Như chúng ta đã biết, chiến dịch quảng cáo marketing mạnh mẽ chính là chìa khóa thành công của một doanh nghiệp. 70% các chiến dịch tiếp thị của các nhà hàng đều được thực hiện quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Chính vì vậy chụp ảnh món ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh doanh nhà hàng, đem thương hiệu và bộ mặt của họ đến với người tiêu dùng. Nếu như món ăn ngon là do bàn tay người đầu bếp tài hoa nhằm giữ lại những thực khách khó tính thì điều đầu tiên lôi kéo họ đến với nơi đây lại chính là những hình ảnh món ăn mà họ nhìn thấy trên các trang mạng online.
Vậy nên chụp ảnh món ăn là sự đầu tư thiết yếu của các nhà hàng nếu muốn đạt hiệu quả cao trong kinh doanh ẩm thực. Dưới đây là những tips giúp các chủ nhà hàng có bộ ảnh vừa đẹp, vừa ngon mắt. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Setup ánh sáng thật chuẩn
Ánh sáng là yếu tố sống còn đối với ảnh chụp bất kỳ thể loại nào. Với đồ ăn, nguồn sáng lý tưởng nhất là ánh sáng tự nhiên từ mặt trời. Bạn có thể tận dụng nguồn sáng này bằng cách setup trong bối cảnh sân vườn, hoặc trên bệ cửa sổ…
Sở dĩ là vậy vì để khiến các món ăn hấp dẫn, chúng phải được đặt dưới một nguồn sáng đều, rọi rõ được từng góc và chi tiết trên bề mặt món ăn.
Nếu bạn không thể setup ánh sáng tự nhiên, vì hôm đó trời mưa âm u hay là chụp ảnh vào buổi tối, thì bạn vẫn có thể tận dụng các nguồn sáng nhân tạo. Gợi ý: ánh sáng có màu ấm và tỏa đều, dịu sẽ cho hiệu ứng tốt hơn ánh đèn huỳnh quang. Tuyệt đối không sử dụng đèn flash trực tiếp của điện thoại. Trong trường hợp môi trường quá thiếu sáng, hãy sử dụng flash kèm các “thiết bị” tản sáng sẵn có như khăn trắng, tờ giấy… Nếu thấy quá phức tạp, bạn chỉ có thể dựa vào các yếu tố còn lại như bố cục, hậu kỳ…
Xem thêm: Livestream – “quân bài chủ lực” trong marketing nhà hàng/cafe hiện nay
2. Góc chụp an toàn là từ trên xuống
Nếu bạn đã xem cảnh hậu trường của những buổi chụp ảnh đồ ăn, có lẽ bạn sẽ không lạ lẫm gì với cảnh nhiếp ảnh gia đứng cả lên bục để lấy góc máy cao chụp xuống. Điều này rất bình thường và thậm chí góc chụp này cũng đã trở thành góc chụp “quốc dân”. Lý do là bởi góc nhìn trực diện từ trên xuống sẽ phô ra toàn bộ chi tiết, kết cấu, décor và phần bày biện của đồ ăn một cách trung thực nhất.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là chúng ta nên đứng lên bàn, lên ghế để chụp hình, vì làm như vậy rất mất mỹ quan với những người ngồi xung quanh. Thay vào đó bạn có thể đứng lên, giơ máy cao và để góc hơi chéo cũng giúp đem lại hiệu quả bất ngờ.
Cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ, như các món ăn dạng xếp chồng nhiều lớp như bánh burger, pancake, mille crepe … thì chụp theo chiều ngang lại là góc hình khéo léo hơn.
3. Kết hợp phông nền sáng tạo và thêm một số phụ kiện
Phông nền giúp đóng góp lớn vào thành công của bức ảnh chụp đồ ăn đẹp. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trang trí hay chụp hình đồ ăn bằng điện thoại, hãy ưu tiên những phông nền đơn giản, không quá nổi bật làm chiếm mất spotlight của món ăn.
Sáng tạo phông nền theo cách riêng của bạn như dùng khăn trải bàn, mặt bàn gỗ hoặc đá, hay họa tiết kẻ ô, một chút cây cỏ của thiên nhiên sẽ giúp món ăn thêm hấp hẫn và nịnh mắt hơn nhiều. Và đôi khi phông nền có thể đơn giản tới mức chính là mặt đĩa đựng đồ ăn.
Tông màu phông nền cần phù hợp với màu sắc của món ăn – nhưng cũng không quá trùng màu để tránh làm chủ thể “chìm nghỉm”. Vài màu sắc an toàn bạn có thể tham khảo như xanh đậm, gỗ, xám hoặc thậm chí là trắng.
Ngoài phông nền, phụ kiện cũng giúp bức hình nổi bật hơn. Những cách sử dụng phụ kiện trang trí phổ biến là thành phần nguyên liệu của món ăn, đồ uống, rau xanh hoặc dụng cụ làm bếp…
Nhiều người cũng ưa chuộng cách bày biện có phần bừa bộn một chút để bức ảnh phá cách hơn, nhưng những món đồ décor này cần liên quan đến nhau với món ăn chính. Ví dụ, steak có thể bày trên thớt, còn pizza chắc sẽ không hợp với một chiếc mẹt nan đúng không?
4. Bố cục
Hãy nhớ quy tắc “một phần ba” trong bố cục bức ảnh, tưởng tượng bức ảnh của bạn được chia thành 9 phần bởi 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang, những điểm giao nhau của đường kẻ là “điểm vàng” thu hút ánh nhìn, hãy đặt các phần quan trọng của bức ảnh ở đó.
Mỗi một góc chụp đều mang đến những trải nghiệm khác nhau cho người xem. Tổng thể bàn ăn và bố cục sẽ cho người xem cảm nhận được tâm trạng của bữa ăn trong khi cận cảnh từng món đem lại sự thèm thuồng và kích thích vị giác.
Chiếc đĩa đựng đồ ăn không cần phải sáng bóng, chỉn chu không tỳ vết, một vài chi tiết rối rắm có thể tạo nét khác biệt cho bức ảnh, đó có thể là vệt nước sốt dây ra hay vài cọng rau thơm, ít vụn bánh rơi trên bàn, rải rác trên đĩa. Những điểm này sẽ cho thấy sự hiện diện của con người và góp phần vào câu chuyện bạn đang kể.
5. Giữ độ thật và tươi
Món ăn nên trông có vẻ homemade nhưng đừng quá nghiệp dư. Bạn không cần phải cố biến chúng trở nên giống như vừa được chế biến xong. Chỉ cần không bị cháy hay là một đống hỗn độn, bạn không cần lo lắng nếu chiếc bánh của bạn bị nứt chút ít ở đỉnh hay món chân gà có vẻ ngoài không đẹp.
Hãy nhanh tay lên, đừng để rau của bạn bị héo trước khi chụp ảnh. Đảm bảo rằng khi bạn giơ máy lên chụp, mọi thứ trông đều tươi mới, không bị khô héo hay rũ màu. Bạn có thể đổ nước sốt hay rắc rau thơm lên món ăn ngay trước khi chụp ảnh.
6. Sử dụng màu sắc xen kẽ
Hãy nhớ rằng, sắp xếp bố cục chính là bổ sung vào món ăn của bạn sao cho nó trông thật nghệ thuật. Vì vậy, đừng quá lạm dụng màu sắc. Đừng lấy tô màu vàng, muỗng màu xanh, khăn trải bàn màu đỏ, dù cho bạn thích những màu đó đến mức nào. Thay vào đó, hãy tập trung vào những màu sắc bổ trợ hoặc tương phản.
7. Thêm vào yếu tố con người
Yếu tố con người cụ thể là sự hiện diện của con người để tạo cảm giác món ăn như thật sự đang “sống”, đang được thưởng thức bởi con người thật sự. Yếu tố con người trong bức ảnh có thể đến ở dạng trực tiếp (như sự xuất hiện của đôi bàn tay) hoặc gián tiếp (hình ảnh thức ăn được gắp bằng đũa chẳng hạn).
8. Tạo hiệu ứng chuyển động
Không cần đến Live Photo hay Boomerang, bạn vẫn có thể tạo ảo giác về chuyển động cho bức ảnh tĩnh bằng một số thủ thuật đơn giản. Ví dụ đơn giản nhất cho thủ thuật này là hình ảnh lòng đỏ trứng chảy trong món trứng Benedict, hình ảnh khói bốc lên nghi ngút từ món ăn nóng, hoặc phô mai dính của chiếc pizza.
Hiệu ứng chuyển động khiến bức ảnh trở nên rất thật, “không hề giả trân” và tạo cho người xem cảm giác thèm ăn thật sự. Để đặc tả, bạn có thể sử dụng kỹ thuật chụp cận cảnh hay “close-up”.
9. Đừng quên hậu kỳ
Hậu kỳ, chỉnh sửa, crop ảnh là những gia vị cuối cùng để hoàn thiện bức ảnh đồ ăn của bạn. Với sự tiện lợi của các app chỉnh sửa ảnh ngày nay, công việc này vô cùng dễ dàng và hoàn toàn có thể thực hiện ngay trên điện thoại, đôi khi chỉ cần 1 cái bấm nút chọn filter hay preset là bức ảnh của bạn trông đã tươi tắn lên rất nhiều rồi!
3 app chỉnh sửa ảnh phổ biến nhất là Foodie ,VSCO và Snapseed, chúng đều có số người dùng đông đảo và luôn sẵn sàng chia sẻ mọi bí kíp, bảng màu đẹp.
9.1. App Fooodie
Đúng như tên gọi của mình, Foodie sinh ra là để dành cho những tín đồ thường xuyên chụp ảnh ẩm thực, món ăn, đồ uống. Rất nhiều các bộ lọc (filter) màu đa dạng được tạo ra và phân loại theo từng hạng mục để người dùng ngay lập tức nắm được cách sử dụng. Thậm chí, hình đại diện của từng nhóm filter cũng sẽ mách nước sẵn cho chủ nhân rằng màu này phù hợp với kiểu món ăn này – từ đồ nướng, chiên cho tới kem, chè…
Ngoài ra, sau khi chọn filter, Foodie cũng cung cấp thêm các tùy chọn sâu và chi tiết hơn, giúp chỉnh sửa cặn kẽ tới tận chân răng. Những thông số cơ bản như độ tương phản, bão hòa màu, tông ấm/lạnh vẫn sẽ có mặt nếu như bạn không muốn chỉnh màu phức tạp, chỉ cần điểm qua chút ánh sáng là đủ.
9.2. App VSCO
Đừng nghĩ rằng VSCO chỉ có thế mạnh ở chụp chân dung hay phong cảnh, có thể nói đây là một trong những ứng dụng “nhạc nào cũng nhảy”, thể loại nào cũng cáng đáng thoải mái.
Các tính năng chỉnh ảnh phong phú trên VSCO cũng chưa bao giờ khiến người dùng thất vọng, bao gồm hàng chục hiệu ứng màu sắc có sẵn và các gói cao cấp hơn cần trả phí. Tuy nhiên, nhiều người cho biết họ chỉ dùng gói miễn phí thôi cũng quá đủ mãn nguyện rồi. Các tùy chỉnh chọn vùng làm nét, làm mờ của VSCO sẽ góp phần tô điểm thêm cho bức ảnh đồ ăn của bạn, giả hiệu ứng xóa phông huyền ảo.
9.3. App Snapseed
Dù không thật sự sinh ra để dành cho các tín đồ ẩm thực nhưng chưa một ai dám nói Snapseed không phù hợp để chỉnh ảnh đồ ăn cả. Đừng để bị đánh lừa bởi một giao diện đơn giản bất ngờ, vì sâu bên trong Snapseed là hàng loạt công cụ chỉnh ảnh thần thánh, chi tiết và cụ thể từng li từng tí.
Điểm mạnh làm nên thương hiệu của Snapseed từ trước tới nay là các chức năng chọn vùng thông minh, từ đó có thể tái tạo hiệu ứng xóa phông hoặc thêm màu tùy chỉnh mà không ảnh hưởng tới khu vực không cần thêm màu. Nói cách khác, đây như thể một Photoshop thu nhỏ trên điện thoại đối với những ai không thích vọc vạch phức tạp và rườm rà. Nếu muốn một bức ảnh đồ ăn độc đáo, có điểm nhấn chiều sâu không đụng hàng với bạn bè thì Snapseed đích thị là sự lựa chọn hàng đầu.
Trên đây là những tips chụp ảnh đồ ăn cho các chủ quán, hy vọng rằng các bạn có thể thay đổi diện mạo, đưa những hình ảnh chuyên nghiệp, đẹp mắt hơn tới khách hàng. Hãy nhớ, trước khi ăn vào miệng ngon thì cần phải ngon mắt trước đã. Chúc các chủ quán kinh doanh hồng phát!
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm để vận hành nhà hàng trơn tru hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay