quản để duy trì được chất lượng tốt nhất. Chẳng hạn, máy móc khi gặp ẩm ướt dễ bị rỉ sét, hay cà phê dễ bị thay đổi hương vị khi gặp nhiệt độ cao,… khiến chất lượng thức uống khó giống hệt như trong cửa hàng, không may làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu đã xây dựng bây lâu.

Bên cạnh đó, việc giảm giá thành cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến định vị thương hiệu trong mắt khách hàng. Hầu hết các thương hiệu cà phê có tên tuổi hiện nay đều hướng đến phân khúc khách hàng từ tầm trung đến cao cấp, việc hạ giá xuống phân khúc bình dân để phù hợp với mô hình xe đẩy take away vô hình làm thay đổi định vị, có thể ảnh hưởng đến các chiến lược phát triển trong tương lai vì phân khúc khách hàng không rõ ràng. 

"Cuộc Chiến Vỉa Hè": Các Ông Lớn Ngành Cà Phê... Cũng Xuống Đường Bán Cà Phê Take Away
Ông Bầu Coffee và Guta Cafe là hai cái tên vẫn trụ vững với mô hình cà phê take away

Vì những rủi ro về chất lượng sản phẩm và định vị thương hiệu có thể trở thành trở ngại khiến các “ông lớn” không thể “lao ra đường” một cách bất chấp được. Dù vậy, kinh doanh cà phê take away là mô hình vẫn còn tiềm năng khai thác mà các thương hiệu có thể cân nhắc để mở rộng khả năng tiếp cận của mình.

Xem thêm: Vén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng BAEMIN: Công Ty Mẹ Miệt Mài Đem Con Đi Bán, Grab Và Meituan Đều Từ Chối Mua Lại