Tăng trưởng doanh thu là mong muốn của tất cả các chủ nhà hàng, nhưng nếu tăng trưởng doanh thu đột ngột thì rất có thể sẽ kéo theo nhiều hệ quả không mong muốn như rối loạn quy trình hoạt động, không đủ số lượng nhân viên phục vụ,… dẫn tới chất lượng nhà hàng đi xuống. Vì thế, nhà hàng cần có sự kiểm soát và định hướng hoạt động ngay khi nhận ra tình hình doanh thu của mình tăng nhanh hơn dự kiến.
Hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu xem khi nhà hàng phát triển nhanh chóng quá mức thì nên làm gì để giữ vững chất lượng trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Có chiến lược phát triển kinh doanh hợp lý hơn
Khi nhà hàng còn có quy mô nhỏ thì chủ nhà hàng thường vạch ra những chiến lược ngắn hạn, trong đó chỉ nêu tới mục tiêu ngay gần trước mắt chứ chưa có kế hoạch lâu dài và mục tiêu dài hạn. Đến lúc nhà hàng đột ngột phát triển và tăng trưởng nhanh chóng vượt mức kiểm soát, những chiến lược ngắn hạn đó không còn phù hợp với nhà hàng nữa.
Thay vào đó, nhà hàng nên đưa ra một chiến lược dài hơi hơn và tập trung vào những điểm mạnh đã được thực khách đánh giá cao của nhà hàng, đồng thời cố gắng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Một chiến lược về lâu dài và toàn diện mang tầm tổng quát hơn sẽ giúp nhà hàng có phương hướng phát triển trong một thời gian dài, mang lại tính ổn định và nhất quán trong hoạt động của nhà hàng. Chẳng hạn như ngày trước nhà hàng không có kế hoạch cụ thể trong việc nhập nguyên liệu, thì hiện tại với lượng khách ngày một đông đảo thì việc dự trữ hàng tồn kho nên được sắp xếp chỉn chu hơn.
Hoặc trước kia, nhà hàng muốn tập trung vào việc nâng cao doanh số chứ không chú trọng đến việc làm marketing thì khi được biết tới nhiều hơn, nhà hàng nên có chiến lược marketing để xây dựng hình ảnh tốt, có nét riêng mà thực khách dễ nhớ.
Xem thêm: Top 7 quán pub “sang – xịn – mịn” có tên tuổi tại Hà Nội
2. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhà hàng tăng trưởng
Nếu chủ nhà hàng thấy doanh số bán hàng bắt đầu tăng lên và tăng lên một cách đột ngột, vượt qua cả dự đoán lạc quan nhất của mình thì hãy bắt tay vào việc tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhà hàng lại đạt được mức doanh thu ấy.
Nhà hàng đột ngột tăng trưởng có thể do nhiều nguyên nhân: nhà hàng có những món mới rất được lòng thực khách, nhà hàng được một food reviewer nổi tiếng đến quay clip ăn uống, hoặc nhà hàng có dịch vụ tốt nên khách hàng muốn quay lại thường xuyên,… Tất cả những lý do này đều có thể là nguyên nhân tại sao nhà hàng lại phát triển vượt mức kỳ vọng.
Khi đã biết nguyên nhân là gì thì nhà hàng có thể tích cực đẩy mạnh, khai thác điều đó và lập chiến lược phát triển xoay quanh thế mạnh này. Đây cũng là ưu điểm mà nhà hàng khác biệt hẳn với các đối thủ trên thị trường, vì vậy nên tập trung xây dựng thương hiệu từ những ưu điểm này.
Để có thể nắm được vì sao nhà hàng tăng trưởng, chủ nhà hàng cần theo dõi, phân tích doanh số bán hàng, nhận phản hồi của khách hàng, thường xuyên để ý tới các thông tin về nhà hàng được đăng tải trên mạng. Một khi chủ nhà hàng biết rõ lý do của sự phát triển vượt bậc này và cách mà nó ảnh hưởng đến hoạt động thì có thể xác định những cách thức để tiếp tục duy trì ưu điểm này.
3. Tập trung vào việc cải thiện dịch vụ
Dịch vụ của nhà hàng có tốt hay không là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân thực khách. Kể cả thực đơn của nhà hàng có đặc biệt đến mấy, món ăn có ngon đến mấy nhưng nếu dịch vụ chăm sóc khách hàng không tốt có thể khiến các thực khách không quay lại và lựa chọn các đối thủ cạnh tranh khác.
Khi tăng trưởng đột ngột, nhà hàng phải đối mặt với sự xuất hiện của một lượng lớn khách tới, trong khi đó lại chưa kịp tuyển dụng đủ số lượng nhân sự và sắp xếp lại quy trình để phục vụ một lượng khách đông đảo như vậy. Điều này khiến cho dịch vụ của nhà hàng sẽ có phần đi xuống hơn trước. Đây là tình trạng chung mà nhiều nhà hàng sau khi nổi tiếng thường phải đối mặt khi bị đánh giá “mất chất”, “không chu đáo” như lúc chưa nhiều khách.
Vì thế, ngay khi nhận ra tốc độ tăng trưởng của nhà hàng nhanh hơn dự kiến ban đầu, chủ nhà hàng cần chuẩn bị phương án để điều tiết nhân viên trong các khung giờ đông khách sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng và đào tạo thêm nhân viên mới cũng rất cần thiết, đảm bảo phục vụ đủ cho tất cả các khách đến nhà hàng.
Ngoài ra, để tận dụng thông tin từ lượng khách đông đảo đó, nhà hàng có thể nghĩ tới việc nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa của từng khách hàng bằng cách sử dụng thêm những chương trình tích điểm, làm thẻ thành viên,…
4. Kiểm soát chi phí
Việc tăng trưởng nhanh chóng một cách quá bất ngờ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nếu nhà hàng không kiểm soát tốt tình hình. Một trong số đó là việc nhà hàng có thể sẽ bị rối loạn khi tính toán chi phí và ngân sách để chuẩn bị cho các công việc như mở rộng địa điểm, thuê thêm nhân viên, tăng lượng nguyên liệu nhập vào,…
Vậy làm thế nào để nhà hàng có thể kiểm soát ngân sách của mình không bị “đội” lên quá cao? Lời khuyên tốt nhất cho các chủ nhà hàng là hãy lập kế hoạch tài chính chuyên sâu, chi tiết đến từng khoản chi nhỏ nhặt nhất để không bị thất thoát tiền bạc. Trong kế hoạch này, chủ nhà hàng cần chú ý đến những khoản chiếm phần lớn trong ngân sách như tiền thuê mặt bằng, chi phí thực phẩm, lương trả cho nhân viên,…
Thực phẩm cần được ước lượng và tính toán số lượng nhập vào một cách chi tiết và sát thực nhất để nhà hàng vừa đủ nguyên liệu làm đồ ăn cho khách, vừa không có quá nhiều hàng tồn trong kho. Nếu tuyển thêm nhân viên thì nên dựa vào tình hình thực tế, số lượng khách và mức tiền tối đa nhà hàng có thể chi trả để lên kế hoạch tuyển thêm bao nhiêu.
Nếu nhà hàng đang muốn mở rộng địa điểm hoặc mở thêm cơ sở 2 để phục vụ hết lượng khách tới thì cũng cần lưu ý về giới hạn tiền thuê mặt bằng so với tiền vốn và liệu việc mở rộng có thật sự cần thiết hay không.
5. Xây dựng lại toàn bộ quy trình hoạt động
Ngày trước, khi nhà hàng vẫn còn đang trong giai đoạn mới mở và có ít khách, quy trình của nhà hàng có thể còn tương đối đơn giản và chưa khoa học lắm nhưng vẫn đủ để phục vụ số lượng khách tới. Tuy nhiên, khi nhà hàng đột ngột tăng trưởng, lượng khách đến đông hơn thì quy trình này không còn phù hợp nữa.
Chủ nhà hàng cần phải có đánh giá toàn diện xem toàn bộ các khâu trong quy trình phục vụ đã tối ưu hay chưa, đã khai thác hết hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên chưa,… Ví dụ như trước kia với số lượng khách ít, nhà hàng không gặp vấn đề gì nếu sử dụng cách order truyền thống trong giờ cao điểm.
Nhưng khi khách đông lên, số lượng nhân viên không đủ phục vụ trong giờ cao điểm thì việc order món của khách sẽ bị chậm lại, phải chờ đợi rất nhiều. Lúc đó, nhà hàng có thể xem xét thay thế cách order này bằng hình thức sử dụng Menu điện tử cho nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Không chỉ quy trình phục vụ mà các chính sách chăm sóc khách hàng như khuyến mại, làm thẻ thành viên, tích điểm, tặng quà,… Số lượng khách đến nhà hàng càng đông thì những chính sách này càng phải chặt chẽ, chỉn chu để giữ chân được lượng khách này và khiến họ trở thành khách hàng trung thành của nhà hàng.
Ngoài ra, sau khi xây dựng quy trình mới thì nhà hàng nên có những buổi training cho toàn bộ đội ngũ nhân viên để họ nắm được những thay đổi của nhà hàng. Nếu không training kỹ, nhân viên sẽ rất dễ rối loạn và nhầm lẫn khi phục vụ vì không biết nên làm theo cái mới hay cái cũ.
Xem thêm: Top 6 quán cơm “chuẩn vị mẹ nấu” nhất định phải ghé qua tại Hà Nội
6. Kết luận
Tăng trưởng là điều tất cả những người làm kinh doanh F&B đều mong muốn, nhưng nếu sự tăng trưởng đó “bùng nổ” một cách bất ngờ thì nhà hàng cần phải có những kế hoạch và sự điều chỉnh cho phù hợp. Một số việc mà nhà hàng nên chú ý tới là không chi tiêu quá mức, quản lý bảng lương, tăng cường cải thiện dịch vụ khách hàng và làm chặt chẽ quy trình phục vụ. Nếu nhà hàng kiểm soát được những điều này thì sự tăng trưởng vượt bậc đó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà hàng.