Buy Now

Tìm kiếm

Những Thách Thức Phải Đối Mặt Khi Lựa Chọn Nghề Bếp

  • Chia sẻ cái này:
Những Thách Thức Phải Đối Mặt Khi Lựa Chọn Nghề Bếp

Sự phát triển nhanh chóng của ngành F&B với hàng loạt sự xuất hiện của các nhà hàng mới đã đưa nhu cầu tuyển dụng đầu bếp không ngừng tăng cao,theo đó tạo điều kiện nghề nghiệp hấp dẫn với rất nhiều người. Tuy nhiên, để trở thành đầu bếp không chỉ cần nấu ăn ngon hay có kiến thức về ẩm thực là đủ, mà còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác như kinh nghiệm, kỹ năng, và thậm chí là cả sức chịu đựng. Bất kỳ ngành nghề nào cũng đều sẽ có những thách thức và khó khăn riêng mà chỉ những người theo nghề mới có thể hiểu được, nghề Bếp cũng vậy. Nếu bạn đang có mong muốn và định hướng sẽ trở thành một đầu bếp, bên cạnh những kiến thức hay kỹ năng cần thiết, hãy trang bị cho mình cả về tinh thần để có thể kiên trì với nghề lâu dài. 

[crp]

Luôn đòi hỏi phải có sức khỏe và tinh thần tốt

Trở thành một đầu bếp sẽ yêu cầu bạn phải liên tục đứng và di chuyển không ngừng trong ít nhất 8 giờ làm việc. Bởi khối lượng công việc trong nhà bếp rất dày đặc, không chỉ phải đứng bếp để nấu nướng mà còn bao gồm cả việc dọn dẹp khu vực bếp, mang vác và bưng bê các vật dụng nặng như túi nguyên liệu hay nồi thức ăn lớn có thể lên đến chục ký. Bên cạnh đó, việc phải tiếp xúc với không khí có chứa nhiều khí dầu hóa lỏng, khỏi bếp và dầu ăn nóng, đặc biệt là với các món chiên rán trong nhiệt độ cao (trên 100 độ) sẽ làm sản sinh nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của các đầu bếp. 

Ngoài ra, làm bếp cũng rất dễ gặp tai nạn nghề nghiệp do thường xuyên phải tiếp xúc với những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như bếp núc, bình gas, dao kéo, hay khói lửa,…  bắt buộc mọi nhân viên bếp đều phải cẩn thận đến mức tối đa. Nhất là vào thời gian cao điểm khi cường độ công việc được đẩy lên cao nhất, sự tất bật để có thể kịp phục vụ cho khách hàng cũng là nguyên do khiến các đầu bếp giảm sự chú ý đến các điều kiện an toàn, tạo sức ép lên cơ thể và dễ khiến bản thân bị thương hơn cả. Do đó, rèn luyện thể lực và chuẩn bị một tinh thần tốt cũng là điều kiện cần rất quan trọng để trở thành đầu bếp.

Những Thách Thức Phải Đối Mặt Khi Lựa Chọn Nghề Bếp
Trở thành Đầu bếp là một quá trình đòi hỏi phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức (Nguồn: Internet)

Công việc ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân

Đối với các quán ăn, nhà hàng và khách sạn, thời gian cao điểm thường bắt đầu vào mỗi buổi tối và đặc biệt là những ngày cuối tuần, như vậy bạn có thể sẽ phải bắt đầu ca làm việc từ sáng sớm và kết thúc khi tối muộn, thậm chí có những tuần hầu như không có ngày nghỉ nào, trừ khi nơi bạn làm việc có số lượng nhân viên đủ lớn để thay ca với nhau. Thời gian làm việc kéo dài kèm theo khối lượng công việc lớn đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chấp nhận không gian riêng tư và thời gian dành cho gia đình, bạn bè của mình có thể không được diễn ra như mong muốn, đồng thời các sở thích hay dự định cá nhân cũng sẽ bị hạn chế ít nhiều. Với những ngành nghề khác như làm việc văn phòng, họ có thể được nghỉ ngơi sau giờ làm việc, dành thời gian để vui chơi cùng gia đình, bạn bè vào mỗi cuối tuần, nhưng với nghề Bếp, ngay cả thời gian để chăm sóc bản thân đôi khi bạn cũng phải chia sẻ dành cho công việc. Có thể nói, bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều để trở thành một đầu bếp, vậy nên không phải ai cũng có đủ kiên trì để theo nghề đến cùng.

Làm việc trong nhà bếp luôn rất căng thẳng

Chỉ với hai điều trên cũng có thể thấy rằng căng thẳng là yếu tố luôn song hành cùng đầu bếp. Như đã nói, sự căng thẳng sẽ xuất phát từ thời gian làm việc kéo dài và khối lượng công việc nhiều, bên cạnh đó còn có cả sự căng thẳng đến từ đồng nghiệp khi mọi người đều phải chịu đựng áp lực như nhau. Điều này được thể hiện rõ nhất vào những lúc đông khách với hàng loạt đơn gọi món vẫn đang chờ phục vụ, buộc bạn phải sử dụng tối đa hiệu suất làm việc để có thể theo kịp tiến độ hoạt động của nhà hàng. Những lúc này đòi hỏi tất cả nhân viên bếp đều phải tập trung cao độ, bởi bất kỳ sự lóng ngóng và sơ suất nào cũng có thể ảnh hưởng đến dây chuyền vận hành trong bếp và cả đồng nghiệp của mình. Với những người có thể làm việc dưới điều kiện áp lực cao, kiểm soát tốt căng thẳng sẽ nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc trong nhà bếp hơn là những người dễ bị căng thẳng kiểm soát.

Không thể thiếu giấy chứng nhận nghề Bếp

Tuy rằng, hiện nay nghề bếp vẫn chưa có chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học, nhưng vẫn sẽ có các trung tâm đào tạo, trường dạy nghề sẽ cung cấp cho bạn các giấy chứng nhận cần thiết để bước chân vào nghề. Kinh nghiệm hiển nhiên rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó, các giấy chứng nhận sẽ giúp bạn tăng khả năng cạnh tranh cho mình khi ứng tuyển vào bất kỳ đâu, nhất là với những nhà hàng hoặc khách sạn cao cấp thì bằng cấp và giấy chứng nhận là yêu cầu bắt buộc phải có. Hơn thế nữa, việc theo học tại các trung tâm đào tạo sẽ giúp bạn tiếp cận rất nhiều kiến thức hữu ích mà đôi khi trong quá trình làm việc trước đây bạn chưa có cơ hội để trải nghiệm. Bởi các giảng viên tại đây đều là những đầu bếp chuyên nghiệp và các chuyên gia đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực, với mỗi người là mỗi thế giới kiến thức khác nhau, nhờ vậy mà bạn có thể phát triển thêm kỹ năng, mở rộng vốn hiểu biết của mình trở nên đa dạng hơn từ nhiều khía cạnh. Ngoài ra, giấy chứng nhận nghề Bếp hoặc bằng cấp có thể được xem như mục tiêu để bạn phấn đấu, có được khởi điểm tốt hơn thay vì phải chấp nhận vị trí phụ bếp hoặc chạy vặt như những người mới vào nghề khác, đồng thời mở ra cơ hội thăng tiến cao hơn. 

Những Thách Thức Phải Đối Mặt Khi Lựa Chọn Nghề Bếp
Giấy chứng nhận nghề Bếp cùng kinh nghiệm thực tiễn sẽ mở ra cơ hội thăng tiến cao hơn (Nguồn: Internet)

Mức lương khởi điểm có thể sẽ không tuyệt lắm

Hầu hết những người mới tiếp xúc với nghề bếp đều sẽ phải bắt đầu từ vị trí chạy vặt hoặc phụ bếp rồi sau đó mới được thăng tiến dần theo thời gian và hiệu quả làm việc. Với vị trí này, thông thường mức lương cao nhất cũng chỉ rơi vào khoảng 6 triệu đến 8 triệu nhưng thời gian và khối lượng làm việc vẫn tương đồng với các vị trí của nhân viên bếp chính. Nếu bạn là người tự lập, không sống cùng gia đình, với mức lương này trừ đi các khoản chi phí như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, học phí cho các chương trình đào tạo, tiền tiết kiệm cho các nhu cầu phát sinh,… gần như bạn không còn khoản dư nào để phục vụ cho các sở thích cá nhân của mình. Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu có hơi khó khăn như vậy, nhưng chỉ cần bạn có trong tay nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc, bạn sẽ có cơ hội thăng tiến và nhận được mức lương hấp dẫn hơn rất nhiều, phù hợp với vị trí công việc mà bạn xứng đáng. Do đó, nghề Bếp hoàn toàn không phải là một công việc “được ăn ngon lương cao” như mọi người vẫn nói, nhưng đây vẫn là một lựa chọn lý tưởng để phát triển sự nghiệp của bản thân cho những ai thật sự kiên trì và có ý chí cầu tiến.

Mỗi vị trí công việc đều sẽ mang đến trải nghiệm khác nhau

Có thể bạn sẽ phải bắt đầu từ vị trí chạy vặt hoặc phụ bếp thì vẫn đòi hỏi bạn phải có những kỹ năng cơ bản cần thiết để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Từ vị trí thấp nhất cho đến vị trí bếp chính mà bạn đã đặt mục tiêu, hay là đầu bếp trong một nhà hàng bình dân cho đến là đầu bếp trong một nhà hàng cao cấp, thì mỗi vị trí và môi trường làm việc như vậy đều sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau, thông qua mỗi trải nghiệm đó sẽ giúp bạn tích lũy thêm thật nhiều kinh nghiệm hữu ích cho quá trình làm nghề của mình. Không có công việc nào thấp kém hay lãng phí thời gian cả, sẽ có rất nhiều điều mà bạn học hỏi được dù chỉ là một chân chạy vặt trong nhà bếp. Vậy nên, tuy rằng sẽ có nhiều áp lực và vất vả, nhưng điều quan trọng là hãy luôn trân trọng để có thể nắm bắt từng cơ hội làm việc để đạt được mục tiêu mà bạn hướng đến. 

Cũng như những công việc khác, trở thành đầu bếp cũng phải trải qua nhiều thăng trầm và thử thách mà người ngoài ngành có thể không phải ai cũng hiểu được. Thời gian làm việc kéo dài, khối lượng công việc nhiều, áp lực tinh thần, mức lương khởi điểm thấp,… là tất cả những gì bạn sẽ phải đối mặt khi lựa chọn nghề Bếp. Có thể sẽ khiến bạn cảm thấy nản lòng, nhưng chỉ cần bạn có quyết tâm theo nghề, kiên trì học hỏi và không ngừng theo đuổi mục tiêu của mình thì ai cũng đều có cơ hội chạm đến thành công.