Hiện nay, bán hàng Online thông qua các ứng dụng đặt đồ ăn như ShopeeFood, GrabFood, Baemin,… được cho là hình thức kinh doanh “một vốn bốn lời” đối với chủ quán F&B. Không cần mất phí thuê mặt bằng, nhân sự,… và đặc biệt phù hợp với thói quen ăn uống của người Việt hậu Covid, bán đồ ăn online hứa hẹn sẽ là kênh bán hàng chủ lực đối với các quán ăn, cà phê, trà sữa mô hình vừa và nhỏ.
Thế nhưng nếu không biết cách tối ưu gian hàng trên các app đặt đồ ăn kể trên, quán của bạn sẽ phải đối mặt với vô số sự cạnh tranh gay gắt vì “người người bán trên app, nhà nhà bán trên app”. Vậy phải làm thế nào để tạo dựng các lợi thế cạnh tranh cho gian hàng F&B trên các ứng dụng giao đồ ăn? Cùng iPOS.vn khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung [hiển thị]
- 1. Trở thành đối tác chính thức của các ứng dụng đặt đồ ăn
- 2. Tối ưu tên gian hàng trên ứng dụng đặt đồ ăn
- 3. Tối ưu thực đơn bán online
- 4. Tối ưu hình ảnh món đẹp mắt, ngon miệng
- 5. Tối ưu tên món và mô tả sản phẩm hấp dẫn
- 6. Tối ưu đánh giá cho gian hàng
- 7. Tối ưu hình thức thanh toán
- 8. Tối ưu chương trình khuyến mại
1. Trở thành đối tác chính thức của các ứng dụng đặt đồ ăn
Trở thành đối tác chính thức của ứng dụng đặt đồ ăn là điều kiện đầu tiên để quán bạn được hưởng những chính sách cũng như “ưu ái” đến từ các ông lớn này. Mỗi app sẽ có những quy định riêng về mức chiết khấu, chi phí cũng như ưu đãi riêng biệt mà chủ quán cần tìm hiểu kỹ trước khi kết nối.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: giấy đăng ký kinh doanh, CMND, ảnh mặt tiền của quán, giá bán, thực đơn và thông tin món ăn. Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, quán hãy nhanh chóng bổ sung thông tin để trở thành đối tác chính thức (quán ngon chuẩn, quán yêu thích,…) trên các ứng dụng này. Các quán đối tác chính thức sẽ có dấu tích xanh kèm tên (đối với Grab) và hình khiên vàng (đối với ShopeeFood) nhằm tăng độ uy tín cho thương hiệu.
2. Tối ưu tên gian hàng trên ứng dụng đặt đồ ăn
Đặt tên cho quán là một việc rất quan trọng. Việc này sẽ giúp khách hàng tìm thấy quán của bạn nhanh chóng hơn. Tên gian hàng trên ứng dụng được đặt theo thứ tự sau:
Tên món chính – Tên thương hiệu – Địa chỉ
Trong đó:
- Tên món chính: giúp tên quán của bạn hiện lên khi khách hàng tìm kiếm món ăn họ đang có nhu cầu. Ví dụ: Trà sữa, bún bò, cơm thố, cà phê,…
- Tên thương hiệu: là tên của quán. Nếu quán của bạn có cửa hàng bán trực tiếp, hãy dùng luôn tên đó. Trong trường hợp quán bạn chỉ bán online, bạn hãy đặt một cái tên thật độc đáo và gây ấn tượng ngay lập tức. Bạn có thể xem bài viết Cách đặt tên quán hay và độc đáo nhất.
- Địa chỉ: thường là tên khu vực, con phố nơi quán đặt tại đó để khách hàng dễ dàng tìm “quán gần đây nhất” trên các ứng dụng, giúp giao hàng nhanh hơn và tiền ship rẻ hơn. Ví dụ như Ngọc Khánh, Trần Duy Hưng, Trần Huy Liệu,…
Một số tên gian hàng trên ứng dụng giao đồ ăn mà bạn có thể tham khảo:
- Cơm thố Anh Nguyễn – 37 Dương Khuê
- Trà sữa Tocotoco – 175 Tô Hiệu
- ROSIER – Fresh Tea & Coffee – Hàm Nghi
- Tmore – Tiệm Trà Chanh – Nguyễn Khánh Toàn
3. Tối ưu thực đơn bán online
Đưa tất cả các món có trong menu cửa hàng lên các ứng dụng đặt đồ ăn không phải là phương án hay. Điều này vô tình khiến thực đơn bán online của cửa hàng trở thành một mớ hỗn độn, khách hàng phân vân không biết nên lựa chọn món nào và ra quyết định mua hàng chậm hơn. Chủ quán nên tối ưu thực đơn, chỉ đưa những món best-seller, món phổ biến và món ăn “mồi” khách hàng lên gian hàng online của mình.
Số lượng món trên thực đơn app chỉ nên từ 15-20 món, hoặc ít hơn tùy vào menu quán. Một số gợi ý menu bán online mà bạn có thể tham khảo là:
- Món khuyến mại (chiếm 15%): chỉ nên chọn những món có giá cost nguyên liệu rẻ và tham gia các chương trình khuyến mãi deal 1 đồng trên ứng dụng để hút khách hàng tới gian hàng của bạn.
- Món Best Seller (chiếm 20%): đây là những món đặc trưng (signature) của quán, được khách hàng ưa thích và làm nên thương hiệu quán.
- Món lợi nhuận cao (chiếm 20%): là món biên lợi nhuận cao, mang lại doanh thu chính cho quán.
- Món đại trà (chiếm 45%): là những món ai cũng có thể ăn/uống được, dễ dàng lựa chọn kèm theo món ăn chính, ví dụ như trà chanh, nước giải khát,…
4. Tối ưu hình ảnh món đẹp mắt, ngon miệng
Hình ảnh sản phẩm gần như là yếu tố then chốt khiến khách hàng đưa ra quyết định đặt hàng. Quán nên sử dụng hình ảnh thật, tự chụp để tăng tính chân thực cho món ăn. Đặc biệt là không nên sao chép hình ảnh trên mạng hoặc hình ảnh món quán đối thủ đưa vào menu của mình, tránh những rắc rối liên quan đến quyền sở hữu sau này.
Yêu cầu của hình ảnh món ăn/đồ uống là phải sống động, sắc nét và bố cục cân đối. Hình ảnh nên để khổ vuông, kích thước 1000×1000 px và tối đa 200KB.
5. Tối ưu tên món và mô tả sản phẩm hấp dẫn
Cách tốt nhất để tối ưu tên món và mô tả sản phẩm chính là tuân thủ theo nguyên tắc: ngắn gọn – rõ ràng – dễ hiểu và cần mang đặc điểm nổi bật của món ăn. Khi đưa đồ ăn, thức uống lên menu online trên ứng dụng gọi đồ ăn, bạn không nên chọn những cái tên quá hoa mỹ hay tên nước ngoài khó hiểu. Bên cạnh đó, phần mô tả sản phẩm cũng chỉ nên được ghi ngắn gọn các thành phần của món ăn, đồ uống đó để khách hàng chỉ cần đọc lướt cũng có thể dễ chọn lựa món hợp sở thích.
Ví dụ đối với món Ô long nhài sữa của Phê La được mô tả ngắn gọn như sau: Hoa nhài, sữa, trà ô long. Khách hàng chỉ cần lướt qua cũng có thể biết được thành phần có trong món đồ uống này là gì.
Xem thêm: Làm thế nào để nhà hàng tăng lợi nhuận từ việc bán hàng online?
6. Tối ưu đánh giá cho gian hàng
Các đánh giá 5 sao và lượng bình luận của khách hàng để lại là cách hữu hiệu để tăng độ uy tín cho shop online của bạn. Nhiều thương hiệu F&B hiện nay đã khéo léo gửi tặng khách hàng những chiếc thank you card có lồng thêm lời nhắn gửi khách hàng, nhờ họ đánh giá 5 sao cho shop và để lại những nhận xét tích cực.
Càng nhiều lượt bình luận và điểm đánh giá càng cao, gian hàng của bạn sẽ càng uy tín và chuyên nghiệp. Lý do bởi khi tìm kiếm món ăn để đặt, khách hàng sẽ ưu tiên tìm kiếm các shop được đánh giá cao và nhiều feedback hình ảnh, comment chân thực.
7. Tối ưu hình thức thanh toán
Nếu đã trở thành đối tác chính thức của các ứng dụng đặt đồ kể trên, bên cạnh phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng hoặc thanh toán khi nhận hàng truyền thống, quán nên đăng ký thêm phương thức thanh toán ví điện tử (MoMo, ShopeePay,…) để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn thanh toán.
8. Tối ưu chương trình khuyến mại
8.1. Tham gia chương trình khuyến mại có sẵn
Nếu quán của bạn chưa thực sự có tên tuổi thì tham gia các chương trình khuyến mãi trên các ứng dụng đặt đồ là cách nhanh nhất để phủ sóng thương hiệu và gia tăng doanh thu bán hàng. Ví dụ, chủ quán có thể đăng ký các chương trình Freeship, món 0 đồng, món đồng giá,… trên GrabFood. Chỉ cần khuyến mãi liên tục trong thời gian đầu, quán của bạn sẽ có thêm nhiều khách hàng mới. Câu chuyện sau đó chỉ là, quán có đảm bảo được chất lượng đồ ăn, thức uống để giữ chân khách hàng hay không mà thôi.
8.2. Tự tạo chương trình khuyến mãi
Dù là trên GrabFood, ShopeeFood hay Baemin thì chủ quán cũng có thể tự chủ động tạo chương trình khuyến mãi riêng cho quán một cách dễ dàng. Có rất nhiều hình thức khuyến mãi mà quán có thể áp dụng, phổ biến có thể kể đến như: giảm giá theo phần trăm, giảm giá theo số tiền cụ thể, tặng món 0 đồng, mua thêm để giảm giá, hay tặng mã freeship. Bảng dưới đây là gợi ý chương trình khuyến mại mà nhiều quán ăn đã áp dụng thành công trên các app đặt món:
Hình thức khuyến mãi | Đồ ăn chính
(Cơm, phở,…) |
Đồ uống chính
(Cà phê, trà sữa,…) |
Đồ ăn vặt
(Bánh tráng, nem chua,…) |
Giảm giá cho đơn hàng đầu tiên (đối với khách hàng mới) | Giảm 30% | Giảm 30% – 50% | Giảm 30% |
Khung giờ cao điểm | Giảm 30% (khung 10h-13h, 17h-20h) | Giảm 50% (khung 13h-16h, 19h-21h) | Giảm 30% (khung 14h-21h) |
Khung giờ thường | Giảm 20%-30% | Giảm 30%-50% | Giảm 20%-30% |
Tuy nhiên, chủ quán cũng cần lưu tâm một vài điểm đáng chú ý sau đây để tạo chương trình khuyến mãi thành công:
- Nên tạo chương trình khuyến mãi cho món nổi bật/bán chạy nhất trong thực đơn. Trong đó, quán có thể khuyến mãi nếu mua theo combo để thúc đẩy khách hàng đặt mua nhiều hơn 1 món.
- Nên tận dụng tối đa thời gian ngoài giờ cao điểm để tạo khuyến mãi. Điều này có thể giúp quán duy trì được nguồn thu và không phụ thuộc vào mỗi giờ cao điểm.
- Giảm giá theo % sẽ thu hút khách hàng hơn với các đơn hàng có giá trị thấp, hoặc đồ uống. Ngược lại, giảm giá theo số tiền sẽ phù hợp với các đơn hàng có giá trị cao, hoặc món ăn chính.
- Nên áp dụng chương trình khuyến mãi với món mới. Đặc biệt, các món mới nếu được khuyến mại ít nhất 30% sẽ thu hút thực khách hơn.
Trên đây là tổng hợp các cách tối ưu gian hàng F&B trên ứng dụng đặt đồ ăn như GrabFood, ShopeeFood, Baemin,… Với sự cạnh tranh gay gắt của hàng trăm nghìn quán ăn, quán cà phê,… hiện nay, chủ quán cần chủ động tối ưu kênh bán hàng online của mình để tạo dựng lợi thế cạnh tranh ngay từ ban đầu, từ đó dễ dàng “kiếm bộn” doanh thu trong tương lai.