Sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà hàng, quán bar, pub hiện nay khiến nhu cầu tuyển dụng pha chế tăng cao. Nghề pha chế nói chung và Bartender nói riêng được đánh giá có mức thu nhập tương đối ổn định, đủ để trang trải cuộc sống, là cơ hội cho các bạn trẻ đam mê ngành F&B. Tuy nhiên, đâu là hướng đi lâu dài cho công việc trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn này?
[crp]
Nội dung chính
ToggleHiểu rõ hơn về nghề Bartender
Bartender là thuật ngữ để chỉ những người làm công việc pha chế đồ có cồn. Các Bartender thường làm việc ở các nhà hàng, quán bar, pub, quầy rượu của các khách sạn hay các địa điểm tổ chức sự kiện có phục vụ đồ uống cồn. Công việc chính của Bartender là pha chế đồ uống như cocktail, mocktail… từ các loại rượu, đồ uống, hương liệu và trái cây khác.
Bartender không chỉ là nghề pha chế mà còn là một nghệ thuật của đồ uống. Thông qua từng món đồ uống, từng phương thức pha chế, Bartender giống như một người kể chuyện về lịch sử, nguồn gốc, những giai thoại đằng sau từng hương vị. Ngoài ra, khả năng tương tác với khách hàng từ nghệ thuật trình diễn pha chế (Flair Bartending) đến cách trò chuyện, nắm bắt tâm lý khách hàng bên quầy bar cũng tạo nên giá trị riêng có.
Một điều khác cần lưu ý, Bartender và Barista là hai khái niệm khác nhau. Nếu Barista gắn với hạt cà phê và các món đồ uống không cồn thì Bartender lại là người nghệ sỹ của các món đồ màu sắc bắt mắt có cồn.
Lộ trình phát triển của nghề Bartender
Giống như nhiều nghề khác trong chung ngành dịch vụ, Bartender từ khi mới bắt đầu, đều xuất phát điểm từ những vị trí thấp nhất như Phụ bar, tạp vụ. Tại các vị trí này, các bạn trẻ được rèn luyện kĩ năng pha chế, tiếp xúc, giao tiếp với khách hàng cũng như học hỏi từ những người đi trước trong quầy bar.
Nếu theo lộ trình phát triển tại một cơ sở kinh doanh nhất định, các Bartender có thể tiến dần lên theo con đường tương đối rõ ràng: Phụ bar – Bartender – Bar trưởng – Giám sát đồ uống – Quản lý đồ uống – Quản lý bar/nhà hàng. Mỗi vị trí có những đặc thù khác nhau, cần các kỹ năng, kinh nghiệm khác nhau.
Ở các vị trí từ Bar trưởng đến Quản lý đồ uống, có cơ hội thử sức với nhiều công việc hơn bên cạnh pha chế. Vừa tiếp tục được dành thời gian trực tiếp ở bar, các bạn ở vị trí này bên cạnh nâng cao năng lực về chuyên môn về pha chế, là các công tác quản lý, quản trị nhân sự cũng như nâng cao chuyên môn ẩm thực.
Vị trí Quản lý bar/nhà hàng lại là một vị trí đặc thù hơn và yêu cầu nhiều kĩ năng, tố chất hơn từ các Bartender. Không chỉ dừng lại ở công việc tại quầy bar, các nhân sự ở vị trí này còn phải quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề vận hành tại cơ sở kinh doanh. Tất nhiên, mức lương của các Quản lý bar/nhà hàng cũng cao hơn nhiều, có thể lên đến 25 triệu/tháng tùy từng nơi.
Nếu quyết định phát triển theo chiều ngang của nghề, Bartender cũng có nhiều lựa chọn để phát triển bản thân và nâng cao thu nhập. Các bạn trẻ đi theo hướng này thường tập trung luyện tập nâng cao khả năng chuyên môn trong đồ uống có cồn, từ kĩ thuật pha chế đến sáng tạo công thức các món đồ uống mới.
Flair Bartending (trình diễn pha chế) cũng là một kỹ năng kiếm ra tiền cho các bạn nhân viên. Bên cạnh đó, nghiên cứu và phát triển để sáng tạo các món đồ uống mới là điều không ít Bartender theo đuổi. Tìm kiếm các cơ hội làm việc tại nước ngoài cũng là lựa chọn nâng cao thu nhập đáng kể của nhiều Bartender.
Những kĩ năng, tố chất cần có để đi lâu dài trong nghề
Dù là trong lĩnh vực nào, tất nhiên, để có thể tiến xa, ở lại lâu dài trong nghề, các nhân sự đều cần tự mình phát triển các kĩ năng, tố chất cần thiết để nắm bắt cơ hội. Nghề Bartender cũng vậy.
Kỹ năng chuyên môn vững vàng
Kỹ thuật pha chế chính xác, hiểu biết về các loại rượu cũng như các kỹ thuật, nguyên tắc phối trộn căn bản đều là những điều tối thiểu một Bartender cần biết khi làm công việc pha chế. Điều này có thể được cải thiện từ các khóa học chuyên biệt hay thông qua kinh nghiệm làm việc, học hỏi.
Trong suốt thời gian làm việc, các Bartender cũng cần luyện cho mình thói quen luôn luôn tìm tòi, cập nhật những thay đổi mới trong ngành để có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt nhất
Đam mê sáng tạo
Nghệ thuật của cocktail, mocktail là cái ngon của một ly đồ uống đôi khi đến từ những sự tinh tế biến tấu của chính mỗi người nhân viên pha chế. Và bởi vậy, sự nhạy bén cũng như khả năng sáng tạo trong nghề là một tố chất của các Bartender tài năng.
Bởi vậy, chỉ khi đam mê sáng tạo là một điều đã có sẵn trong máu, các Bartender mới thực sự đủ sức và đủ tầm để sống sót trong nghề nhiều năm. Cái ngon của những li cocktail đôi khi không chỉ đến từ sự hòa trộn các yếu tố mà còn đến từ nghệ thuật kể các câu chuyện qua hương vị của Bartender.
Kỹ năng giao tiếp tốt
Một li cocktail không chỉ ngon ở hương vị của nó mà còn ở câu chuyện ẩn chứa đằng sau. Thực khách say sưa với những giai thoại, câu chuyện, bí mật, nguồn gốc tạo nên của những loại hương vị hay những kỉ niệm, câu chuyện bên li cocktail. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được khi Bartender thực sự là một người giao tiếp tốt.
Một Bartender tốt là một người có thể nắm bắt tâm lý khách hàng và trò chuyện với họ bên bàn bar. Đôi khi khách hàng bước vào quán không để mua một món đồ uống. Họ tìm kiếm một không gian, một trải nghiệm không phải nơi nào cũng có thể tìm thấy.
Tận tâm và có trách nhiệm
Làm dịch vụ, không tận tâm và có trách nhiệm, bạn là một người nhân viên tồi. Đó là một nguyên tắc không thay đổi. Khi quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thực hiện trực tiếp đồng thời, các nhân viên làm việc trong ngành dịch vụ cần luôn giữ cho mình tâm thế tôn trọng khách hàng, luôn luôn làm tốt nhất trong khả năng có thể của mình để cung cấp những giá trị tốt nhất cho khách hàng. Bởi vì, bạn hầu như không có cơ hội để sửa sai.
KẾT
Mỗi nghề mỗi nghiệp lại có những đặc điểm, tính chất khác nhau, tạo nên sự hấp dẫn cũng như áp lực khi theo đuổi. Nghề Bartender cũng vậy. Có thể nói, đây là một ngành nghề có cơ hội làm việc tương đối rộng mở và con đường sự nghiệp tương đối rõ ràng, đủ tốt để trang trải cuộc sống ở mức trung bình khá hiện nay. Nếu bạn đã trót yêu công việc này, hãy nỗ lực, tận tâm, thành công sẽ tìm đến với những người đủ xứng đáng.
Có thể bạn quan tâm: Xây dựng tiêu chí đánh giá nhân viên mới Lên thực đơn Catering - những lưu ý kiểm soát chi phí, tránh lãng phí