Đã bao giờ bạn thử pha chế cà phê, tất cả mọi nguyên liệu cần thiết đều đầy đủ, cũng làm đúng theo kỹ thuật yêu cầu, thế nhưng hương vị lại không được như mong muốn chưa? Nếu đã từng xảy ra trường hợp như vậy thì nguyên nhân có thể xuất phát từ việc bạn đo lường không đúng lượng cà phê cần sử dụng đấy, và điều này sẽ khiến bạn không có được hương vị cà phê đồng nhất trong mỗi lần pha chế. Chính vì thế mà bạn cần phải biết cách làm thế nào để có thể sử dụng chính xác lượng cà phê mình cần để không làm ảnh hưởng đến chất lượng của tách cà phê thành phẩm.
[crp]
Nội dung chính
ToggleTỷ lệ vàng trong pha chế cà phê
Khi pha chế cà phê, một điều vô cùng quan trọng là bạn phải cân bằng được lượng nước với lượng cà phê ở một tỷ lệ thích hợp để có thể cho ra hương vị cà phê thành phẩm thơm ngon và chuẩn vị nhất. Với mỗi loại cà phê sử dụng, cũng như mỗi thiết bị hay kỹ thuật pha chế đều sẽ yêu cầu các mức tỷ lệ khác nhau, buộc bạn phải chủ động trong việc xác định mức tỷ lệ này.
Theo The Specialty Coffee Association (SCA), tạm dịch là Hiệp hội Cà phê Đặc Sản, là một trong ba “ông lớn” của ngành công nghiệp cà phê hảo hạng, khuyến khích sử dụng theo tỷ lệ 55 gam cà phê cho mỗi lít nước (1000 gam nước), tương đương với tỷ lệ 1:18. Tỷ lệ vàng thường được nhiều Barista cũng như những người sành uống cà phê sử dụng. Do đó, bạn hoàn toàn có thể thử áp dụng mức tỷ lệ này, hoặc điều chỉnh lại sao cho phù hợp với hương vị cà phê mong muốn của mình nhất. Chẳng hạn như nếu bạn cảm thấy tỷ lệ này quá đặc thì có thể thay đổi thành tỷ lệ 1:20, hoặc nếu bạn muốn cà phê có vị đậm hơn thì hãy thử tỷ lệ 1:15.
Một lưu ý không được bỏ qua là mức tỷ lệ vàng này chỉ được áp dụng cho các phương pháp pha chế cụ thể, cụ thể như tỷ lệ cho phương pháp pha chế cà phê nhỏ giọt thì không nên áp dụng cho phương pháp chiết xuất espresso. Hoặc nếu không, khi áp dụng chung một tỷ lệ cho tất cả loại cà phê hay kỹ thuật pha chế, thì bạn sẽ phải chấp nhận việc hương vị cà phê của mình sẽ bị thay đổi ít nhiều.
Cách đo lường lượng cà phê cần dùng
Đã là Barista thì chắc hẳn bạn sẽ phải làm quen và học thuộc nhiều công thức pha chế khác nhau, và trong những công thức đó có thể sử dụng nhiều đơn vị đo lường khác nhau như một cốc đong, một muỗng, hoặc cũng có thể là số gam cụ thể. Với mỗi đơn vị sẽ dẫn đến lượng cà phê sử dụng không đồng nhất, do vậy bạn cần phải chuyển đổi tất cả công thức về cùng đơn vị để có thể đảm bảo cho ra hương vị cà phê tương tự nhau trong mỗi lần pha chế.
Thông thường, sẽ có hai cách để bạn đo lường là theo thể tích và theo trọng lượng. Tuy nhiên, vì đo theo thể tích thường không chính xác, nên các chuyên gia cũng khuyến khích các Barista nên đo theo trọng lượng bằng cân kỹ thuật số hoặc cân cà phê chuyên dụng để đảm bảo kết quả luôn đồng nhất. Những chiếc cân này có độ chính xác cao đến từng miligam sẽ giúp có thể thuận tiện quan sát và thêm bớt lượng cà phê sao cho phù hợp nhất.
Một vài nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả đo lường
Ngoài phương pháp cân thì cũng sẽ có một vài nguyên nhân khác ảnh hưởng đến kết quả đo lượng của bạn có đảm bảo chính xác hay không. Cụ thể như:
Thìa đong: Kết quả đo lường có thể sẽ thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào kích thước lớn hay nhỏ, cũng như độ sâu hay nông của thìa đong. Rất khó để bạn có thể kiểm soát được chính xác và đồng nhất lượng cà phê cần sử dụng trong mỗi lần đong bằng thìa, điều này sẽ thể hiện rõ ràng nhất khi bạn cần pha chế cà phê theo số lượng lớn.
Cà phê hạt và cà phê xay: Cùng số cân nhưng lượng cà phê cân được giữa cà phê hạt và cà phê xay sẽ có sự chênh lệch rất lớn, do nếu là cà phê xay có kích thước nhỏ, mịn sẽ chiếm ít thể tích hơn cũng như lấp đầy khoảng trống không khí, trong khi cà phê hạt lại không được nén chặt nên số lượng cân được cũng sẽ ít hơn cà phê xay.
Độ mịn của cà phê: Tương tự như sự khác biệt giữa cà phê hạt và cà phê xay, thì cà phê được xay càng mịn sẽ càng đong được nhiều hơn so với cà phê xay thô.
Tỷ lệ trong từng phương pháp pha chế
Với mỗi kỹ thuật pha chế sẽ được áp dụng mức tỷ lệ khác nhau để đảm bảo hương vị tách cà phê thành phẩm luôn được chuẩn vị nhất.
Pour Over: Với phương pháp pha chế truyền thống này có thể sử dụng cả cà phê rang nhạt lẫn rang đậm với độ xay mịn ở mức trung bình. Thông thường, nếu bạn pha chế 2 cốc cà phê theo phương pháp này sẽ cần 22 gam cà phê xay và 400ml nước nóng, còn với số lượng lớn hơn như 6 cốc cà phê thì sẽ cần 37 gam cà phê và 672 ml nước.
Cà phê phin: Cũng tương tự như với tỷ lệ của phương pháp Pour Over, bạn có thể kiểm tra phin cà phê chứa được bao nhiêu ml hoặc ounce nước, rồi đem chia với 18 sẽ ra được lượng cà phê bạn cần sử dụng, và lưu ý nên sử dụng cà phê xay ở mức độ vừa phải để đạt được kết quả tốt nhất.
Chiết xuất espresso: Để cà phê espresso có được hương vị hoàn hảo sẽ cần đến hạt cà phê được xay rất mịn, và chiết xuất với tỷ lệ cà phê và nước là 1:2, ví dụ như để chiết xuất được 25ml cà phê sẽ cần khoảng 12 gam hạt cà phê xay.
Cold Brew: Với phương pháp Cold Brew thường sẽ được pha chế ở dạng cô đặc khi bạn sẽ phải ngâm cà phê trong nước lạnh, tùy vào hương vị cà phê mong muốn như thế nào mà bạn có thể tùy chọn thời gian ngâm từ 4-24 tiếng, sau đó lọc ra bã để chiết xuất cà phê thành phẩm. Phương pháp này thường được pha chế phổ biến với tỷ lệ 1:4 giữa cà phê và nước.
Một Barista chuyên nghiệp và một tách cà phê hoàn hảo sẽ chỉ được đảm bảo khi có được sự đồng nhất trong mỗi lần pha chế. Do vậy bạn cần phải sử dụng chính xác lượng cà phê cũng như cân bằng tỷ lệ với nước để luôn làm ra hương vị cà phê ngon nhất.