Ngày nay, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp các câu chuyện về những người phụ nữ phá bỏ rào cản giới tính trong nghề của mình, thế nhưng, nếu tua ngược về những năm 1980 thì đây lại không phải chuyện phổ biến, nhất là với những ngành nghề đặc thù thường dành cho nam giới nhiều hơn như đầu bếp hay bartender. Cho đến khi có sự xuất hiện Shatbhi Basu – nữ bartender đầu tiên ở Ấn Độ, và sau tất cả, bà cho rằng những ai muốn bước chân vào thế giới bartender nên đến vì thật sự đam mê với nghề, thay vì nỗ lực chứng tỏ quan điểm về giới tính.
[crp]
“Cách bạn làm việc, cách bạn sử dụng ngôn ngữ cơ thể mình, cách bạn kiểm soát bản thân, và cách bạn quản lý cũng như thể hiện sự tự tin trong những việc mình làm, tất cả đều cần nhận được sự tôn trọng. Đây chính là lời khuyên tôi muốn gửi đến phái nữ muốn theo nghề bartender này.” – Shatbhi Basu trả lời với HuffPost India.
Ở tuổi 21, Shatbhi muốn trở thành một đầu bếp ẩm thực Trung Quốc.
“Thế nhưng các đầu bếp chuyên nghiệp lại không thật sự hài lòng với việc có phụ nữ “xâm chiếm lãnh địa” của mình. Vậy nên sau đó tôi cũng không còn duy trì công việc trong bếp nhà hàng nữa.”
Shatbhi vốn không biết nhiều về pha chế, mà bản thân bà cũng không nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những người trong nghề, do họ không muốn chia sẻ những kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình với người khác.
“Tất cả những điều đó là thách thức với tôi, và tôi không thích bị dồn vào chân tường. Thực tế thì cũng có một số vấn đề trong ngành F&B mà tôi không hiểu rõ lắm, vậy nên với bất kỳ ai sẵn sàng giải thích hoặc giới thiệu để tôi có thể hiểu sâu thêm không chỉ về cocktail, mà còn là về cả thế giới đồ uống, tôi đều sẽ trân trọng như người bạn thân mới của mình. Nhờ đó mà tôi nhận ra rằng, nếu muốn thành thục trong những việc mình làm thì nhất định phải đào sâu từ những thứ cơ bản nhất trong đại dương bao la này.”
Trước khi bước vào “cuộc cách mạng” tự do hóa, thì tại Ấn Độ không có nhiều quán bar và nghề pha chế cũng không phát triển như ngày nay, do nguồn lực còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, Shatbhi đã phải đối diện với nhiều khó khăn và nỗ lực tuyệt đối với tất cả những gì mình có tiến gần đến mục tiêu.
“Dry Martini đầu tiên tôi pha chế không có rượu Vermouth, Pina Colada sans Malibu cũng không có nước cốt dừa, và Black Russian được pha chế bằng rượu mùi cà phê tự làm.”
Bỏ qua những thắc mắc làm thế nào để Shatbhi có thể đưa ra quyết định nghề nghiệp phù hợp hơn, một thời gian sau bà cũng nhận được cơ hội làm việc tuyệt vời tại nhà hàng Chopsticks ở Mumbai. Tại đây, Shatbhi thậm chí còn được phép đưa món thức uống do tự mình sáng tạo vào thực đơn.
“Drunken Archer là món cocktail đầu tiên của tôi với các bước pha chế rất đơn giản nhưng chứa đầy sự tinh tế, một ly Martini đào với hai hạt hạnh nhân trên đó. Và cho đến hiện tại, tôi đã phục vụ rất nhiều biến thể của món cocktail này mà vẫn được mọi người yêu thích hệt như lần đầu tiên tôi làm ra nó.”
Sau khi trở thành Bartender, mục tiêu tiếp theo của Shatbhi là thành lập học viện pha chế của riêng mình, tuy nhiên, bà lại gặp phải vấn đề thiếu hụt ngân sách. Chính vì thế vào năm 1997, Shatbhi đã thành lập STIR, một hội nghị hàng năm dành cho những người đến từ ngành F&B, mở ra cơ hội cho mọi người cùng giao lưu và so tài với nhau.
Đến năm 1999, Shatbhi thực hiện được ước mơ mở học viện pha chế, đồng thời, cũng tự mình trở thành giảng viên.
“Chúng tôi tư vấn và đưa ra định hướng cho các bạn trẻ muốn theo nghề pha chế. Sau đó, tổ chức một khóa học chuyên sâu để các học viên có thể tìm hiểu mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động trong quán bar từ lịch sử, sự xuất hiện của đồ uống có cồn, quá trình pha chế chúng, cho đến các bước phục vụ cũng như làm thế nào để giới thiệu chúng một cách chính xác nhất.”
Shatbhi đa tài còn tham gia vào việc thiết kế kiến trúc cho rất nhiều quán bar, trong đó có cả chuỗi Harry’s Bar & Cafe nổi tiếng, ngoài ra bà còn thiết kế các quán bar ở Singapore, Mumbai, Lima và New York.
“Các quán bar ở Ấn Độ vẫn chưa có đủ không gian phát triển cho các mixologist, thêm vào đó khu vực làm việc của quầy bar cũng phải đảm bảo có đủ chức năng và hoạt động hiệu quả. Về mặt thẩm mỹ, tôi thích sử dụng toàn bộ nội thất đều bằng thép không gỉ nhằm giữ cho dây chuyền luôn sạch sẽ và dễ vệ sinh. Ngoài ra, mỗi quầy bar được đo lường cẩn trọng cho số lượng Bartender phù hợp để làm việc cùng lúc mà không cản trở nhau. ”
Giờ đây, Shatbhi rất tự hào về việc ngày càng có nhiều phái nữ bước chân vào nghề pha chế, cũng như bản thân nghề này đã tiến xa như thế nào ở Ấn Độ.
“Cho đến hiện tại thì tôi cảm thấy chúng tôi đã hoạt động bình đẳng với nhau, phái nữ tìm được vị trí ngang bằng với phần còn lại của thế giới. Bartender chúng tôi có tay nghề tốt, sự năng động và cả niềm đam mê. Tất cả những gì họ cần chỉ là có được định hướng đúng đắn và hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, đồng thời cũng sẽ có rất nhiều đứa trẻ bước chân vào nghề này do bị thu hút bởi sự hào nhoáng bên ngoài.” Bên cạnh đó, “Pha chế là sự kết hợp kỳ diệu giữa nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật. Là một bartender, bạn xứng đáng được hưởng những quyền nên có của mình. Một cá nhân riêng biệt. Chứ không phải là bất kỳ phần nhỏ nào trong đám đông.”
Shatbhi hy vọng mình có thể trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả những ai trên thế giới muốn theo đuổi giấc mơ của mình, ngay cả khi đó là một lĩnh vực không tưởng đi nữa.