Áp dụng thu phí dịch vụ khi khách hàng mang đồ ăn vào nhà hàng/quán ăn hiện nay đã khá phổ biến, không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, vẫn có những “khúc mắc” trong vấn đề thu phí đối với cơ sở kinh doanh nói chung và khách hàng nói riêng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn “gỡ rối” những thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Hãy cùng iPOS.vn tham khảo trong bài viết nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Thế nào được tính là “đồ ăn ngoài”?
Đồ ăn thức uống được mua hoặc mang từ nơi khác đem đến, ngoài thực đơn hoặc không do nhà hàng cung cấp đều được tính là “đồ ăn ngoài”. Tùy theo quy định của mỗi cơ sở kinh doanh (nếu có) sẽ áp dụng việc thu phí loại đồ ăn thức uống này khi khách hàng mang tới và sử dụng trong quán.
2. Tại sao “đồ ăn ngoài” bị tính phí?
Phí dịch vụ mà nhà hàng thu thêm khi khách hàng mang đồ ăn ngoài vào được coi là phần tiền để bù đắp cho chi phí hao mòn cơ sở vật chất, chi trả cho nhân viên phục vụ, điện, nước,… khi khách sử dụng tại quán.
Chưa kể tới những thiệt hại “âm thầm” về vấn đề sức khỏe như khách bị dị ứng, ngộ độc thực phẩm,… do dùng đồ ăn/thức uống họ mang từ bên ngoài vào nhưng quy trách nhiệm và đòi bồi thường từ phía nhà hàng.
Hơn thế nữa, việc tính phí dịch vụ này còn bù đắp cho phần rủi ro về doanh thu nhà hàng. Bởi rất có thể khi khách hàng mang thêm đồ ăn/thức uống khác vào quán, họ sẽ không có nhu cầu gọi thêm món tại nhà hàng nữa, dẫn tới doanh thu nhà hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại một số nhà hàng, việc áp dụng thu phí này còn có mục đích là “rào cản tâm lý” để ngăn chặn việc khách hàng mang đồ ăn ngoài vào.
3. Có nên áp dụng thu phí “đồ ăn ngoài”?
Trên thực tế, quy định về thu phí khi khách mang đồ ăn ngoài vào không áp dụng với tất cả các nhà hàng, bởi việc tính phí này không hoàn toàn bắt buộc. Với từng quy mô, mô hình chủ kinh doanh sẽ có những phương án tính toán khác nhau nhưng đều với mục đích cuối cùng là mang tới quyền lợi tốt nhất cho nhà hàng. Do đó, có thể có hoặc không việc áp dụng thu phí khi khách hàng mang đồ ăn ngoài vào.
Dễ thấy hiện nay, những nhà hàng có quy mô lớn, dịch vụ quốc tế hay thương hiệu có “tên tuổi” đều áp dụng 100% việc tính phí đồ ăn, thức uống khi khách mang tới. Thậm chí khoản phí này còn có thể tính rất cao. Lý do bởi thương hiệu không hề mong muốn chất lượng đồ ăn, dịch vụ,… bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác từ bên ngoài, không nằm trong phạm vi nhà hàng cung cấp.
Tại một số nhà hàng có cung cấp đồ ăn thức uống độc quyền thương hiệu, họ cho rằng việc khách hàng mang “sản phẩm” khác từ bên ngoài vào sử dụng gần như một “hình ảnh xấu” có thể ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín thương hiệu. Vì thế họ yêu cầu khách hàng khi tới sử dụng dịch vụ “không được đem thêm bất cứ đồ ăn thức uống khác vào nhà hàng”. Quy định nghiêm ngặt này nhằm mục đích giữ gìn hình ảnh thương hiệu và đảm bảo khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất khi tới nhà hàng.
Ngược lại, với những nhà hàng bình dân, quy mô nhỏ đôi khi còn rất thoải mái và “cởi mở” về vấn đề này với khách. Quán hoàn toàn khuyến khích khách hàng mang đồ ăn bên ngoài vào và không thu thêm bất cứ khoản phí dịch vụ nào để đem tới sự thân thiện và gần gũi nhất với khách.
Có thể nói, việc thu thêm phí dịch vụ khi khách mang đồ ăn vào quán hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích và lựa chọn của mỗi nhà hàng. Chủ kinh doanh cần xem xét kỹ lưỡng những ưu nhược điểm của từng phương án, sao cho phù hợp nhất với thương hiệu và tệp khách hàng.
Xem thêm: Áp phí dịch vụ hay để khách tự tip: đâu là chiến lược hiệu quả nhất?
4. Những rủi ro khi tính phí “đồ ăn ngoài”
Tại một số nhà hàng, việc áp dụng thu phí diễn ra khá phổ biến nhưng tựu trung lại đều có một số rủi ro nhất định có thể xảy ra như sau:
- Khách hàng không quay trở lại do bất mãn với việc áp phí, bởi nhà hàng không thông báo trước về khoản phí này
- Khách hàng “lời qua tiếng lại” khi thanh toán ảnh hưởng tới không gian chung của nhà hàng
- Nhân viên có thể lợi dụng việc thu phí để “ăn gian”, tính thêm cho khách
- …
Vì vậy để tránh những rủi ro trên, khi áp dụng quy định thu phí nhà hàng cần có những thông báo minh bạch và công khai ngay từ đầu với khách hàng. Bên cạnh đó, mức phí này cần được cân đối phù hợp, không nên có sự “chênh lệch về khoảng cách” quá lớn giữa mức phí với quy mô và chất lượng dịch vụ của nhà hàng cung cấp.
Theo từng quy mô nhà hàng, chủ kinh doanh nên linh hoạt khi tính phí, dựa trên từng loại đồ ăn/thức uống khách đem tới nhằm tạo được thiện cảm nhất với khách hàng.
Xem thêm: 4 nguyên tắc xử lý bóc phốt nhà hàng – chủ doanh nghiệp cần ghi nhớ
5. Tính phí mang đồ ăn vào nhà hàng sao để hợp lý
Ba cách tính phí thông dụng nhất hiện nay được áp dụng khi khách mang đồ ăn vào nhà hàng. Thứ nhất, áp dụng mức phí cụ thể chung cho cả bàn hoặc trên toàn bill. Thứ hai, tính phí theo đầu người và cuối cùng là áp dụng tính phí theo tỷ lệ % (dựa trên mức giá món ăn/đồ uống đó tại quán nếu có hoặc niêm yết theo giá thị trường)
Ví dụ: các loại rượu vang, rượu mạnh, đồ uống đóng chai,…
Thực tế, hiện nay chưa có một quy định cụ thể hoặc bắt buộc nào về mức thu phí khi khách hàng mang đồ ăn vào nhà hàng. Vì vậy, như đã nói ở trên cơ sở kinh doanh nên dựa theo mặt bằng chung để áp mức phí phù hợp và “tương xứng” nhất, để không khiến khách hàng cảm thấy khó chịu về khoản phí này.
Các mức phí mang đồ ăn vào nhà hàng phổ biến hiện nay mà bạn có thể tham khảo:
- 100.000 – 200.000 đồng/bàn không hạn chế số món hoặc khách
- 20.000 đồng/khách
- 50.000 đồng/khách người lớn + 20.000 đồng/khách trẻ em
- 10-15% bill tổng
- 20 -25% mức phí theo giá niêm yết trên menu
- …
6. Lời kết
Trên đây là các thông tin liên quan tới vấn đề áp dụng thu phí dịch vụ khi khách hàng mang đồ ăn bên ngoài vào nhà hàng/quán ăn. Hy vọng, iPOS.vn đã giúp các chủ kinh doanh có cái nhìn tổng quan về vấn đề này để áp dụng phù hợp nhất cho mô hình kinh doanh của mình!
Hãy thử tham khảo một số phần mềm sau để vận hành nhà hàng trơn tru hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay