Buy Now

Tìm kiếm

5 lưu ý về mặt tài chính khi nhà hàng quyết định mở thêm cơ sở mới

  • Chia sẻ cái này:
5 lưu ý về mặt tài chính khi nhà hàng quyết định mở thêm cơ sở mới

Tin tức mới

5 lưu ý về mặt tài chính khi nhà hàng quyết định mở thêm cơ sở mới

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Khi mở được một nhà hàng kinh doanh phát đạt, nhiều người đã nghĩ tới việc mở thêm một cơ sở mới, phát triển lên thành chuỗi để tăng doanh thu và danh tiếng. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định quan trọng này, có những lưu ý về mặt tài chính mà chủ nhà hàng nên xem xét để tránh rơi vào tình trạng tốn kém tiền bạc với cơ sở thứ hai.

Mở rộng mô hình kinh doanh là đích đến của bất kỳ người làm chủ nào trong ngành F&B. Nhưng thành công với cơ sở đầu tiên không có nghĩa là họ cũng sẽ thành công với cơ sở thứ hai. Vậy hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu về 5 điều liên quan tới tài chính nhà hàng mà các chủ quán cần lưu ý trước khi mở cơ sở mới nhé! 

1. Dự trù các khoản chi phí cơ bản

Mở nhà hàng chưa bao giờ là một công việc đơn giản, nhưng khi đã thành công với nhà hàng đầu tiên và chuẩn bị mở tiếp một cơ sở nữa để phát triển thành chuỗi thì mọi thứ sẽ “dễ thở” hơn một chút. Với kinh nghiệm đã có từ trước, chủ nhà hàng có thể sẽ biết được các công việc cần làm trước khi mở một nhà hàng, số vốn dự kiến ban đầu hay những khó khăn có khả năng gặp phải. 

Các chi phí cơ bản mà một nhà hàng cần đến nên được lên kế hoạch chuẩn bị từ trước

Dù vậy, chủ nhà hàng cũng nên lập một kế hoạch tài chính cụ thể, liệt kê ra những khoản dự tính phải chi trả khi mở thêm một cơ sở mới. Trong đó có những chi phí cơ bản như:

  • Chi phí thuê mặt bằng, tùy theo tình hình tài chính mà chủ nhà hàng có thể đàm phán thuê theo thời hạn dài hoặc ngắn
  • Chi phí xây dựng, tu sửa, trang trí cho nhà hàng mới
  • Chi phí mua sắm hoặc thuê mướn các trang thiết bị trong khu vực bar, bếp
  • Chi phí mua sắm bát đĩa, bàn ghế,…
  • Chi phí cho việc lưu trữ hàng tồn kho, hàng dự trữ
  • Chi phí chi trả cho đội ngũ nhân sự
  • Chi phí tiếp thị để quảng bá cơ sở mới, bao gồm việc khai trương, chạy quảng cáo,…
  • Chi phí cho hệ thống phần mềm quản lý bán hàng
  • Chi phí phục vụ việc bán hàng online của cơ sở mới (máy dập nắp ly, máy in tem nhãn, hộp đựng đồ, đội ngũ shipper,…)

Chủ nhà hàng cần lưu ý không nên quá cứng nhắc khi quy định các chi phí này chỉ có thể dừng ở một con số cụ thể nào đó. Hãy luôn dự trù cho mỗi chi phí có thể tăng 10-20% và xây dựng kế hoạch tài chính theo mức đó để chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống phát sinh nào.

Xem thêm: “Ăn chay thiếu chất” và những định kiến sai lầm về việc ăn chay

2. Phát triển đội ngũ nhân sự 

Đội ngũ nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của một nhà hàng. Nếu đội ngũ nhân sự đồng đều và có chất lượng tốt từ bếp – phục vụ – thu ngân thì nhà hàng có thể tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng, từ đó giúp cho việc “giữ chân” khách hàng và biến họ thành khách hàng trung thành dễ dàng hơn. Còn nếu đội ngũ nhân sự không tốt, khách sẽ không có những trải nghiệm tốt tại nhà hàng và không muốn quay lại nữa.

Sắp xếp đội ngũ nhân sự như thế nào cho hợp lý và tiết kiệm là bài toán các chủ nhà hàng cần suy nghĩ

Khi quyết định mở thêm một cơ sở mới, chủ nhà hàng cần quan tâm tới việc sắp xếp, đội ngũ nhân sự ở cơ sở này sao cho hợp lý: nên tuyển mới hoàn toàn, điều động nhân sự ở chỗ cũ qua hay kết hợp cả tuyển mới và người cũ. Mỗi phương án đều có những ưu – nhược điểm riêng và sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng phục vụ của cơ sở mới, tương ứng với đó ba mức chi phí chi trả cho khoản lương nhân sự khác nhau.

Vì thế, trước khi mở một cơ sở mới, chủ nhà hàng cần phải cân nhắc đến ngân sách mà dự kiến chi cho cơ sở mới này để cân đối chi phí thuê nhân sự, cũng như dựa vào khả năng training nhân sự của mình để quyết định phương án nào ổn thỏa nhất.

3. Xây dựng kho bảo quản hàng hóa

Quyết định mở thêm một cơ sở nữa đồng nghĩa với việc số nguyên vật liệu đầu vào của nhà hàng cũng sẽ phải tăng lên. Khi đó, chủ nhà hàng sẽ phải cân nhắc xem nên lựa chọn việc bảo quản hàng hóa như thế nào cho tiện lợi nhất: bảo quản chung ở kho ban đầu, mỗi cơ sở sẽ có một kho riêng hay làm một kho chung cho cả chuỗi. 

Bảo quản chung ở kho ban đầu sẽ giúp nhà hàng tận dụng được hệ thống tủ đông, tủ mát,… vốn có, nhưng do số lượng hàng hóa nhiều lên nên có thể không chứa được hết. Trang bị kho bảo quản riêng cho mỗi cơ sở có thể giúp cơ sở thuận tiện hơn trong việc lấy nguyên liệu, đảm bảo sự tươi sống nhưng chi phí đầu tư trang thiết bị lại rất lớn. Tương tự, làm một kho chung cho cả chuỗi thì nhà hàng cũng phải thuê thêm địa điểm, chuẩn bị thêm thiết bị bảo quản rất tốn kém. 

Kho bảo quản hàng hóa của cả một chuỗi cần được đặt ở địa điểm hợp lý, thuận tiện cho việc di chuyển

Có thể nói, quản lý kho nguyên vật liệu bao giờ cũng là một khoản chi phí lớn của nhà hàng khi phải chi trả cho việc bảo quản, sơ chế, theo dõi kiểm kê hàng hóa,… Nếu không chọn đúng phương án xây dựng kho, rất có thể nhà hàng sẽ bị rối loạn trong quy trình vận hành giữa các cơ sở, vừa tốn tiền vì không đảm bảo chất lượng của thực phẩm.

4. Tìm kiếm các khoản hỗ trợ tài chính 

Mở thêm một cơ sở thứ hai rất tốn kém, vì thế đây là lúc các chủ nhà hàng có thể cân nhắc phương án về nguồn vốn sao cho hợp lý nhất. Bên cạnh việc sử dụng lợi nhuận từ nhà hàng đầu để làm vốn cho cơ sở hai hoặc dùng tiền riêng, hiện nay có rất nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ cho chủ nhà hàng như: các gói vay ưu đãi ngân hàng, các quỹ tài trợ của riêng ngành F&B (thường dành cho những start-up) hoặc kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn.

Các gói vay của ngân hàng hoặc tài trợ từ các tổ chức cho người khởi nghiệp sẽ phù hợp với các doanh nghiệp F&B nhỏ

Các khoản hỗ trợ tài chính này sẽ giúp chủ nhà hàng bớt đi một nỗi lo về tiền vốn để đảm bảo hoạt động cho cơ sở mới. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với một khoản vay, tài trợ thật lớn hoặc mời gọi được những nhà đầu tư uy tín, chủ nhà hàng cần chuẩn bị trước những báo cáo tài chính và số liệu doanh thu cụ thể về cơ sở đầu tiên để chứng minh tiềm năng phát triển của thương hiệu. 

Ngoài ra, khi sử dụng gói vay ngân hàng, chủ nhà hàng phải tính toán đến khả năng trả nợ theo hợp đồng để không bị phát sinh những khoản thu lãi nặng hơn. Còn khi làm việc với các nhà đầu tư, chắc chắn họ sẽ có những góp ý về quy trình hoạt động của nhà hàng, vậy chủ nhà hàng cũng cần tiếp thu và cân bằng giữa ý kiến của họ với quan điểm cá nhân.

5. Xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở mới

Khi nhà hàng đầu tiên thành công ngoài mong đợi và chủ nhà hàng có điều kiện mở tiếp cơ sở thứ hai, họ thường đặt kỳ vọng và khá chắc chắn rằng với danh tiếng đã có thì cơ sở thứ hai có thể dễ dàng đạt được doanh thu như cơ sở trước. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình của nhà hàng, đôi khi khiến cơ sở hai dù được đầu tư vẫn không thể thành công như cơ sở đầu.

Nếu cơ sở hai không kinh doanh tốt, chủ nhà hàng có thể suy nghĩ tới việc đóng cửa để giảm thiệt hại

Vậy nên trước khi mở cửa cơ sở hai, chủ nhà hàng cần phải xây dựng một kế hoạch để đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở mới này. Kế hoạch cần đặt lộ trình phát triển chi tiết, cụ thể theo định kỳ: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm,… cho nhà hàng mới; đồng thời đánh giá toàn diện về từng yếu tố liên quan như doanh thu, danh tiếng, số lượt khách,… 

Nếu cơ sở thứ hai này phát triển tốt, chủ nhà hàng có thể suy nghĩ đến việc nhân rộng mô hình ra thêm nữa. Nhưng nếu cơ sở thứ hai hoạt động không tốt, chủ nhà hàng có thể xem xét đến việc đóng cửa cơ sở này trong thời gian sớm nhất để hạn chế tối đa việc tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng đến hoạt động của cả cơ sở đầu tiên.

Xem thêm: Vay vốn để kinh doanh nhà hàng: Không hề khó nếu có kiến thức

6. Kết luận

Các chủ nhà hàng cần nhớ rằng đảm bảo nguồn tài chính ổn định sẽ là yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của cơ sở thứ hai. Hãy cân nhắc và suy nghĩ về tất cả các lựa chọn để tìm ra những giải pháp xây dựng cơ sở mới vừa tiết kiệm lại vừa có chất lượng tốt nhất.

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất