Để trở thành một Bartender chuyên nghiệp đòi hỏi bạn phải có nền tảng kiến thức vững chắc cũng như kinh nghiệm thực tiễn dày dặn về pha chế. Thế giới đa dạng và phong phú của Bartender có thể sẽ khiến nhiều người hoa mắt trong thời gian đầu tìm hiểu, từ cách phân loại rượu, phân loại cocktail, làm thế nào để ghi nhớ các công thức, cho đến làm quen với tiêu chuẩn phục vụ khách hàng trong quán bar. Tuy nhiên, hãy bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, sau đó không ngừng luyện tập và phát triển để nâng cao tay nghề của mình. Bài viết giới thiệu về các kỹ thuật pha chế cocktail cơ bản mà một Bartender nên biết, bạn hoàn toàn có thể tự luyện tập và kiểm tra tại nhà để chuẩn bị nền tảng cho mình trước khi ứng tuyển vào vị trí Bartender thực sự.
[crp]
Nội dung chính
ToggleShaking (Kỹ thuật lắc)
Shaking là kỹ thuật cơ bản nhất trong pha chế cocktail dùng để hòa trộn các thành phần nguyên liệu với nhau, đồng thời cũng hỗ trợ làm lạnh thức uống và giảm độ cồn có trong rượu. Với một số công thức có thành phần là nước hoa quả, siro hay sữa, kỹ thuật này sẽ giúp các nguyên liệu không bị tách lớp mà sẽ quyện vào nhau tạo nên hương vị hấp dẫn và màu sắc đẹp mắt cho ly cocktail. Hoặc nếu bạn dùng lòng trắng trứng, kỹ thuật Shaking sẽ giúp bạn làm chín lòng trắng, để thức uống không bị ảnh hưởng bởi vị tanh của trứng, ngoài ra còn tạo một lớp bọt trắng mịn có thể trang trí cho ly cocktail thêm hấp dẫn. Đặc biệt, kỹ thuật Shaking còn được xem hình ảnh thương hiệu riêng của pha chế nói chung và của Bartender nói riêng. Khi đã thành thạo kỹ thuật này rồi, bạn có thể vừa pha chế vừa biểu diễn tung hứng cùng bình lắc để tạo ấn tượng với các khách hàng của mình.
Stirring (Kỹ thuật khuấy)
Stirring hay còn gọi là kỹ thuật khuấy, thường được áp dụng với những công thức pha chế cocktail có cùng tỉ lệ thành phần hoặc nguyên liệu chỉ toàn rượu. Không giống như kỹ thuật Shaking sẽ làm giảm độ cồn trong rượu, Stirring là kỹ thuật giúp tạo thêm độ sâu, nhấn mạnh hương vị của rượu và giữ nguyên vị cay nồng nàn vốn có cho ly cocktail đó. Kỹ thuật Stirring thường được sử dụng bằng một dụng cụ được gọi là bar spoon, là một chiếc thìa cán dài, thanh và mảnh. Khi thực hiện thao tác, thìa được đặt chạm đến đáy ly và chỉ khuấy theo chiều kim đồng hồ, trong khi khuấy phải luôn giữ thìa thẳng đứng đến khi thức uống lạnh thì ngừng, không nên khuấy lâu hơn vì như vậy sẽ làm loãng thức uống.
Building (Rót thẳng)
Building là kỹ thuật rót các thành phần nguyên liệu đã được hòa quyện với nhau vào ly rồi phục vụ cho khách. Nghe thì có vẻ đơn giản, tuy nhiên kỹ thuật này lại không chỉ có như vậy. Để thực hiện kỹ thuật Building đòi hỏi bạn phải luyện tập rất nhiều để có thể rót vào ly theo một góc thẳng đứng 90 độ mà vẫn đảm bảo thức uống không bị tung tóe ra ngoài. Dù chỉ là rót thức uống nhưng so với các kỹ thuật khác, Building cũng không hề dễ thực hiện chút nào, vì bạn phải biết cách kiểm soát lực tay của mình để vừa có thể rót thức uống một cách hoàn hảo nhất vừa thể hiện dáng vẻ chuyên nghiệp của một Bartender.
Blending (Dùng máy xay)
Blending là kỹ thuật dùng máy xay để pha chế cocktail, thường được áp dụng với các cocktail có thành phần nguyên liệu là những loại hoa quả khó vắt nước như chuối, dâu, bơ, táo,… Một lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này là bạn nên cho đá viên vào trước rồi mới đến các thành phần khác, thậm chí để cẩn thận hơn, bạn cũng có thể đập vụn đá và cắt nhỏ trái cây trước khi cho vào máy xay. Hãy bắt đầu xay từ mức độ nhẹ nhàng nhất, sau đó tăng dần lên cho đến khi đá và các nguyên liệu đều đã được xay nhuyễn hoàn toàn và quyện lẫn vào nhau. Bước cuối cùng chỉ là đổ hỗn hợp ra ly và thêm một chút trang trí để cho ly cocktail trở nên đẹp mắt hơn.
Layering (Rót rượu tầng)
Không giống như những kỹ thuật khác được áp dụng để hòa trộn các thành phần nguyên liệu vào nhau, Layering là kỹ thuật rót rượu thành từng lớp sao cho các hương vị và màu sắc của từng thành phần không bị trộn lẫn vào nhau. Với kỹ thuật này tưởng chừng như rất khó để thực hiện, nhưng thực tế thì chỉ cần bạn ghi nhớ công thức, tính chất như độ ngọt và trọng lượng của rượu để rót theo thứ tự là bạn đã có thể thực hiện được kỹ thuật này rồi. Ngoài ra, khi thực hiện Layering, bạn nên sử dụng một chiếc thìa bằng kim loại để rót từ từ các thành phần có trọng lượng riêng nhẹ hơn lên bề mặt của thành phần có trọng lượng riêng lớn hơn thay vì đổ thẳng vào ly, vì như vậy sẽ làm hỏng kỹ thuật này.
Tuy gọi đây là những kỹ thuật pha chế cocktail cơ bản, nhưng vẫn đòi hỏi bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để luyện tập cho đến khi thật thành thục, có như vậy bạn mới có thể trực tiếp làm việc tại quầy Bar được. Và ngoài 5 kỹ thuật này, để trở thành một Bartender chuyên nghiệp cũng buộc bạn phải học hỏi thêm nhiều kỹ thuật khác, và đồng thời vẫn còn rất nhiều điều để bạn khám phá trong thế giới phong phú của Bartender.