Có rất nhiều điều về Bartender sẽ khiến mọi người ngạc nhiên đấy. Bartender không chỉ là một công việc “chỉ cần trộn cái này cái kia rồi đổ vào cốc” thôi, mà thực tế thì phải tìm hiểu mới có thể biết được Bartender thật ra là một công việc vô cùng thú vị và cũng yêu cầu phải đáp ứng rất nhiều điều kiện để có thể đối mặt với mọi thử thách như bao ngành nghề khác.
[crp]
Nội dung chính
TogglePha chế đồ uống không đơn giản chỉ là kết hợp nguyên liệu
Đúng như cách gọi về Bartender là một nhân viên pha chế rượu, công việc hằng ngày của Bartender là làm sao có thể kết hợp các loại nguyên liệu với nhau để tạo thành một thứ thức uống hấp dẫn phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, để biết cách kết hợp các loại nguyên liệu lại không chỉ đơn giản là “bỏ cái này cái kia vào cốc rồi lắc đều lên” là được, mà còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kiến thức cần thiết. Bartender sẽ phải ghi nhớ tất tần tật mọi thứ liên quan đến thành phần nguyên liệu như nơi sản xuất, nồng độ, tính chất, hương vị, cách bảo quản và cả cách pha chế như thế nào để các nguyên liệu khác nhau nhưng khi kết hợp lại có thể hòa quyện cho ra hương vị thơm ngon và quyến rũ nên có của một ly cocktail.
Ngoài những kỹ thuật pha chế và các kiến thức về nguyên liệu, Bartender còn phải ghi nhớ và thành thục với hàng trăm công thức pha chế khác nhau. Đây cũng chính là lý do vì sao một trong các kỹ năng mềm quan trọng để trở thành Bartender là phải có một trí nhớ linh hoạt và nhạy bén. Bất kỳ sự sai sót nào trong công thức pha chế cũng đều có thể biến món cocktail đang thực hiện trở thành một món cocktail khác, hoặc tệ hơn nữa là làm hỏng cả ly cocktail và lãng phí nguyên liệu. Không cần trở thành Bartender mà chỉ cần có thể nấu ăn cũng sẽ biết được có rất nhiều loại thực phẩm được khuyến cáo không nên kết hợp cùng nhau, chẳng hạn như sữa không nên dùng chung với các loại trái cây có tính chua như cam, chanh vì protein trong sữa sẽ làm tăng lượng axit trong các loại trái cây này gây chướng bụng hoặc các vấn đề về tiêu hóa. Vì vậy, để có thể “bỏ cái này cái kia vào cốc rồi lắc đều lên” cũng đòi hỏi Bartender phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức trau dồi nền tảng kiến thức và kỹ năng của mình để có thể đem đến cho khách hàng những ly cocktail hấp dẫn và ngon miệng nhất.
Bartender là người biết lắng nghe
Bạn đã bao giờ nghe đến phép so sánh rằng Bartender giỏi giống như một nhà tâm lý học chưa? Không giống như nhân viên trong các quán cà phê hay nhà hàng chỉ tiếp xúc với khách khi phục vụ và xuất hiện khi khách có yêu cầu, các Bartender thường sẽ có nhiều không gian và cơ hội để trò chuyện cùng khách hàng của mình hơn. Từ thực tế cho thấy, có rất nhiều khách hàng tìm đến một quán bar nào đó chỉ vì họ cần một người để lắng nghe tâm sự của mình, và đôi khi nhờ vào những lần tâm sự đó mà khách hàng cùng Bartender cũng dần trở thành bạn thân thiết của nhau. Việc có thể trò chuyện cùng mọi người, lắng nghe câu chuyện và giúp họ giải tỏa cảm xúc của bản thân chính là một trong những giá trị tuyệt vời của công việc Bartender. Do đó, có thể nói Bartender nhìn chung đều là những người biết lắng nghe và tận dụng kỹ năng này của mình để chinh phục khách hàng.
Môi trường làm việc của Bartender rất đa dạng
Vị trí quen thuộc nhất để bạn có thể nhanh chóng tìm thấy các nhân viên pha chế rượu hiển nhiên là trong các quán bar. Tuy nhiên, thực tế thì môi trường làm việc của Bartender không chỉ giới hạn trong các quán bar hay nightclub mà còn có thể tìm được vị trí cho mình tại các nhà hàng, khách sạn, hay địa điểm tổ chức sự kiện, buổi hòa nhạc và thậm chí là trên du thuyền dành cho khách du lịch. Có thể nói, chỉ cần nơi nào có quầy bar đều sẽ có nhu cầu tuyển dụng Bartender. Cũng vì vậy mà Bartender có thể thoải mái hơn với các lựa chọn nghề nghiệp của mình, mở rộng cơ hội việc làm để tìm kiếm một môi trường phù hợp nhất với các điều kiện và nhu cầu của bản thân.
Chẳng hạn như nếu có nhu cầu làm việc vào ca sáng, Bartender có thể ứng tuyển vào nhà hàng, khách sạn, hoặc những bạn sinh viên mong muốn được làm vào ban đêm có thể ứng tuyển tại các quán bar, nightclub chủ yếu hoạt động về đêm. Thời gian làm việc linh hoạt như vậy sẽ cho phép các Bartender có thể sắp xếp và dành nhiều thời gian cho các kế hoạch cá nhân của mình, không để công việc ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư ngay cả khi Bartender là một công việc áp lực đi nữa.
Bartender không có hệ đào tạo chính quy tại bậc đại học
Quả đúng là như vậy, khi hiện nay tại Việt Nam, nghề nghiệp Bartender không có hệ chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học. Tuy nhiên, với những ai muốn theo đuổi công việc này vẫn có thể đăng ký khóa học tại các trung tâm đào tạo hoặc các trường dạy nghề. Tại đây, học viên sẽ được tiếp xúc với mọi kiến thức và kỹ năng cần thiết cũng như có cơ hội được thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của những Bartender chuyên nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Tùy thuộc vào chương trình đào tạo mà các khóa học có thời gian khác nhau, nhưng thông thường sẽ kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng, và sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ làm nghề tương ứng. Như vậy, với công việc của Bartender, bạn sẽ không cần phải mất quá nhiều thời gian lên đến 4 năm dài để “mòn đũng quần” tại giảng đường đại học mà vẫn được trang bị đầy đủ những gì cần thiết để bước vào nghề.
Như vậy, chỉ cần bỏ chịu thời gian tìm hiểu, bạn sẽ biết được Bartender thực chất cũng chứa đựng rất nhiều điều thú vị chứ không chỉ đơn giản là đứng sau quầy bar và trộn hết cái này đến cái khác. Và hơn hết, Bartender là cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời phù hợp với bất kỳ ai, đặc biệt là với các bạn trẻ vì môi trường làm việc của Bartender vô cùng năng động và thoải mái. Nếu bạn cũng có dự định trở thành Bartender, đừng ngần ngại tìm ngay cho mình một khóa học để bắt đầu tiếp cận gần hơn với công việc này nhé.