Một trong những sai lầm cơ bản của chủ thương hiệu là lựa chọn sai mặt bằng kinh doanh. Một địa điểm tốt sẽ giúp quán đông, kinh doanh phát đạt và thu được lợi nhuận “khủng”. Trái lại chọn sai mặt bằng lại là lỗ hổng dẫn đến thất bại, doanh thu lẹt đẹt và gần như không có đường “gỡ”. Thất bại nhiều nhưng không phát hiện được mình sai ở đâu, sai như thế nào, làm thế nào để khắc phục và thay đổi thì sai lầm sẽ lặp đi lặp lại.
Nếu bạn đang loay hoay tìm lời giải cho việc lựa chọn mặt bằng khi kinh doanh trong ngành F&B thì bài viết dưới đây sẽ là câu trả lời cho bạn.
Nội dung [hiển thị]
1. Lựa chọn địa điểm kinh doanh tại khu vực quá đông
Nhiều người cho rằng lựa chọn địa điểm ở khu vực đông đúc là một trong những tiêu chí quan trọng khi kinh doanh. Họ cho rằng càng đông thì càng dễ dàng tiếp cận khách hàng và nhiều người biết đến thương hiệu hơn. Điều này không sai. Nhưng nhiều khi đám đông mà bạn thấy không phải tất cả mọi người đều mua hàng và trở thành khách hàng của bạn. Đây là một trong những cái bẫy mà nhiều người kinh doanh gặp phải.
Đúng là đông thì tốt, nhưng phải là khách hàng mục tiêu đông chứ không phải là đông đúc số chung. Hai cái này phải phân biệt rõ ràng và nhận thức đúng.
Bên cạnh đó, phải vẽ được chân dung khách hàng mục tiêu một cách rõ ràng, dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Chẳng hạn, nếu tệp khách hàng hướng tới là nữ, có độ tuổi từ 25 – 30, làm việc văn phòng, có thu nhập trung bình khá,… thì bạn có thể dễ dàng nhìn xung quanh và tự đánh giá. Có nhóm đó không? Nhiều hay ít? Muốn biết thì cứ quan sát những người đi xe tay ga, mặc đồ công sở, váy chống nắng mà đếm thôi. Hoặc nếu bạn đang kinh doanh các đồ ăn, thức uống healthy, detox thì cứ quan sát những người tập thể thao, chạy bộ, đạp xe ngang qua,…
Điều quan trọng là phải có tiêu chí để đếm khách hàng mục tiêu xem có đông không. Đừng nhìn đông người mà ham bởi chưa chắc họ đã là khách hàng của bạn.
2. Ham thuê mặt bằng giá rẻ để tiết kiệm chi phí
“Tiền nào của đó”, không phải cứ thuê được mặt bằng giá rẻ là bạn được hời. Nhiều mặt bằng cho thuê với giá rất rẻ, đã vậy còn có diện tích rộng khiến nhiều người “thấy mà ham”. Do đó, họ ham rẻ chấp nhận “xuống tiền” ngay lập tức mà không chần chừ suy nghĩ nhiều. Nhưng thử nghĩ mà xem, thuê căn nhà 30 triệu/tháng mà phải đầu tư vào 150 triệu thì khác gì thuê 40 triệu/tháng. Đã vậy còn mất thêm thời gian, công sức để đầu tư xây dựng, thêm nữa trong thời gian đó vẫn phải tính tiền thuê nhà.
Hoặc nhiều người lựa chọn mặt bằng trước đây đã từng kinh doanh quán cafe, nhà hàng và cho rằng nếu đầu tư sẽ tiết kiệm chi phí kha khá mà không nhìn nhận được những rủi ro tiềm ẩn. Chẳng hạn như, địa điểm quán ở trên lầu, không phải dưới đất hay quán nằm trong hẻm nhỏ, nằm ở vị trí khuất, khó tìm đường; địa điểm nằm xa khu vực trung tâm,… nhưng vì ham rẻ nên cố “nhắm mắt cho qua”. Chính điều này sẽ khiến bạn phải trả giá về sau.
Bởi vậy, để lựa chọn mặt bằng trước hết bạn cần đặt ra những tiêu chí rõ ràng cho sự phù hợp, chứ không phải cứ thấy rẻ là thuê. Hoặc khi đi thuê nhiều người hay có tiêu chí diện tích tối thiểu mà không có tối đa, xong gặp mặt bằng rẻ quá, rộng quá, “ráng thêm xíu” rút ví thuê luôn. Sau này, kinh doanh không hiệu quả thành ra càng rộng, càng thua lỗ nhiều tiền hơn. Điển hình là có một quán cafe ở Bình Thạnh, vì thấy mặt bằng rẻ là ham, sợ người khác thuê mất nên chốt ngay lập tức. Đến lúc về kinh doanh mới biết khi mưa lớn thì đường ngập, nước ngập cả vào quán, không chỉ thế, khu vực bên cạnh còn có mấy cái mộ nên cứ tới tối là khách sợ, chẳng dám ghé qua.
Đọc thêm: Tuyệt chiêu giúp “ma cũ không bắt nạt ma mới” trong nội bộ nhà hàng/quán cafe
3. Quá tin tưởng vào sản phẩm
Nhiều chủ thương hiệu mắc phải một sai lầm lớn là quá tin tưởng và cho rằng sản phẩm của mình tốt. Vì quá yêu sản phẩm mình làm ra nên đôi khi họ không có cái nhìn khách quan với thị trường. Họ tâm huyết và cho rằng khách hàng sẽ tìm đến họ bởi sản phẩm ngon, chất lượng tốt hơn những thương hiệu khác. Cho dù quán có “hơi khó tìm” một tí nhưng không sao cả, khách hàng sẽ vẫn đến và ủng hộ vì chất lượng ngon.
Nhưng thực tế, đa phần không được như vậy. Đến giai đoạn bán thì mới bắt đầu thấy khó khăn, bởi khách hàng có tìm thấy quán đâu mà mua. Khách hàng sẽ vô cùng khó khăn để nhận ra tấm biển hiệu nhỏ bé, xinh xinh của bạn giữa muôn vàn những tấm biển hiệu lớn và đầy màu sắc khác. Nếu đặt niềm tin quyết thắng rằng “Vì tôi ngon nên khách hàng sẽ tự tìm đến” thì rủi ro ngập tràn. Điều này chỉ đúng với những thương hiệu đã mở lâu đời, có tiếng tăm và làm marketing giỏi mà thôi.
Bởi vậy, lựa chọn mặt bằng kinh doanh dễ tìm, dễ nhận biết, giao thông thuận tiện, chỗ để xe rộng rãi,… là những điều kiện cần thiết mà chủ quán cần cân nhắc.
4. Quá tin tưởng đối tác
Thông thường, tình huống này xảy ra khi chủ thương hiệu mở thêm cơ sở tại địa phương nhưng lại chưa có đủ thời gian sinh sống đủ lâu để hiểu kỹ về địa phương đó. Trong trường hợp này, chủ thương hiệu thường phải tìm đến các đơn vị đối tác là người bản địa để tìm kiếm mặt bằng. Khi đó, bạn cần phải đặt câu hỏi và kiểm tra lại độ xác thực về thông tin một cách cẩn thận, thẩm định lại địa điểm đã phù hợp với tiêu chí của bạn trước khi đưa ra quyết định thuê mặt bằng. Đôi khi không phải đối tác xấu hay muốn lừa gạt, chỉ tại năng lực của họ cũng “có hạn” thôi, họ cũng làm tốt nhất trong khả năng rồi.
5. Quá tin tưởng chủ nhà
Dù hi hữu nhưng đây cũng là sai lầm hoàn toàn có thể xảy đến. Bạn hoàn toàn có thể phải đối mặt với những vấn đề như vừa hết hợp đồng thuê nhà thì chủ nhà đòi gấp đôi tiền thuê nhà, chậm 1 ngày tính lãi 1 ngày. Hoặc nhiều vấn đề “trời ơi đất hỡi” khiến chủ nhà gây khó dễ trong quá trình thuê do hợp đồng không chặt chẽ. Điều này sẽ dẫn đến nhiều phiền toái và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của bạn. Bởi vậy, dù mặt bằng có tốt, có đẹp mấy nhưng mà chủ nhà “không đẹp” thì cũng nên né ra, tránh đêm dài lắm mộng!
Và một lưu ý nữa là bạn cũng nên để ý đến kinh tế, tính tình, con người của chủ nhà khi đi thuê. Hãy chọn thuê nhà của những người minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng. Tốt nhất là làm việc với người trực tiếp ra quyết định chứ không phải chịu tác động nhiều từ chồng, vợ, con cái…
Đọc thêm: Khách hàng ngồi quá lâu tại quán cafe – Tốt hay không tốt?
6. Quá tin tưởng khách hàng
Thường khi nhắm vào đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ phải tính đến một rủi ro đó là tính thời điểm. Nếu đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là dân văn phòng thì sẽ bán được ban ngày, còn ban đêm sẽ không bán được vì họ tan làm về nhà hết rồi. Còn nếu bạn bán tập trung cho đối tượng sinh viên, học sinh thì chỉ bán được trong thời điểm đi học, còn lúc nghỉ hè thì gần như không có khách hàng.
Cho nên nếu chỉ tập trung vào một loại khách hàng mục tiêu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro mang tính thời điểm. Vì vậy cần xây dựng mô hình kinh doanh có thể phục vụ linh hoạt được nhiều đối tượng.
Ví dụ như: Ban ngày bán bánh mì cho dân văn phòng, trưa bán cơm còn tối thì trà chanh ăn vặt. Hoặc buổi sáng bán cà phê take away, trưa bán cơm, mì xào còn tối thì bán quán nhậu,… Vì bạn trả tiền thuê mặt bằng 24 giờ 1 ngày nên không thể chỉ khai thác 1 ca bán hàng 4 tiếng được, như vậy là không tối ưu.
Một mô hình kinh doanh phục vụ được hai bữa ăn uống trở lên mới là mô hình ổn định. Còn một mô hình chỉ phục vụ một bữa ăn uống chính là mô hình chứa đầy rẫy rủi ro.
Việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh F&B không hề đơn giản và luôn tiềm ẩn những rủi ro nếu không có sự nghiên cứu rõ ràng. Bởi vậy, trước khi đưa ra quyết định hãy cân nhắc kỹ lưỡng các tiêu chí cần thiết trước khi ra quyết định “rút ví”.
Bạn có thể đọc thêm: