Mỗi thế hệ đều sẽ mang trong mình những đặc điểm, sở thích và xu hướng riêng. Thế hệ Gen Z được định nghĩa là nhóm nhân khẩu học nằm giữa hai thế hệ Millennials và thế hệ Alpha, họ thường sinh từ năm 1997 đến 2012, và có lẽ đây chính là nhóm tiêu dùng có phần sáng suốt hơn xuất hiện trong những thập kỷ gần đây. Gen Z được cho là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cũng như các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ, vì vậy họ cũng có cơ hội nắm rõ các xu hướng mới trên toàn cầu – bao gồm cả xu hướng trong lĩnh vực F&B. Theo đó, nhóm Gen Z đã chứng minh được khẩu vị thích trải nghiệm của mình hơn so với các thế hệ đi trước.
[crp]
Ngày càng có nhiều cửa hàng cà phê, nhà hàng ăn uống, và cả quán bar nhắm đến đối tượng là các khách hàng trẻ tuổi, họ đã dành rất nhiều thời gian và công sức để giải mã cũng như tìm cách đáp ứng thói quen ăn uống của thế hệ Gen Z. Đến hiện tại, những thành viên đầu tiên của thế hệ Gen Z giờ đây đều đã đủ tuổi để được hợp pháp uống rượu, và những ai kinh doanh trong ngành F&B cũng đã bắt đầu xem xét đến thói quen tiêu dùng của nhóm khách hàng này. Thế hệ Gen Z ngày nay đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, họ biết cách tận hưởng và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm – dịch vụ có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn đó. Nếu như các thế hệ trước có xu hướng lựa chọn đồ uống thủ công (craft beverage) và thường đắn đo trước các đồ uống đắt tiền, thì điều này lại ít xảy ra với thế hệ Gen Z hơn.
Bên cạnh đó, sức khoẻ cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua của thế hệ Gen Z. Nếu như thế hệ Gen X và thế hệ Millennials họ thường chú ý cắt giảm calo hoặc carbs, thì thế hệ Gen Z sẽ chú ý đến việc sử dụng các thành phần có lợi cho sức khỏe. Tác giả của cuốn sách Zero Proof Cocktails: A collection of 90 Non-Alcoholic Recipes for Mindful Drinking (Tạm dịch: Bộ sưu tập 90 công thức pha chế thức uống không cồn để thưởng thức có trách nhiệm) – Elva Ramirez đã cho rằng thế hệ Gen Z được sớm tiếp xúc với các chế độ ăn kiêng lành mạnh, như Keto, ăn chay hoặc thuần chay để rèn luyện ý thức bảo vệ sức khoẻ.
Từ chính thói quen này đã dần hình thành nên xu hướng Sober Curious (Tạm dịch: Sự tò mò tỉnh táo) trong thế hệ Gen Z. Sober Curious được dùng để mô tả một người nhận ra những tác hại không mong muốn (dù hoàn toàn có thể tránh được) từ thói quen rượu bia của mình và luôn muốn cố gắng thay đổi hoặc thậm chí là từ bỏ vì lý do sức khỏe hoặc tinh thần. Hiện nay, Sober Curious đã phát triển thành xu hướng toàn cầu với thông điệp kêu gọi mọi người điều chỉnh thói quen rượu bia của mình và duy trì lối sống lành mạnh. Và Warrington – một nhà văn người Anh là người đã lập nên thuật ngữ này, cũng là nhân vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới trong chiến dịch kêu gọi mọi người sober curious.
Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp F&B, nhà hàng, quán bar bắt đầu tìm cách đổi mới như phục vụ thức uống không cồn, dùng mocktail thay cho cocktail,… để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng trong phân khúc Gen Z. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bia lớn tại châu Âu và Hoa Kỳ cam kết sẽ sản xuất ít nhất 20% các sản phẩm thuộc danh mục bia không cồn vào năm 2025. Do đó, các thức uống không cồn được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai để đáp ứng nhu cầu của những người theo xu hướng Sober Curious.
Dù còn trẻ nhưng Gen Z đã thể hiện rõ nét được sự sành điệu trong thói quen và sở thích ăn uống của mình. Họ đánh giá cao các món ăn hoặc thức uống được thực hiện thủ công và có sự chau chuốt trong quá trình chuẩn bị. Devin Kennedy – chủ của một quán bar tại California chia sẻ “Thế hệ mới này khi thưởng thức đồ uống rất quan tâm đến trải nghiệm pha chế. Do sự phát triển của phương tiện truyền thông và sự sáng tạo không ngừng từ những người dùng mạng xã hội đã khiến họ chú ý nhiều hơn đến vẻ ngoài trực quan của đồ uống – mà ở đây chính là các kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp, kiểu dáng của ly cốc, thành phần nguyên liệu cùng nhiều yếu tố khác. Điều này hoàn toàn trái ngược với sở thích của những thế hệ trước khi họ có xu hướng lựa chọn những gì đã được kiểm nghiệm qua hoặc mang tính cổ điển.”
Có thể nói, thế hệ Gen Z không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt đến nội dung mà còn rất chú ý đến cả phần hình ảnh. Các khách hàng thuộc Gen Z luôn muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình trên mạng xã hội thông qua những tấm ảnh lung linh đẹp đẽ. Chính nhờ điều đã thúc đẩy các Bartender – những nhân viên pha chế rượu phải liên tục làm mới mình, trau dồi kỹ năng và tay nghề pha chế để làm ra được những món thức uống hấp dẫn, ngon miệng, hợp khẩu vị mà cũng phải có vẻ ngoài bắt mắt và đầy tính thẩm mỹ.
Các quán bar, nhà hàng nếu thành công giành chiến thắng trên mặt trận này, đây chắc chắn sẽ là một lợi thế rất lớn để tận dụng như một phương thức quảng bá cho công việc kinh doanh của mình. Với mỗi bài chia sẻ của Gen Z có thể được xem như một lần nhận được sự quảng bá miễn phí trên các nền tảng mạng xã hội, qua đó thu hút thêm nhiều khách hàng mới tìm đến để thưởng thức đồ uống và cả chất lượng dịch vụ được giới thiệu trong bài viết. Elva Ramirez chia sẻ dù thức uống không cồn trở thành xu hướng thì “Mọi người vẫn rất yêu thích các quán bar, Bartender cùng những món thức uống đẹp đẽ, và sẽ luôn như thế. Khách hàng sẽ thể hiện sự trân trọng công sức mọi người chuẩn bị thức uống bằng cách chia sẻ trải nghiệm thức uống với bạn bè của mình.”
Xu hướng này không phải chỉ xuất hiện gần đây nhưng tại Việt Nam vẫn chưa thật sự phổ biến. Đặc biệt là dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã khiến ngành đồ uống có cồn rơi vào cảnh lao đao, khi thương hiệu bia thuần Việt Sabeco đã công bố doanh thu của mình trong quý I/2020 giảm sâu nhất từ trước đến nay với mức 47.4% so với cùng kỳ năm 2019. Và dựa trên số liệu thống kê từ Vietnam Report, cho biết xu hướng sử dụng thức uống tại Việt Nam có nhiều biến động với lượng người tiêu dùng cắt giảm chi phí cho đồ uống có cồn lên đến 63.7%. Theo đó, ngành F&B tại Việt Nam cũng nên nhanh chóng bắt kịp xu hướng này, và trong tình hình cả nước đang dần trở lại thời kỳ bình thường mới sẽ là thời điểm thích hợp để các quán bar tận dụng cơ hội để làm mới mình.