Ngành công nghiệp nhà hàng không chỉ có mức độ cạnh tranh cao, mà ngay cả nhịp độ công việc cũng vô cùng áp lực và khắc nghiệt, đòi hỏi các đầu bếp cùng nhân viên bếp luôn phải hoạt động liên tục trong nhiều giờ liền và đôi khi còn không có được khoảng thời gian trống để nghỉ ngơi. Thiếu ngủ, thời gian làm việc kéo dài, và căng thẳng về mặt tinh thần khi phải nỗ lực quản lý nhà bếp một cách hiệu quả là những lý do phổ biến hàng đầu gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của các đầu bếp. Chính vì thế mà khi đã bước chân vào ngành công nghiệp nhà hàng rồi, nhất là với nghề bếp thì bạn cần phải “bỏ túi” cho mình một vài phương pháp có thể giúp bản thân kiểm soát áp lực và giảm thiểu căng thẳng, chỉ như vậy bạn mới có thể theo nghề lâu dài được.
[crp]
Nội dung chính
ToggleHiểu rõ nguyên nhân gây căng thẳng
Bước đầu tiên để có thể kiểm soát được áp lực trong nghề bếp chính là hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng, các vấn đề tồn tại trong công việc của bạn bắt nguồn từ đâu, và điều gì đã khiến bạn cảm thấy mệt mỏi cũng như kiệt sức trong suốt thời gian qua.
Sẽ có vô vàn lý do có thể là nguyên nhân cho những căng thẳng của bạn trong nghề bếp như cường độ công việc liên tục, thường xuyên phải tiếp xúc với nhiệt độ cao và khói dầu, ngủ không đủ giấc, không có thời gian dành cho gia đình và bạn bè, hay cũng có thể xuất phát từ chính bản thân bạn do áp lực với mục tiêu mong muốn đạt được. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi này để phát hiện được đâu là nguyên nhân chính xác làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn, nhờ đó mà bạn sẽ có thể tìm được phương hướng khắc phục hiệu quả nhất.
Ăn uống đầy đủ và lành mạnh
Thật nghịch lý khi các đầu bếp là những người luôn chuẩn bị những món ăn hấp dẫn cho người khác, thế nhưng bản thân lại không có được những phút giây ăn uống ngon miệng. Cũng vì tính chất công việc của mình nên các đầu bếp thường xuyên phải ăn uống trong vội vàng, những bữa ăn “tạm bợ”, hay thậm chí là bỏ bữa.
Việc cơ thể phải hoạt động liên tục nhưng lại không được nạp đầy đủ năng lượng cần thiết là nguyên do phổ biến khiến nhiều đầu bếp phải rơi vào tình trạng kiệt sức, cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sau này. Bước vào nghề bếp cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể sẽ chấp nhận đánh đổi những bữa ăn tử tế, thế nhưng dù thế nào thì cũng hãy chắc rằng bạn vẫn dành cho bản thân chút thời gian dùng bữa, hạn chế tối đa tình trạng bỏ bữa, đồng thời lưu ý lựa chọn khẩu phần ăn sao cho đảm bảo tiếp đủ năng lượng cho bản thân để hoạt động trong suốt ngày dài.
Trò chuyện với người khác
Một trong những phương pháp hiệu quả để giải tỏa căng thẳng nhất là tìm người chia sẻ cùng, đó có thể là đồng nghiệp, người thân, bạn bè hoặc bất kỳ ai mà bạn cảm thấy tin tưởng. Chia sẻ cùng người khác sẽ cho phép bạn được giãi bày các vấn đề của mình, tránh tình trạng bị ứ đọng cảm xúc khiến cơ thể và tinh thần ngày càng trở nên mệt mỏi hơn, nhất là khi nếu giữ trong mình quá nhiều cảm xúc tiêu cực thì lâu dần sẽ có thể góp nhặt lại và biến thành tâm bệnh.
Chính vì vậy, thay vì chỉ luôn giữ mọi thứ một mình thì hãy chia sẻ chúng với người khác, cởi mở sẽ khiến bạn thoải mái và ít áp lực trong công việc hơn, thậm chí thông qua đó bạn còn có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, để chia sẻ cảm xúc bạn cũng cần phải biết cách, bởi nếu không chúng sẽ hoàn toàn phản tác dụng khi bạn có thể vô tình truyền năng lượng tiêu cực của mình cho người khác, và khi đó sẽ không thật sự có ai muốn nghe bạn trò chuyện nữa.
Dành thời gian cho bản thân
Cho dù lịch trình của bạn có dày đặc đến mấy đi nữa thì cũng hãy dành cho bản thân ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để có thể nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể. Sẽ có rất nhiều đầu bếp thường dùng thời gian này để giải tỏa căng thẳng bằng cách hút thuốc, uống rượu, hoặc thậm chí là sử dụng chất kích thích, thế nhưng những thứ này chỉ có tác dụng giải tỏa tạm thời mà thôi, trong khi tác hại của chúng lại kéo dài rất lâu về sau.
Thay vào đó, với những lúc nghỉ ngắn giữa giờ làm việc thì bạn có thể uống một cốc nước, vươn người đôi ba lần, ăn món bánh ngọt mà mình thích, hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là ngồi yên chẳng làm gì cả, chỉ cần miễn là bạn có thể để bản thân được phép “nghỉ xả hơi” sau một khoảng thời gian dài làm việc liên tục trước đó. Ngoài ra, nếu như có nhiều thời gian rảnh hơn, thì bạn có thể theo đuổi những sở thích khác của bản thân như đọc sách, chơi thể thao, hoặc ở bên gia đình và bạn bè cũng là một phương thức lý tưởng để gỡ bỏ áp lực của mình.
Nếu đã bước vào nghề bếp thì chắc hẳn bạn cũng không còn xa lạ gì với những thông tin như các đầu bếp thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia, thậm chí là cả chất kích thích và không dành nhiều thời gian cho gia đình hay bạn bè. Đó là bởi vì tính chất công việc của đầu bếp luôn đòi hỏi bạn phải đầu tư rất nhiều cả về thời gian lẫn sức lực, dần dần sẽ khiến tình trạng sức khỏe tinh thần không còn đảm bảo nữa. Do vậy, nếu bạn muốn có thể theo nghề lâu dài, thì ngoài đam mê và cả sự quyết tâm cũng cần bạn phải biết cách chăm sóc cho bản thân thật tốt để luôn duy trì sức khỏe tinh thần của mình ở điều kiện tốt nhất.