Buy Now

Tìm kiếm

Chỉ với 100 triệu có thể mở quán cà phê thành công được hay không?

  • Chia sẻ cái này:
Chỉ với 100 triệu có thể mở quán cà phê thành công được hay không?

Tin tức mới

Chỉ với 100 triệu có thể mở quán cà phê thành công được hay không?

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Rất nhiều chủ kinh doanh F&B khi muốn mở quán đã nghĩ ngay tới việc lựa chọn mô hình quán cà phê, bởi người Việt Nam có thói quen uống cà phê rất thường xuyên, đặc biệt là ở độ tuổi đi làm. Tuy nhiên muốn mở một quán cà phê có đủ sức hút thì đòi hỏi chủ kinh doanh phải chi một số tiền khá lớn, điều này làm nhiều người băn khoăn và tự hỏi: liệu tiền ít mở quán cà phê được không?

100 triệu đồng là một số tiền không nhỏ, nhưng mở quán cà phê với 100 triệu mà phải kinh doanh hiệu quả để có lãi thì lại không dễ. Phân bổ 100 triệu này thế nào cho phù hợp, hãy cùng iPOS.vn tham khảo trong bài viết dưới đây nhé!

1. Chi phí thuê mặt bằng

Ở các thành phố lớn và phát triển ngành dịch vụ như Hà Nội, Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh, mức độ cạnh tranh trên thị trường cà phê là rất lớn vì số lượng các quán mọc lên ngày một tăng, như nấm sau mưa. Để thu hút khách hàng đến với quán, một trong những yếu tố quan trọng cần chú ý là quán cà phê phải nằm ở một vị trí dễ tìm, dễ đi lại và phải đảm bảo chỗ gửi xe cho khách.

Những thương hiệu lớn hoặc chuỗi cà phê nổi tiếng thường lựa chọn đặt cơ sở ở những nơi như ngã ba, ngã tư, trên các con phố tấp nập và thuận tiện về giao thông. Tuy nhiên, những mặt bằng đẹp như vậy sẽ có tiền thuê không hề rẻ, thậm chí có thể lên tới cả trăm triệu/tháng nếu nằm tại các vị trí “vàng” trong thành phố. 

Thuê mặt bằng trong ngõ nhỏ là lựa chọn phù hợp với những chủ quán ít vốn

Vì thế, nếu chỉ có 100 triệu tiền vốn trong tay, chủ kinh doanh nên suy tính tới việc tìm thuê mặt bằng ở trong những ngõ nhỏ hơn thay vì ở ngay ngoài mặt đường lớn để chi phí thuê mặt bằng không quá cao. Dù vậy, chủ kinh doanh cũng cần xem xét kỹ để đảm bảo nơi mình sắp thuê sẽ là một ngõ nhỏ nhưng dễ tìm, thuận tiện di chuyển, có người qua lại thường xuyên, đặc biệt ngõ phải không bị ngập nếu trời mưa lớn. 

Khi đã ưng ý mặt bằng và muốn thuê, chủ quán nên khéo léo đàm phán với chủ nhà để có được mức giá thuê tốt nhất và thời gian thanh toán có lợi cho mình. Ngoài ra, hợp đồng thuê mặt bằng thường sẽ được ký kết trong vòng 6 tháng, hãy đảm bảo phần chi phí này chỉ chiếm khoảng 30% – tức là khoảng 30 triệu trong tổng số vốn để còn có thể chi tiêu cho những hạng mục khác nữa.

Xem thêm: Phân bổ tỷ lệ chi phí mở quán hợp lý cho các chủ nhà hàng

2. Chi phí trang thiết bị và dụng cụ pha chế

Những trang thiết bị cần cho một quán cà phê hoạt động sẽ bao gồm: tủ lạnh, máy xay, máy ép, máy pha cà phê, bàn ghế, điều hòa, quạt, máy tính tiền,… Chưa kể tới tùy theo mô hình hoạt động của quán (bán tại chỗ, chỉ bán mang về hoặc kết hợp cả hai) mà quán cũng cần đầu tư cốc, ly, tách, ống hút, thìa, khăn giấy,… cho phù hợp. 

Tuy nhiên, nếu tất cả những máy móc, trang thiết bị và dụng cụ pha chế này đều mua mới thì sẽ là một khoản chi phí khổng lồ, vượt quá cả mức vốn 100 triệu ban đầu. Vì vậy, chủ quán cần cân nhắc lựa chọn những vật dụng thật sự cần thiết để mua trước, sau đó khi quán hoạt động có lãi thì mới mua thêm. Hoặc có thể chọn mua các loại máy móc đa năng, kết hợp nhiều công dụng như: máy xay có chức năng ép, tủ mát có ngăn làm đá,… 

Riêng các loại ly, cốc thì có thể kết hợp giữa ly nhựa để mang đi và ly thủy tinh để uống tại chỗ, vừa có thể sử dụng nhiều lần lại vừa tiết kiệm chi phí nhập ly nhựa.

Chủ quán có thể mua các dụng cụ thanh lý chất lượng tốt để tiết kiệm chi phí

Có một tip hay cho các chủ quán để tiết kiệm tiền chi cho trang thiết bị, đó là hãy chịu khó “săn” sale dụng cụ trên các sàn thương mại điện tử, các siêu thị điện máy lớn vào các dịp giảm giá. Ngoài ra, với số vốn ban đầu khá eo hẹp như vậy thì các chủ quán cũng không nhất thiết phải mua đồ mới hoàn toàn, có thể mua lại dụng cụ thanh lý mà chất lượng vẫn tốt từ những nguồn uy tín. 

Tóm lại, chủ quán nên dành khoảng 25% tổng số vốn để đầu tư cho các trang thiết bị, máy móc này – tức là chi phí tối đa nhất chỉ dừng ở mức 25 triệu là phù hợp.

3. Chi phí thi công, sửa chữa, thiết kế

Sau khi được bàn giao mặt bằng, chủ quán sẽ cần thực hiện các công việc sửa chữa lại không gian quán như: sơn tường, lát nền, lắp thêm bóng đèn, kiểm tra và bảo trì lại hệ thống điện – nước,… Sau khi sửa chữa cơ bản như vậy, quán mới có thể tiếp tục làm các khâu tiếp theo như mua giấy dán tường, trang trí, sắp xếp bàn ghế,… 

Nhưng để toàn bộ quá trình thi công, sửa chữa hoặc thiết kế được diễn ra suôn sẻ, trước hết chủ quán cần xác định rõ phong cách mà quán cà phê của mình hướng tới là gì. Nếu có thể, hãy cố gắng vẽ các bản phác thảo cho quán để dựa vào đó lựa chọn mua đồ trang trí, giấy dán tường, sơn sửa cho phù hợp. 

Khi nhận bàn giao mặt bằng, chủ quán cần sửa sang lại để phù hợp với concept mình muốn

Một số chủ quán thường tìm đến những đơn vị chuyên thi công các quán cà phê để được tư vấn, lên ý tưởng và thực hiện trọn gói các khâu. Tuy nhiên, với số vốn chỉ 100 triệu, chủ quán nên tự mình tìm ý tưởng để giảm chi phí, có thể tham khảo một số trang mạng chuyên về thiết kế như Pinterest hoặc tìm các mô hình nổi tiếng ở nước ngoài để học hỏi. Trong quá trình sửa chữa, thi công quán thì chủ quán cũng nên cùng làm với thợ để bớt được chi phí nhân công. 

Với hạng mục thi công, sửa chữa và thiết kế lại quán, chủ kinh doanh cần đặt định mức giới hạn chỉ từ 15 – 20 triệu trong tổng số 100 triệu tiền vốn.

4. Chi phí cho nguyên vật liệu pha chế

Chất lượng đồ uống ngon sẽ là yếu tố cốt lõi để quán giữ chân khách hàng, mà muốn đồ uống chất lượng thì phải cần một nguồn nguyên liệu tốt. Trên thực tế, mô hình quán cà phê 100 triệu thường không thể cạnh tranh lại những chuỗi cà phê nổi tiếng hoặc cửa hàng có sự đầu tư lớn hơn, bởi họ vượt trội hơn hẳn về diện tích không gian, hình thức, quy mô.

Chính vì thế, những quán cà phê nhỏ chỉ có thể đầu tư tập trung vào việc nâng cao chất lượng đồ uống để thu hút khách hàng, khiến họ lựa chọn quán vì đồ uống ngon mà giá lại rẻ trong khi với định lượng tương đương thì các quán lớn sẽ có giá đắt hơn nhiều. Quán cần sử dụng nguyên liệu có chất lượng đạt chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và trong quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mua hàng của các nhà cung cấp ở địa phương sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển

Để tiết kiệm chi phí khi nhập nguyên vật liệu đầu vào, đầu tiên chủ quán nên tìm kiếm những đơn vị cung cấp ở địa phương trước vì với khoảng cách gần như vậy thì vừa giảm được phí vận chuyển, vừa giữ nguyên liệu không bị hư hỏng do đi đường dài. Nếu ở địa phương không có nhà cung cấp ưng ý, lúc đó chủ quán mới nên đi tìm những nhà cung cấp ở xa hơn, nhưng cũng cần kiểm tra kỹ chất lượng nguyên liệu của họ. 

Chủ quán có thể nhập các lô nguyên liệu với số lượng lớn để được hưởng mức chiết khấu, hoặc một cách khác là tham gia các hội nhóm cần mua nguyên liệu với những quán khác ở gần để gom đơn lấy giá sỉ, cũng như giảm phí vận chuyển. Do chưa dự tính được lượng khách của quán sẽ rơi vào tầm nào, chủ quán nên chi cho nguyên vật liệu một khoản chi phí khoảng 15 triệu.

5. Chi phí cho nhân viên

Ở những cửa hàng nhỏ, ban đầu chủ quán thường kiêm luôn các nhiệm vụ như thu ngân, pha chế, phục vụ để tiết kiệm chi phí nhân sự. Tuy nhiên, chủ quán sẽ nhanh chóng cảm thấy “ngợp” vì những công việc này rất tốn sức; cộng thêm với việc phải quản lý cửa hàng, cân đối thu – chi, giám sát tình hình doanh thu,… sẽ càng làm chủ quán bị stress nhiều hơn.

Chủ quán có thể thuê nhân viên part-time hỗ trợ trong những khung giờ đông khách

Lời khuyên cho các chủ quán ở giai đoạn đầu này là: không nên “cố đấm ăn xôi” ôm tất cả việc vào người mà có thể tìm thêm 1-2 nhân viên hỗ trợ để quán hoạt động suôn sẻ hơn. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, chủ quán có thể tuyển nhân viên dưới hình thức part-time, làm ca gãy,… để nhân viên đến quán làm việc vào khung giờ đông khách (thường là cuối buổi chiều và tối), còn những khung giờ ít khách thì một mình chủ quán có thể đảm đương được. 

Chủ quán cần đảm bảo vấn đề lương thưởng rõ ràng, thời gian thanh toán lương đúng hạn mỗi tháng cũng như chế độ đãi ngộ để nhân viên yên tâm làm việc. Với chi phí nhân sự này, chủ quán có thể bỏ ra khoảng 10 triệu đồng cho ít nhất là 2 tháng lương của đội ngũ nhân viên.

6. Các loại chi phí khác 

Ngoài những chi phí kể trên, một quán cà phê mới mở sẽ cần thêm cả những phần chi phí khác cho các hoạt động marketing, quảng cáo, chi phí điện nước hoặc dự phòng những khoản bất ngờ,… Vậy nên nếu có trong tay số vốn 100 triệu, các chủ quán không nên tiêu hết sạch mà cần để ra tầm 10 triệu làm khoản chi tiêu cho những hạng mục như in tờ rơi quảng cáo, in poster khai trương, trang trí trong ngày khai trương, chạy quảng cáo trên Facebook hoặc thuê KOLs đến quán review để tăng độ nhận diện.

Xem thêm: Cách kiểm soát tăng trưởng doanh thu đột ngột của nhà hàng

7. Kết luận

Mở quán cà phê với 100 triệu không phải là điều không tưởng mà hoàn toàn có thể làm được, tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị thì chủ quán sẽ phải cân nhắc tối giản những phần không cần thiết để tiết kiệm chi phí nhất. Trước khi bắt đầu kinh doanh, chủ quán nên lập một kế hoạch chi tiết và cụ thể nhất, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người đã có kinh nghiệm trong ngành.

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất