Buy Now

Tìm kiếm

Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Mới Tạo Ấn Tượng Và Được Đánh Giá Cao Hơn

  • Chia sẻ cái này:
Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Mới Tạo Ấn Tượng Và Được Đánh Giá Cao Hơn

Tạo ấn tượng tốt và được đánh giá cao trong công việc là chìa khóa rất quan trọng giúp bạn có được cơ hội thăng tiến đến những vị trí cao hơn. Đặc biệt là với những “lính mới” thì lại càng cần có ấn tượng tốt đẹp trong mắt đồng nghiệp và cấp trên để công việc được diễn ra thuận lợi. Là một đầu bếp mới vào nghề, bạn nên quan sát và tiếp thu nhiều nhất có thể, sau đó không ngừng trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết để trở thành một nhân viên đáng tin cậy và mọi người trọng dụng. 

[crp]

Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Mới Tạo Ấn Tượng Và Được Đánh Giá Cao Hơn
Được đánh giá cao trong công việc là chìa khóa rất quan trọng với những đầu bếp mới (Nguồn: Internet)

Trau dồi các kiến thức về hoạt động nhà bếp

Hiển nhiên là trong số các kỹ năng cần thiết của một đầu bếp thì kiến thức để hoạt động trong môi trường bếp vẫn là quan trọng nhất. Trở thành đầu bếp không có nghĩa là bạn chỉ chuẩn bị thức ăn thôi, mà sẽ còn liên quan đến nhiều bộ phận khác cũng nhiều đảm nhận nhiều trách nhiệm công việc hơn bạn nghĩ. Trong đó bao gồm hiểu biết về các món ăn, kỹ thuật chế biến, quy trình vận hành nhà hàng, phương pháp quản lý kho, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách phối hợp làm việc cùng mọi người. 

Kể cả khi bạn là đầu bếp mới đi nữa thì cũng sẽ không ai chấp nhận tuyển một “trang giấy trắng” vào làm cả, các nhà tuyển dụng hoặc quản lý sẽ luôn kiểm tra trước xem bạn đã biết gì về các công việc trong nhà bếp hay chưa. Do vậy, việc có được nền tảng kiến thức vững chắc về các hoạt động bên trong của một nhà bếp vừa giúp bạn có nhiều khả năng được tuyển hơn, mà cũng vừa là cơ sở đưa bạn trở thành một nhân viên đắc lực giữa mọi người trong đội ngũ đầu bếp. 

Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Mới Tạo Ấn Tượng Và Được Đánh Giá Cao Hơn
Là một đầu bếp mới vào nghề, bạn nên quan sát và tiếp thu nhiều nhất có thể (Nguồn: Internet)

Nâng cao khả năng làm việc đa nhiệm

Có thể nói khu vực bếp là một trong những môi trường làm việc vô cùng bận rộn, ngoài việc bạn phải đứng liên tục trong suốt nhiều giờ liền thì còn có thể luôn chân luôn tay không có khoảng trống nghỉ ngơi. Do vậy, đầu bếp cũng cần phải có kỹ năng làm việc đa nhiệm để đảm bảo có thể hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao. Nhất là với khả năng suy nghĩ và đưa ra quyết định nhanh chóng là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì các hoạt động trong khu vực bếp và nhà hàng luôn được diễn ra trơn tru. 

Đội ngũ đầu bếp của nhà hàng sẽ dựa vào hiệu quả làm việc của từng thành viên mà phân công cụ thể từ chuẩn bị nguyên liệu, chế biến theo công thức, phục vụ món ăn, giải quyết các đơn gọi món số lượng lớn cho đến đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của khách hàng một cách chính xác nhất. Làm việc có tổ chức sẽ là chìa khóa để bạn nâng cao khả năng đa nhiệm của mình cũng như tối đa hóa năng suất hoạt động. Sự lộn xộn trong nhà bếp sẽ chỉ làm lãng phí thời gian quý báu của bạn và mọi người mà thôi, và tất nhiên kết quả sau đó thì bạn cũng không được đánh giá cao trong mắt cấp trên nữa.

Biết cách quản lý thời gian 

Mặc dù rất nhiều đầu bếp mới xuất sắc trong nghề của họ với nền tảng kiến thức và kỹ thuật thành thục, thế nhưng đôi khi việc quá chú trọng vào kỹ năng cứng lại khiến họ quên mất cũng cần phải đầu tư cả vào kỹ năng mềm. Đứng trước khối lượng công việc như của đầu bếp, nếu bạn không cách quản lý thời gian và sắp xếp các nhiệm vụ một cách có tổ chức thì sẽ rất dễ rơi vào trạng thái quá tải và không thể kiểm soát được quy trình hoạt động. Biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân công công việc và không ngừng cải thiện kỹ năng của mình là tất cả những phẩm chất quan trọng đưa bạn trở thành người có những đóng góp giá trị trong môi trường bếp.

Khi nói đến quản lý thời gian, biết ưu tiên những gì cần thiết có thể trở thành thách thức cho những đầu bếp mới vào nghề đang trong thời gian làm quen với môi trường làm việc mới, do lúc này bạn vẫn chưa thật sự chủ động linh hoạt và dễ bối rối trước khối lượng công việc dồn dập. Thường thì theo thứ tự ưu tiên, bạn sẽ phải chú trọng đến các nhiệm vụ khẩn cấp, trong đó bao gồm sửa chữa những đơn gọi món khách hàng không hài lòng, theo dõi tình hình món ăn đang chế biến trên bếp, hoặc hoàn tất cả công việc được bàn giao từ người khác. Ngoài ra, còn một kiểu khác là những nhiệm vụ quan trọng, tức cần bạn làm nhưng không nhất thiết phải ưu tiên ngay lập tức, bao gồm dọn dẹp vệ sinh khu vực làm việc, bổ sung các nguyên liệu cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho ca làm,… và tất nhiên là không thể quên nhiệm vụ quan trọng nhất với bất kỳ đầu bếp mới nào, chính là quan sát và học hỏi từ các đầu bếp đi trước. 

Đặt câu hỏi và đưa ra đề xuất

Cuối cùng, khiêm tốn đưa ra các ý tưởng đề xuất để đóng góp vào sự phát triển của khu vực bếp cũng như hoạt động kinh doanh nhà hàng sẽ cho bếp trưởng hoặc quản lý thấy được quyết tâm và nỗ lực của bạn trong công việc này. Bên cạnh đó, cũng hãy dành một chút thời gian để tìm nguyên tắc, quy trình làm việc để đảm bảo những câu hỏi bạn đặt ra luôn đúng trọng tâm và giúp ích cho bước phát triển của bạn tại vị trí của mình. Bất kỳ người có kinh nghiệm nào cũng đều thích “lính mới” ham học hỏi, tuy nhiên nếu không có sự tìm hiểu trước, thì rất có thể câu hỏi của bạn lại làm phiền người khác khi tất cả đều là những thông tin sẵn có. Ngoài ra, bạn cũng sẽ ghi nhớ lâu hơn nếu đó là những kiến thức do bạn tự tìm tòi được. Chính vì vậy, hãy thử cố gắng tự tìm kiếm câu trả lời trước khi hỏi mọi người, vừa là để bản thân chủ động hơn và cũng vừa là để không ảnh hưởng quá nhiều đến quỹ thời gian của người khác.

Là đầu bếp mới vào nghề thì chắc chắn bạn sẽ còn cả chặng đường rất dài cần phải đi với vô vàn những thử thách và khó khăn. Thế nhưng song song đó, bạn cũng sẽ được học hỏi và thu hoạch rất nhiều điều tuyệt vời từ công việc này. Điều quan trọng hơn hết với một đầu bếp mới chính là sự kiên trì và niềm đam mê, chỉ cần giữ vững hai điều này sẽ cho bạn có được động lực để theo nghề thật lâu dài và chinh phục mục tiêu của mình.