Việc đầu tư để có những bức ảnh đồ ăn đẹp mắt ngoài việc đem lại sự ngon miệng, thích thú cho người xem mà còn là một cách hiệu quả để thu hút khách hàng đến với nhà hàng của bạn. Đối với những vị khách sành sỏi, việc ăn uống không còn nằm trong phạm vi giải quyết cơn đói mà họ còn muốn thỏa mãn thị giác trước khi ăn.
Tuy nhiên, đây là một điều không hề dễ dàng đối với những nhà hàng, quán ăn với quy mô nhỏ. Việc đầu tư thiết bị chụp hình đắt tiền hay thuê Photographer chuyên nghiệp sẽ ngốn một khoản ngân sách không hề nhỏ và đôi khi còn vượt ngoài khả năng chi tiêu của họ. Không cần thiết bị hiện đại hay một nhiếp ảnh tài ba, chỉ với một chiếc smartphone, hãy bỏ túi những bí quyết chụp ảnh đồ ăn dưới đây để khiến khách hàng không thể từ chối. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung [hiển thị]
- 1. Chú trọng vào bố cục và cách bài trí
- 2. Nghệ thuật sắp xếp làm nổi bật “vai chính”
- 3. Tận dụng ánh sáng tự nhiên để làm bức ảnh thêm tươi mới
- 4. Tận dụng tối đa ống kính góc rộng của điện thoại
- 5. Sử dụng phông nền trung tính
- 6. Phối hợp màu sắc hài hòa về thị giác
- 7. Kể một câu chuyện bằng hình ảnh
- 8. Xây dựng phong cách cá nhân thông qua hình ảnh
- 9. Thêm yếu tố con người
- 10. Chỉnh sửa màu sắc thêm sống động
1. Chú trọng vào bố cục và cách bài trí
Bước đầu tiên để có được bức ảnh chụp đồ ăn đẹp bằng điện thoại là hãy suy nghĩ về bố cục và cách thức sắp xếp món ăn ở trên đĩa sao cho thật hấp dẫn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thu hút thị giác của người xem. Chẳng hạn nếu bạn muốn chụp ảnh món Beefsteak, thay vì để nguyên miếng bạn có thể cắt lát để tạo điểm nhấn. Điều này không chỉ tạo hiệu ứng mà còn giúp bạn thể hiện được độ chân thật, tươi ngon, mọng nước của phần thịt. Việc trình bày đồ ăn ra đĩa cũng giống như bạn đang vẽ một bức tranh vậy, một món ăn được trang trí gọn gàng, hài hòa về cả màu sắc lẫn bố cục sẽ giúp món ăn trở nên cực kỳ hấp dẫn.
2. Nghệ thuật sắp xếp làm nổi bật “vai chính”
Trọng tâm của việc chụp ảnh đồ ăn là phải “miêu tả” được độ thơm ngon, hấp dẫn của chúng. Chính vì thế, việc lựa chọn một background đơn giản, không cầu kỳ sẽ giúp bạn làm nổi bật món ăn mà mình muốn giới thiệu. Bạn có thể sử dụng những đạo cụ như món ăn/thức uống, rau củ, quả ăn kèm, dụng cụ ăn uống,… nhưng phải sắp xếp sao cho tạo được cảm giác đơn giản nhưng vẫn tôn lên “spotlight” là món chính. Cách sắp xếp các đạo cụ theo đường dẫn sẽ giúp hướng người xem tập trung vào yếu tố quan trọng nhất là bức ảnh.
Đừng cố gắng lấp đầy bức ảnh của bạn bằng quá nhiều chi tiết, điều này có thể tạo cảm giác rối mắt. Quá nhiều chi tiết sẽ làm che mất phông nền, không còn độ tối hay độ sáng cần thiết từ phông nền nữa.
Hãy cân nhắc việc tạo ra các khoảng trống, thử chụp hình món ăn ở các vị trí khác biệt để làm nổi bật hơn khung hình. Đôi khi việc đặt món ăn lệch sang một bên sẽ đẹp hơn khi đặt ở trung tâm.
Xem thêm: Tips để có 1 bức ảnh nhìn “ngon miệng” cho nhà hàng/quán cafe
3. Tận dụng ánh sáng tự nhiên để làm bức ảnh thêm tươi mới
Ánh sáng tự nhiên là chìa khóa để bức ảnh trở nên sống động. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sử dụng đèn flash lớn và đắt tiền để tạo ra ánh sáng ban ngày tự nhiên, khuếch tán. Khi chụp ảnh bằng điện thoại và không có các thiết bị chuyên dụng, hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên để hình ảnh đạt độ sắc nét, chi tiết nhất và màu ảnh cũng trở nên chân thực hơn. Thời gian thích hợp nhất để chụp ảnh đồ ăn là vào ban ngày, ánh sáng sẽ tạo ra tông màu trung tính. Trong trường hợp chụp ảnh trong nhà, ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ là một lựa chọn thông minh. Bạn có thể đặt bàn cạnh cửa sổ để dễ dàng thiết lập bố cục và tận dụng ánh sáng.
Ngoài việc tận dụng ánh sáng tự nhiên thì khi chụp ảnh đồ ăn bằng điện thoại bạn có thể chỉnh độ sáng phù hợp bằng tay. Ánh sáng thích hợp sẽ tôn lên được màu sắc chân thực của món ăn. Ngoài ra, việc lấy nét bằng tay sẽ giúp bạn xác định được đúng chủ thể cho bức ảnh của mình mà không sợ ảnh bị vỡ nét.
4. Tận dụng tối đa ống kính góc rộng của điện thoại
Một trong những sai lầm lớn nhất khi chụp ảnh đồ ăn bằng điện thoại là chọn sai góc. Máy ảnh điện thoại thông minh có ống kính góc rất rộng, điều này có nghĩa là một số góc nhất định sẽ khiến hình ảnh của bạn trông bị méo.
Để có được kết quả tốt nhất, hãy chụp từ trên cao xuống hoặc chụp thẳng vào vật thể, đặc biệt là khi thức ăn được sắp xếp trên đĩa hoặc bát. Góc nhìn từ trên cao bao quát tất cả các chi tiết của món ăn và phông nền.
Tuy nhiên, góc chụp này không phải lúc nào cũng phù hợp. Nếu vật thể của bạn là một thức uống ngọt ngào, hoặc bánh xếp với nhiều lớp hấp dẫn thì chụp từ phía chính diện sẽ phù hợp hơn. Một lựa chọn khác là chụp theo đường chéo, tạo ra không gian ba chiều. Đây là lựa chọn tốt khi bạn muốn người xem thấy rõ phía bên hông và bề mặt của món ăn.
5. Sử dụng phông nền trung tính
Khi chụp ảnh đồ ăn, màu nền trung tính sẽ không làm lấn át chủ thể, giúp món ăn được tập trung tối đa. Thức ăn là ngôi sao và bất cứ thứ gì khác trong hình ảnh để hỗ trợ chứ không phải làm giảm giá trị của đồ ăn. Một phông nền có quá nhiều màu sắc hoặc họa tiết sẽ làm mất đi sự chú ý của món ăn chính.
Có ba loại phông nền thích hợp với chủ đề thực phẩm đó là nền sáng, nền tối và nền vân gỗ (nền nâu). Thực phẩm tối màu thường trông nổi bật hơn trên nền tối, thực phẩm sáng màu sẽ trông rực rỡ hơn trên nền sáng, còn nền vân gỗ thì thích hợp với mọi loại đối tượng.
Và còn rất nhiều vật dụng mà bạn có thể tận dụng để làm phông nền như khăn trải bàn, khăn ăn,… Chẳng hạn, bạn có thể tận dụng một chiếc bàn gỗ, đặt cạnh cửa sổ để tận dụng ánh sáng mặt trời, sử dụng mẫu khăn trải bàn trắng, in họa tiết cổ điển để làm phông nền cho món bánh mì quết bơ và chuối. Đây thực sự là một ý tưởng không tồi.
Bạn có thể thử nhiều chất liệu khác nhau như thảm vải, thảm lông, giấy bạc, khay nướng, giấy báo,… Nếu chỉ chụp một phía của món ăn, việc tận dụng bức tường cũng là một lựa chọn thú vị.
6. Phối hợp màu sắc hài hòa về thị giác
Màu sắc có thể ảnh hưởng đến bố cục và cảm giác khi chiêm ngưỡng bức ảnh. Một bức ảnh cần vận dụng các nguyên tắc phân bố màu sắc để tạo ra sự phối hợp hài hòa về thị giác.
Những tông màu ấm áp thường gợi lên cảm giác thoải mái, yên bình, trong khi những màu sắc tương phản thì có tác dụng ngược lại. Mang đến những năng lượng tích cực, sống động, kích thích cảm xúc của người xem. Bạn cũng có thể tạo độ tương phản giữa phông nền và món ăn, hoặc giữa các thành phần trong món ăn với nhau.
Xem thêm: Hướng dẫn cách trình bày món ăn hấp dẫn như đầu bếp chuyên nghiệp
7. Kể một câu chuyện bằng hình ảnh
Thông qua hình ảnh, hãy cung cấp cho người xem ý tưởng về một câu chuyện rộng lớn hơn diễn ra ngoài giới hạn của khung hình. Bằng cách thêm nhiều yếu tố bạn có thể xây dựng nên những câu chuyện thú vị thu hút người xem. Hãy thử tưởng tượng về câu chuyện bạn muốn kể, về bối cảnh, về những điều thú vị nho nhỏ mà bạn có thể đem vào bức ảnh. Đó có thể là bất cứ thứ gì, từ cách sắp đặt bàn ăn với các yếu tố bị cắt bớt một phần hoặc bàn tay của ai đó đang phục vụ thức ăn.
Chẳng hạn như hình ảnh một cuốn sách đang mở chụp bên một tách trà, một chiếc bánh ngọt sẽ tạo cảm giác ấm cúng, thư thái trong hình ảnh. Khi đó, người nhìn sẽ biết bạn đang nhâm nhi một ly trà nóng và ăn bữa nhẹ khi đọc sách. Hoặc khi chụp một ly cà phê cạnh một chiếc laptop, thì chắc chắn bạn đang thưởng thức cà phê trong khi làm việc.
Việc kể một câu chuyện thông qua hình ảnh sẽ đánh thức mọi giác quan của người xem, khiến họ cảm tưởng như đang bước vào thế giới trong ảnh và tận hưởng cảm giác yên bình đó.
8. Xây dựng phong cách cá nhân thông qua hình ảnh
Một thương hiệu cần xây dựng được hình ảnh nhất quán, không nhất thiết hình ảnh phải giống nhau nhưng cần có những yếu tố nhất định gắn kết xuyên suốt. Đó có thể là một bảng màu được tạo thành từ hai hoặc ba màu giống nhau hoặc nền có tông màu nhận diện thương hiệu của bạn.
Chẳng hạn như khi nhắc tới thương hiệu Starbuck bạn sẽ nghĩ ngay đến màu xanh lá cùng hình ảnh nàng tiên cá đội vương miện. Hay The Coffee House ghi dấu ấn trong lòng khách hàng bởi tông màu cam, logo tên thương hiệu được in hoa và phá cách bởi nét gạch chân đồng điệu ở ngay dưới chữ “O”, tối giản nhưng tạo điểm nhấn cực kỳ ấn tượng giúp khách hàng dễ nhớ. Một “diện mạo” ấn tượng sẽ mang đến cho người tiêu dùng những cảm nhận về mặt lý tính như chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp,… và cảm nhận về mặt cảm tính như sự chuyên nghiệp, đẳng cấp,… tạo ra tâm lý muốn sở hữu và trải nghiệm sản phẩm.
9. Thêm yếu tố con người
Thêm yếu tố con người vào ảnh là một kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng để kể câu chuyện độc đáo hơn. Bạn có thể sử dụng hình ảnh cánh tay đang cầm cốc cà phê, hoặc một bàn tay đang cầm đũa gắp đồ ăn trong bức ảnh để tạo ra những chuyển động sống động trong bức ảnh tĩnh. Điều này sẽ tạo cho người xem cảm giác được chụp từ góc nhìn của họ. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này, bạn sẽ phải cầm điện thoại bằng một tay. Vì vậy, hãy cẩn thận trong việc giữ cho điện thoại ổn định trước khi nhấn nút chụp.
10. Chỉnh sửa màu sắc thêm sống động
Thực phẩm có rất nhiều màu sắc tuyệt vời nhưng đôi khi việc chụp ảnh bằng điện thoại không thể tái hiện được chính xác. Bởi vậy, sau khi chụp ảnh, bạn có thể sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh như VSCO, PicArt, Foodie, Snow,… các ứng dụng này cho phép bạn chỉnh sửa ảnh đơn giản như cắt ảnh, ghép ảnh, sửa màu, thêm hiệu ứng,… để tinh chỉnh màu sắc và độ sáng thêm sống động.
Hãy lựa chọn hiệu ứng màu sắc một cách cẩn thận cho đến khi tìm thấy hiệu ứng thích hợp. Hoặc nếu bạn không thích sử dụng hiệu ứng có sẵn, bạn có thể sử dụng các công cụ điều chỉnh thủ công như cài đặt độ bão hòa, độ mờ, độ sắc nét,…
Hy vọng rằng với những bí quyết trên sẽ giúp bạn chụp được những bức ảnh đồ ăn cực kỳ sáng tạo và thu hút. Chụp ảnh đúng cách sẽ thể hiện được đúng độ ngon, ngọt, hấp dẫn của món ăn khiến người xem phải tò mò, ngất ngây. Chúc các bạn thành công!
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để quản lý nhà hàng thật trơn tru nhé!
Tại sao nên sử dụng menu điện tử trong nhà hàng, quán cafe?
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay