Buy Now

Tìm kiếm

5 Lưu ý khi thiết kế bếp nhà hàng

  • Chia sẻ cái này:
5 Lưu ý khi thiết kế bếp nhà hàng

Căn bếp giống như linh hồn của một nhà hàng. Thiết kế bếp nhà hàng vừa hợp lý vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng và bảo trì là một bài toán khó của không ít những chủ đầu tư mới. Bên cạnh lựa chọn đơn vị thiết kế chuyên nghiệp, xây dựng kế hoạch bài bản, hiểu và thực hiện theo những lưu ý quan trọng dưới đây cũng khiến việc thiết kế bếp nhà hàng của bạn trở nên dễ dàng hơn.

[crp]

Thiết kế bếp nhà hàng dựa trên thực đơn

Bếp sinh ra nhằm mục đích chế biến đồ ăn và phục vụ thực khách những món ăn ngon nhất, chất lượng nhất. Bởi vậy, thực đơn là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thiết kế bếp nhà hàng.

Thực đơn khác nhau yêu cầu thiết kế bếp khác nhau

Các nhà hàng với quy mô, định hướng khác nhau sẽ xây dựng cho mình một nhóm thực đơn khác nhau. Không gian nhà hàng chịu ảnh hưởng bởi phương thức chế biến, nhóm nguyên vật liệu và cung cách phục vụ khác nhau. Một nhà hàng phục vụ món ngọt cần một căn bếp không giống với một nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh. Ví dụ, hệ thống tủ đông lạnh trong các nhà hàng đồ ngọt không lớn, đồ sộ như các nhà hàng món mặn do đặc thù không sử dụng thực phẩm sống cần cấp đông. Chính vì thế, khu vực kho chứa nguyên liệu của hai nhà hàng này sẽ không giống nhau.

Cân đối diện tích bếp nhà hàng dựa trên quy mô hoạt động

Thiết kế bếp nhà hàng theo quy mô xây dựng

Một nhà hàng nhỏ không cần một căn bếp quá lớn và ngược lại. Bố trí không gian không phù hợp ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khách hàng và chất lượng dịch vụ. Cân đối diện tích bếp theo quy mô là một tiêu chí quan trọng chủ đầu tư cần để tâm ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu.

Trước khi chốt duyệt bản vẽ thiết kế bếp nhà hàng, các quán nên cân nhắc các vấn đề sau đây:

  • Dự tính lưu lượng khách hàng trung bình của nhà hàng theo thực đơn, khu vực và ghế ngồi dự kiến là bao nhiêu?
  • Các phân khu tối thiểu cần có cho lưu lượng khách này là bao nhiêu?
  • Danh sách các vật dụng cần thiết mua và không gian cần cho chúng là như thế nào?
  • Trong danh sách nguyên vật liệu nhà hàng bạn có món nào cần công đoạn chế biến hay bảo quản nào đặc biệt phức tạp không?

Dựa trên các đánh giá này sẽ giúp chủ nhà hàng có được hình dung chân thực nhất về căn bếp nhà hàng của mình, từ đó, thiết kế những khoảng bếp nhà hàng phù hợp và tiết kiệm nhất.

Phân khu hợp lý và đảm bảo an toàn vệ sinh

Thiết kế bếp nhà hàng tùy từng quy mô, diện tích và hình dạng khác nhau sẽ không giống nhau hoàn toàn. Tuy vậy, đa số các nhà hàng, đặc biệt là nhà hàng phục vụ chọn món hiện nay, hoạt động với các phân khu quan trọng: kho bảo quản, khu sơ chế, gia công, trình bày thức ăn và ra đồ, rửa bát và diệt khuẩn. Việc sắp xếp các phân khu này phù hợp với không gian, thói quen cũng như hợp lý với quy trình làm việc trong nhà hàng là cực kỳ quan trọng.

Sắp xếp phân khu hợp lí hỗ trợ vận hành trơn tru hơn

Không gian bếp phải đáp ứng được tần suất hoạt động liên tục để món ăn luôn luôn nóng hổi, đủ khả năng phục vụ số lượng đơn hàng lớn. Bởi vậy, sắp xếp từng khu làm việc hợp lí để các công đoạn được liên tục là yêu cầu nhiều nhà hàng cần đáp ứng. Một số nguyên tắc đơn giản nếu áp dụng được sẽ khiến cơ sở kinh doanh hoạt động tốt hơn:

  • Khu vực sơ chế nằm gần bồn chậu rửa và thớt thái đồ
  • Khu gia công gần bàn chờ chế biến, nằm trong tầm tay của bếp chính chế biến
  • Khu trình bày thức ăn và ra đồ thoáng, rộng và gần cửa nối trực tiếp ra khu vực bàn ăn của khách hàng nhất

Tất nhiên, việc sắp xếp này còn tùy biến dựa trên không gian, cơ sở vật chất có sẵn, nhu cầu phục vụ của nhà hàng cũng như các yêu cầu đặc biệt của bếp trưởng.

Lập danh sách dụng cụ và thiết bị cần thiết trước khi xây dựng

Lên kế hoạch chi tiêu từ đầu không chỉ hỗ trợ kiểm soát chi phí mà còn tránh được tình huống mua nhầm máy móc, thiết bị không phù hợp với không gian bếp.

Dựa trên ước chừng về số lượng khách và các yêu cầu về thực đơn, chủ nhà hàng cùng bếp trưởng nên cùng lên danh sách các thiết bị cần thiết, chi tiết về loại hình, mẫu mã, thương hiệu cũng như kích thước của sản phẩm. Cầm danh sách này trong tay, chủ nhà hàng không chỉ tiết kiệm được thời gian chọn lựa, tận dụng được ưu đãi khi mua từ cùng một cơ sở cung cấp mà còn hạn chế những rắc rối không đáng có với căn bếp. Việc sửa chữa nội thất nhà hàng tốn một chi phí không hề nhỏ và cũng làm gián đoạn hoạt động vận hành. Hơn thế, tính thẩm mỹ không cao từ việc sửa chữa chắp vá căn bếp cũng làm giảm cảm hứng làm việc của các đầu bếp.

Xây dựng hệ thống hỗ trợ hoàn hảo

Hệ thống ánh sáng, ga, điện, nước, hút mùi… không trực tiếp tham gia vào quá trình chế biến món ăn nhưng cũng cần được chú trọng khi thiết kế bếp nhà hàng. Các hệ thống này trong nhà hàng đôi khi không hoạt động giống nhà ở bình thường, dựa vào số lượng máy móc và yêu cầu của từng loại.

Ánh sáng, ga, điện nước... cần được bố trí hợp lí ngay từ khâu thiết kế bếp ban đầu

Ánh sáng trong nhà hàng cần là ánh sáng trắng, đủ mạnh để quan sát được màu sắc thực phẩm cũng như kiểm soát các bước chế biến món ăn. Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống ga ổn định và an toàn là một tiêu chí bắt buộc. Chủ nhà hàng cũng nên sắp xếp lịch kiểm tra định kì hệ thống ga để đảm bảo an toàn chung.

Ngoài ra, lắp đặt các máy thông khí và hút mùi hợp lý cũng hỗ trợ công việc vận hành trong bếp nhà hàng. Áp lực làm việc cũng sẽ thay đổi tích cực nhờ vào bầu không khí làm việc thoải mái, dễ chịu.

KẾT

Khoản chi cho xây dựng và hoàn thiện nhà bếp thường chiếm một phần không nhỏ trong chi phí cố định dành của một nhà hàng. Bởi vậy, thiết kế bếp nhà hàng sao cho hợp lí mà vẫn tiết kiệm được chi phí là một công việc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho công việc kinh doanh này. Ngoài những lưu ý căn bản trên, chủ nhà hàng có thể lựa chọn thuê một mặt bằng có bếp cũ từ trước, mời đơn vị tư vấn thiết kế, tham khảo các nhà hàng khác… để ra quyết định tốt nhất cho bản thiết kế bếp nhà hàng ưng ý nhất dành cho cơ sở kinh doanh của mình.

Có thể bạn quan tâm:
Tổng hợp 25++ món nước phổ biến có trong menu mọi quán cà phê
Phong thủy quán cafe và những điểm cần lưu ý