Buy Now

Tìm kiếm

5 phương án “xanh hóa” hoạt động kinh doanh trong nhà hàng, quán cafe

  • Chia sẻ cái này:
5 phương án “xanh hóa” hoạt động kinh doanh trong nhà hàng, quán cafe

Tin tức mới

5 phương án “xanh hóa” hoạt động kinh doanh trong nhà hàng, quán cafe

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Bảo vệ môi trường vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng được tất cả mọi người quan tâm. Chính vì nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, chủ kinh doanh F&B cũng buộc phải thay đổi để thực hiện những kỳ vọng và mong muốn của khách hàng. “Xanh hóa” hoạt động kinh doanh chính là cơ hội để doanh nghiệp vừa hưởng ứng làn sóng bảo vệ môi trường, vừa xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực trong mắt công chúng. 

Bạn là một chủ quán muốn “xanh” hóa hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đang loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý những phương án đơn giản và hiệu quả để bạn áp dụng cho quán của mình. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!

1. Vì sao nhà hàng, quán cafe phải thực hiện “xanh hóa” hoạt động kinh doanh?

Kinh doanh xanh” và “tiêu dùng xanh” là những từ khóa hot nhất trên các báo đài và mạng xã hội trong thời gian gần đây vì mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường. Do đó, các nhà hàng/quán cafe cũng cần góp một phần chung tay với toàn xã hội để hoạt động kinh doanh ít tổn hại đến môi trường, để các xu hướng này ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài những ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trên thực tế, việc “xanh hóa” hoạt động kinh doanh cũng sẽ đem lại cho thương hiệu những lợi ích bất ngờ:

Xây dựng hình ảnh thương hiệu và thu hút khách hàng 

Hiện nay, nguồn khách hàng chính của ngành nhà hàng/quán cafe đến từ thế hệ Millennials (sinh năm 198x – 199x). Đây là thế hệ có xu hướng và ý thức ủng hộ hoạt động bảo vệ môi trường. Một trong những vấn đề được đối tượng khách hàng này cực kỳ quan tâm chính là liệu nhà hàng, quán cafe, quán trà sữa mình ghé đến có sự thay đổi nào để cùng góp phần bảo vệ môi trường hay không. Theo một số nghiên cứu, cứ 3 khách hàng thì có 1 người ưa chuộng sử dụng dịch vụ của những thương hiệu F&B “kinh doanh xanh”. Nhà hàng/quán cafe hoạt động theo mô hình hướng xanh cũng là một cách truyền thông thương hiệu hoàn toàn miễn phí mà lại vô cùng hiệu quả. Các thương hiệu F&B có ý thức trong việc bảo vệ môi trường luôn tạo được sự thiện chí và giữ chân khách hàng hiệu quả hơn.

Khách hàng đều ưa chuộng những thương hiệu có hành động thân thiện với môi trường

Thúc đẩy gia tăng doanh thu 

Theo kết quả nghiên cứu của công ty Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có hoạt động kinh doanh cam kết “xanh” và “sạch” đều có mức tăng trưởng cao, khoảng 4%. Trong đó, đối với ngành kinh doanh ăn uống F&B, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường là 2,5 – 11,4%. Ngoài ra, cũng theo khảo sát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường. Có tới 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để sử dụng dịch vụ tại các hàng quán sử dụng nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường trong kinh doanh. Như vậy, những thương hiệu “xanh” hoàn toàn có thể bán sản phẩm với giá cao hơn mà vẫn có nhiều khách hàng ưa chuộng. 

2. Phương án “xanh hóa” hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán cafe

Bảo vệ môi trường nghe có vẻ “to tát”, nhưng các cửa hàng kinh doanh ăn uống hoàn toàn có thể bắt đầu “xanh hóa” hoạt động kinh doanh từ những việc đơn giản dưới đây:

2.1. Tận dụng mọi nguyên liệu, tránh lãng phí thực phẩm

Một trong những hành vi gây hại đến môi trường mà các chủ nhà hàng/quán cafe không chú ý chính là việc sử dụng thực phẩm quá lãng phí. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do mua số lượng quá lớn nguyên vật liệu để nhận mức giá ưu đãi; do nhập hàng không có kế hoạch dẫn đến dư thừa; do không kịp sử dụng nên thực phẩm hết hạn;  do bảo quản không tốt nên nguyên liệu nhanh bị hư hỏng; do lãng phí trong quá trình chế biến; do một khẩu phần món quá lớn khiến khách hàng không dùng hết,… Tất cả thực phẩm lãng phí này sẽ tạo ra nguồn rác thải không đáng có đến môi trường. 

Để khắc phục tình trạng này, chủ quán nên có những cách quản lý nguyên vật liệu và tái chế thực phẩm dư thừa. Hãy lên kế hoạch nhập nguyên vật liệu vừa đủ với nhu cầu bán hàng, ưu tiên sử dụng hàng cũ trước, hàng mới sau. Nhân viên bếp/bar được yêu cầu phải chế biến món đúng định lượng đã tính toán ban đầu, không lãng phí thực phẩm.  Bên cạnh đó, hãy sáng tạo ra những món ăn, đồ uống mới để có thể tận dụng được tối đa các thực phẩm dư thừa như vụn bánh mì dùng làm bột chiên xù, củ quả thừa đem làm nước sốt,… 

Xem thêm: Cách quản lý nguyên vật liệu nhà hàng chi tiết và hiệu quả

2.2. Thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần

Hiện nay, rất nhiều nhà hàng/quán cafe đều tham gia hưởng ứng làn sóng giảm thiểu rác thải nhựa – less plastic để bảo vệ môi trường. Đây được xem là cách “xanh” hóa hoạt động kinh doanh đơn giản nên ngày càng có nhiều hàng quán thực hiện. Hơn nữa, nếu như những giải pháp bảo vệ môi trường khác được thực hiện nội bộ bên trong quán, thì đây là phương án được khách hàng thấy rõ ràng nhất. Tránh dùng sản phẩm nhựa một lần là một cách truyền thông khéo léo để “ghi điểm” trong mắt khách hàng về một thương hiệu “xanh”.  “Xanh hóa” được thể hiện qua nội thất – trang trí cho đến những vật dụng phục vụ ăn uống như ly giấy, ống hút cỏ bàng,… Bên cạnh đó, cần hạn chế dùng đồ nhựa, nilon và đồ không thể tái chế…, ưu tiên chọn mua những chất liệu có khả năng phân hủy sinh học.

Bạn có thể tham khảo cách làm của một số thương hiệu F&B hiện nay. Chẳng hạn như Starbucks – thương hiệu dẫn đầu xu hướng sử dụng bình, cốc tái sử dụng và đã tạo ra một trào lưu mang bình cá nhân đến quán. The Coffee House trên toàn quốc cũng đã dùng 100% cốc thuỷ tinh, sứ, cốc giấy cho đồ take-away và ống hút sinh học phân hủy hoàn toàn. Ngoài ra, All Day Coffee cũng là một trong số những quán cafe tiêu biểu tích cực ủng hộ phong trào sống xanh này khi trong menu của quán gửi gắm thông điệp: “100% đồ uống phục vụ kèm ống hút giấy, mềm hơn ống hút nhựa và thân thiện hơn với môi trường” . 

The Coffee House có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi để bảo vệ môi trường

Trên thực tế, việc “xanh hóa” đúng là tốn kém chi phí ban đầu và khó để thay đổi toàn bộ “một sớm một chiều”. Để thực hiện hiệu quả, chủ quán nên có kế hoạch điều chỉnh phù hợp cẩn trọng để không bị quá áp lực về tài chính. Để tối ưu chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm, hãy tìm kiếm các đối tác cung cấp đáng tin cậy và uy tín với mức giá hợp lý. Sản phẩm không tốt có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Chẳng hạn, nếu mua phải ống hút giấy kém chất lượng, chỉ vừa ngâm vào ly nước đã bị mủn ra thì chắc chắn khách hàng sẽ khó mà hài lòng. 

Một lưu ý nữa để các chủ quán có thể chuyển đổi là hãy điều chỉnh đồng loạt cho toàn bộ quy trình của quán. Tránh tình trạng khách dùng bữa tại quán thì được phục vụ vật dụng tái sử dụng, nhưng khi mua mang về, khách lại vẫn được cung cấp đồ nhựa dùng một lần. Nếu không tạo sự đồng nhất, khách sẽ có những phản ứng khá gay gắt. Ví dụ như Highlands cũng từng khiến dân tình “chê trách” khi thực hiện “less-plastic” nửa vời khi có chương trình “Miễn phí upsize khi mang đi ly của bạn” hay chiến dịch “Những cánh tay xanh”. Trên thực tế, các cửa hàng vẫn sử dụng tràn lan đồ nhựa từ cốc, ống hút, thìa, quai xách,… khiến khách hàng “ngao ngán” và thất vọng.

2.3. Kiểm soát và phân loại rác thải

Phân loại rác thải tại nguồn là cách thức góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải ra môi trường, góp phần “xanh hóa” hoạt động kinh doanh, đồng thời tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Với nguồn rác thải hàng ngày, các nhà hàng/quán cafe có thể phân chia tối thiểu thành ba loại rác: 

– Rác dễ phân hủy: vỏ trái cây, rau củ, bã trà, bã cà phê, thức ăn thừa, hoa lá cây cỏ,…

– Rác khó phân hủy: nhãn chai, túi nilon, đồ gốm – sứ – thủy tinh,…

– Rác tái chế: đồ nhựa, chai nhựa, bình xịt, vỏ lon, giấy, thùng carton… 

Với rác dễ phân hủy, quán hoàn toàn có thể tái chế thành nước enzyme dùng để rửa chén, xịt côn trùng, lau sàn hay ủ làm phân hữu cơ sinh học để chăm sóc cây cảnh hay trồng rau thơm,… 

Đối với các nhà hàng bán đồ ăn nhanh hay quán cafe take away, cửa hàng hãy chủ động đặt thùng phân loại rác với hai nhóm: thức ăn thừa, đồ nhựa và giấy, đồng thời có chỉ dẫn rõ ràng để khách hàng bỏ rác thải vào ô đúng. Hành động phân loại rác hưởng ứng xu hướng kinh doanh “xanh” sẽ được khách hàng ủng hộ tích cực. 

2.4. Sử dụng cây xanh để trang trí không gian

Tại những thành phố lớn, nhiều tuyến phố trục đường đang phát triển, hàng chục tòa nhà, chung cư đua nhau mọc lên khiến mật độ cây xanh càng ngày càng trở nên ít ỏi, khan hiếm. Chính vì thế, phát triển nhà hàng/quán cafe theo mô hình sân vườn cũng là một cách để “xanh hóa” hoạt động kinh doanh. Hình thức này đang trở thành xu hướng được rất nhiều người yêu thích vì đặc điểm thân thiện với môi trường. 

Quán cafe có nhiều cây xanh thu hút rất nhiều khách hàng

Điểm nổi bật của mô hình kinh doanh này là thiết kế không gian kết hợp giữa nội thất và cây xanh. Bất kể ngồi ở vị trí nào, tầm nhìn cũng sẽ được bao phủ bởi những chậu cây cảnh được trang trí như trên trần nhà, góc tường hay cửa ra vào… Cây xanh sẽ được bố trí ở khắp nơi, mang đến một môi trường sạch sẽ, mát mẻ và dễ chịu. Nếu quán của bạn không có không gian tự nhiên ngoài trời, chủ quán cũng hoàn toàn có thể “tô điểm” màu xanh bằng cây cảnh trong nhà. Ngoài ra, quán còn có thể bán giá ưu đãi hoặc tặng những cây xanh nhỏ xinh dành cho những khách hàng hưởng ứng phong trào “sống xanh”, giảm thiểu đồ nhựa khi tới quán để làm truyền thông cho thương hiệu. 

2.5. Xử lý khói và nước thải 

Tất cả các cửa hàng kinh doanh ăn uống, đặc biệt là nhà hàng/quán ăn nên có quy trình xử lý khói và nước thải bài bản để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân viên và cộng đồng. 

Tại các gian bếp nhà hàng, trong quá trình chế món ăn, dù sử dụng nguyên liệu đốt là gas hay điện thì khói thải vẫn được hình thành. Nếu không có hệ thống lọc, những thành phần khói thải bếp chưa qua xử lý được đưa ra môi trường ngoài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí của khu vực đó, nghiêm trọng hơn là khả năng vi phạm luật bảo vệ môi trường dẫn đến đình chỉ hoạt động. Tương tự, nước thải đến từ sinh hoạt của thực khách, khu vực bếp, khu vệ sinh, lau rửa sàn nhà,… hầu hết đều chứa nhiều dầu mỡ, tạp chất nên nếu không được xử lý cũng gây ảnh hưởng đến môi trường.

Để xử lý vấn đề này, các nhà hàng/quán ăn nên lắp đặt hệ thống đường ống hút mùi, thông lọc công suất cao và xử lý khói bếp. Khí thải khi đi qua các thiết bị lọc sẽ được giữ lại các chất ô nhiễm để môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động của nhà bếp. Bên cạnh đó, vì quy trình xử lý nước thải bao gồm nhiều bước khá phức tạp, nhà hàng nên thuê các đơn vị về môi trường kiểm tra, đánh giá và tư vấn để có giải pháp phù hợp nhất. 

Xử lý khói thải là nhiệm vụ quan trọng để “xanh hóa” hoạt động kinh doanh nhà hàng

“Xanh hóa” hoạt động kinh doanh trong nhà hàng, quán cafe không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, nếu có chiến lược hợp lý, bạn sẽ tìm ra phương án phù hợp để thương hiệu của mình trở nên thân thiện hơn với môi trường. Hãy thay đổi từ từ và cố gắng cải thiện từng ngày, chắc chắn thương hiệu sẽ được khách hàng yêu thích và ủng hộ.

Bạn có thể tham khảo một số phần mềm quản lý để nhà hàng, quán cafe trơn tru hơn nhé!

Phần mềm quản lý quán cafe chuyên nghiệp, dễ sử dụng nhất

Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất