Pha chế cocktail là một công việc rất thú vị, bạn sẽ được đắm mình trong thế giới của vô vàn nguyên liệu, hòa cùng với hương thơm nồng đậm và quyến rũ từ rượu, cũng như trải nghiệm từng tầng hương vị đặc biệt của mỗi ly cocktail. Thế nhưng, tất cả những điều này sẽ nhanh chóng bị phá hỏng hoàn toàn nếu bạn vô tình, chẳng may, hoặc sơ sót làm sai một thao tác nào đó. Nếu bạn không thật sự tập trung và có tay nghề vững, thì sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy vô hình dễ mắc phải trong pha chế cocktail.
[crp]
Nội dung chính
ToggleDùng kỹ thuật lắc với các món cocktail khuấy
Lắc cocktail cùng các đường biểu diễn của kỹ thuật này có thể sẽ khiến chúng ta nhìn rất “bảnh tỏn” như thể các diễn viên tài tử điện ảnh vậy. Thế nhưng không phải loại cocktail nào cũng có thể áp dụng kỹ thuật lắc mà bạn phải biết cân nhắc tùy vào tính chất của nguyên liệu để lựa chọn kỹ thuật pha chế thích hợp. Theo nguyên tắc cơ bản, nếu một loại cocktail có thành phần là nước ép trái cây, bơ sữa hay lòng trắng trứng thì bạn có thể sử dụng kỹ thuật lắc. Chẳng hạn như với các món cocktail như Pisco Sour, Margarita, Mai Tai,… khi sử dụng kỹ thuật lắc cùng với đá sẽ giúp hòa trộn các thành phần một cách dứt khoát và hiệu quả để cho ra một món thức uống thơm ngon và dậy vị.
Cón với các loại cocktail có cùng tỉ lệ thành phần hoặc nguyên liệu chỉ toàn rượu mạnh như Manhattan, Martini, Negroni, Sazerac,… thì nên sử dụng kỹ thuật khuấy thay vì kỹ thuật lắc. Bởi kỹ thuật khuấy sẽ giúp nhấn mạnh hương vị, tạo thêm độ sâu cho rượu, cũng như giữ nguyên được vị cay nồng nàn vốn có của ly cocktail, trong khi ngược lại, kỹ thuật lắc sẽ làm giảm độ cồn trong rượu và loãng thức uống một cách nhanh chóng. Rõ ràng là sẽ chẳng ai muốn thưởng thức một ly rượu mạnh có vị hời hợt và nhạt nhẽo cả.
Khuấy cocktail quá nhanh hoặc quá mạnh
Áp dụng đúng kỹ thuật khi pha chế cocktail nhưng lại thực sai kỹ thuật thì cũng khiến mọi nỗ lực của bạn trở thành công cốc. Vốn dĩ, kỹ thuật khuấy là để hỗ trợ làm lạnh thức uống nhưng vẫn không bị loãng, làm mất vị nồng đậm vốn có của rượu, chính vì vậy, động tác khuấy đúng chuẩn phải được thực hiện nhẹ nhàng, tốc độ vừa phải và theo một chiều nhất định. Cách tốt nhất để khuấy cocktail sẽ cần đến một chiếc thìa dài, thanh và mảnh, sau đó bạn đặt thìa sao cho chạm đến đáy cốc, giữ thìa luôn thẳng đứng và khuấy theo chiều kim đồng hồ tối đa 30 vòng cho đến khi cảm thấy thức uống đủ lạnh để thưởng thức. Bạn không nên khuấy quá nhanh, quá mạnh hoặc quá lâu để tránh làm ảnh hưởng đến hương vị thức uống.
Ước lượng tỷ lệ thành phần bằng mắt
Điều này có thể sẽ mang đến cho bạn dáng vẻ đầy ngưỡng mộ đấy, thế nhưng chỉ thật sự hiệu quả với những Bartender chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm mà thôi. Nếu bạn không phải, đừng bao giờ thử ước lượng tỷ lệ thành phần bằng mắt trong pha chế cocktail cả. Bởi các thành phần sử dụng khi pha chế cocktail hầu hết đều có vị mạnh, hương nồng như rượu, thảo mộc, chất tạo mùi,… chỉ cần thiếu một chút hoặc nhiều một chút cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn hương vị của cocktail. Có rất nhiều cách và cũng có rất nhiều dụng cụ hỗ trợ cho bạn đo lường tỷ lệ một cách chính xác và nhất quán. Hãy tuân thủ công thức pha chế, sử dụng jigger và các dụng cụ đi kèm khác một cách hiệu quả, vừa giúp bạn tạo nên món cocktail chuẩn vị nhất, mà cũng vừa mang đến cho bạn dáng vẻ chuyên nghiệp, đầy ngưỡng mộ.
Thực hiện kỹ thuật Muddle sai cách
“Muddling” là kỹ thuật mô tả quá trình nghiền các thành phần hương liệu như trái cây, bạc hà, lá chanh, thảo mộc,… để chiết xuất được nước cốt, tinh dầu và chất thơm, sau đó trộn lẫn với rượu nền và các nguyên liệu phụ khác góp phần làm dậy vị cho món thức uống. Đây là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất mà bạn sẽ được đào tạo khi học nghề Bartender, tuy nhiên, đơn giản nhưng lại không hề dễ thực hiện vì có nhiều rủi ro tồn tại trong quá trình thực hiện, từ việc chọn sai dụng cụ, động tác không chuẩn cho đến dùng sai lực nghiền.
Chẳng hạn như kỹ thuật mudding cần được thực hiện với một chiếc cốc dày để không làm vỡ cốc khi nghiền hương liệu, và chọn chày dầm phù hợp, cụ thể ưu tiên loại chày dầm làm bằng gỗ, kim loại thép không gỉ hoặc loại chày có đầu bằng cao su, không nên sử dụng lưỡi sắc để không làm hương liệu bị nát hoặc đổi màu mất thẩm mỹ. Ngoài ra, khi thực hiện kỹ thuật này cũng cần Bartender phải sử dụng lực vừa đủ, canh chuẩn thời gian và điều khiển cổ tay khéo léo để tránh việc nghiền quá nhiều khiến thức uống bị đắng, chua do tinh chất tiết ra từ hương liệu trên mức cần thiết.
Không trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp trong quá trình học hỏi
Đừng chỉ tập trung vào việc học hỏi từ những Bartender đi trước, mà hãy quan sát và học hỏi cả từ những người đồng nghiệp của mình, thậm chí là từ một nhân viên phục vụ cũng có thể mang đến cho bạn rất nhiều kiến thức hữu ích. Bạn học được từ những Bartender chuyên nghiệp các bí quyết cần thiết để pha chế được món thức uống ngon nhất, đồng thời học được từ những người đồng nghiệp của mình làm thế nào để xoay xở trong một ca làm bận rộn, và cũng sẽ học được từ những nhân viên phục vụ làm thế nào để xử lý các trường hợp khách hàng khó tính. Trở thành Bartender không chỉ là pha chế thức uống mà còn là cả kinh nghiệm sống cũng như trau dồi năng lực xã hội bản thân, vậy nên hãy mở lòng để cùng đồng nghiệp của mình không ngừng phát triển trở nên tốt đẹp hơn.
Pha chế cocktail không chỉ là quá trình bạn hòa trộn tất cả các loại nguyên liệu cùng với nhau, mà còn có thể được xem như biểu diễn nghệ thuật. Bartender sẽ là người mang đến hương vị thơm ngọt và truyền tải vẻ đẹp tuyệt vời nhất của một ly cocktail đến với khách hàng của mình. Vậy nên, bạn phải tuyệt đối cẩn trong từng thao tác để đảm bảo không có bất cứ sai sót nào được phép xảy ra, dù chỉ là nhỏ nhất có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của ly cocktail.