Buy Now

Tìm kiếm

5 bí quyết để thành công với nghề bếp dành cho các đầu bếp trẻ

  • Chia sẻ cái này:
5 bí quyết để thành công với nghề bếp dành cho các đầu bếp trẻ

Tin tức mới

5 bí quyết để thành công với nghề bếp dành cho các đầu bếp trẻ

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Nghề bếp là một ngành nghề hấp dẫn với nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, mỗi người sẽ phải mất từ 3-5 năm để thành thạo các kỹ năng trong nghề, tích lũy kinh nghiệm, sáng tạo các công thức đặc trưng và tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp. 

Nhiều đầu bếp trẻ vẫn đang đặt câu hỏi: “Có bí quyết gì để thành công trong nghề bếp hay không?” Vậy hãy theo dõi bài viết dưới đây để nghe iPOS.vn “bật mí” bí quyết là gì nhé!

1. Nghề bếp là gì?

Nghề bếp, hay nghề đầu bếp là nghề chỉ những người làm công việc nấu nướng (chef) hoặc phục vụ nấu nướng tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cơ sở kinh doanh ăn uống,… Ở Việt Nam, người làm nghề bếp bình thường không nhất thiết phải có chứng chỉ đào tạo của các khóa học đầu bếp, hoặc tốt nghiệp các trường dạy nghề đầu bếp; tuy nhiên với những nhà hàng, khách sạn cao cấp thì lại đòi hỏi đầu bếp cần có chứng chỉ này. 

Với thị trường F&B sôi động và giàu tiềm năng như Việt Nam hiện nay thì nghề bếp rất có triển vọng bởi số lượng các quán ăn, nhà hàng đang “mọc” lên nhanh chóng. Nếu làm việc ở môi trường phổ thông thì mức lương của đầu bếp sẽ rơi vào tầm từ 10-15 triệu, càng làm trong môi trường cao cấp và kỷ luật hơn thì mức lương sẽ tăng lên nhiều hơn. Nhìn chung, mức lương đầu bếp ở Việt Nam không thuộc dạng quá cao nhưng cũng không quá thấp, vừa tầm với khối lượng công việc.

Nghề bếp đang là một nghề khá hấp dẫn trong mắt các bạn trẻ

2. Một số bí quyết giúp các đầu bếp trẻ thành công trong nghề

2.1. Tôn trọng kỷ luật khi làm việc

Bếp là một khu vực bận rộn và áp lực với hàng tá công việc không tên lẫn có tên chồng chất lên nhau, tuy nhiên không phải vì thế mà những người làm trong bếp có thể xao nhãng, vội vã hay làm việc kiểu lộn xộn, gấp gáp. Thực tế, khi bếp càng bận rộn bao nhiêu thì đầu bếp lại càng phải làm việc cẩn thận, kỷ luật bấy nhiêu. 

Bởi vì chỉ có làm việc theo đúng quy trình và kỷ luật mới có thể đảm bảo hoàn thành công việc đạt chuẩn, tiết kiệm thời gian không phải kiểm tra hoặc nấu lại nếu món không ngon. Đồng thời tôn trọng kỷ luật còn giúp đầu bếp giải quyết công việc một cách tuần tự, khoa học, không bị rối loạn những lúc có quá nhiều việc.

Ngoài những quy định chung về an toàn, vệ sinh, các bước chế biến,… mỗi bếp lại có những quy định riêng và yêu cầu các đầu bếp phải tuân thủ tuyệt đối từ nề nếp cho đến cách giao tiếp trong công việc. Mọi khâu từ việc lấy thực phẩm, sơ chế thực phẩm, chế biến, trang trí, ra món,… đều cần phải được làm gọn gàng, chính xác, đảm bảo nguyên tắc vệ sinh an toàn trước tiên rồi mới đến chất lượng có ngon hay không. 

Việc tuân thủ kỷ luật giúp các đầu bếp hoàn thành công việc nhanh gọn, chính xác hơn

Khi nấu ăn, các món phải được nấu theo đúng công thức, cho đúng thứ tự nguyên liệu, đúng khối lượng mỗi nguyên liệu hoặc gia vị,… thì mới có thể cho ra mùi vị chuẩn nhất. Khi nấu ăn xong, đầu bếp cần tự giác dọn dẹp khu bếp của mình, tránh việc vẫn bày bừa sẽ ảnh hưởng đến những người khác và ảnh hưởng tới quá trình nấu món tiếp theo.

Vì trong bếp lúc nào cũng bận rộn, không gian toàn mùi dầu mỡ và xào nấu rất ồn nên mỗi khi muốn giao tiếp, đầu bếp phải nói to, rõ ràng, ngắn gọn nhưng đủ ý. Nhiều bếp còn đặt ra các ký hiệu, ám hiệu riêng để sử dụng cho nhanh, tránh việc mỗi khi phát sinh thêm món thì phải trình bày, phân công dài dòng.

Xem thêm: Top 9 cách làm giàu ở nông thôn “vốn ít lời nhiều” trong 5 năm tới

2.2. Luôn chú ý tới thời gian

Trong các khung giờ cao điểm, đông khách, mỗi món chỉ có thời gian chế biến khoảng 15-20 phút để khách không chờ đợi quá lâu mà bực mình. Điều này đã tạo nên một áp lực rất lớn cho các đầu bếp, khiến họ trở nên cáu bẳn, vội vã, gấp gáp và phải tập trung hết sức để nhanh hoàn thành món cho phục vụ còn bê lên. 

Muốn làm món xong nhanh chóng và đúng hương vị để không bị bắt làm lại, người đầu bếp buộc phải có đủ các kỹ năng chế biến, căn chuẩn thời gian, sắp xếp thứ tự làm việc, tuân thủ đúng quy định và quan trọng nhất là tốc độ xử lý nguyên vật liệu. 

Tốc độ chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc người đầu bếp có hoàn thành món ăn ngon dưới áp lực thời gian hay không. Muốn tốc độ làm việc nhanh, đầu bếp cần phải tác phong nhanh nhẹn, các kỹ năng đạt tới mức giỏi – xuất sắc, di chuyển và thao tác khéo léo, phối hợp nhịp nhàng cùng các phụ bếp. 

Việc lóng ngóng, phải lần mò từng chút một để xử lý nguyên liệu, chậm chạp, không giao tiếp được với xung quanh,… đều có thể kéo tốc độ làm việc của đầu bếp xuống, đồng nghĩa với việc tốc độ lên món cũng chậm hơn, khách hàng sẽ phàn nàn vì phải chờ quá lâu. 

Đầu bếp cần phải chú ý kỹ tới thời gian để lên món kịp cho khách

Những đầu bếp lâu năm, giàu kinh nghiệm có thể áng chừng thời gian làm món gần như chính xác; trong thời gian đợi món này họ có thể vừa trông chừng vừa làm thêm một số việc khác (chuẩn bị nguyên liệu cho món tiếp, dọn dẹp dao thớt,…). Những đầu bếp mới vào, ít kinh nghiệm thường sẽ gặp khó khăn khi áng thời gian như vậy, cho nên cần rèn luyện, học hỏi kỹ năng này để tăng tốc độ chế biến hơn.

2.3. Chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm

Không phải bất kỳ ai cứ tốt nghiệp hoặc hoàn thành những khóa đào tạo nghề bếp ra là có thể đứng bếp một mình. Tương tự với các ngành nghề khác, lộ trình nghề bếp luôn phải bắt đầu từ những vị trí thấp nhất như thực tập, phụ bếp,… phải thuần thục và rèn luyện kể cả trong những việc nhỏ nhất như: rửa dao thớt sao cho nhanh, bóc hành tỏi thế nào cho đẹp và tiết kiệm thời gian, bí quyết trang trí món ăn hấp dẫn hơn,…

Đây đều là những kinh nghiệm mà không phải trường lớp nào cũng sẽ dạy, chỉ có thể tích lũy qua quá trình học tập và làm nghề, vậy nên các đầu bếp mới đi làm cũng nên chú ý, tích cực học hỏi từ những người xung quanh.

Kinh nghiệm truyền đạt lại của những tiền bối trong bếp sẽ giúp đầu bếp trẻ hiểu biết thêm về nghề

Hơn nữa, nếu muốn trở thành một đầu bếp giỏi thì có kỹ năng làm nghề thôi chưa đủ, đầu bếp còn phải rất nhanh nhạy, khám phá và bắt được các xu hướng thị trường mới lạ, những phong cách ẩm thực độc đáo đang “làm mưa làm gió” để đưa vào biến hóa thành công thức của riêng mình. Một lưu ý khác là việc có kiến thức về dinh dưỡng, phối kết hợp các chất trong thực phẩm cũng là điều không thể thiếu giúp các đầu bếp thêm hoàn thiện tay nghề.

Ngoài ra, các đầu bếp muốn nâng cao trình độ thì ngoài học tập, đọc các tài liệu sách báo, theo dõi các chương trình ẩm thực,… thì còn có thể tham gia các cuộc thi nấu nướng hoặc dự những buổi workshop, hội thảo đầu bếp. Thông qua đó có thể mở rộng thêm vốn hiểu biết và kỹ năng của mình.

2.4. Hòa nhập với tập thể

Khi làm việc trong bếp, người đầu bếp không thể chỉ làm việc một mình mà còn phải kết nối, phối hợp với những người xung quanh như phụ bếp, bếp trưởng,… và cả với đội ngũ nhân viên ở bên ngoài. Vậy nên ngoài các kỹ năng chuyên môn về việc nấu nướng, chế biến thực phẩm,… người đầu bếp cần có kỹ năng mềm khác là kỹ năng teamwork, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề. 

Trong một tập thể, chỉ cần một mắt xích có vấn đề, không thể kết nối và phối hợp với những người khác thôi là có thể khiến cả quy trình làm việc bị đứt gãy, tạo nên lỗi khi phục vụ khách hàng. Lỗi nhỏ thì khách hàng dễ tính có thể bỏ qua, nhưng lỗi lớn thì sẽ làm khách hàng bực mình và có ấn tượng không tốt về nhà hàng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận. Vì thế, mối quan hệ hòa hợp của đội ngũ đầu bếp là điều rất quan trọng mà nhà hàng nào cũng cần phải đề cao.

Nghề bếp là công việc yêu cầu teamwork nhiều, vậy nên người đầu bếp cần biết cách phối hợp làm việc với các bộ phận khác

2.5. Biết hạ cái “tôi” xuống và lắng nghe mọi người

Người làm đầu bếp thường có cá tính rất mạnh cùng cái “tôi” cao, tuy nhiên có nhiều lúc cái “tôi” sẽ làm ảnh hưởng tới việc teamwork của các đầu bếp khi làm việc. Thực tế, khi ở trong bếp, đầu bếp giỏi nhất không phải là người có kỹ năng tốt nhất mà là người vừa có kỹ năng tốt, vừa biết hài hòa điều phối công việc và kết hợp với mọi người, không để cái “tôi” cá nhân lấn át tập thể. 

Không cần biết trước đó mỗi đầu bếp từng có thành tích gì, đã làm tới vị trí nào, kỹ năng thượng thừa ra sao, kinh nghiệm dày dặn thế nào nhưng khi đã đặt mình vào trong một tập thể thì cần phải dung hòa giữa cái “tôi” và tập thể, nghe theo lời phân công và quản lý của bếp trưởng. 

Không tự cao, không tự ái, biết lắng nghe góp ý đều là những phẩm chất người làm bếp cần có

Có nhiều đầu bếp còn quá tự tin vào năng lực của mình, rất ý khi nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp hoặc khách hàng mà cứ khăng khăng muốn nấu theo ý của mình. Nếu cứ không biết tiếp thu đóng góp, bảo thủ giữ quan điểm như vậy thì đầu bếp đó rất khó để làm việc hòa hợp trong một tập thể cần sự đoàn kết và đồng đều như trong bếp.

Xem thêm: 6 thủ thuật thao túng tâm lý khách hàng giúp gia tăng doanh thu nhà hàng, quán cafe

3. Kết luận

Để trụ lại với nghề bếp thì các đầu bếp trẻ không chỉ cần chuyên môn hoặc tình yêu nghề là đủ. Bên cạnh đó, mỗi đầu bếp phải trau dồi thêm những kỹ năng mềm, không ngừng cải thiện kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để nâng cao tay nghề. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search
Search

bài viết mới nhất