Buy Now

Tìm kiếm

5 lưu ý khi tư vấn món ăn giúp bạn trở thành nhân viên phục vụ tinh tế trong nhà hàng

  • Chia sẻ cái này:
5 lưu ý khi tư vấn món ăn giúp bạn trở thành nhân viên phục vụ tinh tế trong nhà hàng

Tin tức mới

5 lưu ý khi tư vấn món ăn giúp bạn trở thành nhân viên phục vụ tinh tế trong nhà hàng

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Ngoài những công việc điều phối đồ ăn thông thường, nhân viên phục vụ trong nhà hàng còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác chính là tư vấn món ăn khi khách hàng có nhu cầu.

Nghe thì tưởng chừng như đơn giản, nhưng cách một nhân viên tư vấn món ăn cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của nhà hàng cũng như giúp thực khách có được trải nghiệm hài lòng và muốn quay trở lại.

Dưới đây là một số lưu ý cho nhân viên phục vụ nhà hàng trong việc tư vấn món ăn cho thực khách.

1. Thái độ nhã nhặn

Quy tắc cần tuân thủ khi tiếp cận khách hàng là hãy thể hiện thái độ vui vẻ chào hỏi trong vòng một phút sau khi khách ngồi vào chỗ. Chớ nên để khách chờ lâu vì ấn tượng đầu tiên rất quan trọng.

Đảm bảo rằng bạn là người dễ chịu, thân thiện, hữu ích và gọn gàng. Hãy mỉm cười, giao tiếp bằng mắt và cho họ biết tên của bạn, để trong những trường hợp cần thiết khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm bạn. Nước nên được mang đến bàn vào lúc này. Đây là cách tiếp cận hữu hiệu nhất trước khi bắt đầu tư vấn món ăn.

Thái độ cởi mở của nhân viên luôn là sợi dây kết nối với khách hàng

Dù là tư vấn món ăn hay tính tiền, hãy nở một nụ cười và thể hiện một phong thái dễ chịu. Khách hàng của bạn cần cảm thấy mình quan trọng và sự hiện diện của họ được ghi nhận.

Nếu khách hàng cảm thấy họ không quan trọng trong mắt bạn, họ sẽ chẳng ngại ngần trong việc tìm đến một nhà hàng khác. Gần như bạn sẽ không bao giờ biết mình đã vĩnh viễn mất một khách hàng như thế nào vì họ sẽ luôn lặng lẽ ra đi và không bao giờ quay trở lại.

Họ cũng sẽ nói với bạn bè và gia đình về trải nghiệm không tốt của mình và công việc kinh doanh của nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Xem thêm: 9 quy tắc ngầm dành cho nhân viên phục vụ nhà hàng

2. Đồ uống là ưu tiên

Nước không phải lúc nào cũng được phục vụ trong mọi nhà hàng. Vì thế hãy hỏi khách của bạn xem họ có muốn uống nước hay không.

Sau khi kiểm tra nhu cầu về đồ uống của khách, hãy chia sẻ thực đơn nước ngọt và đồ uống có cồn với khách cũng như bất kỳ loại trà nào mà nhà hàng bạn cung cấp. Yêu cầu đầu tiên này cần được thực hiện và phục vụ rất nhanh chóng.

Sau khi đồ uống được phục vụ, bạn có thể hỏi xem khách đã sẵn sàng gọi món chưa. Mẹo nhỏ để nhận ra điều này là hãy chú ý việc khách hàng đã đóng quyển thực đơn và đặt chúng xuống bàn.

Việc phục vụ đồ uống nhanh chóng cho khách hàng sẽ giúp họ có thể sử dụng ngay lập tức, có thêm sự kiên nhẫn trong thời gian chờ đợi nhà hàng lên đồ ăn chính.

3. Giải thích menu

Thường thì sẽ có khách vẫn đang đọc thực đơn khi bạn đến gần bàn để chuẩn bị nhận gọi món. Đây là thời điểm tốt để tư vấn.

Nếu bạn có những vị khách mới chưa từng đến nhà hàng trước đây, hãy cho họ thấy rằng bạn am tường thực đơn đến thế nào, khi biết rõ các món và đề nghị giúp khách chọn ra đồ ăn phù hợp, tránh được các món ăn mà khách có thể bị dị ứng, ngộ độc,… 

Việc giải thích menu sẽ giúp khách hàng dễ hiểu và gọi món nhanh chóng hơn

Hãy trả lời bất kỳ câu hỏi nào về thực đơn, cung cấp cho khách của bạn danh sách các nguyên liệu trong món ăn cũng như cách chế biến từng món trong thực đơn nếu họ yêu cầu.

4. Đưa ra gợi ý

Bạn sẽ thường xuyên gặp phải một khách hàng mới lần đầu đến nhà hàng, hoặc thực sự không chắc chắn về những gì họ muốn ăn vào ngày hôm đó. Công việc của bạn, với tư cách là người phục vụ, là giúp họ đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn.

Bạn sẽ cần xác định xem họ đang tìm kiếm một bữa ăn “nhẹ nhàng” hay đủ no để lấp đầy chiếc bụng đói. Với trường hợp đầu tiên, bạn có thể gợi ý một món súp, hoặc salad hay bánh mì.  

Một số khách hàng tinh ý sẽ hỏi về một món ăn và điều gì làm cho món ăn đó trở nên đặc biệt. Bằng cách biết chính xác cách chế biến và đặc trưng tạo nên món ăn đó, bạn sẽ tạo nên sự tò mò cho khách và họ sẽ gọi món dựa trên gợi ý của bạn.

Đối với một khách hàng mãi không thể quyết định được món, hãy chọn hai hoặc ba trong số những món được gọi nhiều nhất của nhà hàng để đưa ra đề xuất.

Hãy lựa chọn một thời điểm tốt cho việc tư vấn thực đơn với khách

Đối với đề xuất về các phần khác của bữa ăn, hãy luôn đề xuất món ăn nhẹ nhàng như salad hoặc rau để tăng thêm giá trị dinh dưỡng. Khi bàn của khách đã có một bữa ăn đầy ắp thịt và yêu cầu gợi ý về món tráng miệng, bạn nên đề xuất một món tráng miệng nhẹ hơn thay vì một chiếc bánh ngọt khổng lồ khiến cho khách “chỉ nghe thôi đã thấy ngấy”.

Bằng cách kết hợp khéo léo giữa sự am hiểu tâm lý và kỹ năng bán hàng, bạn sẽ có thể giúp khách cảm thấy bạn hữu ích với họ, thay vì thúc ép và cố gắng “dụ” khách phải trả nhiều tiền cho nhà hàng. Không bao giờ nhà hàng có lợi khi luôn đề xuất món đắt nhất trong thực đơn, khách hàng tinh ý sẽ nhận ra ngay và không còn tin tưởng vào gợi ý của bạn nữa.

Khi khách vừa gọi món gì đó, nhà bếp sẽ cần một chút thời gian để chuẩn bị. Đây là lúc rất thích hợp để đưa ra món khai vị hoặc súp, giúp khách không phải đợi lâu trước khi đồ ăn sẵn sàng. Bằng cách này, bạn có thể gợi ý khách gọi thêm đồ ăn không bị quá lố.

Hãy tận dụng cách đưa ra những lời tư vấn có tâm, để đảm bảo khách hàng của mình cảm thấy thoải mái và được phục vụ, đáp ứng mọi nhu cầu.

Mỗi nhà hàng có những quy định riêng về đổi món. Vì thế là nhân viên phục vụ bạn cần biết rõ các quy định của nhà hàng trước khi hứa hẹn điều gì đó với khách hàng. Nếu bạn không biết, hãy hỏi lại trước khi thực hiện lời hứa. Tránh tình trạng khách hàng sẽ khó chịu nếu bạn đồng ý đổi món nhưng sau đó lại nói không.

5. Tư vấn tinh tế

Khi bạn làm việc trong nhà hàng, bạn sẽ phát hiện ra rằng có một số khách hàng biết chính xác những gì họ muốn ăn, bất chấp mọi nỗ lực tư vấn, họ sẽ chỉ gọi món họ muốn và sẽ không bị thuyết phục bởi bất cứ thứ gì khác. Thực ra đó là điều tốt, khi khách hàng hiểu rõ họ muốn gì, bạn sẽ không mất công, mất thời gian tư vấn, chăm sóc khách nhiều.

Còn với khách hàng không chắc chắn thì khó hơn một chút. Bằng cách tìm hiểu tại sao khách hàng loay hoay về những gì họ muốn gọi, sau đó bạn có thể đưa ra các đề xuất phù hợp.

Một số khách hàng chưa biết nhiều về nhà hàng và thực đơn. Trong trường hợp này, bạn cần đặt câu hỏi và trả lời một cách am hiểu nhất có thể.

Một số người không đói lắm, nhưng đi theo cả nhóm đi ăn. Trong trường hợp này, bạn nên gợi ý súp, salad hoặc một món khai vị hơn là gọi khẩu phần ăn lớn. Khách của bạn sẽ đánh giá cao sự khéo léo và sẽ hài lòng vì họ sẽ không phải ngồi nghịch điện thoại nhìn bạn bè ăn.

Ở tình huống khác, khách hàng có ngân sách hạn chế nhưng thực đơn của bạn có phần đắt đỏ. Bạn có thể tư vấn các món ăn có giá tiền trung bình trong thực đơn trước, hoặc có thể gợi ý khách hàng gọi theo một phần nhỏ hơn, để phù hợp với nhu cầu ngân sách của họ.

Bạn thậm chí có thể đề xuất một món ngoài thực đơn có giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu của khách. Bằng cách thể hiện sự cởi mở cũng như khéo léo, bạn đưa ra những đề xuất khiến khách hàng cảm thấy đặc biệt và quan trọng, thay vì thấy bản thân tự ti và không được chào đón.

Hỏi cụ thể liệu khách có muốn món gì bằng tên cụ thể, thay vì hỏi một câu hỏi chung chung hơn như: “Quý khách có muốn món gì khác không?”. Điều này thường gặp phải một câu trả lời không như mong muốn và khách sẽ kết thúc nhu cầu gọi món. Bạn giữ giao dịch mở càng lâu, nhà hàng sẽ bán được nhiều đồ ăn hơn.

Hãy thể hiện óc quan sát tinh tế bằng cách xác định từng kiểu thực khách và dạng đồ ăn mà họ hướng đến. Chẳng hạn như: Tư vấn món ăn mềm, dễ tiêu hóa cho người lớn tuổi, các món súp, mì cho trẻ em, những món ăn tốt cho sức khỏe với phụ nữ.

Tư vấn có tâm là điểm cộng rất lớn cho nhà hàng của bạn

Với nhóm khách hàng đi theo nhóm đông, hãy tư vấn món ăn phù hợp dành cho bàn số lượng lớn và giao tiếp với người đại diện của bàn tiệc, thay vì nói chung cho cả bàn nghe, khiến tư vấn trở nên không hiệu quả.

Điều quan trọng hơn cả, hãy hỏi khách về các món ăn hay thành phần nguyên liệu dễ gây dị ứng để có cách tư vấn phù hợp. Trước khi chốt xong món ăn, nhân viên phải luôn xác nhận lại với khách mọi thông tin, bao gồm số lượng món ăn, đồ uống, yêu cầu đặc biệt. Tuyệt đối tránh để xảy ra sai sót, nhầm lẫn.

Xem thêm: 5 nguyên tắc khi phục vụ rượu mạnh trong nhà hàng

 6. Lời kết

Trên đây là 5 lưu ý quan trọng cho bạn khi tư vấn món ăn trong nhà hàng, giúp bạn trở thành một nhân viên phục vụ tinh tế, khéo léo, đáng tin cậy cho mọi khách hàng. Hãy ghi nhớ những điều trên và thực hiện nó mỗi ngày, để tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng của bạn nhé. Chúc bạn thành công!

Bạn có thể tham khảo thêm:

Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay

Tại sao nên sử dụng menu điện tử trong nhà hàng, quán cafe?

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất