Các phần ăn siêu nhỏ được phục vụ trong nhà hàng cao cấp, liệu có tương xứng với giá tiền khách hàng bỏ ra? Lý do từ đâu các phần ăn này chỉ được gói gọn trong đĩa bé xíu, nhưng vẫn thu hút khách hàng một cách kỳ lạ. Hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Nội dung [hiển thị]
1. Đảm bảo tính thẩm mỹ
Tại các nhà hàng cao cấp, mỗi món ăn đều được ví như một tác phẩm nghệ thuật. Khách hàng tới đây như được đắm chìm vào một không gian nghệ thuật, thưởng thức và trải nghiệm những phần ăn được bài trí và thiết kế đẹp mắt từ những người đầu bếp tài ba.
Phần ăn nhỏ sẽ đảm bảo được tính thẩm mỹ, sự tinh tế, bởi khi có ít đồ ăn trên đĩa đầu bếp sẽ có nhiều không gian sáng tạo, decor món ăn. Chính vì vậy, thay vì lựa chọn một đĩa thức ăn đầy ắp, ú ụ, họ luôn chừa ra một khoảng trống trên đĩa để bài trí các loại rau quả hoặc nước sốt, tạo thành các họa tiết độc đáo, bắt mắt.
Khách hàng khi tới dùng bữa ở những nhà hàng cao cấp, họ sẽ thưởng thức bằng mắt trước, sau đó mới đến khẩu vị. Do đó việc đảm bảo tính thẩm mỹ là rất quan trọng, cần bảo đảm sự tối giản và thanh lịch, để món ăn được nổi bật và thu hút khách hàng.
2. Tránh gây nhàm chán về món ăn
Vị giác của con người sẽ làm quen rất nhanh với một hương vị, từ rất ngon chuyển sang ngon, thậm chí là trở nên ngán chỉ sau 4-5 lần nhai. Thấu hiểu được điều đó, nhà hàng cao cấp sẽ tập trung vào chất lượng món ăn, thay vì đầu tư vào khối lượng.
Với các khẩu phần ăn nhỏ sẽ giúp khách hàng tạo ấn tượng và ghi nhớ hương vị món ăn lâu hơn, giảm thiểu sự nhàm chán khi ăn quá nhiều một hương vị.
Với nhu cầu ăn uống của khách hàng, họ thường lựa chọn việc ăn một cách “thòm thèm” để tạo cảm giác ngon miệng, thay vì ăn một món quá nhiều khiến họ nhanh chán và không muốn lựa chọn trong lần tiếp theo, đôi khi là cảm giác “ngấy”.
3. Tăng sự kỳ vọng cho món kế tiếp
Các nhà hàng hạng sang biết cách nắm bắt tâm lý khách hàng, thông qua đó có những chiến lược phù hợp, mang tới khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ.
Khi dùng bữa, khách hàng thường có tâm thế mong đợi, hào hứng với các món ăn tiếp theo. Tận dụng tâm lý đó, các phần ăn nhỏ được decor đặc biệt dần “hé lộ” trong quá trình trải nghiệm bữa ăn, sẽ làm tăng sự tò mò và kích thích vị giác của khách hàng.
Sự kỳ vọng chính là điểm tạo nên thú vị mà nhà hàng cao cấp có thể đem tới cho khách hàng, khiến trải nghiệm dùng bữa trở nên đáng nhớ, tạo ấn tượng khó phai.
4. Giúp khách hàng trải nghiệm nhiều món ăn hơn
Thông thường đa phần nhà hàng sẽ phục vụ bữa ăn theo một quá trình đồng nhất, bao gồm 3 món: món khai vị, món chính và món tráng miệng. Khách hàng có thể gọi món ăn dựa theo mong muốn, đôi khi có thể bỏ qua phần khai vị để bắt đầu ngay với món chính.
Tuy nhiên trong ẩm thực cao cấp, bữa ăn có thể lên tới 12 món. Do vậy, việc phục vụ khách hàng theo phần ăn thông thường để họ trải nghiệm được toàn bộ thực đơn là điều không thể. Đó là lý do nhà hàng cần giảm lượng thức ăn, chuẩn bị những phần ăn “nhỏ nhưng chất lượng”, để giúp khách hàng có thể nếm thử mỗi món một ít mà vẫn cảm nhận trọn vẹn hương vị.
Hãy thử tưởng tượng, nếu toàn bộ thực đơn trên được thực hiện theo khẩu phần thông thường, khách hàng sẽ chẳng còn trống bụng và tâm trí nào để thưởng thức những món kế tiếp.
Đọc thêm: Fine Dining là gì? 4 Tiêu chuẩn của nhà hàng Fine Dining
5. Nguyên liệu món ăn đắt tiền
Phần ăn trong các nhà hàng cao cấp thường ít, vì nguyên nhân giá nhập nguyên liệu đầu vào của các món ăn này tương đối cao. Để khẳng định vị thế nhà hàng, họ chỉ lựa chọn những nguyên liệu từ các nguồn xa xỉ, nguyên liệu hiếm, có hạn, để mang tới giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho khách hàng.
Việc làm này khiến tăng chi phí và ảnh hưởng đến giá trên thực đơn. Để giữ giá không quá cao, họ khắc phục bằng cách phục vụ các phần ăn nhỏ hơn.
Chẳng hạn như bào ngư có thể lên tới 7-15 triệu đồng/kg tùy từng loại. Kể cả khi có giá bình dân nhất cũng xấp xỉ tiền triệu. Vậy nếu một món ăn hoàn thiện với đầy đủ nguyên liệu và cộng thêm chi phí dịch vụ thì giá sẽ cao đến mức nào? Do đó, nếu phục vụ phần ăn lớn thì giá thành sẽ đội lên rất cao.
6. Mang tới sự cao cấp
Khách hàng thường rất ưa chuộng các món đồ thương hiệu độc quyền hoặc các sản phẩm phiên bản giới hạn, tại sao vậy? Bởi một phần, những sản phẩm này tới từ các thương hiệu nổi tiếng và điểm đặc biệt là chúng chỉ có số lượng rất ít.
Tương tự, đối với ẩm thực cũng vậy, những món ăn ít và nhỏ sẽ mang tới sự độc nhất và đặc biệt. Nó tôn lên sự sang trọng và đáng giá, khiến khách hàng mong muốn là người “sở hữu” chúng, điều mà không phải bất cứ địa điểm ăn uống nào có thể đem đến được.
Như đã nói ở trên, thực đơn trong nhà hàng cao cấp thường có giá thành cao phụ thuộc vào yếu tố chất lượng, độ phổ biến, nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu,… Bên cạnh đó là sự góp mặt của những đầu bếp có chuyên môn cao, họ chính là linh hồn của nhà hàng, mang đến những món ăn hảo hạng, xứng tầm với thương hiệu cao cấp.
Đọc thêm: Khám phá sự khác biệt giữa “gu” ẩm thực của người phương Đông và phương Tây
7. Lời kết
Hy vọng thông qua bài viết trên bạn sẽ có được những thông tin hữu ích, giải đáp được thắc mắc. Hiện, cách thực hiện trên vẫn được duy trì tại các nhà hàng cao cấp tạo nên sự khác biệt, chuyên nghiệp.
Bạn hãy tham khảo một số phần mềm sau để vận hành nhà hàng tốt hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay