Buy Now

Tìm kiếm

Chiến lược marketing của Pizza 4P’s: Không quảng cáo rầm rộ, không khuyến mãi nhưng vẫn kín bàn trước cả tháng

  • Chia sẻ cái này:
Chiến lược marketing của Pizza 4P’s: Không quảng cáo rầm rộ, không khuyến mãi nhưng vẫn kín bàn trước cả tháng

Tin tức mới

Chiến lược marketing của Pizza 4P’s: Không quảng cáo rầm rộ, không khuyến mãi nhưng vẫn kín bàn trước cả tháng

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Chiến lược marketing của Pizza 4P’s là một trong những case study thành công nhất được nhiều thương hiệu F&B “nêu gương” và học hỏi. Chỉ từ một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn (TP.HCM), Pizza 4P’s hiện đã vươn lên thành “đế chế triệu đô” và lọt top 3 chuỗi pizza lớn nhất tại Việt Nam. 

Vậy chiến lược marketing của Pizza 4P’s có gì đặc biệt mà giúp thương hiệu đi xa được đến thế? Cùng iPOS.vn phân tích chiến lược marketing của Pizza 4P’s ngay trong bài viết sau. 

1. Đôi nét về thương hiệu Pizza 4P’s

1.1. Câu chuyện ra đời của Pizza 4P’s

Tên của thương hiệu Pizza 4P’s có nghĩa là “Pizza for Peace” – Pizza vì Hòa bình

Thương hiệu Pizza 4P’s được thành lập năm 2011 tại Việt Nam bởi cặp vợ chồng người Nhật Bản là Yosuke Masuko – Sanae Tagasuki. 

Về câu chuyện ra đời Pizza 4P’s phải nhắc đến khởi nguồn ý tưởng của chuỗi nhà hàng đình đám này. Ít ai biết ý tưởng về những chiếc pizza độc đáo kể trên lại được bắt đầu từ bạn gái cũ của anh Yosuke. Ngược lại quãng thời gian khi còn là sinh viên, bạn gái nhà sáng lập đột nhiên nói rằng “Tại sao chúng ta không xây lò nướng pizza ngay tại nhà nhỉ?”. Ý tưởng được hưởng ứng bởi cả nhóm bạn. 6 tháng sau, những mẻ pizza đầu tiên ra lò. Đó chính là khởi đầu của Pizza 4P’s mà chúng ta biết ngày nay.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Yosuke sang Việt Nam lập nghiệp. Anh từng có quãng thời gian công tác tại một công ty thương mại, sau đó làm việc cho Cyberagent Ventures (CAV) – một quỹ đầu tư nổi tiếng.

Nhưng trong thời gian đó, anh luôn tự hỏi đam mê của mình là gì. Cuối cùng, nhờ những kinh nghiệm làm pizza sẵn có tại Nhật và sự tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường, năm 2011 anh nghỉ việc và cùng vợ – chị Sanae mở cửa hàng pizza đầu tiên, tại Lê Thánh Tôn (TP. HCM) với số vốn 100.000 USD.

Năm 2016, doanh thu của 6 cửa hàng Pizza 4P’s là 7,5 triệu USD. Năm 2017, Pizza 4P’s đã được định giá 20 triệu USD khi mới có 7 cửa hàng. Năm 2018, Masuko Yosuke được New Business Tokyo vinh danh là doanh nhân ở nước ngoài xuất sắc nhất năm. Và đến năm 2023, thương hiệu này đã báo lãi trung bình là 11 tỷ VNĐ/tháng trong 6 tháng đầu năm. 

Hiện nay, chuỗi Pizza 4P’s đang có 32 cửa hàng tại Việt Nam. Trụ sở của Pizza 4P’s được đặt tại TP.Hồ Chí Minh, các văn phòng đại diện nằm ở Hà Nội, Đà Nẵng và Phnom Penh (Campuchia).

1.2. Giá trị cốt lõi của thương hiệu Pizza 4P’s

Giá trị cốt lõi và sứ mệnh của Pizza 4P’s là mang lại giá trị cho cộng đồng

Ngay từ khi thành lập, ông Yosuke Masuko và vợ là Sanae Tagasuki đã xác định được giá trị cốt lõi và sứ mệnh của Pizza 4P’s mang lại cho cộng đồng. Pizza 4P’s ra đời với mong muốn mang đến cho mọi người sự bình yên cùng niềm hạnh phúc giản đơn – là hai yếu tố cơ bản nhất của cuộc sống con người hiện đại. 

Tên của thương hiệu Pizza 4P’s có nghĩa là “Pizza for Peace” – Pizza vì Hòa bình, vì niềm an – vui, với mục đích cuối cùng là khiến thế giới mỉm cười vì hạnh phúc. Bởi đội ngũ sáng lập và điều hành thương hiệu đều muốn gửi gắm thông điệp: “Tất cả chúng ta đều xứng đáng hưởng trọn những nụ cười chân thật, niềm vui sống cùng sự bình yên trong tâm trí.”

– Tầm nhìn của Pizza 4P’s: “Make the World Smile for Peace” – Mang nụ cười bình yên đến với thế giới.”

– Sứ mệnh của Pizza 4P’s: “Delivering Wow, Sharing Happiness” – Mang đến “Wow”, Chia sẻ Hạnh phúc. Trong đó, “WOW” là điểm hài lòng cao nhất nhận được từ tất cả các khách hàng tại tất cả các cửa hàng.

– Giá trị cốt lõi của Pizza 4P’s: 7 giá trị cốt lõi của của Pizza 4P’s được thiết lập theo 3 nhóm: những giá trị xuất phát từ mỗi cá nhân, những giá trị tại môi trường làm việc và những giá trị chung của công ty. Cụ thể 7 giá trị cốt lõi đó là:

  • Passion For Peace – Lý tưởng vì bình yên
  • Omotenashi – Tinh thần hiếu khách Nhật Bản
  • Integrity – Sự chính trực
  • Being Cause in the Matter – Bản thân mỗi thành viên là khởi điểm của mọi việc
  • Positive Family Spirit – Tinh thần “gia đình” tích cực
  • Kaizen – Sự cải tiến
  • Forget the Box – Vượt ra khỏi khuôn khổ để đổi mới

2. Phân tích SWOT của Pizza 4P’s

2.1. Điểm mạnh của Pizza 4P’s (Strengths)

Thế mạnh cốt lõi của thương hiệu Pizza 4P’s là thế mạnh về sản phẩm

Rất dễ để thấy những điểm mạnh chiến lược làm nên thành công của Pizza 4P’s. 

Thứ nhất là điểm mạnh về sản phẩm. Thay vì đi theo hướng pizza công nghiệp thường thấy, Pizza 4P’s chọn sản phẩm là pizza thủ công. Những chiếc bánh được nướng lò với phần đế mỏng mềm xốp và topping tươi ngon khiến người ta phải nhớ đến bằng một tình cảm trìu mến.

Thêm nữa, phô mai sử dụng trong sản phẩm tại 4P’s cũng được làm theo cách truyền thống của người Pháp nên mùi vị tự nhiên và thơm ngon hơn các loại bán sẵn. Ngoài ra, sản phẩm của Pizza 4P’s cũng khá đa dạng với các món khai vị, salad, mì ý, bánh ngọt và nước uống,… giúp thực khách có nhiều sự chọn lựa cho bữa ăn thêm trọn vẹn. 

Thứ hai là điểm mạnh về không gian quán. Biến quán bán pizza trở thành nhà hàng fine dining tưởng chừng như là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng Pizza 4P’s đã làm được điều đó. Tại 4P’s, thực khách không chỉ có thể ngắm nhìn đầu bếp thể hiện các kỹ năng nấu nướng vượt bậc mà còn được tận hưởng không gian nhà hàng sống động đẹp xuất sắc trong từng khung hình.

Pizza 4P’s thực sự là một không gian văn hóa ẩm thực mà chỉ có trải nghiệm trực tiếp tại nhà hàng, thực khách mới có thể cảm nhận hết nét tinh tế được các nhà sáng lập gửi gắm trong từng chi tiết nhỏ.

Thứ ba là điểm mạnh về dịch vụ đẳng cấp. Với 4P’s, một chiếc bánh ngon hay không gian đẹp thôi là chưa đủ. Yếu tố thu hút khách hàng quay trở lại quán còn nằm ở chất lượng dịch vụ luôn được duy trì ổn định. Mọi điểm chạm từ khâu đặt bàn, đón tiếp, phục vụ bữa ăn đến khi kết thúc trải nghiệm ăn uống đều được thương hiệu chăm sóc tỉ mỉ. Thái độ chuyên nghiệp và nhiệt tình của nhân viên cũng là điểm cộng giúp khách hàng cảm thấy thoải mái mỗi khi dùng bữa tại đây. 

Thứ tư là điểm mạnh về “Brand Love” (tình yêu đối với thương hiệu): Không chỉ hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh thông thường, 4P’s còn thực sự chú trọng đến trách nhiệm xã hội. Điển hình là những chiến dịch hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm điện, vì trái đất,… Những chiến dịch này đã giúp Pizza 4P’s xây dựng thành công lòng trung thành của khách hàng và tăng cường uy tín cho thương hiệu.

2.2. Điểm yếu của Pizza 4P’s (Weaknesses)

Bên cạnh nhiều điểm mạnh, Pizza 4P’s cũng không tránh khỏi vấp phải một số hạn chế trong chiến lược kinh doanh của mình. 

Thứ nhất là giá cao: Giá một bữa ăn tại Pizza 4P’s giao động khoảng 200.000đ – 500.000đ/người.. Đây là mức giá khá “đắt đỏ” so với mặt bằng chung của các thương hiệu pizza. Chính vì vậy, Pizza 4P’s không dành cho mọi đối tượng khách hàng.

Thứ hai là về mạng lưới cửa hàng chưa phủ rộng: Thành lập năm 2011, đến nay, thương hiệu chỉ có mặt tại các thành phố lớn với 32 cửa hàng. Đây là con số khá khiêm tốn so với một chuỗi F&B được định giá tỷ đô. 

Thứ ba là về chất lượng chưa ổn định: Vì là bánh pizza làm thủ công và sử dụng nguyên liệu tươi nên đôi khi những chiếc bánh sẽ có hương vị đôi chút khác biệt nhau. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, do nguồn cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn, thương hiệu từng bị phàn nàn vì chất lượng sản phẩm không ổn định. Tuy nhiên, trình trạng này không kéo dài lâu mà đã được thương hiệu khác phục ngay sau đó. 

2.3. Cơ hội của Pizza 4P’s (Opportunities)

Pizza 4P’s là chỉ sử dụng nguyên liệu tươi trong ngày nên rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng

Xu hướng quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đặc trưng của Pizza 4P’s là chỉ sử dụng nguyên liệu tươi trong ngày. Chính vì vậy, xu hướng này tạo ra một cơ hội phát triển lớn cho thương hiệu.

Nhu cầu chi tiêu cho ăn uống tăng lên: Sự tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây góp phần thúc đẩy nhu cầu chi tiêu cho ăn uống ngàng càng tăng. Chính vì vậy, đây cũng là tiềm năng chung của ngành F&B.

2.4. Thách thức của Pizza 4P’s (Threats)

Sức cạnh tranh lớn: Thị trường nhà hàng pizza ngày càng “chật chội” hơn với sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh khác nhau, đòi hỏi 4P’s phải liên tục đổi mới thu hút khách hàng. Thêm vào đó, Pizza 4P’s là một thương hiệu ra đời muộn hơn so với Pizza Hut, The Pizza Company hay Pepperonis. Chính vì vậy áp lực cạnh tranh đến từ những đối thủ lâu đời này là không hề nhỏ.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh: Xu hướng healthy food ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi pizza từ trước đến nay được xếp vào danh mục đồ ăn nhanh và không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, đây cũng là một thách thức lớn mà Pizza 4P’s nói riêng và toàn ngành fast food nói chung phải đối mặt.

Thị trường liên tục thay đổi: Thị trường ẩm thực luôn thay đổi và khách hàng có thể chuyển hướng tới các xu hướng mới, đòi hỏi Pizza 4P’s phải nắm bắt và thích nghi với thay đổi để duy trì sự cạnh tranh.

Với SWOT như trên, cho đến thời điểm hiện tại, Pizza 4P’s vẫn đang khai thác yếu tố điểm mạnh và cơ hội của mình khá tốt. Góp phần không nhỏ làm nên thành công đó, chính là nhờ chiến lược marketing khôn ngoan của thương hiệu. 

3. Chiến lược marketing của Pizza 4P’s – Thành công nhờ đi ngược lại tất cả quy tắc thông thường

Đi ngược lại tất cả quy tắc thông thường, Pizza 4P’s đã tạo nên sự khác biệt trong chiến lược marketing của mình bằng cách không chạy theo khuyến mãi hay quảng cáo rầm rộ. Thay vào đó, các hoạt động marketing của Pizza 4P’s tập trung vào việc xây dựng lòng tin và sự yêu mến từ phía khách hàng. Vậy cụ thể, chiến lược marketing của Pizza 4P’s đã được triển khai ra sao? Có thể rút ra được bài học gì từ chiến lược này? Cùng tìm hiểu ngay sau đây!

Chiến lược marketing 7P của Pizza 4P’s thành công nhờ đi ngược lại tất cả quy tắc thông thường

3.1. Chiến lược sản phẩm của Pizza 4P’s – Product

Chữ “P” đầu tiên trong chiến lược marketing 7P của 4P’s là Product – Sản phẩm. Pizza 4P’s cam kết luôn sử dụng nguyên liệu tươi trong ngày và đây cũng là đặc điểm tạo nên sự khác biệt của thương hiệu trong nhiều năm qua. Đồng thời, 4P’s phục vụ pizza nửa – nửa, cho phép khách hàng thử được nhiều vị pizza hơn. Đây cũng là điểm cộng khiến khách hàng thích thú. 

Chữ “P” đầu tiên trong chiến lược marketing 7P của 4P’s là Product – Sản phẩm

Thêm một sự thật lạ lùng nữa trong chiến lược marketing của thương hiệu này là thay vì liên tục nói về pizza, 4P’s lại đẩy mạnh truyền thông cho món Mỳ Ý. Cụ thể, Pizza 4P’s tập trung sâu vào marketing cho một sản phẩm nhánh riêng biệt chưa có trên thị trường: Mì Ý Cua Sốt Kem. Điều này tạo ra sự khác biệt hiếm có ở các chuỗi pizza khác cùng có mặt trên thị trường. Nhờ vậy, Pizza 4P’s nổi bật so với các đối thủ và Mỳ Cua trở thành một trong những món không thể thiếu khi khách hàng đến thử Pizza 4P’s trong lần đầu tiên. 

Mỳ Cua trở thành một trong những món không thể thiếu khi khách hàng đến Pizza 4P’s

Sự khôn ngoan trong chiến lược marketing cho sản phẩm của Pizza 4P’s còn thể hiện ở sự ứng biến linh hoạt trong thời kỳ các nhà hàng/quán ăn buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19. Lúc này, Pizza 4P’s đã tung ra dòng sản phẩm pizza đông lạnh, giữ gần như trọn vẹn hương vị khi thưởng thức tại cửa hàng. Điều này giúp thỏa mãn nhu cầu của thực khách và thích ứng với biến động thị trường.

3.2. Chiến lược giá của Pizza 4P’s – Price

Do định vị thương hiệu nằm ở phân khúc cao cấp nên chiến lược giá mà 4P’s sử dụng là Premium Pricing – định giá dựa trên trải nghiệm mang lại cho khách hàng. Tức là, thương hiệu không cạnh tranh bằng giá rẻ, mà thay vào đó giá thành cao sẽ tương ứng với trải nghiệm cao cấp của khách hàng.

Trung bình một bữa ăn tại Pizza 4P’s sẽ rơi vào khoảng 200.000đ – 500.000đ/người và hiếm khi có chương trình giảm giá. Mức giá này so với mặt bằng những quán pizza khác là cao hơn nhưng nếu so với những trải nghiệm đẳng cấp mà khách khách được hưởng thì lại khá hợp lý. 

Với chiến lược giá này,  Pizza 4P’s nhắm vào nhóm khách hàng có thu nhập trung bình trở lên. Với những khách hàng có thu nhập cao, 4P’s sẽ trở thành điểm đến thường xuyên của họ. Còn với những khách hàng có mức thu nhập trung bình, 4P’s trở thành điểm đến để trải nghiệm, thư giãn và thưởng thức ẩm thực mỗi dịp đặc biệt. 

3.3. Chiến lược phân phối của Pizza 4P’s – Place

Các nhà hàng 4P’s đều tập trung tại những thành phố lớn, nơi có mặt tiền đẹp

Nếu so với hệ thống của Pizza Hut hay Domino Pizza thì 4P’s tỏ ra khá khiêm tốn về số lượng cửa hàng. Tuy nhiên, trong việc lựa chọn vị trí mặt bằng thì 4P’s không hề thua kém bất kỳ thương hiệu nào. Tuy ban đầu, xuất phát điểm của cửa hàng Pizza 4P’s đầu tiên chỉ nằm ở trong hẻm, nhưng ngay khi bắt đầu nhận được đầu tư các cửa hàng của Pizza 4P’s đều tập trung tại những mặt bằng đẹp, thuận tiện giao thông và rộng rãi. Điều này tương ứng với phân khúc khách hàng của 4P’s.

Hiện nay, các nhà hàng 4P’s đều tập trung tại những con đường đắt khách, mặt tiền đẹp – điều này khiến 4P’s có thể thu hút được nhiều khách hàng vãng lai. Địa điểm cũng là điểm quan trọng để Pizza 4P’s ghi dấu trong tâm trí khách hàng về một thương hiệu cao cấp, sang trọng trên những trục đường đẹp bậc nhất của thành phố.

Bên cạnh kênh phân phối trực tiếp tại cửa hàng, Pizza 4P’s còn phát triển các kênh phân phối online như giao hàng tại nhà hoặc phân phối các sản phẩm đông lạnh tại các siêu thị để sản phẩm đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn. Trong thời gian đại dịch diễn ra mất kiểm soát, kênh bán hàng online là một kênh quan trọng hàng đầu được tập trung trong chiến lược marketing của Pizza 4P’s.

3.4. Chiến lược xúc tiến của Pizza 4P’s – Promotion

Đi ngược lại với tất cả những phương thức truyền thông truyền thống, Pizza 4P’s không khuyến mãi nhiều, không quảng cáo rầm rộ. Thay vào đó, thương hiệu lặp đi lặp lại thông điệp nhất quán trên tất cả các kênh để lan tỏa giá trị. Từ đó, Pizza 4P’s đã xây dựng thành công lòng trung thành và sự yêu quý của khách hàng. Đến nỗi, chỉ cần nhắc đến 4P’s là thực khách sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu “sống xanh” cùng những món ăn với nguyên liệu tươi – sạch, pizza đế mỏng và mỳ cua thơm ngon, đẹp mắt. 

Các hoạt động PR nổi bật của 4P’s phải kể đến những chiến dịch vì môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững, đấu tranh vì hòa bình, hoạt động thiện nguyện,… Đồng thời, thương hiệu cũng tận dụng tối đa các kênh truyền thông online như Page Facebook, Instagram, Website, kết hợp cùng các bên như Vietcetera hay Brandsvietnam, truyền thông qua KOLs để lan tỏa chiến dịch. 

3.5. Yếu tố con người trong chiến lược marketing của Pizza 4P’s – People

Ở Pizza 4P’s, nhân viên được gọi là Partners – đối tác

Ở Pizza 4P’s, nhân viên được gọi là Partners – đối tác. Điều này đủ cho thấy các nhà lãnh đạo của 4P’s coi trọng yếu tố con người trong chiến lược phát triển của mình như thế nào. 

Tại 4P’s, việc đào tạo con người và truyền thông văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhờ chính sách nhân sự tốt, nên dễ hiểu khi bất cứ nhân viên nào của Pizza 4P’s cũng vô cùng niềm nở, lịch sự, nhiệt tình và chuyên nghiệp. Mức lương khởi điểm của nhân viên 4P’s được trả theo giờ và cao hơn lương cơ bản tại quốc gia. Năm 2021, mức tăng lương hàng tháng trung bình là 8,5%. Đi cùng với tiền lương là nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn khác. 

3.6. Quy trình của Pizza 4P’s – Process

Pizza 4P’s ứng dụng công nghệ trong việc quản lý vận hành hàng hàng

Quy trình của Pizza 4P’s khá chuyên nghiệp và rõ ràng. Điều này thực hiện được là nhờ vào sự đào tạo nhân viên bài bản và yếu tố công nghệ. Đặc biệt, nhờ vào việc ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, nhiều quy trình rườm rà phức tạp đã được loại bỏ. Nhờ vậy, khách hàng được trải nghiệm ẩm thực trơn tru hơn trong khâu gọi món, thanh toán hay giao hàng,…

3.7. Cơ sở vật chất của Pizza 4P’s – Physical Evidence

Mỗi nhà hàng Pizza 4P’s lại được thiết kế theo những phong cách ấn tượng riêng

Để xứng tầm là một nhà hàng cao cấp, Pizza 4P’s cũng đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất. Tổng thể các nhà hàng Pizza 4P’s thưởng có diện tích rộng, ưu tiên lựa chọn vật liệu xây dựng/decor “xanh” để giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, mỗi nhà hàng lại được thiết kế theo những phong cách ấn tượng riêng. 

Ví dụ, nhà hàng Pizza 4P’s chi nhánh Lê Đại Hành, quận 11, TP.Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa 3 nền văn hóa tưởng như không có điểm chung là Ý, Nhật và Việt Nam. Nhà hàng Pizza 4P’s Phan Kế Bính lại gây ấn tượng như một khu vườn vời họa tiết hoa sắt, cây cảnh, hồ nước. Nhà hàng Pizza 4P’s Phnom pênh pha trộn giữa kiến trúc hiện đại và nét văn hóa cổ Khmer,…

Pizza 4P’s ưu tiên lựa chọn vật liệu xây dựng và vật liệu decor “xanh”

Tuy mỗi cửa hàng lại mang nét đẹp khác nhau nhưng điểm chung là đều có quầy bếp mở cho phép khách hàng quan sát quá trình chế biến cũng tạo nên sự khác biệt trong không gian của 4P’s. Dụng cụ ăn uống cũng được đầu tư một cách kỹ lưỡng, đảm bảo sự tinh tế và sang trọng.

Xem thêm: Chiến lược marketing của Haidilao – từ quán vỉa hè đến “vua lẩu” xứ Trung

4. Học hỏi được gì từ chiến lược marketing của Pizza 4P’s? 

Từ sự thành công trong chiến lược marketing của Pizza 4P’s, chủ kinh doanh trong lĩnh vực F&B có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho thương hiệu của riêng mình. 

Bài học rút ra từ chiến lược marketing của Pizza 4P’s

Một số bài học rút ra từ chiến lược marketing của Pizza 4P’s:

  • Chiến lược sản phẩm khác biệt: Thay vì phát triển duy nhất một dòng sản phẩm, hãy đa dạng hóa sản phẩm của mình. Ở Pizza 4P’s, khách hàng tìm thấy 3 – 4 món signature. Tương tự vậy, hãy tạo ra một vài dòng sản phẩm đặc trưng tạo nên sự khác biệt của thương hiệu.
  • Hoàn thiện quy trình và chất lượng dịch vụ: Để phát triển rộng rãi, trước tiên cần sự hoàn thiện về quy trình và chất lượng dịch vụ. Quy trình vận hành bài bản, chất lượng dịch vụ ổn định sẽ tạo nên những giá trị cốt lõi cho thương hiệu của bạn.
  • Khôn ngoan trong hoạt động xúc tiến thương hiệu: Những hoạt động marketing mang tính vì cộng đồng sẽ luôn có sức mạnh lan tỏa to lớn. Vì vậy, không phải lúc nào quảng cáo cho sản phẩm rầm rộ cũng tốt. Điều quan trọng là phải xây dựng được niềm tin nơi khách hàng bằng giá trị cốt lõi.

5. Tạm kết

Các chiến lược marketing của Pizza 4P’s được kết hợp vô cùng khéo léo và tài tình để đưa đến cho khách hàng về câu chuyện truyền cảm hứng của doanh nghiệp. Từ đó, khiến khách hàng gắn bó và yêu quý thương hiệu hơn. Trên đây là những chia sẻ về chiến lược marketing của Pizza 4P’s mà iPOS.vn muốn gửi đến độc giả. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích và một số bài học giá trị dành cho thương hiệu F&B của bạn. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất