Cao cấp hơn một loại đồ uống thông thường, Cocktail được đánh giá như một nét nghệ thuật của ngành F&B. Cocktail đặc biệt thu hút nhờ những nét riêng trong cách pha chế, cách trình bày, nghệ thuật thưởng thức cũng như những ngẫu hứng tinh tế từ bàn tay tài hoa của các Bartender. Đằng sau mỗi ly Cocktail được phục vụ là một câu chuyện đầy thú vị mà không phải ai cũng biết.
[crp]
Nội dung chính
ToggleCocktail là gì?
Có nhiều định nghĩa về Cocktail, nhưng đơn giản, Cocktail là một loại đồ uống pha trộn nhiều hương vị, chứa rượu. Cocktail thường được phục vụ trong các quán bar, pub, hay đôi khi là các quầy bar tại các nhà hàng sang trọng. Người pha chế Cocktail được ưu ái đặt một cái tên riêng là Bartender. Hiện nay, nghề Bartender có mức thu nhập tương đối cao trong thị trường F&B nói chung.
Nguồn gốc của từ “Cocktail”
Để nói về nguồn gốc của cái tên “Cocktail” này, có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh cái tên gọi này. Phổ biến nhất là giai thoại về Cocktail có liên quan trực tiếp đến tên gọi của loại đồ uống này. “Cocktail” là đuôi con gà trống. Vào thời kỳ lập quốc của Mỹ, người dân thường có một thú chơi chọi gà. Trong những cuộc so tài ấy, người chủ của con gà chiến thắng sẽ được nhận cọng lông đuôi con gà thua cuộc và được đãi một chầu rượu. “On the cock’s tail” là cách người ta chúc mừng, và có lẽ cái tên này bắt nguồn từ đó.
Một câu chuyện khác cho rằng, Cocktail bắt nguồn từ Pháp, là sáng chế của một dược sĩ người Pháp ở New Orlean tên Antoine Peychaud. Dược sĩ này đã chế ra một loại đồ uống từ nước đắng và hương liệu đặt tên là “coquetier”. Dần dần theo thời gian, thuật ngữ này được phát âm chệch đi thành Cocktail như cái tên vẫn được biết đến hiện nay.
Phân loại Cocktail
Ngày càng có thêm nhiều biến tấu Cocktail khác nhau, thật khó để các Bartender và thực khách có thể có cái nhìn tổng quan về thế giới này. Thế nhưng, có một vài cách cơ bản dưới đây để phân loại Cocktail.
Theo dung tích
Short Drink: Dưới 10cl, rất nhiều rượu mạnh, không có đá và các loại trang trí (cl viết tắt của centilitre, là đơn vị đo lường SI riêng của rượu)
Long Drink: Đồ uống có pha chung các loại nước giải khát khác, có đá và hoa trang trí
Shooter: Uống bằng một hơi
Theo công thức pha chế
Sours: rượu mùi với đường và nước chanh
Batidas: rượu mùi kèm đường và trái cây tươi
Highball: rượu mùi/rượu mạnh pha chung nước giải khát khác
Theo mùi và vị
Trong Short Drink gồm Dry, Medium và Sweet
Trong Long Drink gồm Aroma, Fresh, Creamy
Theo thời gian thưởng thức
Trước bữa ăn, các loại Cocktail được thưởng thức là Aperitif, có độ cồn cao, kích thích ngon miệng, không béo không ngọt.
Trái lại, Cocktail sau bữa ăn có đặc trưng thơm, chứa thảo mộc hoặc kem sữa.
Ngoài ra, người ta còn dùng một vài loại đồ uống kích thích vị giác và tăng tỉnh táo ở bữa các bữa tiệc sang trọng.
Bên cạnh những cách phân loại trên, Cocktail còn được phân loại theo nhiều đặc thù khác như thành phần chính, cách pha chế hay mùa thưởng thức Cocktail.
Những khái niệm cơ bản khi pha chế Cocktail
Có thể bạn đang thắc mắc, có bao nhiêu loại Cocktail trên thế giới. “Không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này”, có lẽ các Bartender đã nói như vậy. Đơn giản là bởi, đa số Cocktail được tạo ra từ sự sáng tạo ngẫu hứng riêng của từng Bartender.
Tuy nhiên, sự sáng tạo nào của các Bartender cũng nằm trong khuôn khổ của bốn yếu tố cơ bản mà li Cocktail nào cũng có sau đây.
Foundation
Foundation có thể hiểu nôm na là quá trình kết hợp giữa rượu và các chất tạo làm chua hay tạo ngọt cho ly Cocktail. Đây là nền tảng làm hài hòa các nguyên liệu và tạo nên hương vị ngon nhất cho li đồ uống đặc biệt này. Chỉ khi làm tốt được Foundation, Bartender mới có thể tạo được một li Cocktail hài hòa và đặc biệt.
Các nguyên liệu được sử dụng trong Foundation bao gồm:
Rượu: gin, rum, bourbon, vodka, whisky…
Chất làm ngọt: sirup đường, mật ong, lime cordial…
Chất tạo chua: nước ép chanh, nước ép cam, nước cà chua, rượu vang trắng…
Dimension
Dimension là chiều sâu hương vị của một ly Cocktail. Sự khác biệt cốt lõi thực khách có thể cảm nhận từ hai li Cocktail được tạo nên nhờ Dimension của chúng. Để tạo nên Dimension riêng của từng loại Cocktail, Bartender có thể thêm khoảng 5,6 loại nguyên liệu như thảo mộc, trà, rau củ, trái cây… vào ly Cocktail. Các sự kết hợp này thường khá khó do các nguyên liệu khác nhau có thể hợp hay không hợp khi trộn chung với nhau. Điều này chỉ được nhận ra nhờ việc nghiên cứu và thâm niên làm nghề của các Bartender.
Một số nguyên liệu tạo Dimension có thể kể đến là:
Thảo mộc: lá xô thơm, basil, hương thảo, bạc hà…
Rau củ: cà chua, dưa leo, cà rốt…
Gia vị: hoa hồi, tiêu, muối, quế…
Trái cây: dâu, táo, đào, chanh…
Finish
Yếu tố chất lượng của ly Cocktail có thể được tạm gọi chung là Finish. Người thưởng thức nhận biết được điều này từ cảm giác khi uống và kết cấu thành phẩm của ly Cocktail. Điều này được quyết định bằng nhiều yếu tố mà quan trọng nhất thường là từ kĩ thuật khuấy lắc hay cách trang trí Cocktail. Đây cũng là lý do nhiều người hào hứng với nghệ thuật sắp đặt và trình diễn Cocktail.
Một vài nguyên liệu quen thuộc hay được sử dụng cho quá trình Finish:
Gia vị: nhục đậu khấu, quế, hoa hồi…
Thảo mộc: húng quế, bạc hà…
Vỏ trái cây: vỏ cam, vỏ chanh…
X Factor – nhân tố bí ẩn
Lý do không thể thống kê được số lượng Cocktail trên thế giới nằm ở yếu tố này: X-Factor. X-Factor, đúng như cái tên của nó, là một lý do tạo nên sự đặc trưng riêng của ly Cocktail bạn thưởng thức. Sự đặc biệt này có thể đến từ cái tên, cách pha chế, nguyên liệu đặc biệt hay cảm hứng bắt nguồn của ly Cocktail. Mức giá của Cocktail dao động mạnh cũng đến một phần lớn từ các X-Factor ẩn chứa bên trong nó.
Kết luận
Là một thức uống có lịch sử và có cá tinh riêng trong ngành F&B, Cocktail vẫn luôn được đánh giá là một loại đồ uống thú vị và cuốn hút với bất cứ ai quan tâm đến nó. Cùng với xu hướng hưởng thụ xa xỉ phẩm đang tăng lên và mức lương trung bình cao của thị trường Bartender, Cocktail hứa hẹn vẫn sẽ luôn là dòng đồ uống phát triển mạnh trong ngành F&B nói riêng và dịch vụ nói chung.
Có thể bạn quan tâm: Các loại cà phê phổ biến nhất hiện nay Trà và tất tận tật những điều cần biết về trà