Khi nhắc đến yếu tố mang lại chất lượng dịch vụ của một quầy Bar thì hẳn bạn có thể sẽ nghĩ ngay đến Bartender. Bởi Bartender là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, nhận đơn gọi món, pha chế đồ uống và cả duy trì bầu không khí. Tuy nhiên, thực tế thì không chỉ có Bartender mà vẫn còn một vị trí khác cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng vào trải nghiệm dịch vụ, chính là Barback. Họ không xuất hiện trực tiếp như Bartender, nhưng lại là người phụ việc đáng tin cậy của Bartender với đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết.
[crp]
Nội dung chính
ToggleBarback là công việc gì?
Vai trò của Barback trong quán bar có thể được xem như một Busser vậy (Busser: Những người phục vụ trong các nhà hàng và quán ăn). Trách nhiệm của họ là phải đảm bảo Bartender luôn có đủ mọi thứ mình cần trong quá trình pha chế thức uống như ly sạch, rượu, bia, nguyên liệu trang trí, đá viên,… để chắc chắn mang đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời, họ cũng sẽ chịu trách nhiệm giữ vệ sinh, duy trì khu vực làm việc luôn thật sạch sẽ (như lau dọn thức uống bị đánh đổ, ly vỡ,…) và nhanh chóng bổ sung nguyên liệu khi phát hiện sắp hết.
Đối với Stephanie Jones – Một cựu quản lý nhà hàng, Bartender, nhân viên phục vụ, và đồng thời cũng là người sáng lập blog Two Girls One Suitcase, chia sẻ công việc của một Barback là làm cho cuộc sống của Bartender trở nên dễ dàng hơn, đảm bảo dịch vụ hoạt động trơn tru và “làm cho trải nghiệm của khách trở nên thú vị hơn”. Cho dù đó là một vị khách hàng đang chờ đợi được Bartender phục vụ, hay các vấn đề rắc rối sau quầy Bar, thì Barback cũng đều có khả năng xử lý tất cả.
Không chỉ vậy, đối với nhiều người thì trở thành Barback còn là bước đầu tiên để trở thành một Bartender. Hầu hết các Bartender đều trải qua một quá trình làm hỗ trợ ở vị trí Barback trước khi được thăng tiến lên vị trí cao hơn. Bởi Barback là một vị trí tuyệt vời cho phép bạn được học hỏi những kiến thức chuyên sâu về pha chế cũng như dịch vụ khách hàng trước khi trực tiếp đối diện với khách hàng.
Barback đóng vai trò như thế nào trong quầy Bar?
Suzannah Gerber – Chuyên gia Tư vấn ngành Thực phẩm và Đồ uống, đồng thời là chủ sở hữu của Haven Foods, cho biết Barback là vị trí vô cùng quan trọng trong đội ngũ nhân viên quầy Bar, họ có kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn cao hơn bất kỳ nhân viên phục vụ nào.
Cụ thể “Barback luôn phải túc trực và theo dõi hàng hóa cũng như số lượng tồn kho trong suốt quá trình phục vụ, đồng thời quan sát bao quát tình hình các đơn đặt hàng và toàn bộ quá trình pha chế của Bartender để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, Barback cũng phải có một thể trạng sức khỏe tốt để mang vác các vật nặng như thùng đá, và biết cách sửa chữa các loại vòi hoặc máy móc bị hỏng một cách nhanh chóng để không làm ảnh hưởng đến dây chuyền hoạt động của quán bar. Một Barback đa năng cũng góp phần làm nên sự khác biệt cho quán bar và gây ấn tượng tích cực trong trải nghiệm khách hàng.”
Tùy vào mỗi quán bar mà Barback sẽ có trách nhiệm khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung đều sẽ đảm nhận những công việc bao gồm: Dọn dẹp sắp xếp (Vệ sinh quầy bar, làm sạch ly, đĩa và các vật dụng pha chế, đổ rác và tái chế trong quá trình sử dụng, lau dọn vị trí chỗ ngồi của khách,…); Theo dõi hàng hóa (Đảm bảo có đủ số lượng và chất lượng nguyên liệu cho quầy bar, thực hiện sơ chế trái cây và các nguyên liệu khác, làm đầy thùng đá, chuẩn bị khăn lau cho mỗi Bartender, bảo quản rượu đúng cách,…); Hỗ trợ Bartender phục vụ khách hàng (Nhận order, trang trí thức uống sau khi Bartender pha chế xong, tư vấn và giải đáp các thắc mắc của khách hàng,…); Cùng một số nhiệm vụ khác (Liên lạc với bộ phận an ninh khi có sự cố xảy ra, tham gia các cuộc họp bộ phận hoặc các chương trình đào tạo,…).
Mất bao lâu để thăng tiến từ vị trí Barback lên Bartender?
Mặc dù không có mốc thời gian chính xác để trở thành một Bartender, nhưng nhìn chung tại các quán bar, bạn đều sẽ phải bắt đầu từ vị trí học việc trong khoảng 3-6 tháng trước khi trở thành một Barback, quá trình này yêu cầu bạn học hỏi các kiến thức về pha chế và xây dựng nền tảng cơ bản cho mình. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục từ vị trí Barback trong khoảng 12-16 tháng để trở thành một Bartender, khoảng thời gian này vừa đủ cho phép bạn học hỏi kinh nghiệm từ các Bartender đi trước, làm quen với thực đơn cũng như hiểu rõ quy trình và cách thức chăm sóc khách hàng.
Thực tế thì hầu hết các Bartender đều có thể mất đến một năm để đạt được vị trí như hiện tại, bạn sẽ cần phải học hỏi thêm rất nhiều cho đến khi bạn đủ giỏi để tiến lên vị trí cao hơn. Nhất là nếu bạn may mắn tìm được cơ hội làm việc trong một quán bar có tiếng hoặc một khách sạn cao cấp thì sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa. Đừng vội vàng thăng tiến ngay cả khi bạn cảm thấy bản thân đã sẵn sàng và có đủ tự tin để đảm nhận trách nhiệm trong vai trò mới, bởi sẽ không có quá trình học hỏi nào là dư thừa cả, trừ khi bạn thật sự có tiềm năng phát triển vượt bậc và được Bar trưởng hoặc Quản lý đề bạt.
Trở thành Bartender là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai có niềm đam mê và muốn theo đuổi nghề pha chế. Thế nhưng bất cứ công việc nào cũng vậy, bạn sẽ phải bắt đầu bước đi từ vị trí cơ bản nhất cho đến khi có đủ kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn để đạt được vị trí mà mình hằng mong ước. Barback là vị trí tuyệt vời cho phép bạn được học hỏi tất cả những kỹ năng cũng như kinh nghiệm thực tế cần thiết từ những Bartender đi trước để xây dựng nền tảng cho mình trước khi đảm nhận vai trò tương đương.